RCEP
nói với chúng ta điều gì về địa chính trị khu vực và thế giới
Huỳnh Minh Triết - Luật
Khoa
.
RCEP
thắng lợi gần như trọn vẹn của Trung Quốc
Thanh Hà
- RFI
==================================================
RCEP
nói với chúng ta điều gì về địa chính trị khu vực và thế giới
Huỳnh Minh Triết - Luật
Khoa
18/11/2020
https://www.luatkhoa.org/2020/11/rcep-noi-voi-chung-ta-dieu-gi-ve-dia-chinh-tri-khu-vuc-va-the-gioi/
Các chuyên gia thế giới
không nhất thiết đồng thuận với nhau về ảnh hưởng của RCEP, nhưng ít ai hoài
nghi hai điều: thế giới
không chờ được Mỹ, và Trung Quốc đang dần lấp vào chỗ trống Mỹ để lại.
Toàn cảnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực
(RCEP). Ảnh gốc: Mahanakorn Partners Group. Việt hóa: Luật Khoa.
Hôm 15/11, Trung Quốc
cùng với 10 nước ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand đã ký Hiệp định Đối
tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Đây là hiệp định thương mại
tự do (FTA) lớn nhất thế giới, bao phủ một phần ba dân số và 30% GDP toàn cầu.
Một số người xem thỏa thuận
này như một chiến thắng áp đảo của Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ thoái lui khỏi Hiệp
định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay là CPTPP) – thỏa thuận mà chính
quyền Barack Obama thiết kế để kiềm tỏa Trung Quốc. Nhưng không phải ai cũng đồng
ý như vậy.
Chiến thắng gần
như trọn vẹn của Trung Quốc
Trong lễ ký qua mạng, Thủ
tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hoan
nghênh RCEP là “hy vọng giữa những đám mây mù” trong bối cảnh toàn cầu
hiện nay. Ông cũng tuyên bố đây là “chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và
thương mại tự do”, một ám chỉ rành rành đến việc chính quyền của Tổng thống Mỹ
Donald Trump rút khỏi các định chế quốc tế.
Đây là thỏa thuận thương
mại đa phương đầu tiên của Trung Quốc, được một số nhà quan sát gọi là “cú
lật bàn” của Bắc Kinh đối với Washington về vị thế thống trị trong khu vực.
“Thông điệp ngoại giao của
RCEP cũng quan trọng y như về kinh tế – một cú đảo chính của Trung Quốc” – các
nhà phân tích của Citi Research viết trong báo cáo hôm Chủ nhật.
Báo cáo chỉ ra rằng thỏa
thuận đã “xua tan định kiến rằng Trung Quốc đang co cụm vào bên trong” với chiến
lược tập trung vào thị trường nội địa. Ngoài ra, RCEP còn cho thấy các nền kinh
tế châu Á – Thái Bình Dương (TBD) không muốn phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc
về chính sách kinh tế. Thậm chí, các đồng minh quốc phòng chặt chẽ của Mỹ như
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đặt bút ký thỏa thuận này với Trung Quốc, báo cáo của Citi
Research viết.
Trên tờ Thời báo Hoàn Cầu,
“cái loa” đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giáo sư Thành Hán Bình,
nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Nam
Kinh thẳng thừng
nói RCEP ” là một
đòn giáng mạnh vào chính quyền Trump, vốn đã thổi phồng những xung đột thương mại
bằng mọi giá.”
Một số nhà phân tích độc
lập cũng cho rằng RCEP giúp đóng đinh ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực, trong bối
cảnh các nước chưa rõ tân chính quyền Mỹ của Joe Biden sẽ hành xử như thế nào.
Tờ RFI liệt kê năm
chiến thắng của Bắc Kinh sau thỏa thuận này, dù chưa trọn vẹn vì Ấn Độ
rút lui vào năm 2019 do e ngại thị trường tràn ngập hàng giá rẻ Trung Quốc sẽ
phá hủy ngành sản xuất nội địa.
