Tuesday, 3 November 2020

NẾU ÔNG TRUMP KHÔNG CHỊU CHẤP NHẬN KẾT QUẢ THÌ SAO? (Lawrence Douglas - The Economist)

 


Nếu ông Trump không chịu chấp nhận kết quả bầu cử thì sao?    

Lawrence Douglas ,

GS Luật Học Đại Học Amherst

Huỳnh Minh Triết dịch 

02/11/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/11/neu-ong-trump-khong-chiu-chap-nhan-ket-qua-bau-cu-thi-sao/

 

Lawrence Douglas, giáo sư Luật học Đại học Amherst, lường trước một kịch bản thảm họa vào ngày bầu cử Mỹ 3/11.

 

Dịch từ bài viết Lawrence Douglas on what happens if Trump rejects the election result đăng trên tạp chí The Economist ngày 23/10, trong loạt bài bình luận về sự chính trực trong bầu cử Mỹ.

 

                                                      ***

 

Người Mỹ dõi theo kết quả bầu cử giống như cách họ xem giải bóng bầu dục Super Bowl: họ muốn biết ai thắng trước khi tắt tivi. Nhưng lần này, với hàng chục triệu phiếu bầu qua thư vẫn còn phải đếm, có thể phải mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần để có thể tuyên bố ai là người chiến thắng. Các nhà tổ chức khẳng định rằng đây không phải là do hệ thống bầu cử có vấn đề, mà chỉ là hệ quả của cuộc bầu cử diễn ra trong trận đại dịch.

 

Từ Nhà Trắng, một thông điệp hoàn toàn khác chuẩn bị được tung ra. Đã có kết quả bầu cử sớm, và ông Trump đang dẫn đầu ở các bang chiến địa. Điều này chẳng lạ gì, bởi đại đa số người ủng hộ ông Trump đều chọn cách bỏ phiếu trực tiếp, trong khi phần lớn người ủng hộ Joe Biden, thường sống ở các vùng đô thị chịu ảnh hưởng của COVID-19 nghiêm trọng hơn, chọn bỏ phiếu qua thư.

 

Ở một số bang, như Colorado, người ta xử lý ngay khi các lá phiếu qua thư được gửi tới, nhưng các bang chiến địa Michigan, Pennsylvania và Wisconsin lại không như vậy. Chính quyền các bang này không cho phép mở thư kiểm phiếu cho tới tận ngày bầu cử.

 

Đồng hồ nhích dần đến nửa đêm, tổng thống đăng tweet (bài đăng trên mạng xã hội Twitter) cảm ơn nhân dân Mỹ đã dành cho ông một chiến thắng tái cử mang tính lịch sử.

Ông Trump đã vạch ra chiến lược này từ tận tháng Bảy. Vào cùng ngày mà ông đề nghị hoãn lại cuộc bầu cử năm nay – một việc nằm ngoài thẩm quyền – ông còn đăng một dòng tweet khác, ít được quan tâm hơn: 

 

“Phải biết kết quả bầu cử vào đêm Bầu cử chứ không phải nhiều ngày, tháng, hay thậm chí nhiều năm sau!”

 

Dòng tweet này đã tóm gọn kịch bản đáng lo ngại mà ông Trump đang tiến hành. 

 

Khi việc kiểm phiếu qua thư bắt đầu, phiếu cho Biden nhiều dần lên và vị thế dẫn trước của ông Trump bị kéo tụt lại, ông lại đăng tweet tuyên bố rằng mọi dự đoán của ông đều đang trở thành sự thật. Việc bỏ phiếu qua thư đã bị Đảng Dân chủ gian lận hòng “đánh cắp” cuộc bầu cử.

 

Những cái loa công suất cao trung thành của Trump trên các kênh truyền thông cánh hữu làm tròn nhiệm vụ phóng đại và thêm thắt vào tuyên bố của ông. Các nhân tố cả ở trong và ngoài nước, đặc biệt là từ Nga, dội bom mạng xã hội với tin giả. Những sai sót nhỏ và vô hại bị khuếch đại thành những thuyết âm mưu điên cuồng. Chẳng hạn như trường hợp hồi tháng Chín, khi một nhân viên bầu cử tạm thời ở Pennsylvania vô tình vứt đi chín thư phiếu, khiến Bộ Tư pháp phải điều tra. Và ông Trump làm việc không mệt mỏi để khiến cho công tác kiểm phiếu qua thư bị bủa vây trong nghi vấn, trì hoãn và bối rối. Ông thậm chí còn huy động các đội luật sư để kiện ở bất kỳ chỗ nào có thể.

 

Việc kiểm phiếu ở ba tiểu bang dao động (swing states) chìm trong kiện tụng. Sự cố từng xảy ra ở cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ hồi tháng Sáu cho chúng ta nếm trước vị đắng của tình cảnh hỗn loạn mà nay ở ngay trước mắt. Các quan chức bầu cử đã phải mất sáu tháng để xác định ai chiến thắng ở quận bầu cử số 12 và 15.

 

Thế nhưng Michigan, Pennsylvania và Wisconsin không có sáu tuần để hoàn thành kiểm phiếu. Luật liên bang quy định mỗi bang phải bổ nhiệm đại cử tri sáu ngày trước thời điểm hội họp ở Washington. Năm nay, các đại cử tri sẽ phải bỏ lá phiếu của mình ở thủ đô ngày 14/12, tức là mỗi bang chỉ có đến ngày 8/12 để hoàn tất khâu kiểm phiếu. Nếu các bang không thể xử lý xong số phiếu trước ngày “cập cảng” (safe harbour) đó, Quốc hội sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử của bang. Đây là cách để Quốc hội thúc ép các bang phải xử lý xong các tranh cãi nội bộ kịp thời, nhưng luật lệ của Mỹ lại không có điều khoản dự trù cho cuộc bầu cử trong đại dịch.

 

Các nhân viên bầu cử phải làm việc quá giờ, thiếu đào tạo và bị gò bó bởi yêu cầu duy trì giãn cách xã hội, kiệt quệ trước số lượng phiếu bầu qua thư khổng lồ và bị trói tay bởi các vụ kiện tụng – khốn đốn tìm cách hoàn thành trước hạn chót 8/12. Đội ngũ luật sư của Trump được hỗ trợ bởi Bộ Tư pháp, tiếp tục tràn vào các bang chiến địa với các vụ kiện để đòi hủy bỏ lá phiếu vì bất kỳ yếu tố kỹ thuật nào mà họ tìm được, như phiếu đến muộn, hoặc thiếu chữ ký. 

 

Bầu cử nhanh chóng biến thành cuộc chiến đảng phái gay gắt. Michigan, Pennsylvania và Wisconsin đều có cùng một mô hình chính trị: cả ba đều có nghị viện bang kiểm soát bởi Đảng Cộng hòa trung thành với ông Trump. Các nghị sĩ địa phương này, viện dẫn quan ngại về các bất thường trong khâu kiểm phiếu và khả năng rõ mồn một rằng bang họ sẽ trễ hạn chót 8/12, quyết định tuyên bố ông Trump thắng bang đó. Họ dẫn một luật liên bang từ năm 1845 trao cho nghị viện bang quyền chỉ định đại cử tri trong trường hợp người dân bang “không đưa ra được quyết định”.

 

Tuy vậy, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin vẫn có ghế thống đốc nằm trong tay Đảng Dân chủ. Các thống đốc này chỉ trích các nghị sĩ Cộng hòa hành xử bất tín (bad faith). Họ khăng khăng rằng bang của họ đã ra quyết định, và họ chọn ông Biden. Ba thống đốc tuyên bố Biden là người chiến thắng, và lại gửi đi ba đoàn đại cử tri đến thủ đô.

 

Giờ là ngày 5/1/2021, ngày mà phiên họp toàn thế lưỡng viện Quốc hội mở các lá phiếu đại cử tri của tất cả các bang và chính thức tuyên bố ai thắng cử. Thông thường, đây chỉ là một nghi lễ mang tính hình thức. Nhưng lần này thì không phải. Chỉ mới ba ngày trước, các nghị sĩ quốc hội tân cử vừa tuyên thệ nhậm chức. Giờ họ đang phải đối mặt với với một tình huống khó xử: Michigan, Pennsylvania và Wisconsin đều trình lên những bộ phiếu đại cử tri mâu thuẫn nhau. Cuộc bầu cử lâm vào bế tắc.

 

Bạn nghĩ kịch bản này là không tưởng? Hãy nghĩ lại.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/11/20201024_OPD001.jpg

Chân dung giáo sư Lawrence Douglas. Nguồn: The Economist.

 

Nước Mỹ đã phải đối mặt với thảm họa gần như y hệt trong cuộc bầu cử khét tiếng giữa Hayes và Tilden năm 1876, khi có ba bang nộp các phiếu đại cử tri gây mâu thuẫn. Và do cả Rutherford Hayes lẫn Samuel Tilden đều không giành đủ đa số phiếu đại cử tri nên Quốc hội lúc đó, bị chia rẽ với Hạ viện do Đảng Dân chủ nắm và Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát, đã đấu đá nhau một cách cay nghiệt về việc chấp nhận phiếu đại cử tri nào. 

 

Tới đầu năm 1877, Quốc hội cố gắng giải quyết bế tắc bằng việc thành lập ủy ban bầu cử đặc biệt một lần, nhưng thù hằn đảng phái cũng phá hỏng công tác của ủy ban đó. Ngày bầu cử đến gần và nước Mỹ không có tổng thống tân cử, hay nói đúng hơn là có tới hai người cùng tuyên bố thắng cử. Tổng thống sắp mãn nhiệm Ulysses Grant phải can thiệp và tuyên bố thiết quân luật.

 

Khi đó, nước Mỹ chỉ có thể tránh được khủng hoảng kéo dài nhờ một hành động nhượng bộ mang tính thảm họa: Đảng Cộng hòa đồng ý rút binh lính liên bang khỏi miền Nam – nơi họ đã đóng quân để duy trì trật tự sau cuộc Nội chiến 11 năm trước. Thỏa thuận này tạo điều kiện cho miền Nam áp dụng luật Jim Crow về phân biệt đối xử với người da đen. Bộ luật tồi tệ này tồn tại tới tận thế kỷ 20. Đổi lại, ứng viên của Đảng Dân chủ Tilden chấp nhận nhường ghế tổng thống cho Hayes.

 

Để tránh lặp lại cuộc khủng hoảng này, Quốc hội đã thông qua một luật mới, Đạo luật Đếm phiếu 1887 (Electoral Count Act of 1887), cũng là đạo luật quy định ngày “cập cảng” (safe harbour). Đạo luật nhằm hướng dẫn Quốc hội trong trường hợp bầu cử lại xảy ra tranh chấp. Tuy vậy, luật này cũng chỉ được sử dụng một lần vào năm 1969, trong một cuộc tranh chấp nhỏ, không có ý nghĩa gì đối với chiến thắng của ông Richard Nixon.

 

                                                      ***

Nhưng nay, vào tháng 1/2021, Quốc hội có thể rơi vào tình cảnh rất giống với cuộc khủng hoảng 1877. Đúng là có thể tránh được hoàn cảnh này nếu Đảng Dân chủ thắng cả Thượng viện và Hạ viện, và khi đó, phiên họp lưỡng đảng sẽ công nhận các lá phiếu đại cử tri dành cho Biden. Nhưng nếu Quốc hội lại bị chia đôi, hoặc thành phần của Thượng viện còn chưa rõ ràng do các tranh chấp bầu cử tương tự trong cuộc đua vào những ghế thượng nghị sĩ quan trọng, thì hệ quả có thể được đoán trước: Thượng viện và Hạ viện sẽ lựa chọn các phiếu đại cử tri trái ngược nhau.

 

Nước Mỹ sẽ rơi vào bế tắc thực sự. Quốc hội có thể dùng đạo luật 1887, nhưng sẽ nhanh chóng phát hiện đạo luật này thiếu hụt trầm trọng. Chẳng hạn, luật này yêu cầu Quốc hội chấp nhận tất cả các phiếu đại cử tri được trao “một cách có quy củ” (regularly given) mà không giải thích rõ “có quy củ” là như thế nào. Theo đạo luật này, Quốc hội phải chấp nhận các lá phiếu này, trừ khi họ quyết định từ chối.

 

Nhiều ngày sau, chia rẽ và cay đắng tiếp tục bủa vây nước Mỹ. Các nỗ lực lập ra một ủy ban bầu cử đặc biệt để giải quyết bế tắc giống như năm 1877 lại đổ vỡ trong tình cảnh tranh chấp đảng phái xem ai được bầu vào ủy ban. Cả hai đảng kiện nhau lên Tòa án Tối cao, nhưng trái ngược với phán quyết năm 2000 trong vụ Bush v Gore, tòa tuyên bố không có quyền phán xử. Các chuyên gia pháp lý khẳng định tòa án không có vai trò gì trong việc giải quyết một tranh chấp bầu cử khi tranh chấp này đã chạm tới Quốc hội và cả hai đảng đều tuyên bố họ không chấp nhận bị xử thua. Các thẩm phán tối cao do đó không chấp nhận can thiệp.

 

Đến giữa trưa ngày 20/1/2021, nhiệm kỳ của ông Trump chính thức kết thúc. Nước Mỹ không có tổng thống hay phó tổng thống tân cử nào. Theo Đạo luật Tiếp nhiệm Tổng thống 1947, chức tổng thống sẽ do Chủ tịch Hạ viện tiếp quản. Bà Nancy Pelosi tuyên thệ làm Tổng thống tạm quyền. Ông Trump tuyên bố Đảng Dân chủ cố tình đảo chính và đe dọa tổ chức một lễ nhậm chức của riêng ông. Cuộc khủng hoảng chính trị bùng lên trên khắp nước Mỹ. Không ai nhìn được một lối thoát ôn hòa và rõ ràng.

 

Trong 230 năm chế độ lập hiến, nước Mỹ đã xoay sở tránh được các cuộc bầu cử tổng thống thảm họa. Sự may mắn và nhân phẩm của những ứng viên tổng thống đã cho phép người Mỹ gần như lãng quên những thiếu sót trong phương pháp bầu chọn lạc hậu và phi dân chủ của mình. Năm 2020, chuỗi may mắn đó có thể đi đến hồi kết.

 

Nhưng mọi chuyện không cần phải tới mức này. Một chiến thắng thuyết phục của Biden sẽ giúp giới hạn khả năng ông Trump đẩy cuộc bầu cử đến bờ vực. Các nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa như Mitch McConnell có thể gây áp lực để ngăn chặn ông Trump “gây chiến”. Tuy vậy, nếu xảy ra kịch bản kiểm phiếu qua thư bị trì trệ hoặc kết quả bỏ phiếu chỉ chênh lệch mỏng manh ở các bang chiến địa, hãy chuẩn bị cho hỗn loạn.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats