Trọng Thành - RFI
Đăng
ngày: 11/05/2020 - 13:17
Trong
những ngày gần đây, nhiều cơ quan an ninh Mỹ đang chuẩn bị ra một thông báo
chung về các hoạt động tin tặc quy mô lớn của Bắc Kinh, nhằm đánh cắp các công
trình nghiên cứu vác-xin và cách điều trị bệnh Covid-19. Truyền thông Hoa Kỳ
cho hay chiến dịch này huy động các điệp viên, tin tặc « xuất sắc nhất »
của Trung Quốc.
Báo
New York Times hôm qua, 10/05/2020, dẫn dự thảo thông báo của Cục Điều Tra Liên
Bang (FBI) và bộ An Ninh Nội Địa Mỹ, theo đó chính quyền Trung Quốc đang tìm
cách chiếm đoạt « nhiều dữ liệu quý » về y tế liên
quan đến các nghiên cứu về vác-xin, trị liệu, xét nghiệm tại các trường đại học
và trung tâm nghiên cứu tư nhân. Các cơ quan phản gián Mỹ đặc biệt chú ý vì lực
lượng tham gia chủ yếu vào chiến dịch này là « các tác nhân phi
truyền thống », một cụm từ thường được dùng để chỉ các nhà nghiên
cứu, các sinh viên cộng tác với tình báo Trung Quốc, làm việc trong các phòng
thí nghiệm ở Mỹ. Cảnh báo của các cơ quan an ninh Mỹ sẽ được chính thức đưa ra
trong những ngày tới.
Theo
nhiều quan chức Mỹ, quyết định đưa ra cảnh báo nói trên nhắm vào các nhóm tin tặc
của Bắc Kinh nằm trong một chiến lược chống gián điệp tin học rộng lớn hơn, với
sự tham gia của Bộ chỉ huy Tác chiến Mạng và Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Mỹ (NSA).
Hồi tuần trước, Washington và Luân Đôn cùng đưa ra cảnh báo chung về nguy cơ
tin tặc nhắm vào các cơ quan y tế, dược phẩm, các cơ sở nghiên cứu y khoa và
chính quyền nhiều địa phương. Không nêu đích danh, nhưng đối tượng nhắm đến của
cảnh báo này là Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên.
Bắc Kinh bác bỏ « 24 cáo buộc lố bịch » của giới
chức Mỹ
Cuộc
chiến truyền thông xung quanh đại dịch Covid-19 tiếp diễn trong kỳ nghỉ cuối tuần
qua. Reuters, hôm nay 11/05, dẫn một bài viết được công bố trên trang mạng của
bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tối thứ Bảy, 09/05. Văn bản nội dung họp báo dài 30
trang, với 11.000 từ, cực lực bác bỏ « 24 cáo buộc lố bịch » của
nhiều giới chức cao cấp Mỹ, chỉ trích Bắc Kinh trong việc kiểm soát đại dịch
Covid-19.
Bộ
Ngoại Giao Trung Quốc đặc biệt bác bỏ các cáo buộc của ngoại trưởng Mỹ Mike
Pompeo, lên án Bắc Kinh che giấu thông tin về virus corona mới, cũng như
nêu khả năng virus xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Về các đòi hỏi của
tổng thống và ngoại trưởng Mỹ là phải việc gọi virus corona mới là « virus
Vũ Hán » hay « virus Trung Quốc », bộ
Ngoại Giao Trung Quốc dẫn các tài liệu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), theo đó
tên của một loại virus không thể gắn liền với bất cứ một quốc gia nào.
WHO : Không có điện đàm ngày 21/01 giữa tổng giám đốc
Tedros với Tập Cận Bình
AP
cho hay, hôm thứ Bảy 09/05, Tổ Chức Y Tế Thế Giới ra một thông báo bác bỏ cáo
buộc của tuần báo Đức Der Spiegel, theo đó tổng giám đốc WHO Tedros
Adhanom Ghebreyesus đã có một cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình hôm 21/01/2020, và trong cuộc điện đàm này, lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu
tổng giám đốc WHO trì hoãn công bố đại dịch, giữ lại các thông tin về khả năng
virus gây bệnh Covid-19 lây từ người sang người.
Theo
WHO, việc đưa ra các thông điệp « không chính xác » như
vậy làm tổn hại đến các nỗ lực của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và toàn thế giới trong
việc hướng đến mục tiêu chấm dứt đại dịch Covid-19. Theo WHO, Bắc Kinh đã khẳng
định việc virus lây từ người sang người ngay từ ngày 20/01/2020. Tuần báo Đức
Der Spiegel dẫn thông tin từ Cơ quan tình báo Đức (BND). Hôm qua, Chủ Nhật
10/01, BND từ chối bình luận về vấn đề này. Vẫn theo Der Spiegel, tình báo Đức khẳng định thế giới đã
bỏ lỡ 6 tuần lễ để kịp đối phó với đại dịch Covid-19, do chính sách che giấu
thông tin của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment