Friday, 13 November 2020

DONALD TRUMP và SỰ CHIA RẼ TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN CHỦ VIỆT NAM (Nam Quỳnh - Luật Khoa)

 


Donald Trump và sự chia rẽ trong cộng đồng dân chủ Việt Nam    

Nam Quỳnh  -  Luật Khoa

12/11/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/11/trump-va-su-chia-re-trong-cong-dong-dan-chu-viet-nam/

 

Những chia rẽ chính trị mà ông Trump tạo ra có ý nghĩa gì với những người ủng hộ dân chủ?

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/11/trump-vietnam.jpg

Người Việt Nam chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiền, năm 2019. Ảnh: Jorge Silva/Reuters

 

Những tranh luận chính trị lùm xùm với hàng nghìn lượt like trao qua đổi lại trên mạng xã hội hàng ngày dễ làm chúng ta quên đi một thực tế: cộng đồng những người ủng hộ dân chủ đa nguyên tại Việt Nam vẫn chỉ là một thiểu số.

 

Một khảo sát mới đây của Dự án World Values Survey (WVS) đã thăm dò ý kiến từ một nhóm mẫu 1.200 người Việt Nam, gồm 372 người ở các khu vực thành thị và 828 người ở khu vực nông thôn.

 

Trong một câu hỏi về hệ thống chính trị, kết quả cho thấy 84,7% số người được khảo sát tin rằng việc “có một lãnh đạo mạnh mẽ không bận tâm đến quốc hội hay các cuộc bầu cử” là một cách quản trị đất nước “khá tốt” hoặc “rất tốt”.

 

Chỉ có 6,5% số người được khảo sát tin rằng cách quản trị đất nước như thế là “khá tệ” (fairly bad) hoặc “rất tệ” (very bad). 8,8% còn lại trả lời là họ không biết.

 

Tỉ lệ đồng thuận với kiểu lãnh đạo chính trị mạnh mẽ này ở Việt Nam cao gấp đôi Trung Quốc. Ở nước láng giềng phương Bắc, chỉ có 41% số người được hỏi đánh giá tích cực với kiểu quản trị này. Hơn một nửa (57%) trong tổng số mẫu 3.000 người cho rằng như thế là khá tệ, hoặc rất tệ.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/11/VWS.001.jpeg

Trung Quốc, Việt Nam và lãnh đạo mạnh mẽ. Nguồn số liệu: World Values Survey 2017-2020.

 

Dĩ nhiên, chúng ta phải dè dặt với mọi kết quả khảo sát, đặc biệt khi mẫu khảo sát (1.200) là quá nhỏ so với dân số cả nước, và những người được khảo sát có thể không thực sự thành thật (vì nhiều lý do, bao gồm lo ngại chính quyền).

 

Nhưng trong bối cảnh vẫn còn rất thiếu các công cụ thăm dò dư luận trong nước một cách bài bản và khoa học, kết quả khảo sát của WVS xứng đáng để bất kỳ ai tự xem mình là người ủng hộ dân chủ tại Việt Nam nhìn nhận một cách nghiêm túc.

 

Dựa vào kết quả khảo sát nói trên và đặt giả định (rất lớn) rằng chúng cũng đúng ngay cả khi hơn 97 triệu người Việt Nam tham gia khảo sát, thì chỉ có khoảng 6,5% dân số cả nước (khoảng 600 nghìn người) thấy phiền lòng nếu như lãnh đạo của họ không xem quốc hội hay bầu cử ra gì.

 

Kết quả này là chỉ dấu của một thực tế khắc nghiệt mà chúng ta phải thừa nhận, đó là đa số người Việt hiện nay cho rằng dân chủ đa nguyên – ít nhất thể hiện qua một quốc hội độc lập kiểm soát đảng cầm quyền, bầu cử tự do, và sự hiện diện của nhiều hơn một đảng phái chính trị – là một thứ không thật sự cần thiết.

 

Cộng đồng ủng hộ dân chủ ở Việt Nam có lẽ là một thiểu số, không chỉ là nhỏ mà còn rất nhỏ. Và nhóm thiểu số tí hon đó trong bốn năm qua đã và đang chia rẽ hơn bao giờ hết.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/11/trump-2.001.jpeg

Một số tranh cãi trên mạng liên quan đến Donald Trump. Ảnh chụp màn hình Facebook.

 

Tôi không cho rằng ông Trump là nguồn cơn của mọi bất đồng quan điểm và chia rẽ về tư tưởng bên trong cộng đồng này.

 

Nếu không có ông Trump thì các bất đồng quan điểm và chia rẽ tư tưởng đó sẽ vẫn tồn tại nhưng âm ỉ và ít bị khơi dậy hơn.

 

Ở một mức độ nào đó, ông Trump và các tranh cãi chính trị do ông tạo ra trong vai trò tổng thống Mỹ đang buộc những thành viên của cộng đồng phải bộc lộ ra những bất đồng nóng bỏng và dễ gây chia rẽ nhất giữa họ.

 

Xét một cách tiêu cực, việc bộc lộ bất đồng và chia rẽ này có nhiều hệ lụy.

 

Lẽ dĩ nhiên, nó gây mâu thuẫn gay gắt và mất đoàn kết trầm trọng trong nội bộ cộng đồng. Việc này có lẽ đã là rõ ràng với nhiều người vẫn đang quan sát cộng đồng này.

 

Tình trạng mâu thuẫn gay gắt và mất đoàn kết trầm trọng giữa nhiều phe phái bên trong nội bộ này có lẽ là đang làm xấu hình ảnh của cộng đồng hơn bao giờ hết.

 

Một người dân Việt Nam bình thường chưa có quan điểm chính trị rõ ràng đến từ nhóm 8,8% trả lời “không biết” trong khảo sát WVS nói trên hoàn toàn có thể ngoái qua nhìn cộng đồng những người ủng hộ dân chủ bây giờ – vốn đang hăm hở block, unfriend, chửi rủa hay than thở thất vọng về nhau – và lắc đầu một cách ái ngại: Các ông bà còn không thuyết phục được nhau thì còn thuyết phục được ai?

 

Nhìn một cách tích cực, việc bộc lộ bất đồng và chia rẽ này lại là cần thiết cho sự lớn mạnh trong tương lai của cộng đồng ủng hộ dân chủ.

 

Như tôi đã nói, không có ông Trump thì các bất đồng quan điểm và chia rẽ tư tưởng này vẫn tồn tại thôi. Lẽ thường, chín người thì mười ý. Tôi không hề muốn cổ súy rằng cộng đồng này phải đạt “nhất trí cao” hay “đồng thuận sâu” như những người cộng sản thường làm.

 

Bởi vì các giá trị và các tư tưởng chính trị chuyển biến không ngừng, việc tồn tại đa dạng tư tưởng bên trong một cộng đồng là luôn cần thiết. Tuy nhiên, sự đa dạng tư tưởng đó nên được vun trồng một cách có ý thức qua những tranh luận bài bản và thường xuyên về những câu hỏi nền tảng liên quan đến tư tưởng bên trong cộng đồng đó.

 

Chính các tranh cãi chính trị liên quan đến ông Trump đã làm nổi bật lên một số câu hỏi nền tảng vô cùng quan trọng nhưng cho đến nay vẫn chưa được cộng đồng này thảo luận một cách nghiêm túc và căn cơ nhất có thể:

 

·         Cách tốt nhất để Việt Nam có đa nguyên dân chủ là gì? Xây dựng nội lực hay trông cậy ngoại lực?

 

·         Tư tưởng có thể thay thế tư tưởng cộng sản ở Việt Nam là gì? Tự do hữu khuynh hay tự do tả khuynh hay tự do trung dung?

 

·         Những niềm tin và giá trị căn bản về đa nguyên dân chủ của chúng ta là gì?

 

·         Nếu để đạt được mục tiêu Việt Nam có đa nguyên dân chủ đồng nghĩa với việc chúng ta phải hy sinh từ bỏ một số niềm tin và giá trị căn bản nhất định thì những niềm tin và giá trị nhất định phải từ bỏ ấy là gì, và những hy sinh đó có đáng không?

 

·         Chúng ta đang đánh giá một lãnh đạo chính trị bằng những thang bậc tiêu chuẩn cụ thể nào? Nếu phải dùng tư duy kiểu cử tri một-vấn-đề (single-issue voter) thì một vấn đề quan trọng nhất để ưu tiên đó là gì? Chúng ta phải hy sinh các mối quan tâm về các vấn đề khác như thế nào?

 

Không thẳng thắn tranh luận và đi đến một số đồng thuận nhất định về câu trả lời cho các câu hỏi nền tảng nêu trên, cộng đồng ủng hộ dân chủ Việt Nam có lẽ sẽ mãi mãi không trưởng thành.

 

Họ có thể sẽ mãi mãi là những nhóm nhỏ lẻ chia rẽ cãi nhau gay gắt trong một cộng đồng thiểu số có thừa số like-share nhưng thiếu ảnh hưởng chính trị thực tế.

 

Trong khi họ hoàn toàn có thể trở thành một cộng đồng trưởng thành, một lực lượng chính trị có sức ảnh hưởng đủ để làm thay đổi quan điểm của 84,7% + 8,8% dân số Việt Nam – tương đương khoảng hơn 90 triệu người.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats