RFA
28/05/2020
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/reactions-to-hong-kongs-loss-of-autonomy-05282020204738.html
Luật an ninh quốc gia áp
đặt lên Hong Kong do Trung Quốc thông qua vào ngày 28/5 cho phép Bắc Kinh
có thể gia tăng kiểm soát đối với đặc khu hành chánh này do Anh Quốc trao trả lại
hồi năm 1997.
Cùng ngày, trong thông
cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố chung cùng các quốc
gia Úc, Canada và Anh Quốc lên án quyết định của Bắc Kinh khi áp đặt luật an
ninh quốc gia lên Hồng Kông. Thông cáo này cho rằng luật an ninh quốc gia của
Trung Quốc sẽ hạn chế quyền tự do của người dân Hồng Kông cũng như làm xói mòn
quyền tự trị và hệ thống xã hội tự do đã thúc đẩy sự thịnh vượng cho nơi này bấy
lâu nay.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
cho hành động của Trung Quốc đã phản bội lời hứa với quốc tế khi trở tay biến một
nước 2 chế độ thành 1 nước 1 chế độ. Trước phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam
cho các vấn đề liên quan đến Hồng Kông là việc nội bộ của Trung Quốc, TS Nguyễn
Quang A nhận định:
“Không có gì là lạ cả! Họ nhất quyết là phải nói như
vậy, bởi vì họ không thể phản đối chuyện Trung Quốc vi phạm các điều lệ quốc tế
của mình, bởi vì lúc đấy nó rắc rối cho quan hệ Việt Nam và Trung Quốc; cái đấy
thì họ tìm mọi cách để họ tránh. Tôi dự đoán 100% là họ phải nói như vậy thôi.”
Mạng báo South China Morning Post, khi so sánh quy chế pháp luật giữa Trung Quốc
và Hồng Kông, nêu rõ pháp luật Trung Quốc được quy định trên cơ sở các chỉ thị
quan chức ban hành với quan điểm là đúng và người dân buộc phải tuân theo;
trong khi đó, tại Hồng Kông, luật pháp được ban hành chủ yếu để duy trì trật tự
công cộng bằng cách đảm bảo các quan chức chính phủ phải tuân thủ luật pháp được
ban hành và có hành xử đúng đắn trong việc thực hiện nhiệm vụ của họ. Vì vậy,
luật an ninh quốc gia do Trung Quốc thông qua đối với Hồng Kông bị cho sẽ đe dọa
nền dân chủ của khu tự trị này.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận
định chính luật an ninh quốc gia tại Việt Nam cũng đã được bàn luận rất nhiều từ
khi Luật An ninh mạng ra đời cách đây 2 năm và đã ảnh hưởng đến rất lớn cho hoạt
động dân chủ và nhân quyền trong nước:
“Từ khi có cái luật đó, họ ra tay đàn áp mạnh hơn, bắt
bớ nhiều hơn, nhưng mà thật sự cũng không phải là hoàn toàn như vậy, bởi vì trước
đó khi chưa có Luật An ninh Mạng, họ cũng đã bắt bớ, cũng đã đàn áp rất khốc liệt
rồi.”
Người dân Hồng Kông
bị bắt giữ khi biểu tình lên án chính phủ. Reuters
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM, nội dung
Luật An ninh Quốc gia của Việt Nam, ban hành vào năm 2004 gồm 5 Chương và 36 Điều,
được quy định theo điều ước quốc tế:
“Trên nước nào cũng vậy, nội dung luật an ninh quy định
theo những Điều ước quốc tế về hình sự mà Việt Nam đã ký kết, hoặc gia nhập, hoặc
có thể dẫn chiếu vào pháp luật Việt Nam, đó là Luật An ninh Quốc gia.
Luật An ninh Mạng giải quyết về vấn đề ứng phó và khắc
phục sự cố an ninh mạng với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh của quốc
gia, cũng như phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng. Cũng giống như
Nhật Bản, Anh xếp vào tội phạm an ninh mạng tương đương với tội chống nhà nước
của họ. Bên Anh, khi tôi nghiên cứu tôi cũng thấy điều đó; bên Nhật cũng vậy. Họ
xếp các loại tội phạm này ngang với loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già lo ngại rằng luật an ninh cho Hồng Kông mà
nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc vừa thông qua sẽ trở thành điều nguy hiểm
không chỉ cho người dân Hồng Kông, mà còn cho cả người dân Trung Quốc và Việt
Nam, vì việc này sẽ góp phần đẩy xung đột giữa các nước trong khu vực và thế giới
lên cao:
“Tôi tin rằng trong cái thời gian ngắn trước mắt, nó
sẽ đẩy cái sự xung đột giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và cả thế giới gồm cả Nhật Bản,
EU…; tôi cho rằng nó sẽ đẩy lên tới mức độ xung đột rất là nguy hiểm và có thể
dẫn tới những cái trầm trọng hơn về chính trị, thông qua những cái trừng phạt mới
về kinh tế mà chắc chắn sẽ xảy ra trong thời gian sớm nhất, thì điều đó có
nghĩa rằng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam họ cũng phải lưu tâm, để làm sao
trong tình huống như thế này chính sách của họ bấy lâu nay là một chính sách rất
lỗi thời và nguy hiểm không những cho Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn tất
nguy hiểm cho toàn bộ dân tộc Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng rất lớn như vậy.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng khi nào chế độ Cộng sản độc quyền vẫn
còn, thì việc đàn áp dân chủ sẽ tiếp tục duy trì. Ông nhận định, nếu người dân
muốn thay đổi chế độ thì việc chỉ hô hào, nói suông và không thực hiện quyền của
mình sẽ không giúp thay đổi:
“Nó sẽ chỉ bớt nếu mà người Việt Nam ở trong nước
này lên tiếng, thực hiện các cái quyền của mình, được Hiến pháp hiện thời của
Việt Nam nhấn định, mà thực hiện những quyền đấy một cách xây dựng, gây áp lực
24/7 lên Đảng Cộng sản Việt Nam, và họ thấy rằng biến cái quyền trên giấy thành
quyền thật trong cuộc sống; chỉ có cách đầy, với cái áp lực đấy thì chính quyền
Việt Nam mới có thể bớt đi phần nào.”
Dưới cái nhìn của một người
đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo phản đối việc
Bắc Kinh áp đặt luật an ninh riêng cho Hồng Kông khi xu thế chung của người
dân trên thế giới hiện nay là muốn tiến bộ và dân chủ hóa:
“Tôi mong Nhà nước Việt Nam phải có thay đổi trong
luật pháp theo hướng càng ngày càng dân chủ--người dân được làm chủ cuộc sống của
mình thông qua cái lá phiếu trong bầu cử.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng
những xung đột giữa Trung Quốc và Hồng Kông có thể có ảnh hưởng lan rộng đến
các nước trong khu vực và cả thế giới.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế
Trung ương, cho rằng vì Hồng Kông là một trung tâm tài chính và có quan hệ với
Việt Nam về xuất nhập khẩu cũng như ngành du lịch, nên nếu tình hình tại Hồng
Kông mất ổn định sẽ có thể gây ảnh hưởng đến thương mại giữa hai bên. Tuy nhiên,
tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định mọi chuyện vẫn tùy thuộc vào những
diễn biến xảy ra sắp tới:
“Điều đó nó còn tùy thuộc vào mối quan hệ đó nó sẽ
diễn ra như thế nào; luật an ninh đó nó ảnh hưởng đến đâu và việc Hoa Kỳ có
thái độ đối với lại Hồng Kông, nó làm giảm quy chế đặc biệt của Hồng Kông như
thế nào, thì điều đó nó đang tiếp diễn. Hiện nay tôi chưa có thể có nhận định
gì về số lượng, nhưng chắc chắn nó sẽ có ảnh hưởng không tốt đối với sự phát
triển thương mại, cũng như quan hệ với trung tâm tài chính Hồng Kông.”
Vào ngày 27/5, Bộ Trưởng
Ngoại giao Hòa Kỳ, ông Mike Pompeo, đã tuyên bố rằng Hồng Kông sẽ mất những quy
chế và ưu đãi kinh tế đặc biệt từ phía Hoa Kỳ khi mất đi quyền tự trị trước việc
Trung Quốc thông qua luật an ninh đối với đặc khu này.
No comments:
Post a Comment