Minh
Anh -
RFI
Đăng
ngày: 30/05/2020 - 11:08
Việt Nam khó có thể
để Mỹ trở lại vịnh Cam Ranh
Tháng Năm chập chờn bóng
đen một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong cuộc khẩu chiến
giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới liên quan đến nguồn gốc dịch bệnh virus
corona chủng mới, tổng thống Mỹ Donald Trump dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với
Trung Quốc. Lời đồn thổi rộ lên từ cuối tháng 4 đầu tháng 5/2020 cho rằng Mỹ muốn
quay trở lại vịnh Cam Ranh của Việt Nam chẳng khác gì như châm thêm dầu vào lửa.
Theo phân tích của chuyên
gia người Úc, Carl Thayer, giáo sư danh dự Học Viện Quốc Phòng Úc với ban tiếng
Anh đài RFI, điều này khó thể xảy ra do chính sách « Ba Không » của
Việt Nam. Ông cũng ghi nhận là số lần tầu chiến Mỹ cập cảng Việt Nam ngày một
nhiều : « Về vịnh Cam Ranh, vài năm gần đây, Hoa Kỳ đẩy mạnh
các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa tại Việt Nam ».
Dù vậy, giáo sư Carl
Thayer thận trọng cảnh báo : « Bất chấp chuyến thăm cảng Đà Nẵng của
hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, ba chuyến thăm khác của tầu chiến Mỹ
và cuộc thăm chính thức Việt Nam của tổng thống Obama, Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt
Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ. Kinh nghiệm lâu nay của
tôi về Việt Nam cho thấy Hà Nội chẳng được lợi gì khi xem Trung Quốc là kẻ thù
vĩnh viễn của họ ».
WHO : Trung
Quốc ghi một điểm trước Mỹ ?
Ngày 19/05/2020, Tổ chức
Y Tế Thế Giới (WHO) kết thúc cuộc họp đại hội đồng trong bối cảnh Hoa Kỳ và
Trung Quốc đối chọi nhau gay gắt về nguồn gốc dịch bệnh Covid-19 và cách xử lý
cuộc khủng hoảng của WHO, bị Mỹ tố cáo là « theo đuôi » Trung Quốc.
Trước sức ép của Mỹ, WHO
thông qua một nghị quyết yêu cầu « đánh giá độc lập và khách quan »
hoạt động của cơ quan này trong công cuộc đối phó với dịch Covid-19. Nhưng nghị
quyết này không tháo gỡ được áp lực đe dọa của Mỹ. Tổng thống Donald Trump kỳ hạn
cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong vòng một tháng để cải cách cụ thể, nếu không,
Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi Tổ Chức.
Về điểm này, chuyên gia địa
chính trị Pascal Boniface, Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược IRIS
đánh giá như sau :
« Trên bình diện
ngoại giao, đương nhiên Trung Quốc đã thắng. Một phần là vì cam kết của chủ tịch
Tập Cận Bình. Nếu Trung Quốc tìm ra được vác-xin, đây sẽ được xem như là tài sản
chung của thế giới, và như vậy sẽ được đưa ra sử dụng đại trà. Cam kết này còn
nhằm chống lại những tuyên bố của lãnh đạo người Anh hãng dược Sanofi, cho rằng
vác-xin tìm được trước hết sẽ dành cho thị trường Mỹ. Tiếp đến là do sự vắng
bóng của Trump đã nhường chỗ cho Trung Quốc.
Chúng ta có thể nghĩ rằng Liên Hiệp Châu Âu cũng là
bên thắng cuộc trong lần họp này. Cuộc họp gây quỹ mà Liên Hiệp Châu Âu tổ chức
hôm 08/5 để tìm nguồn tài trợ cho việc nghiên cứu một vác-xin đã thành công,
quyên góp được 8 tỷ euro. Và châu Âu đã đưa ra được một hình ảnh đa phương,
không bị nghi ngờ giấu giếm như Trung Quốc, hay có sự thèm muốn trá hình. Do
Hoa Kỳ thoái lui, sự có mặt của Liên Hiệp Châu Âu khẳng định sự hiện diện của
phương Tây, và như vậy cũng nhằm không để Trung Quốc là cường quốc duy nhất độc
chiếm địa bàn. »
Chuyên gia
Anh : « Bắc Kinh không tha thứ cho tổng thống Đài Loan Thái Anh
Văn »
Ngày 20/05/2020, trong
bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ hai tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn khẳng
định người dân Đài Loan sẽ không chấp nhận đánh đổi « Hòa bình, Bình đẳng,
Dân chủ và Đối thoại » cho nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế
độ » mà Bắc Kinh đang sử dụng để thâu tóm Đài Loan và làm thay đổi
nguyên trạng giữa đôi bờ eo biển.
Ông Steve Tsang, chuyên
gia ngành Nghiên Cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS) trường Đại học Luân Đôn, trả
lời câu hỏi đài RFI nhận định về tương lai quan hệ hai bên bờ eo biển trong bốn
năm tới sẽ không mấy gì sáng sủa hơn so với bốn năm vừa qua.
« Trong bốn năm tới
chúng ta sẽ chứng kiến một sự tiếp nối nếu không muốn nói là xuống cấp trong mối
quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc, vốn dĩ đã rất căng thẳng. Đài Loan là một
ví dụ điển hình cho thấy làm thế nào một đất nước dân chủ, về văn hóa và chủ yếu
là người Hoa, đã xử lý tốt cuộc khủng hoảng Covid-19.
Đây chính là một sự tương phản rõ nét trước sự bất lực
của Trung Quốc hồi đầu mùa dịch. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, rõ ràng tỏ ra khó
chịu và tức giận, chắc chắn sẽ không tha thứ cho Thái Anh Văn về việc đã chống
dịch thành công và tái đắc cử trên cơ sở một cương lĩnh không chấp nhận quan điểm
của Trung Quốc về Đài Loan ».
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc :
Vẫn tăng cho dù khủng hoảng kinh tế.
Khóa họp Quốc Hội thường
niên của Trung Quốc ngày 22/05/2020, sau hơn hai tháng rưỡi bị trễ vì dịch bệnh
Covid-19 đã tập trung mọi sự chú ý của giới quan sát. Lần đầu tiên Trung Quốc
không thông báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế như thông lệ. Ngược lại, Bắc Kinh
cho biết duy trì mức tăng ngân sách quốc phòng ở mức 6,6%.
Theo nhận định của ông
Mathieu Duchâtel, giám đốc chương trình châu Á, Viện Montaigne với đài RFI, bất
chấp bối cảnh kinh tế khó khăn, công cuộc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc vẫn
được tiếp tục.
« Những năm gần
đây, mối tương quan giữa ngân sách quốc phòng và tăng trưởng kinh tế là khá mạnh.
Thường thì tăng trưởng kinh tế thấp hơn mức tăng quốc phòng một điểm. Ví dụ như
trong năm 2019, mức tăng chính thức cho quốc phòng là 7,5%, trong khi tăng trưởng
kinh tế là 6,5%.
Năm nay, chúng tôi vẫn chưa có số liệu về tăng trưởng
kinh tế Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng có thể dự đoán bởi vì Ngân hàng Thế giới
đưa ra con số là -3%, nhưng con số này có thể còn tệ hơn nữa. Tín hiệu mà Trung
Quốc muốn đưa ra là quốc phòng vẫn là yếu tố được bảo đảm, tránh không bị tác động
của khủng hoảng kinh tế, tiếp tục được tăng cường, đồng thời gởi đến quốc tế một
tín hiệu về sức mạnh và ổn định. »
Hồng Kông :
Quy chế « Một quốc gia, Hai chế độ » đã chấm dứt ?
Đỉnh điểm thời sự tháng
Năm là cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông lại trỗi dậy, với việc Trung Quốc thông qua
Luật An ninh Quốc gia mới. Đạo luật nghiêm cấm và trừng phạt mọi hành vi
« phản bội, ly khai, phản loạn, và lật đổ » chế độ sẽ được áp
đặt với Hồng Kông. Người dân đặc khu hành chính lên án đây là một biện pháp bóp
nghẹt « các quyền tự do ». Hoa Kỳ lập tức phản ứng dọa
rút « quy chế ưu đãi thương mại » đối với Hồng Kông.
Trên đài RFI, ông
Jean-Philippe Béja, giám đốc nghiên cứu thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia
Pháp, chuyên gia về chính trị Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đã « thất hứa »
với chính những cam kết của mình đưa ra vào thời điểm Anh Quốc nhượng địa.
« Đây là một sự
thay đổi sâu rộng đến mức người ta không khỏi nghi ngờ việc gìn giữ công thức
"Một nhà nước, Hai chế độ". Luật Cơ Bản – một dạng Hiến pháp của Hồng
Kông ghi rất rõ là Luật quốc gia, tức là luật của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa
không thể áp dụng ở Hồng Kông ngoại trừ các lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng.
Luật an ninh vùa được thông qua chẳng liên quan gì đến ngoại giao cũng như quốc
phòng cả. Hơn nữa, lúc đầu, chính quyền Hồng Kông từng nói là không thể sửa đổi
Luật Cơ Bản Hồng Kông trong một sớm một chiều, thế rồi chỉ trong một đợt nghỉ
cuối tuần, họ đã thay đổi ý kiến.
Việc thông qua dự luật về an ninh cho thấy là Bắc
Kinh hoàn toàn coi thường những cam kết mà họ đã đưa ra vào năm 1984 và năm
1990 khi thiết lập Luật Cơ Bản và muốn áp đặt đạo luật này ở Hồng Kông vì Trung
Quốc hiểu rõ là người dân Hồng Kông đang đứng dậy chống lại mọi hành động can
thiệp của Bắc Kinh. Và nhất là chính quyền Hồng Kông hiện nay tuân theo lệnh của
Bắc Kinh, đã hoàn toàn bất lực không làm được bất kể điều gì để có được ảnh hưởng
đối với xã hội Hồng Kông. »
No comments:
Post a Comment