Thursday, 28 May 2020

[ẤN – TRUNG] SẮP ĐÁNH NHAU? (Lê Minh Nguyên)




Lê Minh Nguyên
27/05/2020

Trung Quốc vừa kéo nhiều ngàn quân, đông hơn bình thường, đóng dọc biên giới với Ấn Độ, vùng phía đông của Ladakh thuộc thành phố Leh mà Ấn coi đây là vùng đất của mình. Vùng này nằm phía đông của Jammu & Kashmir mà Ấn đang tranh chấp với Pakistan. TQ cũng mở rộng căn cứ không quân ở nơi này. Đây là vùng cao độ của dãy Hy Mã Lạp Sơn.

Để phản ứng lại, Ấn kéo nhiều tiểu đoàn bộ binh đóng gần đó đến đối diện và điều động thêm quân vào vùng. Đã có hai cuộc đụng độ nhỏ xảy ra hôm 5/5 và 9/5 dọc biên giới Pangong Lake và North Sikkim ở Ladakh làm hơn 100 binh sĩ của hai bên bị thương.

Hôm thứ Tư 27/5, tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ lên tiếng, muốn làm trọng tài hoà giải. Nhưng với không khí đang càng ngày càng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nó ngược lại với sự thân thiện giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, thì Trung Quốc có lẽ sẽ khó chấp nhận sự trung gian hoà giải này.

Ấn-Trung đã từng đánh nhau đẫm máu năm 1962.

Chưa biết động lực thực sự của TQ là gì, nó có thể là:

– Xâm chiếm đất đai

– Dằn mặt Ấn trong các vấn đề địa chính trị nhạy cảm.

– Tạo điểm nóng để thế giới quan tâm mà xao lãng vấn đề Hồng Kông.

Trong hoàn cảnh hiện tại, chiến tranh Ấn-Trung rất dễ xảy ra, vì TQ đang có nhu cầu gây ra chiến tranh cục bộ để giải quyết các khó khăn bên trong TQ và để củng cố vị thế hoàng đế của Tập Cận Bình, nhưng nó sẽ là chiến tranh quy ước, vì hai bên không muốn đi xa đến chiến tranh nguyên tử.

Trung Quốc có lợi thế vì Pakistan là đồng minh, trong khi Ấn đang có tranh chấp với cả hai quốc gia này. Cả ba quốc gia đều có vũ khí nguyên tử. Trong khi Hoa Kỳ đang vừa đương đầu với đại dịch, vừa lo phục hồi kinh tế, vừa sắp có bầu cử lớn nên không thể tập trung nhiều vào đối ngoại và cũng không thể có hành động gì mạnh bạo ở bên ngoài trong năm 2020 này.

Trung Quốc không muốn có chiến tranh quy ước với Hoa Kỳ vì biết rõ rằng họ sẽ thua, trừ khi đi đến chiến tranh nguyên tử để cả hai cùng bị tiêu diệt, và điều này không bên nào muốn xảy ra. Nhưng TQ có nhu cầu đánh lạc hướng HK bằng một cuộc chiến tranh hạn chế với Ấn Độ, nó vừa phô trương thanh thế của TQ với thế giới, vừa giải quyết các vấn đề nội bộ của Tập Cận Bình, vừa dễ dàng đàn áp để kết liễu dân chủ ở Hồng Kông.

Thế giới đang mở ra phía trước với nhiều biến động. Taliban đang càng ngày càng thắng thế ở Afghanistan, châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông là những chảo nước sôi, quyền lực đang phân tán với các quốc gia độc tài (TQ, Iran, Thổ…) hay các quốc gia phá thối (Nga, Bắc Hàn, Pakistan…) đang lợi dụng cơ hội để thao túng.

Có lẽ để ổn định lại, Hoa Kỳ không thể tránh được vai trò hình cảnh quốc tế mà HK đã mệt mỏi và muốn tránh né trong những năm qua.





No comments:

Post a Comment

View My Stats