“Bất chấp những nỗ lực cho đến tận những
ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump để thuyết phục các đồng
minh châu Á đoàn kết trước mối đe dọa Trung Quốc, hai thành viên của Bộ tứ Kim
cương (nhóm QUAD) là Nhật và Úc đã hưởng ứng sáng kiến của Trung Quốc, ký kết
vào một hiệp định vốn được khởi xướng để làm đối trọng với TPP”, tờ báo viết.
Thủ tướng Trung Quốc
Lý Khắc Cường (đứng), khi Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn ký hiệp ước RCEP hôm
15/11/2020. Ảnh: AFP.
.
Lợi ích chiến lược
áp đảo lợi ích kinh tế
Khác với phiên bản TPP còn Mỹ, khi Việt Nam thường xuyên được tung hô
là nước “được lợi nhiều nhất”, thì trong RCEP, các nền kinh tế lớn như Trung Quốc
mới được lợi nhiều nhất.
Nhưng mặc dù là thỏa thuận
FTA lớn nhất thế giới, RCEP được đánh giá là ít tham vọng và hạn chế hơn nhiều
so với TPP. Thuế quan giữa các thành viên vốn đã ít nhờ nhiều thỏa thuận song
phương hoặc đa phương từ trước. Tuy vậy, thỏa thuận khổng lồ này đặt nền tảng
cho sự hợp tác sâu hơn giữa các nước thành viên trong tương lai, đặc biệt là những
nước chưa có thỏa thuận thương mại với nhau như Trung Quốc và Nhật Bản hay Hàn
Quốc, Siom
Baptist, kinh tế gia trưởng tại The Economist Intelligence Unit nhận định.
RCEP cũng được đánh giá
là không
thể giúp Bắc Kinh bù đắp được tổn hại do chiến tranh thương mại với Mỹ
gây ra.
He Weiwen, cựu quan chức
Bộ Thương mại Trung Quốc, một chuyên gia chính sách thương mại Trung Quốc nổi
tiếng, nói rằng dù sao thỏa thuận này vẫn đại diện cho một bước tiến lớn về
phía trước.
“RCEP, nhờ quy mô của mình, chắc chắn sẽ đóng góp
cho nền thương mại tự do thế giới”, ông He nói.
Mary
Lovely, một chuyên gia cấp cao tại
Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson tại Washington, cho rằng, với rào cản
thuế quan thấp hơn, thỏa thuận này có thể khuyến khích các công ty quốc tế đang
muốn tránh tổn thất từ cuộc chiến thương mại của ông Trump đối với hàng hóa sản
xuất tại Trung Quốc, tiếp tục sản xuất tại châu Á hơn là phải chuyển về Bắc Mỹ.
“RCEP giúp các công ty quốc tế linh hoạt hơn trong
việc luồn lách giữa hai cường quốc kinh tế đang gây chiến với nhau” bà Lovely nói. “Mức thuế thấp hơn trong khu vực
tăng cường giá trị của việc hợp tác trong châu Á, trong khi các quy định giống
nhau về nguồn gốc xuất xứ giúp họ dễ rút khâu sản xuất khỏi Trung Quốc đại lục,
nhưng vẫn được tiếp cận thị trường này như cũ”.
Hơn thế, RCEP được đánh
giá là một chiến thắng địa chính trị quan trọng của Bắc Kinh.
Deborah
Elms, giám đốc Trung tâm
Thương mại Châu Á tại Singapore, nói rằng, với RCEP, khi “ván đã đóng thuyền”,
ASEAN khó mà cưỡng lại sức mạnh của Trung Quốc, đặc biệt là khi không còn Mỹ
hay một cường quốc kinh tế nào có thể can thiệp, bênh vực cho các bên yếu thế
hơn.
Tờ Time nhận định mặc dù thỏa thuận này có tính
biểu tượng nhiều hơn là cân lượng, nhưng nó là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy sức mạnh Trung Quốc
đang lớn lên và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á – TBD đang suy tàn. Thậm
chí, các đồng minh hiệp ước của Mỹ như Nhật, Hàn, Úc đều tham gia thương lượng
với Trung Quốc khi thiếu vắng một giải pháp kinh tế thay thế.
.
Một ASEAN khôn
ngoan hơn
Viện Brookings của Mỹ lại
có một góc nhìn khác.
Hai nhà phân tích của
think tank này, Peter Petri và Michael Plummer, cho
rằng RCEP thường bị gọi sai là thỏa thuận “do Trung Quốc dẫn dắt”. Thực
ra, đó là “chiến thắng của đường lối ngoại giao trung dung của ASEAN”. Theo hai
tác giả, Đông Nam Á sẽ có được lợi ích to lớn, tăng GDP 19 tỷ USD mỗi năm cho đến
năm 2030, dù ít hơn các nước Đông Bắc Á khác bởi vì các nước này đã có các thỏa
thuận thương mại tự do với các nước trong khối.
Theo bài viết của Viện
Brookings, ASEAN, chứ không phải Trung Quốc hay Nhật Bản, mới là kiến trúc sư về
mặt chính trị để dự án RCEP thành công. “Nếu không có ASEAN ở trung tâm, RCEP
có thể không bao giờ có thể bắt đầu”, báo cáo viết.
RCEP giúp Trung Quốc củng
cố mối quan hệ với các láng giềng châu Á sau tám năm đàm phán “theo cách của
ASEAN”, thường được mô tả là chậm chạp nhưng linh hoạt. Tám năm cũng là thời
gian xứng đáng để các nước nhỏ, yếu thế hơn xác định được vị trí cân bằng và
tìm được lợi ích trước một Trung Quốc lọc lõi. Sự ra đời của RCEP đánh dấu cho
thành công của quá trình mà Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mohamed Azmin Ali gọi
là “đàm
phán bằng máu, mồ hôi và nước mắt”.
Việc các nước quyết định ký RCEP ngay sau cuộc bầu cử đánh dấu sự kết
thúc của chính quyền Trump cũng là một nước đi chiến lược.
Plummer nói ông
hy vọng sự tồn tại của RCEP sẽ là động lực để Mỹ xây dựng lại các mối quan hệ ở
khu vực. “Nếu không, ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ
tiếp tục tăng mạnh, và Mỹ sẽ bị một khu vực kinh tế hứa hẹn nhất thế giới gạt
ra rìa”.
Tuy vậy, giáo sư Petri của
Đại học Brandeis, Boston – Hoa Kỳ, cảnh báo trên tờ SCMP rằng RCEP có thể trở
thành công cụ để Bắc Kinh xây dựng mô hình và trật tự thương mại tại châu Á
trong tương lai.
Những người hoài
nghi
Nói với BBC
Tiếng Việt, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Phòng Thương
mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng việc Việt Nam ký RCEP có nhiều lợi
ích, nhưng chính vì thế lại đáng lo.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/11/pham-chi-lan.jpg
Bà Phạm Chi Lan. Ảnh:
Infonet.
Theo bà, việc Việt Nam
gia nhập một thỏa thuận dễ dãi hơn so với TPP, sẽ khiến nước ta mất động lực phải
cố gắng đổi mới, tạo giá trị, cũng như thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
“Tôi đặt câu hỏi ra là sự dễ dãi, dễ
tính đó có giúp cho Việt Nam về dài hạn hay không, hay là vì ham làm với những
thị trường dễ tính mà các doanh nghiệp Việt Nam, các ngành kinh tế, công nghiệp,
nông nghiệp v.v… của Việt Nam sẽ không chịu đầu tư nghiêm túc để vươn lên làm
những sản phẩm đạt chuẩn mực cao hơn của các thị trường khó tính hơn như EU,
như Hoa Kỳ, như Nhật Bản, để từ đó nâng cấp bền vững, lâu dài các ngành xuất khẩu
của mình, thay vì là chỉ cứ làm gia công mãi, hoặc là làm những sản phẩm với
giá trị gia tăng rất thấp.”
Deborah Elms, nhà phân tích, sáng lập viên của Trung tâm Thương mại Châu Á, nói
rằng RCEP không phải là quân bài thay đổi cuộc chơi cho Trung Quốc, bởi
vì Trung Quốc vốn đã là đối tác thương mại lớn nhất nhì đối với mỗi nước khác
trong khu vực. Tuy vậy, bà vẫn thừa nhận lợi ích kinh tế trong tương lai của thỏa
thuận này.
Ngoài ra, theo bà, thỏa
thuận này cũng sẽ khiến các nhà chiến lược Mỹ-Âu phải để ý, bởi các doanh nghiệp
của họ sẽ bỏ lỡ các cơ hội mà các công ty hoạt động trong RCEP sẽ được hưởng,
như “miễn thuế hoặc thuế thấp, dễ dàng tiếp cận dịch vụ và tăng cường bảo vệ
các khoản đầu tư”.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, tuy
đặt bút ký gia nhập RCEP, nhưng không đánh giá cao thỏa thuận này cho lắm.
“Sẽ có tung hô và ca ngợi về lễ ký và khi RCEP bắt đầu
có hiệu lực. Nhưng theo tôi RCEP là một thỏa thuận thương mại có tham vọng rất
thấp. Chúng ta không nên tự lừa dối bản thân”, ông nói.
Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống
Joe Biden đã tích cực cổ súy cho TPP. Nay sau khi đắc cử tổng thống, Biden nói ông cần phải giải quyết các vấn
đề nội bộ của nước Mỹ trước khi ký bất kỳ một thỏa thuận quốc tế lớn nào. Ảnh:
AP.
Người Mỹ từng coi
thường, và giờ phải coi chừng
Để hiểu RCEP có ý nghĩa
thế nào với Mỹ, ta cần nhìn lại con cá lớn đã tuột mất: TPP, hay Hiệp ước Đối
tác Xuyên Thái Bình Dương.
TPP là nhân vật chính của nỗ lực xoay
trục sang châu Á của Tổng thống Barack Obama. Đây là giải pháp được thiết kế để đối trọng với sức ảnh hưởng ngày càng
tăng của Trung Quốc bằng cách tăng cường hợp tác kinh tế với các đồng minh
trong khu vực. TPP bao hàm
một loạt các quy định về môi trường, nhân quyền, sở hữu trí tuệ, lao động nhằm
khuyến khích các nước thành viên nỗ lực đi vào quỹ đạo của Mỹ. Ngoài ra,
giới chức Mỹ cũng hy vọng khi có đủ các đối tác lớn của Trung Quốc trong khu vực
tham gia TPP, Trung Quốc cũng sẽ buộc phải tham gia thỏa thuận này và tuân thủ
theo luật chơi mà Mỹ đặt ra.
Khi cả TPP và RCEP đang
được đàm phán, các quan chức Mỹ nhanh chóng coi
thường RCEP là một thỏa thuận kém cỏi, chỉ tập trung vào thuế và các
biện pháp thúc đẩy thương mại lạc hậu, trái ngược với TPP – thỏa thuận bao gồm
các tiêu chuẩn cao về môi trường, lao động và các quy tắc đối với doanh nghiệp
nhà nước.
Nhưng với việc Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi TPP
ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 1/2017, tầm nhìn của Obama về TPP coi như đổ bể.
“Hoa Kỳ nay
còn ít đòn bẩy hơn để gây sức ép buộc Trung Quốc thay đổi hành vi kinh tế và
thương mại theo hướng gần gũi với các tiêu chuẩn của Mỹ hơn, về mặt lao động, môi trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề
khác liên quan đến tự do thương mại”, Eswar
Prasad, giáo sư kinh tế và chính sách thương mại, Đại học Cornell, người từng
lãnh đạo Ban Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nói.
Sự ra đời của
RCEP ngay sau cuộc bầu cử cho thấy rằng có lẽ chính quyền Biden sẽ gặp khó
khăn hơn nhiều so với dự tính trước đó để khôi phục thiệt hại của bốn năm “nước
Mỹ trên hết” và việc Trump rút khỏi chủ nghĩa đa phương.
“Hiệp ước thương mại này trói buộc vận mệnh kinh tế
của các nước tham gia vào Trung Quốc và qua thời gian sẽ kéo các nước này gần
vào quỹ đạo kinh tế và chính trị của Bắc Kinh”, Prasad nói.
Nhà đàm phán thương mại Mỹ Wendy
Cutler gọi việc ký kết RCEP là “một hồi chuông cảnh tỉnh mới đối với Mỹ về thương mại”.
Thỏa thuận này “nhắc nhở
rằng các đối tác thương mại châu Á của chúng ta đã đủ tự tin để hợp tác với
nhau mà không cần Mỹ”, Cutler, hiện là chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á,
viết trong một bài xã luận. “Đây là một trải nghiệm rất khác từ những ngày đầu
của chính quyền Trump, khi mà các nước thành viên còn lại của TPP còn hoài nghi
về khả năng thiết chế này tự vận hành khi không còn Washington”.
Các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện
và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tức Hiệp định TPP cũ. Ảnh:
panpacificagency.com.
Đối với một số chuyên gia
thương mại, thỏa thuận mới này cho thấy phần còn lại của thế giới sẽ không ngồi
yên chờ Mỹ. Liên minh Châu Âu (EU) cũng ráo riết theo đuổi các cuộc đàm phán
thương mại của riêng mình. Trong khi các nước đặt bút ký thỏa thuận, các nhà xuất
khẩu của Mỹ có thể dần đánh mất vị thế dẫn đầu.
“Trong khi Mỹ đang tập trung vào các mối lo lắng
trong nước, trong đó có việc chống đại dịch, khôi phục kinh tế và xây dựng cơ sở
hạ tầng, tôi không chắc phần còn lại của thế giới sẽ ngồi chờ cho đến khi Mỹ phục
hồi trật tự nội bộ”, Jennifer
Hillman, nhà nghiên cứu cấp cao về thương mại và kinh tế chính trị thế giới
tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nói. “Tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ có hành động
đáp lại điều Trung Quốc đang làm”.
Trong một tuyên bố, Phòng
Thương mại Mỹ (một tổ chức vận động phi lợi nhuận) thừa nhận họ lo ngại
Mỹ đang bị bỏ lại phía sau khi các nền kinh tế châu Á – TBD tăng cường hợp tác.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khu vực này sẽ khôi phục mức tăng
trưởng trung bình 5% trong năm 2021.
“Các nhà xuất khẩu, công
nhân và nông dân Mỹ cần được tiếp cận đến thị trường béo bở này nếu họ muốn có
phần trong con số tăng trưởng ấn tượng này”, tổ chức này nói.
Việc Mỹ thay đổi bất chợt
với TPP cũng gieo bất an cho các nước trong khu vực khi định hình Mỹ là một đối
tác đáng tin cậy. Nó cũng sẽ khiến cho tân chính quyền Joe Biden gặp nhiều khó
khăn hơn khi muốn tái đàm phán gia nhập TPP (hay là CPTPP) hay một thỏa thuận mới
với khu vực.
“Thậm chí nếu tôi đạt được một kết quả
hai bên cùng thắng dưới thời một tổng thống Mỹ này, làm sao tôi biết thỏa thuận
này sẽ còn tồn tại dưới thời tổng thống kế nhiệm? Nếu Mỹ đã có thể dễ dàng hủy
bỏ cam kết của mình như thế, họ cũng có thể làm vậy trong tương lai”, Elms từ Trung tâm
Thương mại Châu Á nói.
Khi được hỏi về phản ứng
của ông đối với RCEP, Tổng thống tân cử Mỹ Joe
Biden nói rằng Hoa Kỳ cần phải hợp tác với các nền dân chủ khác để “chúng
ta, chứ không phải Trung Quốc”, mới là người đặt ra các quy tắc thương mại.
Hôm thứ Hai, một ngày sau khi 15 nước ký duyệt RCEP, ông nói:
“Chúng ta đóng góp 25%
thương mại thế giới, của nền kinh tế thế giới. Chúng ta phải hiệp đồng cùng các
nền dân chủ khác, thêm 25% nữa hoặc nhiều hơn, để chúng ta có thể thiết lập luật
lệ trên con đường này, thay vì để cho Trung Quốc và các nước khác ra lệnh chỉ bởi
vì họ là tay chơi duy nhất trong vùng”.
Biden không trực tiếp trả lời ông có đưa Mỹ trở lại
TPP không, nhưng gợi ý:
“Tôi hứa với các bạn, tôi có một kế hoạch tỉ mỉ, và tôi sẽ công
bố nó vào ngày 21/1”, một ngày sau khi Biden
tuyên thệ nhậm chức.
------------------------------------------
.
.
RCEP
thắng lợi gần như trọn vẹn của Trung Quốc
Thanh
Hà -
RFI
Đăng
ngày: 16/11/2020 - 12:52
Sau tám năm đàm phán, 14 quốc gia châu Á, trong đó
có nhiều đồng minh của Hoa Kỳ đã hưởng ứng sáng kiến của Bắc Kinh, cùng với
Trung Quốc tham gia Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực RCEP. Vào lúc
Washington đã rút lui khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, thắng lợi
của Bắc Kinh gần như trọn vẹn.
https://s.rfi.fr/media/display/8dcd2c12-2801-11eb-a0de-005056a964fe/w:1280/p:16x9/000_8V93LD.webp
Thủ tướng Trung Quốc
Lý Khắc Cường (T) và bộ trưởng Thương Mại Chung San (Zhong Shan) trong lễ ký hiệp
định tự do mậu dịch RCEP, ngày 15/11/2020. Ảnh chụp qua màn hình. AFP -
HANDOUT
Thuần túy về kinh tế, thắng lợi đầu tiên của Trung Quốc là RCEP vẫn được ký trong bối cảnh đang diễn ra
các xung đột thương mại, đối đầu về công nghệ với Mỹ. Các đồng minh thân thiết nhất của Washington tại
châu Á-Thái Bình Dương, từ Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc đến những đối tác
thân thiện với Mỹ hơn cả trong Hiệp Hội ASEAN, tất cả đều tham gia hiệp định
này.
Bất chấp những nỗ lực của Mỹ thuyết phục các đối tác châu Á giữ khoảng
cách với Trung Quốc, ngoại trừ Ấn Độ, không mấy
ai muốn bỏ lỡ cơ hội tham gia vào một khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới,
bao gồm 30 % dân số toàn cầu gần 1/3 tổng sản lượng của thế giới. Điều đó cũng
cho thấy, thị trường Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn rất lớn. Ngay cả Canberra vốn
đang căng thẳng với Bắc Kinh cả về ngoại giao lẫn kinh tế vẫn đặt bút ký.
Điểm thứ nhì đáng chú ý là chính sách bảo hộ của tổng thống Donald
Trump trong bốn năm qua, việc Mỹ rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình
Dương ngay từ năm 2017, càng hối thúc các nước Á châu đẩy mạnh tiến trình hội
nhập. Sự thoái lui của Hoa Kỳ đã tạo thuận lợi cho Trung Quốc.
Như chính thủ tướng Lý Khắc
Cường đã tuyên bố nhân lễ ký kết hiệp định RCEP : đây không chỉ là một là
dấu hiệu rõ rệt nhất về hợp tác của khu vực mà còn là « thắng lợi của
chủ nghĩa đa phương và mậu dịch tự do ». Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide
Suga cũng khẳng định điều này qua phát biểu trên cầu truyền hình vào hôm
15/11/2020, cho dù sau khi Washington rút khỏi TPP, Tokyo đã đóng vai trò
đầu tàu để cứu hiệp định xuyên Thái Bình Dương lấp chỗ trống do Hoa Kỳ để lại.
Thắng lợi thứ ba của Bắc Kinh là hiệp định RCEP cho phép Trung Quốc mở rộng ảnh
hưởng với các nước Đông Nam Á. Theo chuyên gia Alexander Capri Đại Học Kinh
Doanh Singapore, vào lúc từ Indonesia đến Philippines cùng lâm vào suy thoái do
dịch Covid-19, những nước này vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ là một « giải
pháp » giúp thoát khỏi khó khăn.
Deborah Elms giám đốc
Asian Trade Center, trung tâm kinh doanh châu Á tại Singapore được báo South
China Morning Post trích dẫn cũng nhận định, ASEAN tin rằng RCEP là chìa khóa
cho phép các nước này « quay trở lại với con đường tăng trưởng ».
Điều này không hẳn hoàn toàn vô lý vì hiện nay, Trung Quốc là một trong những nền
kinh tế hiếm hoi trên thế giới không bị đại dịch đẩy vào suy
thoái.
Điểm quan trọng thứ tư đối với Bắc
Kinh là nhờ hiệp định RCEP mà lần đầu tiên Trung Quốc
đạt được một thỏa thuận về tự do mậu dịch với hai nước Đông Bắc Á là Nhật Bản
và Hàn Quốc. Cả hai vừa là những đối tác vừa là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Cuối cùng, ngoài những lợi thế về
kinh tế và thương mại, Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực còn là một thành
công về ngoại giao và chiến lược quan trọng của Bắc Kinh.
Bất chấp những nỗ lực cho
đến tận những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump để thuyết
phục các đồng minh châu Á đoàn kết trước mối đe dọa Trung Quốc, hai thành viên
Bộ Tứ QUAD là Nhật và Úc đã hưởng ứng sáng kiến của Trung Quốc, ký kết vào một
hiệp định đã được cho ra đời để làm đối trọng với TPP.
Cần nhắc lại là Hiệp định
mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP) từng được chính quyền Obama thúc đẩy nhằm
kềm tỏa ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh cả về mặt ngoại giao, chiến lược lẫn
kinh tế và thương mại. Việc tổng thống Trump rút Hoa Kỳ khỏi TPP dường như càng
thúc đẩy nhiều nước châu Á –Thái Bình Dương rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thành công của
Bắc Kinh chưa được trọn vẹn vì Ấn Độ đã rút khỏi các vòng đàm phán từ năm 2019.
Bất chấp những lời đường mật của Trung Quốc, thiện chí của Nhật Bản, chính quyền
New Delhi vẫn chưa có dấu hiệu muốn quay trở lại. Trung Quốc thất vọng vì sự vắng
mặt của Ấn Độ, một đối thủ nặng ký tại Nam Á và cũng là một đồng minh quan trọng
của Hoa Kỳ.
Chính quyền của thủ tướng
Modi đã rút lui vào giờ chót trước lo ngại « hàng rẻ của Trung Quốc » gây
ra những hậu quả tàn khốc cho nền công nghiệp của Ấn Độ. Thái độ dè dặt đó của Ấn
Độ phải chăng là một lời cảnh báo nhắm tới nhiều đối tác thương mại của Trung
Quốc nhất là các nước Đông Nam Á kém phát triển nhất ?
Giám đốc trung tâm Asian Trade Center tại Singapore, Deborah Elms cho rằng,
với RCEP, một khi « ván đã đóng thuyền », ASEAN sẽ khó mà
cưỡng lại trước sức mạnh của Trung Quốc. Không còn Mỹ và cũng không một cường quốc kinh tế nào của thế giới có
thể can thiệp hay bênh vực cho những bên thấp cổ bé miệng.
Trả lời báo Hồng Kông,
South China Morning Post giáo sư Peter Petri đại học Brandeis, Boston – Hoa Kỳ,
nhận định rằng RCEP là công cụ để Bắc Kinh xây dựng mô hình và trật tự thương mại
tại châu Á trong tương lai.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
RCEP
: Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất
Châu
Á trước thềm hiệp định RCEP
Ấn
Độ rút khỏi RCEP vì “lợi ích quốc gia”
No comments:
Post a Comment