Saturday 30 May 2020

KINH KHỦNG QUÁ ÔNG BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP ƠI! (Nguyễn Ngọc Chu)




NỘI DUNG :

.
.

===========================================


1. AI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ CÁI CHẾT CỦA ÔNG LƯƠNG HỮU PHƯỚC?

Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”. Lời trăng trối trên Facebook của ông Lương Hữu Phước như mũi dao khứa vào con tim mỗi ai còn có lương tri!

Bị kết án oan sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Lương Hữu Phước đã uống thuốc trừ sâu, đến TAND tỉnh Bình Phước lên lầu 2 nhảy xuống đất tự tử.

Hơn 2.247 năm trước, sau khi giới thiệu Kinh Kha cho Yên Đan để giết Tần Thủy Hoàng (227 TCN), Điền Quang đã tự vẫn. Bởi vì Yên Đan dặn Điền Quang đừng nói cho ai biết. Theo Điền Quang thì dặn đừng tiết lộ cho ai là đã nghi ngờ. Bởi vậy Điền Quang đã lấy cái chết để minh oan. Hơn 170 năm trước, các thi hào Nga Pushkin (1837), Lermontov (1841) cũng đã thiệt mạng sau các cuộc đấu súng vì danh dự.

Chỉ mới dặn đừng tiết lộ cho ai mà đã tự vẫn. Chỉ vì động chạm đến danh dự mà đấu súng sống chết. Để thấy, oan không kể to hay nhỏ, danh dự không phải vì giàu hay nghèo.

Ông Lương Hữu Phước tự tử không phải vì án tù 3 năm. Ông Lương Hữu Phước tự tử vì ông thấy các quan tòa từ bậc sơ thẩm đến bậc phúc thẩm đều không còn lương tâm, ở tòa nào ông cũng không tìm được công lý, chỉ có cái chết mới minh oan được cho ông, chỉ có cái chết ông mới hy vọng “thức tỉnh được nền tư pháp Bình Phước”!

Không phải là kẻ sĩ, không phải là quý tộc, đến bước đường cùng chỉ có cái chết mới chứng tỏ án oan – ai sẽ chịu trách nhiệm về cái chết của ông Lương Hữu Phước?

2. CÁI CHẾT CỦA ÔNG LƯƠNG HỮU PHƯỚC CÓ THỨC TỈNH ĐƯỢC NỀN TƯ PHÁP BÌNH PHƯỚC?

1/
Ngày 16/6/2001, bà Lê Thị Thúy Loan 27 tuổi đã uống thuốc sâu tại phiên tòa phúc thẩm ở Ninh Thuận. Bà nói “Tôi đã uống thuốc sâu để bảo vệ danh dự của tôi”. Bà khạc nhổ ra mùi thuốc sâu, đứng không vững, gia đình khóc lóc xin mang đi cấp cứu. Nhưng quan tòa không cho. Mãi sau khi phiên tòa kết thúc gia đình mới được đưa bà Loan đi cứu chữa. Bà Loan đã tử vong. Có quan tòa nào trên thế giới táng tận lương tâm như thế không?

Sau cái chết của bà Lê Thị Thúy Loan, Đoàn kiểm tra đã liệt kê ra 12 sai phạm lớn cùa Tòa án Ninh Thuận. Ông thẩm phán Nguyễn Đức Sáu cho rằng, cái chết của bà Lê Thị Thúy Loan “là bài học xương máu cho ngành tòa án”. Nhưng ngành tòa án không bao giờ thức tỉnh.

2/
Trong hàng ngàn án oan, có liên quan đến sai phạm do phía công an gây ra, trong số đó vô cùng nhẫn tâm là ép cung. Nhưng đến lượt mình, cán bộ ngành công an cũng không thoát được án oan. Oan đến mức cựu công an ông Huỳnh Văn Tới đã phải mổ bụng tại phiên tòa do TATC TPHCM xét xử lưu động tại Bạc Liêu (11/2015). Sau vụ mổ bụng kêu oan của ông Huỳnh Văn Tới, ngành tòa án cũng không thức tỉnh.

3/
Không chỉ thường dân, người có chức bị oan cũng phải tự tử để minh oan. Ngày 2/7/2018 ông Bùi Hữu Tuấn, 58 tuổi, cựu trưởng thôn Đạo Ngạn (Hợp Đồng, Chương Mỹ, Hà Nội) đã tự thiêu tại cổng trụ sở Ban tiếp công dân Trung ương (số 1 Ngô Thì Nhậm, Quang Trung, Hà Đông) để phản đối bản án phúc thẩm số 98-2018/HSPT ngày 07/3/2018 của TAND TP Hà Nội. Sau vụ tự thiêu của ông Bùi Hữu Tuấn, ngành tòa án cũng không thức tỉnh.

4/
Thử gõ ba từ “nhảy lầu ở” thì lập tức hiện ra ngay 10 dòng: Bình Phước, Hà Nội, TP.HCM, Gold view, Hồ Gươm plaza, bắc giang, chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3, Parkson Hùng Vương, Mỹ Đình, chung cư…, cùng với 7.030.000 kết quả trong vòng 0.37 giây. Thử gõ thêm 3 từ “tự thiêu ở” thì cũng lập tức hiện ra 9 dòng: Bình Dương, Quảng Bình, Ninh Hóa, Quảng Thọ, Huế, Ba Đồn, Thủ Đức, Sài Gòn, Dinh Độc Lập với 8.790 000 kết quả trong vòng 0.40 giây. Làm sao mà liệt kê cho xuể?

Trong một stutus trên Facebook của mình, Luật sư Nguyễn Đình Hải đã viết: “Người ta chỉ quan tâm ‘oan sai’ đối với án giết người. Hàng ngàn vụ oan sai trong án dân sự, hành chính âm thầm nuốt lệ 1 mình”.

Cho nên, liệt kê thêm vài chục vụ án oan thì thấm thía gì với hàng vạn vụ án oan mà người dân ngậm đắng nuốt oan ức vào lòng? Mổ bụng, uống thuốc sâu, nhảy lầu, tự thiêu… đủ mọi phương thức minh oan, nhưng ngành tòa án chưa thức tỉnh.

5/
Bởi thế, cũng như cái chết của bà Lê Thị Thúy Loan, vụ tự mổ bụng của ông Huỳnh Văn Tới, vụ tự thiêu của ông Bùi Hữu Tuấn… – phải đau xót mà trả lời rằng – cái chết của ông Lương Hữu Phước sẽ không thức tỉnh được nền tư pháp Bình Phước. Lương tâm các quan tòa đã mục nát đến mức không còn chỗ nào để mà thức tỉnh.

3. KINH KHỦNG QUÁ ÔNG BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP ƠI!

1/
Nếu ở các nước ‘tam quyền phân lập’, tòa án độc lập, thì trách nhiệm án oan thuộc về tòa án. Đó là điều dễ hiểu. Nhưng ở nước ta, tòa án không hoàn toàn độc lập. Án oan đương nhiên là lỗi của tòa án, nhưng còn có thể là lỗi liên quan đến viện kiểm sát và công an. Ngoài những tên vừa nêu, thì án oan ở Việt Nam còn liên quan đến Bộ Tư pháp. Vì Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính Phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

2/
Nếu có một sự cố nghiêm trọng xảy ra ở một trường học, thì ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không tránh khỏi bị nêu tên. Trong khi đó, một vụ án oan dẫn đến tự tự để minh oan như trường hợp ông Lương Hữu Phước mà ông Chánh án Tòa án Tối cao, ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, ông Bộ trưởng bộ Tư pháp lại vô can thì thật là phi lý. Ở điểm này, công bằng mà nói, ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bị “thiệt thòi” hơn so với các ông Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

3/
Án oan nhiều đến mức kêu mỏi mồm các ông Chánh án Tòa án Tối cao, ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao mà chưa nghe thấy lời đáp. Bây giờ thì đành phải kêu oan đến ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Luật sư Lê Ngọc Luân trên Facebook của mình đã phải thảm thiết kêu lên: KINH KHỦNG QUÁ TRỜI ƠI!

Trời xa quá chưa thấu được. Phải kêu đến con người cụ thể ở gần hơn:

KINH KHỦNG QUÁ ÔNG BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP ƠI!

KINH KHỦNG QUÁ ÔNG CHÁNH ÁN TÒA ÁN TỐI CAO ƠI!

KINH KHỦNG QUÁ ÔNG VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT TỐI CAO ƠI!

Và cuối cùng, rơi nước mắt mà thảm thiết cùng kêu với LS Lê Ngọc Luân: “ĐẤT NƯỚC TÔI SAO LẠI XẢY RA NHỮNG BẤT CÔNG VÀ PHẪN UẤT THẾ NÀY. TRỜI ƠI!”

4/
Lương tâm đã rách nát. Bệnh đã lên đến Cao Hoang. Không thể vá víu. Chỉ có thể làm mới lại.

5/
Các quan tòa chưa chịu thức tỉnh. Còn các luật sư ở đâu?

***

P/S: Bài của Luật sư Lê Ngọc Luân: 

LS Lê Ngọc Luân đang cảm thấy khủng khiếp.
KINH KHỦNG QUÁ TRỜI ƠI? Tôi đang ở TP. Quy Nhơn thì Đồng nghiệp Trần Minh Hùng báo tin một người dân ở Bình Phước kêu oan nhưng vẫn bị kết án. Quá phẫn uất, họ tự tử bằng cách nhảy từ lầu 2 ở trụ sở Toà án tỉnh Bình Phước hôm nay. Tôi nhìn hình ảnh thấy quá đau lòng và kinh khủng.

 Có lẽ, người dân đất nước này họ không còn chút hi vọng gì vào hệ thống xét xử của toà án.

Khi sự kêu oan không được xem xét, dân đen chỉ còn cách chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch, có người thì tự cầm dao rạch bụng mình ngay tại toà vì phẫn uất trước bất công. Hôm nay một người khác nhảy lầu. Xin lỗi các Thẩm phán có lương tâm nhưng xin nói thẳng, khi quyết định số phận con người hãy xem hình ảnh này để đừng gây ra oan nghiệt.  

P/S: Đất nước tôi sao lại xảy ra những bất công và phẫn uất thế này. Trời ơi!

Thành kính phân ưu, cầu mong linh hồn anh siêu thoát. 

Quá đau đớn và tội nghiệp!



--------------------------------------------------
.
30/05/2020

Anh Lương Hữu Phước, 55 tuổi, có con gái bị sát hại khi sống ở Long An. Lên Bình Phước, mấy chị em mua mấy mẫu đất thì bị thu hồi trở thành trắng tay, rồi vợ chồng ly thân.

Khi chở một người bạn về, cả hai đều có hơi men trong người thì họ gặp tai nạn giao thông, do một cặp say rượu khác đâm vào. Bạn anh thiệt mạng. Án sơ thẩm xử anh 3 năm tù.

Chi tiết bạn anh ngồi đằng sau mà chồm lên muốn thay đổi hướng đi của anh thể hiện bạn anh đã rất say rồi. Anh Phước tuy có uống nhưng vẫn tỉnh táo, anh còn chở bạn về nhà lấy mũ bảo hiểm cho bạn.

Phúc thẩm lần 1 đã bác án sơ thẩm và chỉ ra 11 điểm sai sót trong quá trình tố tụng nhưng tòa phúc thẩm lần 2 lại tuyên y án.

Trong suốt 3 năm ròng từ 2017 tới nay anh Phước chạy vạy kêu oan. Luật sư của ông cũng chạy vạy kêu oan đủ cấp đủ nơi.

Hôm qua, khi bị tuyên y án, anh Phước đã nhẩy lầu tự tử từ tầng 2 toà án Bình Phước, sáng hôm qua anh đã post lên FB dòng stt này :

Nội dung stt trước khi anh Lương Hữu Phước tự tử. Ảnh: internet

Đây là câu chuyện để chúng ta đáng bàn:

1. Đàn ông Việt lấy rượu làm phương tiện giao đãi và rượu tạo ra rất nhiều bi kịch cho gia đình, xã hội. Tất nhiên là có uống nhưng từ giờ chúng ta hãy đi xe ôm hay đi bộ khi uống và nói chung là uống ít thôi. Tôi rất không thích những người hối thúc người khác cạn ly. Rượu chỉ là cái cớ để gặp nhau đàm đạo, thư giãn. Uống nhiều hay ít là tuỳ sức khoẻ mỗi người.

2. Tôi thương cảm với số phận của anh Phước nhưng tôi không đồng tình với cách của anh. Anh hy vọng cái chết của mình sẽ thức tỉnh nền tư pháp Bình Phước, nhưng hy vọng ấy thật mỏng manh và không khả thi.

Trong một xã hội mà lương tri đa phần của con người còn đang ngủ gật, đặc biệt trong ngành tư pháp thì lương tri đã bị đồng tiền tha hoá và sự câu kết trong hệ thống đã làm lương tri của chúng chết hẳn thì sự quyên sinh của anh không có tác động gì đâu.

Cuộc sống luôn quý giá và về mặt nào đấy, sống là một ván bài mà ta cần chơi một cách thông minh và hiệu quả nhất có thể.

Anh có thể ở tù ba năm nhưng sau ba năm anh vẫn có thể làm lại được nhiều việc, kể cả tố cáo mạnh mẽ những kẻ mà anh cho là đã xử oan cho anh.

Với tôi, tố cáo không được thì tôi sẽ chọn giải pháp mạnh mẽ và hoang dại hơn.

Là người của võ, tôi luôn đề cao lối sống tích cực nhất, mạnh mẽ nhất có thể. Cuộc đời luôn đầy rẫy khó khăn nhưng nếu ta có thái độ sống tích cực, lạc quan và mạnh mẽ, ta coi những khó khăn, những gánh nặng ấy là phương tiện để ta tôi luyện thì kết cục sẽ tốt đẹp hơn.

Không bao giờ chọn kết cục buồn các bạn nhé.

R.I.P anh Lương Hữu Phước.


-------------------------------------
.

Là người làm nghề luật sư, đã trải qua và chứng kiến nhiều số phận oan nghiệt, cay đắng nhưng thú thật, hình ảnh ông Phước nằm co ro, chết không nhắm mắt ở sân toà khiến tôi ám ảnh và đau đớn.

Ở toà án, đó là nơi mà bao con người chờ đợi, hi vọng một phán quyết công minh, tình người. Thế nhưng, ở nơi ấy, họ chọn cách lấy dao rạch bụng (Cần Thơ), uống thuốc độc chết (Ninh Thuận), nhảy từ lầu 2 (Bình Phước)… nhằm chứng minh cho sự oan ức và trong sạch của mình.

Cách đây hai ngày, một người Việt Kiều Mỹ đến gặp nhờ tư vấn tranh chấp chỉ 40 triệu đồng, đó là con số rất nhỏ và tình huống pháp lý đơn giản. Họ nói, bản thân tin ở toà và thấy việc không có gì phức tạp nên tự mình làm xem sao, không ngờ vụ án kéo dài hơn 3 năm và kết quả thua kiện khiến sự phẫn uất của họ lên đến cao trào mỗi lần nhắc về sự việc khi tâm sự với tôi. Tiền cũng mất, danh dự cũng bay.

Câu nói mà họ chia sẻ “đến chết, tôi không bao giờ tin toà án Việt Nam”. Nghe đau quá!

Những người làm nghề luật sư như chúng tôi đây, nắm luật nhưng còn bị hành cho ra bả, nhiều lúc phải nhịn nhục chỉ vì giúp Thân chủ. Nếu là án dân sự, cương quá, ít 3 năm, 5 năm, dài thì 15, 18 năm… có khi chết rồi đời con cháu vẫn chưa xong.

Án hình sự, các luật sư bào chữa khản cả cổ, tiếng kêu ai oán cả trời đất nhưng đến phần nghị án, họ lui vào ngồi lâu lâu chút cho có cái gọi là “nghị án” sau đó ra đọc bản án viết sẵn một cách vô cảm đến đáng sợ.

Vậy dân đen chỉ còn cách rạch bụng, uống thuốc độc và nhảy lầu. Thức tỉnh được nền tư pháp không?

Còn lâu…

Chỉ khi nào thẩm phán được độc lập thật sự, họ có quyền phán xét bằng sự chính trực và lương tâm không bị can thiệp thô bạo thì mới có nhen nhóm hi vọng.

Viết ra điều này, tôi tin những NGƯỜI THẨM PHÁN đúng nghĩa, thương dân sẽ đồng cảm và đau đớn khi chứng kiến hình ảnh đau thương của đồng loại. Chắc chắn họ sẽ không ngủ được và ám ảnh như chúng ta. Nhưng không biết được bao nhiêu người đang suy nghĩ?

Bài viết là nén hương thơm mà tôi muốn gửi đến ông Lương Hữu Phước – người đàn ông bất hạnh và khổ đau ở cõi trần gian.

P/S: Đất Mẹ bao la ôm và sưởi ấm cho Ông

TP. Quy Nhơn, 30/5/2020
LS Lê Ngọc Luân







No comments:

Post a Comment

View My Stats