T.Vấn
29/05/2020
1. Chuyện thường
ngày
Chuyện kỳ thị chủng tộc ở
Mỹ không có gì mới. Nó đã tồn tại hàng nhiều thế kỷ và sẽ còn tồn tại bao lâu
còn có sự sống chung giữa các màu da Trắng, Đen, Vàng, Nâu trong cùng một quốc
gia có tên gọi Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Bất kể luật pháp nước Mỹ đã có và hiện
có những biện pháp mạnh mẽ đối phó với vấn nạn kỳ thị. Bất kể các hệ thống truyền
thông, các mạng lưới xã hội thường xuyên lên án các hành vi kỳ thị dù xuất hiện
dưới bất cứ hình thức nào.
Kỳ thị như con virus tiềm
ẩn ở trong mỗi cơ thể người Mỹ, bất kể Mỹ trắng, Mỹ đen (African-American), Mỹ
vàng (Asian-American), Mỹ nâu (Hispanic-, Latinos-, Fillipino-Americans)*;
không ai được miễn nhiễm, lại càng không có tính miễn nhiễm tập thể (herd
immunity), một trong những đặc tính của con virus đáng sợ nhất hiện nay đang
hoành hành thế giới Covid-19.
Thế nên, chẳng có gì mới
để lại bàn về chuyện kỳ thị chủng tộc ở Mỹ. Nhưng, từ khi có đại dịch Covid-19,
có vẻ như vấn đề này lại là một trong những điểm nóng của các mạng truyền thông
xã hội. Gần đây nhất là vụ một người Mỹ đen 46 tuổi, tên George Floyd, bị một cảnh
sát Mỹ trắng thuộc sở cảnh sát thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota,
trong lúc bắt giữ nghi can Floyd đã dùng đầu gối chẹn cổ anh cho đến ngạt thở
và chết.
Viên cảnh sát Derek
Chauvin đè đầu gối lên cổ nạn nhân George Floyd, gây ra cái chết của anh. Ảnh
chụp từ clip
Sự việc xảy ra chiều
25/5, đã được một cô gái 17 tuổi chứng kiến và ghi lại bằng điện thọai rồi phổ
biến trên mạng xã hội cho mọi người cùng xem. Qua hình ảnh video mà hầu như cả
thế giới đã được xem, sự kỳ thị đã mang một bộ mặt hung ác, tàn nhẫn, bất nhân
đến độ khó mà tin đó là cách đối xử của một con người đối với một con người nếu
như không có gần 10 phút sự thật phơi bày trần trụi.
Kết quả là liên tiếp hai
ngày qua, những cuộc biểu tình phản đối hành vi dã man của cảnh sát thành phố
Minneapolis đã bùng nổ ở nhiều nơi. Nhiều cửa tiệm, nhà cửa bị đập phá, đốt
cháy và kể cả cảnh người hôi của từ chợ Target, một cửa hàng bán lẻ gần đó.
Những cảnh tượng bạo lực
khó mà tưởng tượng hiện đang xảy ra trên nước Mỹ.
Một loạt phản ứng quen
thuộc xảy ra như đã từng xảy ra với khá nhiều vụ việc tương tự trong quá khứ:
Các chính khách, các viên chức dân cử, các tổ chức dân sự, báo chí, dư luận xã
hội lên án hành vi của cảnh sát Minneapolis, đòi đem viên cảnh sát Derek
Chauvin, thủ phạm chính ra xét xử v.v…
Rồi đây, khi những cuộc
biểu tình lắng xuống, nỗi đau của gia đình người chết đã nguôi ngoai, những người
trong cuộc liên can hoặc ngồi trong tù nghiền ngẫm cuộc đời, hoặc vẫn tiếp tục
công việc hàng ngày của mình không một chút ân hận. Như thể không có gì xảy ra.
Như thể đó là một phần của cuộc sống, kẻ chết (nạn nhân) và người sống (cảnh
sát) chẳng may bị dính líu vào vì đã có mặt không đúng nơi, đúng lúc (wrong
time, wrong place).
Còn kẻ bàng quan, người
ngoài cuộc (có chắc là ngoài cuộc?) vẫn cần phải sống tiếp cuộc đời của mình,
cho đến khi có một vụ kế tiếp xảy ra, cho một ai đó (người Mỹ đen hay Mỹ vàng,
Mỹ nâu…), ở một nơi nào đó (California, Texas, hay Virginia…). Khi ấy mọi người
sẽ chợt nhớ đến con virus kỳ thị còn tiềm ẩn đâu đó, chờ dịp ngóc đầu dậy hoành
hành. Và lại lên án, biểu tình, đòi hỏi. Và lại tiếp tục quên lãng, như đã bao
lần quên lãng.
Cho đến khi, sự việc xảy
ra ngay trước cửa nhà mình. Và chính mình, trở thành người trong cuộc, trở
thành nạn nhân của con virus kỳ thị chủng tộc. Và có thể, chẳng may không còn sống
sót để lên án, biểu tình, đòi hỏi và … quên lãng.
2. Vụ người Châu Á
bị kỳ thị
Tin tức cho biết, tại
thành phố San Leandro, một thành phố nằm phía đông của thành phố San Francisco,
tiểu bang California, nơi có khá nhiều người gốc Á như Tàu, Việt, Ấn Độ sinh sống.
Số người gốc Á ở đây chiếm khoảng 30% trong tổng số 85,000 dân số của thành phố.
Hôm 23/5/2020 vừa qua, cảnh
sát đã bắt giữ một phụ nữ da trắng 52 tuổi, tên là Nancy Arechiga. Tội danh của
bà Arechiga là bị bắt quả tang khi đang đi dán những tờ rơi viết tay lên cửa
nhà các cư dân châu Á của thành phố. Xét trong túi xách của bà, cảnh sát còn
tìm thấy rất nhiều những bản sao tờ rơi khác. Nội dung của tờ rơi có những lời
lẽ mang tính kỳ thị chủng tộc.
Bà Nancy Arechiga,
cư dân South Berkely, đang đi dán tờ rơi mang nội dung kỳ thị lên cửa nhà người
châu Á. Bên phải là một bản sao của tờ rơi. Ảnh: NY Dailynews
Nội dung của tờ rơi có
các đoạn: “Này các người, với đất nước này các người là những kẻ xa lạ, những
kẻ xấu, vậy hãy rời khỏi nơi đây, hãy đi thật xa, hãy quay về xứ sở của các người,
nơi các người sinh ra. Hãy rời khỏi chỗ này ngay…”
Trong một bản sao khác,
viết: “… Nếu các người là đàn bà, hay đàn ông, và được sinh ra ở một xứ sở
khác, hãy về đi, về lại nơi của mình ngay lập tức, nhanh lên, khẩn cấp lên…
Một phần nội dung tờ
rơi dán ở cửa nhà các cư dân châu Á ở thành phố San Leandro (San Francisco). Ảnh:
KABC-TV
Chúng tôi, nhân dân nước Mỹ: ra lệnh cho các người
phải ra khỏi căn nhà này. Một người Mỹ khác, da trắng, can đảm, đang phục vụ nước
Mỹ sẽ vào ở trong căn nhà này. Thời hạn chót cho các người rời khỏi nơi này là
10:30 sáng thứ Bảy 23-5-2020. Không một kẻ châu Á nào được phép sinh sống nơi
đây”.
Cư dân châu Á ở đó đang bị
rúng động vì chưa bao giờ chính họ phải đối phó với một tình cảnh tệ hại đến
như vậy. Không chỉ một người trong gia đình, mà là cả gia đình già trẻ lớn bé, ở
ngay trước cửa nhà mình, lan vào trong tận nhà mình và để lại một cảm giác mà một
phụ nữ trẻ có tên là Trinh (người Việt?) mô tả là “lạnh toát cả xương sống”.
Sự thù hận bộc lộ rõ trong
nội dung bức thư, được viết với câu cú lủng củng, nhiều lỗi văn phạm, chứng tỏ
trình độ của người viết không được học cao. Nhưng sự thật là nó xuất phát từ sự
ghét bỏ, ganh tị (?) (Được biết, một căn nhà ở thành phố San Leandro trị giá từ
nửa triệu đô la trở lên).
Người phụ nữ tên Trinh đang trả lời phỏng vấn của
đài truyền hình KABC-TV và quang cảnh một căn nhà bị dán tờ rơi cùng bản sao một
tờ rơi. Ảnh: KABC-TV
“Một người Mỹ, da trắng, can đảm,
đang phục vụ nước Mỹ sẽ vào ở trong căn nhà này”. Căn nhà này, đất nước này, là của người Mỹ trắng?!
Liệu tâm thức này chỉ của một người Mỹ ít học hay của nhiều người Mỹ khác, kể cả
có trình độ cao hơn? Liệu chúng ta còn có thể tự đánh lừa mình, tự ru ngủ mình
thêm bao lâu nữa?
Nội trong tuần lễ thứ ba
của tháng 5, đã có gần 700 vụ việc liên quan đến người Mỹ gốc châu Á
bị đối xử bằng những hành vi kỳ thị xảy ra khắp nơi trên nước Mỹ. Từ những lời
lẽ mạt sát, vu khống người châu Á xuất hiện trong các giao lưu trên mạng xã hội,
đến thực tế những cảnh người Mỹ gốc Á bị nhổ nước miếng vào mặt, bị la ó “cút
khỏi đất nước của tao”, thậm chí bị đuổi đánh, trên đường phố, trong các cửa
tiệm, trên xe bus giao thông công cộng.
Nguyên nhân của sự bùng
phát khác thường này có thể là do những căng thẳng, sợ hãi do đại dịch Covid-19
mang lại, mà nguồn gốc của nó được cho là đến từ thành phố Vũ Hán thuộc nước
Tàu, một sắc dân có mặt khá đông đảo (có thể nói là đông nhất) trên nước Mỹ. Và
các sắc dân châu Á khác, Việt, Đại Hàn, vốn có những nét hao hao với người Tàu,
chẳng may bị “văng miểng”?
Nhưng trước hết, không thể
phủ nhận sự tồn tại của virus kỳ thị chủng tộc trên nước Mỹ, có trước con virus
Covid-19 hàng thế kỷ. Bao lâu nay, con virus kỳ thị chủng tộc tạm nằm yên đó là
vì luật pháp nước Mỹ đủ mạnh để trấn áp nó. Đến thời điểm hiện nay, trước và cùng lúc với đại dịch
Covid-19, chính quyền của tổng thống Donald Trump có khuynh hướng giảm bớt di
dân (cả bất hợp pháp lẫn hợp pháp).
Để cổ vũ cho chính sách di dân của mình, tổng thống Trump và các cộng sự
của ông ta thường có những luận điệu, những lời nói mị dân (Mỹ trắng), thậm chí
mang tính kỳ thị rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi cho con virus kỳ thị ngóc đầu
dậy, nghe ngóng và có những “động tác trở mình”, như một cách “thăm
dò dư luận” trước khi trở thành “đại dịch”.
Cũng chẳng sao, chúng ta
đang căng đầu đối phó với virus Corona Covid-19. Để sống sót cũng đã đủ bở hơi
tai. Lo lắng về con virus kỳ thị làm chi cho thêm rách việc.
Nước Mỹ đã giữ kỷ lục
trên thế giới lâu nay về con số tử vong do Covid-19, hiện có hơn
103,000 người chết, tính đến thời điểm này. Con số sẽ còn tăng hơn nữa,
theo các giới chức y tế, con số có thể là nửa triệu trước khi Covid-19 bị chặn
đứng. Hãy cứ làm sao không nằm trong con số nửa triệu ấy cũng đủ để ăn mừng rồi.
Còn con virus kỳ thị thì cứ … kệ mẹ nó! Chừng nào nó đến trước cửa nhà mình thì
hẵng hay!
____
(*) Sẽ có người cho rằng, chỉ
có dân Mỹ trắng là có thể bị mắc con virus kỳ thị chủng tộc còn những sắc dân
khác (non-white) thì không bị. Thực tế đã cho thấy ngược lại: Mỹ vàng cũng kỳ
thị Mỹ đen, Mỹ nâu (Hispanic); Mỹ đen cũng kỳ thị Mỹ vàng, Mỹ nâu; và Mỹ nâu
cũng không hẳn là không kỳ thị Mỹ đen hay Mỹ vàng. Có khác nhau chăng chỉ là ở
mức độ trầm trọng của con virus mà thôi.
By Mark Berman
July 28, 2017 at 8:43
p.m. EDT
During a speech to law
enforcement on July 28, President Trump said "please don't be too
nice" to suspects who are arrested. (The Washington Post)
---------------------------------------
VOA
Tiếng Việt
28/05/2020
Thị trưởng thành phố
Minneapolis, Mỹ, đã phải yêu cầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Minnesota trợ
giúp, sau khi các cuộc biểu tình leo thang với một vụ nổ súng gây chết người, đồng
thời, đã xảy ra cướp bóc và bắn hơi cay trong thành phố vào tối 27/5.
Châm ngòi cho tình trạng
kể trên là vụ George Floyd, một người da đen, bị cảnh sát đè cổ đến chết trong
lúc họ bắt giữ ông ấy.
“Tôi không thể mạo hiểm về sự
an toàn của những người vô tội. Đó là điều tôi đã tuyên thệ và có trách nhiệm
phải làm”, Thị trưởng Jacob Frey
nói với kênh KARE, chi nhánh của NBC. “Chúng ta có thể có cả hai. Chúng ta
có thể có các cuộc biểu tình ôn hòa, và tôi cũng phải đảm bảo an toàn cho mọi
người trong thành phố”.
Đêm biểu tình thứ hai tại
khu vực gần nơi xảy ra cái chết của Floyd bắt đầu một cách ôn hòa, nhưng sau đó
càng ngày càng trở nên dữ dội khi màn đêm buông xuống.
Thống đốc Tim Walz vào cuối
ngày 27/5 gọi đây là “tình huống cực kỳ nguy hiểm” và kêu gọi cư dân rời khỏi
khu vực.
Trong khi đó, Thị trưởng
Frey khẩn khoản cầu xin cư dân hãy bình tĩnh. Ông nói với kênh KARE11 trong một
cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Tôi đang cầu khẩn thành phố chúng ta, cầu khẩn
cộng đồng chúng ta, cầu xin mọi người hãy gìn giữ hòa bình. Hãy tôn vinh việc
tưởng niệm George Floyd”.
Biểu tình nổ ra sau khi mạng
xã hội lan truyền video cho thấy một cảnh sát da trắng đang quỳ, đè gối lên cổ
George Floyd trong lúc ông này bị còng tay và ông nói rằng “Tôi không thở được”.
Ông Floyd sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.
Các cảnh quay trong đêm
27/5 cho thấy người biểu tình đã cướp phá các cửa hàng Target, AutoZone, Dollar
Tree… xịt sơn, đốt phụ tùng xe, gây ra các đám cháy trên đường phố khiến lực lượng
cứu hoả phải nhanh chóng đến dập lửa. Cửa sổ nhiều toà nhà bị đập vỡ cùng nhiều
thiệt hại tài sản khác.
Một người đã bị giam giữ
trong vụ bắn chết người ở gần địa điểm biểu tình, NBC News dẫn thông báo của cảnh
sát cho biết.
Theo đó, cảnh sát đã nhận
được tin báo cho biết có một vụ đâm người xảy ra vào lúc 9:05 tối, và đã phát
hiện một người đàn ông tắt thở nằm trên vỉa hè.
Nạn nhân chưa được xác định
danh tính đã được đưa đến Trung tâm y tế quận Hennepin. Tại bệnh viện, người ta
phát hiện nạn nhân đã bị bắn.
Ngoài vụ nổ súng, không
có báo cáo thương vong nào đối với người biểu tình hay cảnh sát, cũng không có
vụ bắt giữ nào xảy ra, phát ngôn viên cảnh sát thành phố John Elder cho biết
trong một cuộc họp báo vào sáng 28/5.
Những người biểu tình
cũng tập trung tại ngôi nhà ở ngoại ô của viên cảnh sát đã quỳ lên cổ ông Floyd
và nhà của công tố viên quận Hennepin, Mike Freeman, người sẽ đưa ra quyết định
buộc tội trong vụ này.
Tại California, hàng trăm
người biểu tình cũng đã tập trung tại trung tâm thành phố Los Angeles vào ngày
27/5, gây tắc nghẽn giao thông trên đường cao tốc 101.
No comments:
Post a Comment