Wednesday, 4 November 2020

MƯỜI KHÁC BIỆT TRONG CÁCH BỎ PHIẾU CỦA NGƯỜI MỸ SO VỚI THẾ GIỚI (Eric Bjornlund - Foreign Policy)

 


Mười khác biệt trong cách bỏ phiếu của người Mỹ so với thế giới

Eric Bjornlund  -  Foreign Policy  

Phan Nguyên dịch

04/11/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/11/05/muoi-khac-biet-trong-cach-bo-phieu-cua-nguoi-my-so-voi-the-gioi/

 

Nhiều người Mỹ không biết quá trình bầu cử của họ kỳ lạ như thế nào so với phần còn lại của thế giới — từ Đại cử tri đoàn cho đến cách xác định phạm vi địa lý các khu vực bỏ phiếu. Nhưng ngay cả bản thân quy trình bỏ phiếu cũng rất khác so với các nền dân chủ khác, khiến việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ gian lận cũng như tranh chấp giữa các đảng phái.

 

Dưới đây là 10 khác biệt trong cách người Mỹ bỏ phiếu so với thế giới:

 

1. Ngày Bầu cử được tổ chức vào ngày làm việc. 

Hầu hết các nền dân chủ khác đều bỏ phiếu vào cuối tuần hoặc chuyển ngày bầu cử của họ thành ngày nghỉ, có nghĩa là nhiều người hơn có thể bỏ phiếu mà không phải lo lắng về việc bỏ lỡ công việc.

 

2. Không có sự thống nhất trong các cuộc bầu cử quốc gia

Hoa Kỳ dường như là nền dân chủ duy nhất trên thế giới không cố gắng đưa ra các quy tắc và thủ tục thống nhất để áp dụng cho tất cả các cuộc bầu cử quốc gia. Bỏ phiếu diễn ra trên hàng nghìn khu vực chính quyền với vô số loại phiếu bầu, tiêu chí xác định tư cách hợp lệ của cử tri, thiết bị bỏ phiếu, phương pháp kiểm phiếu và khung thời gian, thủ tục bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu vắng mặt, cũng như các quy tắc giải quyết tranh chấp khác nhau.

 

3. Không có cơ quan quản lý bầu cử quốc gia. 

Không giống như hầu hết các quốc gia khác, Hoa Kỳ thiếu một ủy ban bầu cử quốc gia hoặc một cơ quan nào đó chịu trách nhiệm về quy trình bầu cử. Ngay cả các quốc gia khác có truyền thống liên bang mạnh mẽ như Ấn Độ, Canada và Mexico cũng có ủy ban bầu cử quốc gia điều hành các cuộc bầu cử liên bang với các quy tắc thống nhất trên toàn quốc.

 

4. Quản lý bầu cử theo đảng phái. 

Tại 33 bang của Hoa Kỳ, quan chức giám sát bầu cử chính được bầu trong các cuộc bầu cử đảng phái và có quan hệ liên minh với một đảng chính trị nào đó — Mỹ là nền dân chủ duy nhất trên thế giới lựa chọn các quan chức bầu cử cấp cao của mình theo cách này. Do đó, tính khách quan và công bằng trong việc điều hành bầu cử phụ thuộc quá nhiều vào sự chính trực của các quan chức phụ trách bầu cử của bang và địa phương, những người thường ủng hộ các ứng cử viên hoặc tham gia tranh cử trong chính các cuộc bầu cử mà họ giám sát. Điều này làm tăng nguy cơ tranh chấp và kiện tụng rất nhiều.

 

5. Thủ tục đăng ký cử tri phức tạp. 

Không giống như hầu hết các quốc gia khác, Hoa Kỳ thiếu cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri ở cấp quốc gia hoặc mang tính thống nhất. Thay vì đăng ký tự động hoặc diễn ra theo sự chủ động ​​của chính phủ như ở hầu hết các quốc gia khác, thì gánh nặng đăng ký bỏ phiếu thuộc về mỗi cá nhân. Điều này có xu hướng khuyến khích sự không tham gia của cử tri.

 

6. Tranh cãi lan rộng về việc xác định danh tính cử tri

Hầu hết các quốc gia có quy định thống nhất về những gì mà cử tri phải cung cấp tại các địa điểm bầu cử để được bỏ phiếu. Nhiều quốc gia có thẻ căn cước quốc gia hoặc thẻ căn cước cử tri mà mọi cử tri đều phải xuất trình.

 

7. Gây khó khăn cho cử tri đi bỏ phiếu. Trong lịch sử Hoa Kỳ, thường có ít nhất một đảng lớn cố tình gây khó khăn hơn cho một số nhóm người trong việc đi bỏ phiếu. Hiện tại, một đảng chính trị lớn dường như đang cố gắng ngăn cản sự tham gia của cử tri. Điều này dường như không phổ biến ở những nơi khác trên thế giới. Việc một số bang của Hoa Kỳ tước bỏ quyền bầu cử của những người có tiền án hình sự cũng rất bất thường.

 

8. Bộ phận quản lý bầu cử có ít thẩm quyền. 

Các nhà quản lý bầu cử ở Hoa Kỳ nói chung có ít quyền quyết định hơn so với đồng nghiệp của họ ở các quốc gia khác trong việc điều chỉnh các quy tắc và thủ tục — ví dụ như về cách phản ứng với đại dịch COVID-19.

 

9. Không có quy trình bỏ phiếu hoặc đếm phiếu tiêu chuẩn

Ngay cả trong một tiểu bang, các công nghệ và quy trình cũng khác nhau giữa các quận. Các quy tắc về cách tính phiếu bầu vắng mặt rất khác nhau trên cả nước — đây là một nguồn tranh chấp tiềm tàng khác. Một lần nữa, dường như không có quốc gia nào khác làm theo cách này.

 

10. Không có cơ chế dành riêng cho việc giải quyết tranh chấp bầu cử. 

Trên toàn cầu, xu hướng là thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp bầu cử chuyên biệt. Ngược lại, ở Hoa Kỳ, những ai có khiếu nại về quy trình này thường phải đến tòa án, nơi có xu hướng giải quyết khiếu nại chậm hơn với các thẩm phán ít có chuyên môn về bầu cử hơn.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats