Dự
báo chính sách Châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Biden
Robert A Manning - East Asia Forum
Trần Hùng dịch
9/11/20
Có thể mất vài tuần trước
khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ có kết quả cuối cùng, mặc dù tình hình cho thấy
có thể có một chính phủ chia rẽ giữa Tổng thống Joe Biden và một Thượng viện do
Đảng Cộng hòa kiểm soát. Tuy vậy, chính sách của Hoa Kỳ đối với Châu Á Thái
Bình Dương sẽ có nhiều sự tiếp nối hơn thay đổi, dù sự chuyển biến về giọng điệu
sẽ là rõ rệt.
http://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2020/11/Biden-new-768x432.jpg
Tổng thống đắc cử
Joe Biden
Tổng thống Biden sẽ không
xóa bỏ mọi thứ trong bốn năm qua, và cũng sẽ không thể xóa bỏ được thứ chủ
nghĩa dân túy đã ăn sâu ở Hoa Kỳ, nhưng sẽ làm được nhiều điều để ngăn chặn sự
"chảy máu" tiếp diễn. Mong muốn khắc phục các vấn đề của Biden sẽ bị
hạn chế bởi việc Đảng Dân chủ không kiểm soát được Thượng viện.
Một chiến thắng dành cho
Donald Trump có thể sẽ dẫn đến căng thẳng hơn nữa trong nội bộ, nếu không muốn
nói là làm rạn nứt các liên minh của Hoa Kỳ. Có tin đồn ở Washington rằng Trump
có thể đang cân nhắc rút Mỹ khỏi NATO và giảm quân ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong khi đó, Biden, với một nhóm các chuyên gia Châu Á kỳ cựu trong chính quyền
của mình, sẽ duy trì và tìm cách tăng cường các liên minh, bao gồm cả với Nhật
Bản, Hàn Quốc và Australia. Điều đó sẽ tốt cho sự răn đe.
Biden sẽ thúc đẩy các giá
trị của Hoa Kỳ, đề cao một liên minh các nền dân chủ tại hội nghị thượng đỉnh
toàn cầu các nền dân chủ vào năm 2021 như một điểm tựa để chống lại các xu hướng
độc tài và định hình lại trật tự thế giới đang rạn nứt. Nhưng một số nước Châu
Á cũng có thể coi đó là một áp lực buộc họ phải lựa chọn chống lại Trung Quốc.
Về chính sách của Hoa Kỳ
đối với Trung Quốc, có sự đồng thuận lưỡng đảng rằng Trung Quốc là một ‘đối thủ
cạnh tranh chiến lược’. Điều đó sẽ không thay đổi dưới thời Biden. Nhưng có những
khác biệt quan trọng về ý nghĩa chính xác của khái niệm đó. Chính quyền Trump
đã không xác định các khái niệm, phạm vi và giới hạn mức độ cạnh tranh. Thay
vào đó, Trump đã ác quỷ hóa Trung Quốc, theo đuổi sự tách rời kinh tế và tuyên
truyền chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các bài phát biểu của các quan
chức hàng đầu Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Mike Pompeo lập luận "nếu chúng ta
không thay đổi Đảng Cộng sản, nó sẽ thay đổi chúng ta". Người ta có thể có
lý do để kết luận, như cách suy nghĩa của Bắc Kinh, rằng mục đích ở đây là tìm
cách thay đổi chế độ Trung Quốc.
Ngược lại, Biden có thể sẽ
tìm cách ngăn chặn vòng xoáy đi xuống của quan hệ Mỹ - Trung, với hy vọng xây dựng
một khuôn khổ cho sự chung sống nhưng cạnh tranh lẫn nhau. Hai cố vấn hàng đầu
của Biden, Kurt Campbell và Jake Sullivan, đã viết trên tờ Foreign Affairs rằng
"mục tiêu phải là thiết lập các điều khoản chung sống thuận lợi với Bắc
Kinh trong bốn lĩnh vực cạnh tranh chính - quân sự, kinh tế, chính trị và quản
trị toàn cầu". Điều này sẽ đòi hỏi một chính sách ngoại giao bền vững và
linh hoạt, sự ủng hộ ở trong nước và kiềm chế các hành vi quyết đoán của Trung
Quốc. Biden gần như chắc chắn sẽ rời xa cách tiếp cận chỉ đối đầu song phương,
đồng thời xây dựng các liên minh đa phương dựa trên những mối quan ngại chung.
Bắc Kinh tìm kiếm sự ổn định và có khả năng sẽ cung cấp một cơ hội để kiểm tra
khả năng của Biden trong việc cài đặt lại quan hệ Mỹ - Trung.
Về các vấn đề kinh tế và
công nghệ Mỹ - Trung, có thể sẽ có một cách tiếp cận thận trọng hơn dưới thời
Biden. Các thành viên Đảng Dân chủ cũng nghi ngờ về tự do thương mại không kém
so với phía Cộng hòa, nhưng chính quyền Biden có thể sẽ hợp tác chặt chẽ với
Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và Australia để thúc ép Trung Quốc giải quyết các
lo ngại thương mại chung của họ trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới, tổ
chức mà Biden sẽ nỗ lực cải cách. Những bất bình đó bao gồm các vấn đề trợ cấp
của nhà nước, ép buộc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ cũng như các
quy tắc và tiêu chuẩn cho công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và 5G.
Cũng sẽ có một sự giảm hội
nhập kinh tế chừng mực và có chọn lọc hơn so với sự tách rời kinh tế nửa vời. Về
công nghệ, Hoa Kỳ đã âm thầm tạo ra một cách tiếp cận lưỡng đảng hướng tới chính
sách công nghiệp để cạnh tranh tốt hơn trong ngành bán dẫn, 5G và các công nghệ
mới nổi khác mà Biden ưu tiên. Bắc Kinh đã mở cửa các thị trường một cách có chọn
lọc, chủ yếu là trong ngành tài chính và ô tô, và Biden có thể tìm cách gia hạn
các cuộc đàm phán về hiệp ước đầu tư song phương.
Quan hệ Mỹ - Trung ít biến
động hơn sẽ ảnh hưởng đến chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.
Phạm vi ảnh hưởng quân sự của Hoa Kỳ mở rộng dưới thời Trump, giúp hiện thực
hóa trên thực tế chiến lược xoay trục mà Obama hứa hẹn, điều sẽ khó có thể bị đảo
ngược dưới thời Biden. Thay vào đó, việc tăng cường các liên minh và quan hệ đối
tác của Hoa Kỳ trong khu vực cũng như mở rộng mạng lưới hợp tác an ninh không
chính thức, bao gồm cả Bộ tứ, có thể sẽ xảy ra.
Biden có thể sẽ ít phiến
diện hơn về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chú trọng nhiều hơn vào
ngoại giao khu vực để giải quyết các vấn đề an ninh và quan hệ kinh tế. Nếu
không có nền tảng kinh tế vững chắc, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
có thể trở nên trống rỗng và không bền vững. Với việc Hiệp định Đối tác Toàn diện
và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được mở rộng dưới sự lãnh đạo của
Tokyo và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang dần trở thành
hiện thực (Hoa Kỳ đều không tham gia cả hai hiệp định này), câu hỏi ở đây là liệu
Biden có tái gia nhập TPP không. Ông đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tái gia nhập
với điều kiện các bên còn lại phải sẵn sàng sửa đổi hiệp định để giải quyết các
mối quan tâm của Hoa Kỳ. Điều này có thể phụ thuộc vào vốn liếng chính trị mà
Biden có để giành được sự chấp thuận của Quốc hội.
Vấn đề an ninh trước mắt
có thể là việc chính quyền Biden sẽ giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên như
thế nào. Ông kế thừa hơn 25 năm ngoại giao thất bại của Hoa Kỳ, và thực tế rằng
Bình Nhưỡng đã là một quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thực tế. Nếu quá khứ là
chỉ dấu cho tương lai, Biden sẽ được chào đón bằng sự khiêu khích, có thể là một
vụ thử tên lửa SLBM hoặc ICBM, dẫn tới một không khí giống như khủng hoảng.
Biden nói rằng ông sẽ sẵn sàng tham dự một hội nghị thượng đỉnh nếu các liên hệ
ngoại giao cấp độ làm việc tạo điều kiện cho một giải pháp.
Câu hỏi đặt ra cho chính
quyền mới là liệu có nên theo đuổi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hay không.
Việc đặt ra giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân và đóng băng số lượng đó, có lẽ
đi kèm với việc ngừng phát triển các tên lửa, là một lựa chọn rất đáng để khám
phá. Nhưng các thỏa thuận trước đây đều đổ vỡ do thiếu minh bạch. Điều kiện
tiên quyết cho bất kỳ lựa chọn đóng băng hạt nhân nào sẽ là một tuyên bố đầy đủ
và đáng tin cậy về kho hạt nhân của Triều Tiên, cũng như sự xác minh và giám
sát đầy đủ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Cả hai điều này đều rất
khó xảy ra.
Biden đối mặt với quá nhiều
vấn đề cần chú ý ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Từ Covid-19 tới suy thoái,
vì vậy khu vực nên nhớ rằng chính quyền mới sẽ rất có nhiều vấn đề khiến họ bận
tâm. Biden có kinh nghiệm lâu năm trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và từng là
phó tổng thống phụ trách chính sách đối ngoại. Nhưng bảng thành tích của ông có
hai mảng lẫn lộn, tốt có, dở có. Những gì Châu Á có thể mong đợi từ chính quyền
mới của Hoa Kỳ sẽ phụ thuộc vào các bài học kinh nghiệm được rút ra và việc
tình hình chính trị trong nước ở Mỹ sẽ cho phép họ có thể hành động lý trí tới
mức nào.
-------------------------------
Robert A Manning là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Brent
Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, và là thành viên Sáng kiến Tầm nhìn Chiến lược của tổ chức này.
Nguyên tác : " A Biden presidency's impact on the Asia Pacific ",
East Asia Forum,
08/11/2020.
No comments:
Post a Comment