Wednesday, 18 November 2020

HỒI KÝ : TỔNG THỐNG BARACK OBAMA ĐỐI PHÓ VỚI ĐẠI DỊCH H1N1 RA SAO? (Barack Obama)

 


Hồi ký: Tổng thống Barack Obama đối phó với đại dịch H1N1 ra sao?

Barack Obama

Nhã Duy, chuyển ngữ

18/11/2020

https://baotiengdan.com/2020/11/18/hoi-ky-tong-thong-barack-obama-doi-pho-voi-dai-dich-h1n1-ra-sao/

 

Lời người dịch: Mùa Xuân năm 2009, chỉ vài tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Obama đang bộn bề đối phó để vực dậy cuộc suy thoái kinh tế Hoa Kỳ, cùng các cuộc chiến ở Trung Đông, nội các tổng thống Obama còn phải đối phó thêm với đại dịch H1N1 đầy nguy hiểm.

 

Mời gọi những chuyên gia chống dịch kinh nghiệm và tài ba từ các đời tổng thống tiền nhiệm tham gia, ứng phó kịp thời, bất chấp sự khó khăn, ngăn trở từ Quốc Hội do đảng Cộng Hòa nắm đa số, trong việc thông qua ngân sách, các thủ tục cần chuẩn thuận, nội các tổng thống Obama đã thầm lặng kiểm soát thành công đại dịch H1N1, đến độ không ít người dân Mỹ nhận biết đã có một loại dịch bệnh chết người như vậy xảy ra lúc bấy giờ.

 

Mời quý vị cùng đọc một trích đoạn hồi ký, tổng thống kể lại việc chống dịch H1N1 này như thế nào, qua hồi ký tổng thống “Một Miền Đất Hứa” – A Promised Land của TT Barack Obama vừa phát hành.

 

                                                            ***

Công việc nào cũng có lắm điều bất ngờ. Một cơ phận quan trọng nào đó của thiết bị bị hư. Một tai nạn giao thông buộc mình phải đổi tuyến đường giao hàng. Một khách hàng gọi báo bạn đã nhận được hợp đồng nhưng lại cần giao hàng sớm hơn kế hoạch ba tháng. Nếu đó là điều đã từng xảy ra trước kia thì có thể bạn đã có phương thức và biện pháp để đối phó. Nhưng ngay cả các tổ chức giỏi nhất cũng không thể lường trước được mọi điều, trong trường hợp đó thì bạn tìm cách ứng biến sao cho đạt được các mục tiêu của mình đề ra, hoặc ít ra cũng làm giảm mức thiệt hại.

 

Công việc tổng thống cũng chẳng khác biệt gì. Ngoại trừ những điều bất ngờ luôn đến mỗi ngày, mà thường là cả đợt. Trong suốt mùa Xuân và mùa Hè của năm đầu tiên, khi chúng tôi còn vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính, với hai cuộc chiến tranh và thúc đẩy cải cách hệ thống y tế, thì có lắm điều chẳng mong đợi lại dội xuống nghị trình vốn đã quá tải của chúng tôi.

 

Đầu tiên là khả năng xảy ra một thảm họa thực sự. Vào tháng Tư, các báo cáo bao trùm về một cơn dịch cúm đáng lo ngại bùng phát ở Mexico. Cảm cúm thông thường thì thường tấn công những người dễ bị ảnh hưởng như người già, trẻ sơ sinh và những người có bệnh hen suyễn, nhưng chủng virus này dường như tấn công vào cả những người trẻ tuổi, khỏe mạnh và gây chết người với tỷ lệ cao hơn bình thường.

 

Trong vòng vài tuần, người dân tại Mỹ đã ngã bịnh từ virus này: Một ca tại Ohio, hai ca tại Kansas và tám ca chỉ riêng tại một trường trung học ở New York. Đến cuối tháng thì cả CDC và tổ chức Y tế Thế giới WHO đã xác nhận rằng, chúng ta đang gặp một biến thể của virus H1N1. Đến tháng Sáu, lần đầu tiên trong bốn mươi năm, WHO chính thức tuyên bố về cơn đại dịch toàn cầu đang xảy ra.

 

Tôi đã có nhiều kiến ​​thức hơn chuyện biết sơ qua H1N1 sau nhiệm vụ chuẩn bị đối phó đại dịch ở Mỹ lúc còn ở Thượng viện. Những gì tôi biết đã làm tôi khiếp đảm. Năm 1918, một chủng virus H1N1 gọi là “cúm Tây Ban Nha” đã lây nhiễm khoảng nửa tỷ người và giết chết khoảng chừng 50 đến 100 triệu người, tức khoảng 4% dân số thế giới bấy giờ. Chỉ riêng tại Philadelphia đã có hơn 12 ngàn người chết chỉ trong vài tuần. Ảnh hưởng của cơn đại dịch này vượt xa hơn các con số người chết đáng kể và sự tê liệt kinh tế, khi nghiên cứu sau này cho thấy, những người nằm trong lòng thời kỳ đại dịch lớn lên có thu nhập thấp hơn, học vấn kém hơn và tỷ lệ bị khuyết tật thể chất cao hơn.

 

Còn khá sớm để nói loại virus mới này sẽ nguy hiểm mức nào. Nhưng tôi không muốn thử với rủi ro. Trong cùng ngày, bà Kathleen Sebelius (Chú thích từ người dịch: Bà Sebelius là Thống Đốc tiểu bang Kansas, một thống đốc giỏi từng được xem có cơ hội được TT Obama chọn vào liên danh tổng thống) được chuẩn thuận làm Bộ Trưởng Y Tế, chúng tôi cho phi cơ sang Kansas đón bà rồi chở thẳng đến điện Capitol để tuyên thệ nhậm chức, rồi ngay lập tức yêu cầu bà chủ trì một cuộc họp hai tiếng đồng hồ với các quan chức của WHO cùng các Bộ trưởng Y tế Mexico và Canada. Vài ngày sau thì chúng tôi đã tập hợp được một nhóm liên ngành để thẩm định xem liệu Hoa Kỳ đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất hay chưa.

 

Câu trả lời là, chưa sẵn sàng chút nào. Hóa ra là thuốc ngừa cúm hàng năm không hiệu nghiệm để chống lại H1N1. Thuốc chủng ngừa nói chung không phải là phương tiện kiếm tiền cho các hãng dược phẩm nên một số hãng bào chế đang hoạt động của Mỹ có khả năng giới hạn trong việc tạo vaccine mới. Rồi chúng tôi còn phải đối diện với các vấn đề về việc phân phối thuốc kháng virus, các hướng dẫn cho bệnh viện trong việc điều trị, thậm chí biện pháp đóng cửa trường học và cách ly, nếu tình hình xấu đi.

 

Một số chuyên gia kỳ cựu trong nhóm ứng phó với dịch cúm heo vào năm 1976 của nội các tổng thống Ford, đã cảnh báo chúng tôi về những khó khăn liên quan đến việc làm sao thoát khỏi dịch bệnh mà không phản ứng thái quá hoặc gây ra hoảng sợ. Lúc bấy giờ tổng thống Ford rõ ràng là muốn hành động dứt khoát ngay giữa chiến dịch bầu cử nên đã nhanh chóng cho tiêm chủng bắt buộc trước khi xác định mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Điều này dẫn đến kết quả là, nhiều người Mỹ hứng chịu chứng rối loạn thần kinh liên quan đến vaccine hơn là bị chết vì cúm.

 

– Ngài cần phải tham gia, thưa Tổng Thống. Nhưng ngài cần để cho các chuyên gia lo cách đối phó – một trong những quan chức của Ford khuyên tôi.

 

Tôi choàng vai Sebelius. “Bà thấy chưa?” – Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề . “Đây… là nhiệm vụ đối mặt virus. Chúc mừng Kathleen”.

 

– “Rất vui được phục vụ, thưa tổng thống”. Bà nói một cách rạng rỡ. “Rất vui được phục vụ.”

 

Chỉ thị của tôi đến Kathleen và nhóm y tế công cộng rất đơn giản: các quyết định sẽ được đưa ra dựa theo khoa học tốt nhất sẵn có và chúng tôi sẽ giải thích từng bước trong ứng phó của chúng tôi đến công chúng, bao gồm cả chi tiết những gì chúng tôi đã biết và chưa biết. Trong sáu tháng tiếp theo, chúng tôi đã thực hiện chính xác điều đó. Sự sụt giảm các ca bệnh H1N1 vào mùa Hè đã giúp nhóm ứng phó có thời gian làm việc với các hãng bào chế thuốc và cung cấp khích lệ tài chính cho các quy trình mới để sản xuất vaccine nhanh hơn.

 

Họ tiên định nguồn cung cấp y tế tại khắp các khu vực và giúp các bệnh viện linh hoạt hơn trong việc quản trị các ca bệnh cúm gia tăng. Họ đánh giá và cuối cùng bác bỏ ý tưởng đóng cửa trường học cho hết niên học nhưng đã làm việc với các khu học chánh, các doanh nghiệp, các viên chức tiểu bang và địa phương để bảo đảm rằng mọi người đều có các nguồn lực cần thiết để ứng phó trong trường hợp bùng phát dịch.

 

Mặc dù Hoa Kỳ cũng không phải thoát khỏi cơn dịch một cách bình an vô sự khi có hơn 12 ngàn người dân đã mất mạng, chúng ta quả may mắn khi chủng dịch H1N1 đặc biệt này lại gây chết người ít hơn các chuyên gia từng lo sợ và tin tức về đại dịch được giảm xuống vào giữa năm 2010 đã không là những tiêu đề rầm rộ. Dù sao thì tôi đã rất đỗi tự hào về nhóm chúng tôi đã đối phó dịch rất tốt. Không phô trương hay ồn ào, không chỉ ngăn chặn được virus mà họ còn củng cố sự sẵn sàng ứng phó của chúng tôi cho bất kỳ tình trạng y tế công cộng khẩn cấp nào trong tương lai, điều đã tạo ra sự khác biệt nhiều năm sau khi dịch Ebola bùng phát ở châu Phi và gây ra một cơn hoảng loạn lớn khác.

 

Tôi đã dần nghiệm ra được bản chất của công việc tổng thống là: Đôi khi công việc quan trọng nhất của bạn làm, liên quan đến những thứ mà chẳng mấy ai để ý.

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats