Quan
hệ Mỹ - Châu Âu thời D.Trump : Đồng minh cốt lõi hay là kẻ thù, đối thủ cạnh
tranh ?
Minh
Anh -
RFI
Đăng
ngày: 05/11/2020 - 15:50
Chưa có lúc nào mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Hiệp
Châu Âu rơi vào trạng thái « tuy gần mà xa » lạ lùng như lúc này. Bốn
năm trị vì của ông hoàng địa ốc New York, Donald Trump ở Nhà Trắng còn làm cho
mối quan hệ đôi bờ Đại Tây Dương, tuy chưa đến nỗi phải đi đến « chia
lìa » nhưng hố ngăn cách ngày càng thêm sâu thẳm.
Tổng thống Mỹ
Donald Trump và Tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg trong lần họp thượng đỉnh
của khối liên minh quân sự tại Anh Quốc, ngày 04/12/2019. AP - Frank
Augstein
Cũng như bao nước khác
trên toàn thế giới, Liên Hiệp Châu Âu đang nóng lòng ngóng đợi kết quả bầu cử tổng
thống Mỹ, diễn ra ngày 03/11/2020, với một câu hỏi lớn : Tương lai nào cho
mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ? Joe Biden hay Donald Trump, bất kể ai thắng
cử đi chăng nữa, giới chuyên gia tại Pháp cho rằng giờ là lúc để xem xét lại mối
quan hệ Mỹ - Châu Âu trong dài hạn.
Mối liên hệ giữa đôi bờ Đại
Tây Dương, hình thành sau năm 1945, được thiết lập dựa trên nền tảng mối lo hiểm
họa tiềm tàng từ chế độ Stalin thời Liên Xô nhắm vào các nước Tây Âu ; lời
kêu gọi hỗ trợ của những nước châu Âu và việc thành lập Liên minh Đại Tây Dương
nhờ vào cam kết của tổng thống Mỹ Truman thời đó.
Cùng với thời gian,
« những hiểu lầm xuyên Đại Tây Dương », theo như cách nói của
cựu ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger, mỗi lúc một nhiều. Từ việc đóng góp ngân sách
quốc phòng của các nước đồng minh châu Âu, chiến lược chung cho Liên minh, nỗi
lo về các thỏa thuận giải trừ vũ khí, cho đến cả tham vọng của Pháp thành lập một
trục phòng thủ chung cho châu Âu nằm ngoài khuôn khổ Liên minh…
Châu Á và châu
Âu : Nhất bên trọng, Nhất bên khinh ?
Rồi tình hình địa chính
trị ngày nay cũng khác xa nhiều so với lúc xưa. Thế giới không còn ở thế hai cực
Hoa Kỳ - Liên Xô nữa, mà ngày càng có xu hướng đa cực. Cùng với sự trỗi dậy của
Trung Quốc, vươn lên trở thành một trong số các cường quốc hàng đầu thế giới,
người ta còn chứng kiến sự ra đời một chuỗi các tiểu cường quốc khác nhau, đặc
biệt là tại châu Á, và nhất là mối đe dọa khủng bố Hồi giáo cực đoan ngày càng
lớn mạnh.
Châu Âu không còn là mối
bận tâm ưu tiên và duy nhất của Mỹ. Trọng tâm lợi ích của Mỹ dần chuyển hướng
sang châu Á. Thế nên, sợi dây kết nối hai bờ Đại Tây Dương « sẽ bị giãn
dần là điều không thể nào tránh khỏi », theo như khẳng định của cựu
ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine trên tờ l’Opinion. Đối với Liên Hiệp Châu Âu,
hành động Mỹ từ bỏ cam kết đối với đồng minh được thể hiện rõ qua sự kiện Hoa Kỳ
thời Obama từ chối can thiệp vào Syria sau khi vạch ra « lằn ranh đỏ »
cho chế độ Damas.
Chỉ có điều việc ông
Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng năm 2016, còn thúc đẩy nhanh hơn nữa
tiến trình biến « mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thành xuyên Thái Bình
Dương », do Hoa Kỳ bắt đầu từ thời tổng thống Bill Clinton, và
« ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vùng châu Á – Thái Bình Dương »,
theo như quan sát của nhà nghiên cứu Roberto de Primis, chuyên gia về Hoa Kỳ,
trường đại học Quebec, Montreal, Canada trên kênh truyền hình Euronews.
Vẫn theo nhà nghiên cứu
Roberto de Primis, sự rạn nứt trong mối quan hệ Mỹ và châu Âu được thể hiện rõ ở
hai điểm. Thứ nhất là khi chính quyền Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận
hạt nhân Iran, vốn dĩ là « một thắng lợi đầu tiên của ngành ngoại giao
Liên Hiệp Châu Âu ». Điểm rạn nứt thứ hai là khi « Hoa Kỳ quyết
định giáng cấp một số hình thức đại diện của Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu, từ
hình thức Nhà nước – Nhà nước chuyển sang thành đại diện bên cạnh một tổ chức
quốc tế ». Chính là hai đòn đau này, tuy chưa thể đẩy hai bên đi đến sự
« chia lìa » như cách nói của ông Primis, nhưng cũng đủ để làm
mối quan hệ mỗi ngày thêm phần tồi tệ.
Châu Âu nghĩ gì về
sự « lạnh nhạt » của Mỹ ?
Kể từ khi Donald Trump đắc
cử, Liên Hiệp Châu Âu bước vào một giai đoạn đầy bất định và nhiều biến động
trong quan hệ quốc tế. Châu Âu cho rằng Hoa Kỳ đang chuyển từ vị thế người bảo
đảm trật tự thế giới tự do sang thành đối tác hàng đầu (primus inter pares). Học
thuyết « America First ! » của Donald Trump nhanh chóng
được đánh đồng với việc từ bỏ hoặc xem lại các cam kết trên bình diện ngoại
giao hay thương mại.
Những căng thẳng này diễn
ra trong bối cảnh, thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, mà ở đó, « hỗn
loạn chiến lược » và cạnh tranh giữa các siêu cường (Nga, Trung Quốc
và Mỹ) đã thay thế cho trật tự thế giới do Hoa Kỳ từng kiến tạo và bảo vệ kể từ
năm 1945.
Thế nên, Liên Hiệp Châu
Âu ý thức được rằng phải xây dựng cho mình một đường hướng chiến lược (dù không
phải dễ do khó tìm được một đồng thuận trong khối), thậm chí xem xét lại các mối
liên minh, kể cả với Nga để có thể đối phó trước tầm ảnh hưởng của Trung Quốc
(quyền lực mềm kinh tế của Bắc Kinh được xem như là một mối đe dọa cho các lợi
ích của châu Âu).
Liệu Washington có còn là đồng minh số một của Liên Hiệp Châu Âu nữa
hay không ? Nhà nghiên cứu Maud
Quessard, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ, Viện Nghiên cứu Chiến lược trường
Quân sự Pháp, trả lời phỏng vấn đặc san Diplomatie khẳng định : « Washington
vẫn là một đối tác ưu tiên và không thể thiếu cho Liên Hiệp Châu Âu, nhưng nhiều
giải pháp khác cũng được nhắm đến ».
.
Donald
Trump : Liên Hiệp Châu Âu là kẻ thù tệ hại ?
Ngược lại, trong nhãn
quan chính quyền Donald Trump, Liên Hiệp Châu Âu không còn là đồng minh cốt lõi
cho Mỹ và khối NATO. Ông Donald Trump là vị tổng thống đầu tiên xem Liên Hiệp
Châu Âu như là một đối thủ cạnh tranh, thậm chí là một « kẻ thù thương
mại » tệ hại hơn cả Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại –
thuế quan là đỉnh điểm căng thẳng. Với Liên Hiệp Châu Âu, chính sách bảo hộ mậu
dịch của ông Donald Trump nhắm vào khu vực chẳng khác gì một lời « tuyên
chiến » với tự do thương mại mà châu Âu luôn đề cao. Tổng thống Mỹ
Donald Trump không ngần ngại đánh giá việc nhập khẩu xe hơi châu Âu như là một
mối họa cho an ninh quốc gia.
Phát biểu gay gắt này của
chủ nhân Nhà Trắng hiện nay đối với đối tác thương mại châu Âu được giải thích
phần nào bởi thái độ « thù ghét các cơ chế đa phương », không
mang lại nhiều lợi thế cho nước Mỹ bằng các cuộc « mặc cả song phương »
theo như giải thích của Roberto de Primis. « Đó chính là những gì chúng
ta đã thấy sau các cuộc đàm phán với Mêhicô và Canada cho thỏa thuận thương mại
ba bên hay như cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. »
Nhà nghiên cứu Alexandra
de Hoop Scheffer, giám đốc nghiên cứu văn phòng cố vấn German Marshall Fund of
the United States, chi nhánh tại Paris, trên đài France Culture, lưu ý rằng lời
lẽ gay gắt này của Donald Trump với châu Âu không phải là một điều mới mẻ.
Chính sách đối ngoại với
châu Âu của Washington luôn có tính liên tục. Từ nhiều đời tổng thống qua, Hoa
Kỳ luôn duy trì một thái độ « nước đôi » với khối 27 nước.
Liên Hiệp Châu Âu vừa là một đồng minh trong nhiều hồ sơ quốc tế lớn nhưng cũng
vừa là một đối thủ cạnh tranh, thế nên phải luôn tìm cách gây chia rẽ.
Chính sách này được thể
hiện rõ qua chuyến công du Đông-Trung Âu hồi cuối tháng 8/2020 của ngoại trưởng
Mike Pompeo, nhằm « gây chia rẽ, sử dụng và thao túng những chia rẽ đó,
vốn dĩ đã hiện hữu trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, để rồi lập nên một kiểu
chính sách mặc cả, gây áp lực giữa các nước thành viên EU », nhà
nghiên cứu về Mỹ nhận xét.
Đây cũng không phải là lần
đầu tiên Hoa Kỳ có cách đối xử này với đồng minh châu Âu. Bà Alexandra de Hoop
Scheffer lưu ý rằng « các tổng thống tiền nhiệm như Bush hay Obama cũng
đã làm y như vậy. Ông Biden, nếu có đắc cử, chắc chắn cũng làm điều tương tự.
Điều này chúng ta cảm nhận thấy được qua vấn đề chủ quyền công nghệ, sàng lọc
các hoạt động đầu tư Trung Quốc… ». Và chiến lược gây chia rẽ
châu Âu này thật sự được tăng tốc hơn dưới thời chính quyền Donald Trump.
NATO lỗi thời !
Mối quan hệ Mỹ - Châu Âu
căng thẳng không chỉ trong lĩnh vực thương mại và ngoại giao mà cả trong vấn đề
quân sự. Trong suốt 4 năm nhiệm kỳ tổng thống, nguyên thủ Mỹ không ngừng chỉ
trích khối NATO. Câu phát biểu nổi tiếng « NATO lỗi thời » của
nguyên thủ Mỹ khiến nhiều nước thành viên phải sững sờ, dẫn đến phản ứng gây sốc
từ tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng « NATO trong trạng thái chết
não ».
Nguyên thủ Mỹ lên án các
nước thành viên không chia sẻ gánh nặng tài chính gây thiệt hại cho ngân sách
nước Mỹ và đe dọa rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp ước Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Một lập trường không được giới chính khách tại Mỹ đồng chia sẻ. Tuyệt đại đa số
các nghị sĩ và thượng nghị sĩ Mỹ đều cho rằng rút Mỹ ra khỏi NATO « có
lẽ sẽ làm một sai lầm chiến lược ».
Do vậy, theo nhận định của
Roberto de Primis, chuyên gia về Hoa Kỳ trường đại học Quebec tại Montreal, những
tuyên bố trên của ông Donald Trump chỉ thể hiện quan điểm của cá nhân ông. Bởi
vì, nếu xem xét kỹ « ngân sách của bộ Quốc Phòng Mỹ năm 2019. Mức ngân
sách này đã cho phép mở rộng rất nhiều tái cam kết quân sự Mỹ trên toàn cầu, nhất
là ngay trong lòng nội bộ Liên Hiệp Châu Âu để đối phó với Nga, sự gia tăng sức
mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông. »
Về điểm này, chuyên gia
người Pháp, ông Maud Quessard cũng có cùng một quan điểm khi nhắc lại rằng ngân
sách dành cho NATO có một đồng thuận chính trị cũng như công luận Mỹ. Việc đòi
hỏi chia sẻ gánh nặng quân sự là một mối bận tâm muôn thuở của các nhà lãnh đạo
Mỹ từ những năm 1950. Tuy nhiên, chính tính khí thất thường khó đoán khó lường
của ông Donald Trump lại được xem như là một yếu tố thúc đẩy « quyền tự
chủ chiến lược » và làm tăng thêm lợi ích của châu Âu đối với chiến lược
phòng thủ chung.
Điều nghịch lý là giới
chính khách Mỹ một mặt mong muốn châu Âu tăng thêm phần đóng góp ở mức 2% của
GDP nhưng mặt khác lại không muốn châu Âu tự chủ chiến lược. Washington diễn giải
mong muốn « tự chủ chiến lược » đó giống như là một hình thức
chối bỏ NATO và hợp tác với Hoa Kỳ.
Nhìn lại những bất đồng
giữa châu Âu và Mỹ trong những năm gần đây, nhà nghiên cứu Maud Quessard kết luận
như sau : Donald Trump thật sự đánh dấu một sự đoạn tuyệt trong cách nhìn
mà hầu hết các nguyên thủ Mỹ đã có về sự hình thành Liên Hiệp Châu Âu từ năm
1950. Đối với nhiều đời tổng thống liên tiếp, từ Eisenhower cho đến Obama, sự
bình ổn chính trị và sức sống kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu, trước hết, được
xem như là những lá chủ bài cho các lợi ích của Mỹ.
----------------
NỘI DUNG LIÊN QUAN
Hoa
Kỳ-Châu Âu : Bốn năm rạn nứt quan hệ
No comments:
Post a Comment