Nguyễn
Quốc Khải
Tác giả gửi tới Dân Luận
27/05/2020
Một số không ít người Việt trong và ngoài nước
trông chờ Trump đánh Tầu cộng giùm. Đây là một chuyện hoang tưởng không khác gì việc phục hồi Hiệp Định
Paris 1973 hay thành lập chính phủ lưu vong để tái lập lại VNCH. Trong gần bốn năm qua, Trump đã
làm gì để đánh sập Tầu cộng? Duyệt lại chính sách ngoại giao của chính
quyền Trump cho thấy ngoài những biện pháp cạnh tranh về thương mại với Trung
Quốc, chính quyền Trump xem ra không có hành động nào nhắm tiêu diệt cộng sản
Trung Quốc như một số người Việt tưởng tượng.
Hiệp định Hợp tác
Xuyên Thái Bình Dương
Mới nhậm chức tổng thống
được vài ngày, Trump đã vội vàng rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp Định Hợp Tác Xuyên
Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP). Đây là một lỗi lầm lớn đầu
tiên của Tổng Thống Trump. TPP bao gồm 12 quốc gia (Úc, Brunei, Canada, Chile,
Nhật, Mã Lai, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Hoa Kỳ). TPP nằm
trong kế hoạch chuyển trục về châu Á của Tổng Thống Obama và đã được hoàn tất
sau 8 năm thương thuyết.
Nhiều tổ chức quốc tế bao gồm Ngân Hàng Thế Giới, Peterson Institute For International Economics, US International Trade Commission, Global Affairs Canada, ca ngợi TPP là một thương ước quan trọng, giúp cho các nước thành viên, đặc biệt là Việt Nam, phát triển kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và liên kết với Hoa Kỳ chặt chẽ hơn. Tính đến ngày 4-2-2016, TPP đã có đủ chữ ký của các nước nhưng chưa được quốc hội của các nước phê chuẩn. Tổng Thống Trump đã rút chữ ký của Hoa Kỳ ra khỏi TPP vào ngày 23-1-2017.
Các nước còn lại dưới sự
lãnh đạo của Nhật Bản đã thành lập một thương ước tương tự với tên mới là Hiệp
Định Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn Phần và Tiến Bộ (Comprehensive and
Progressive Trans-Pacific Partnetship – CPTPP). Người ta tin rằng Hoa Kỳ sẽ tái
gia nhập thương ước này sau khi Tổng Thống Trump rời khỏi Nhà Trắng.
Tranh chấp biển
Đông
Khi đến Việt Nam lần đầu
tham dự Hội Nghị Hợp Tác Kinh Tế Á Châu – Thái Bình Dương (Asia-Pacific
Economic Cooperation – APEC) vào cuối 2017, Tổng Thống Trump đã giữ một thái độ
khá ôn hòa và thân thiện với Trung Quốc. Ông tuyệt đối không đề cập đến vấn đề nhân quyền hay những
hành động xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông tại hội nghị này. Trái lại ông còn đề nghị làm trung gian hòa giải giữa
Trung Quốc và các nước Đông Nam Á về tranh chấp chủ quyền lãnh hải.
Việt Nam là một nước chống
Trung Quốc mạnh nhất về tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông sau khi Tổng Thống
Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân sáp lại gần Trung Quốc. Tổng Thống Trump đã đề
nghị với Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang rằng nếu ông có thể giúp làm trung gian
hòa giải hoặc làm trọng tài thì cho ông biết. Ông nói “Tôi là một người làm
trung gian hay trọng tài rất giỏi”. Điều này chứng tỏ Tổng Thống Trump có thái
độ trung lập về việc tranh chấp ở Biển Đông.
Thương chiến
Trước khi đến Việt Nam
tham dự hội Nghị APEC. Tổng Thống Trump đã thăm viếng Trung Quốc. Tại đây ông
đã ca ngợi Chủ Tịch Tập Cận Bình đã hợp tác trong việc kiềm chế chương trình
phát triển võ khi nguyên tử của Bắc Triều Tiên. Tại đây, Tổng Thống Trump không
chỉ trích Trung Quốc. Trái lại ông đã lên án các tổng thống Hoa Kỳ trước đây đã
để cho nhập siêu của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc quá lớn mà không giải quyết. Ông
nói nguyên văn như sau:
“Trade between China and the United States has not
been, over the last many, many years, a very fair for us. Right now,
unfortunately, it is a very one-sided and unfair [relationship]. Bur – but- I
don’t blame China. After all, who can blame a country for taking advantage of
another country for the benefits of its own citizens? I gave China great
credit. But in actuality I do blame past [US} administrations for allowing this
out of control trade deficit to take place and to grow. We have to fix this
because it just doen’t work. It is not sustainable”.
Nhắm mục đích giảm nhập
siêu, vào đầu năm 2018, Tổng Thống Trump bắt đầu tăng thuế vào một số hàng nhập
cảng vào Mỹ từ Trung Quốc và một số quốc gia khác. Ông từng tuyên bố “Tôi là
người của thuế quan” và “Chiến tranh thương mại tốt và dễ thắng”. Nhưng thực tế
khác hẳn. Chiến tranh thương mại đã gây thiệt hại cho cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ
và đe dọa làm trì trệ phát triển kinh tế trên toàn cầu.
Kinh tế Trung Quốc phát
triển chậm lại trong gần 10 năm vừa qua. Nay vì chiến tranh thương mại, nó lại
phát triển chậm hơn nữa, từ 7.3% vào 2014 xuống còn 6.6% vào 2018, 6.1% vào
2019 và tiên đoán 2.5% vào 2020 do ảnh hưởng của cả đại dịch COVID-19.
Xuất siêu của Trung Quốc
đối với Hoa Kỳ giảm thấy rõ hơn từ 4.4% vào 2016 xuống còn 2.9% vào 2018, 3.1%
vào 2019. Mặc dù Tổng Thống Trump tăng thuế nhập cảng, Hoa Kỳ vẫn mua hàng từ
Trung Quốc nhiều hơn từ $462.4 vào 2016 lên đến $505.2 tỉ vào 2017, $539.7 tỉ
vào 2018 và $452.2 vào 2019.
Khoảng 44 % công ty ngoại
quốc và 30% công ty Trung Quốc sẽ chuyển một phần đầu tư từ Trung Quốc qua các
nước khác, đặc biệt là Việt Nam và Thái Lan. Khuynh hướng này đã tiếp diễn từ
nhiều năm nay vì giá nhân công và đất đai ở Trung Quốc đã trở nên đắt đỏ hơn
trước.
Việc Tổng Thống Trump kêu gọi các công ty di chuyển về Mỹ là không thực
tế vì giá nhân công ở đây quá cao. Ngược lại một số công ty Mỹ phải dời ra nước ngoài vì chính sách thuế
quan của Tổng Thống Trump như trường hợp công ty sản xuất xe mô tô
Harley-Davidson đã phải di chuyển một số cơ sở sản xuất ra khỏi Mỹ vì giá thép
và nhôm nhập cảng vào Mỹ tăng và để tránh thuế nhập cảng của Liên Hiệp Âu châu.
Chiến tranh thương mại gây thiệt hại đáng kể cho kinh tế Hoa Kỳ, đặc biệt
là hai khu vực nông nghiệp và công nghiệp. Theo Nghiệp Đoàn Nông Dân Toàn Quốc (National Farmers Union), lợi tức
nông nghiệp chỉ bằng nửa sáu năm về trước. Nợ gần đến mức kỷ lục. Tình trạng
phá sản gia tăng. Chính quyền Trump đã phải trợ cấp tổng cộng $28 tỉ tiền mặt
cho nông dân Hoa Kỳ. Vào tháng 4 vừa qua, chính quyền Trump trợ cấp cho nông
dân Hoa Kỳ bị thiệt hại vì coronavirus $19 tỉ bao gồm $16 tỉ trợ cấp tiền mặt
và $3 tỉ mua rau, thịt và các nông phẩm khác.
Khu vực thứ hai chịu ảnh
hưởng nặng nề của thương chiến là công nghệ xe hơi. Vào cuối năm 2018 General
Motors phải đóng cửa năm xưởng máy và sa thải gần 15,000 công nhân. Công ty
Ford trước đó cũng đã có quyết định tương tự. Chi phí vật liệu như thép và nhôm
và giá bộ phận nhập cảng cao hơn cộng với số xe hơi bán được giảm xuống khiến
các hãng sản xuất xe phải thu hẹp hoạt động. Nay vì COVID-19, các hãng sản xuất
xe hơi ở Bắc Mỹ bao gồm GM. Ford, Fiat Chrysler, Honda, Toyota đã tạm thời đóng
cửa.
Tổng Thống Trump thường rêu rao nhiều lần rằng Trung Quốc sẽ phải trả
thuế nhập cảng. Sự thật hoàn toàn trái ngược. Các công ty nhập cảng và dân tiêu thụ Hoa Kỳ phải trả hầu hết thuế nhập
cảng chính quyền Trump áp đặt trên hàng Trung Quốc. Mỗi gia đình Hoa Kỳ trung
bình phải chi thêm $2,031 một năm vì những thuế nhập cảng áp đặt cho đến cuối
năm 2019 theo một cuộc nghiên cứu của National Foundation for American Policy.
Con số này sẽ là $3,614 nếu kể cả những thuế chính quyền Trump đe dọa áp đặt
thêm.
Vào cuối năm vừa qua, Hoa
Kỳ và Trung Quốc đạt một thỏa thuận cho giai đoạn I của cuộc thương chiến,
nhưng đây chỉ là một giải pháp ngưng chiến tạm bợ, không có gì nhiều để mừng rỡ.
Trung Quốc tạm thời cam kết mua thêm nông phẩm của Hoa Kỳ, nhượng bộ khiêm tốn
về quyền sở hữu trí tuệ và đồng nhân dân tệ. Đổi lại, Hoa Kỳ ngưng không áp thuế
trên một số hàng trị giá $160 tỉ và hủy bỏ thuế đã áp đặt từ 1-9-2019. Nhờ vậy
mà kinh tế Hoa Kỳ và thế giới không rơi vào tình trạng suy thoái và làm phá sản
các thị trường chứng khoán. Tuy nhiên những thuế suất cao và mâu thuẫn to lớn về
thương mại, kỹ thuật, đầu tư, tiền tệ và địa chính trị vẫn tồn tại. Những tham
vọng muốn tự trị và tiến xa về kỷ thuật của Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia
và kinh tế thịnh vượng của Hoa Kỳ.
Vì lo sợ sự cạnh tranh kỹ
thuật của Trung Quốc về những lãnh vực như thông minh nhân tạo (artificial
intelligence), thế hệ 5 (5G), người máy (robotics), tự động (automation), kỹ
thuật sinh học (biotech), xe tự động (autonomous vehicles) và hàng không
(aviation) chính quyền Trump hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, cấm đầu tư
quỹ hưu bổng vào những công ty Trung Quốc, loại một số công ty Trung Quốc ra khỏi
thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Ngoài ra, chính quyền Trump còn giới hạn cấp hộ
chiếu và thời gian cư trú cho sinh viên, đặc biệt sinh viên cao học, và học giả
Trung Quốc tới Hoa Kỳ theo học hay nghiên cứu về những ngành kỹ thuật kể trên.
Đạo luật Hồng Kông
Trump bênh vực Tập Cẩn
Bình hành sử có trách nhiệm về Hồng Kông, từ chối giúp dân Hồng Kông chống
Trung Quốc mặc dù dân Hồng Kông kêu gọi đích danh Trump. Chính vì lý do này mà
một số nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ đã phải hành động giúp phong trào chống Trung
Quốc của Hồng Kông.
Sau khi Hạ Viện Hoa Kỳ
thông qua dự luật Hong
Kong Human Rights and Democracy Act bằng số phiếu 417 với một phiếu chống
duy nhất của DB Thomas Massie (Cộng Hòa, Kentucky), Thượng Viện đã phê chuẩn dự
luật này cùng ngày vào cuối tháng 11 năm vừa qua.
Tổng Thống Trump đe dọa sẽ
phủ quyết dự luật Hồng Kông. Ông nói: “Chúng ta ủng hộ Hồng Kông, nhưng tôi cũng ủng hộ Chủ Tịch
Xi Jing Ping. Ông là bạn của tôi. Ông là một người đặc biệt.” Tổng
Thống Trump muốn đứng ngoài cuộc tranh chấp này bằng cách giải thích rằng Hồng
Kông là một phấn của Trung Quốc. Giải pháp về những cuộc biểu tình ở Hồng Kông
là việc nội bộ giữa Hồng Kông và Trung Quốc.
Sau cùng Tổng Thống Trump
đã bắt buộc phải ký Đạo Luật Hong Kong Human Rights and Democracy Act vào ngày
27-11-2019 vì Quốc Hội có trên 2/3 số phiếu để bác bỏ quyền phủ quyết của tổng
thống.
“Make China great
again”
Trung Quốc dưới thời Tập
Cận Bình từ bỏ chiến thuật “ẩn mình chờ thời” (thao quang dưỡng hối) của Đặng
Tiểu Bình, theo đuổi chính sách bành trướng, phát triển kinh tế theo mô hình tư
bản nhà nước độc tài (authoritarian state capitalism) không theo nguyên tắc
thương mại tự do và công bằng. Trung Quốc sử dụng cả sức mạnh quân sự để đe dọa
các nước láng giềng. Vào đầu tháng 5, 2020 Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm
đánh cá tại Biển Động gần khu vực Hoàng Sa và Bãi Cạn Scarborough Shoal vào mùa
hè từ 1/5/2020 – 16/8/2020.
Điều này trái với sự ước
tính của nhiều chính quyền Hoa Kỳ trước đây rằng khi được giúp hội nhập vào cộng
đồng thế giới, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia với một xã hội mở và một nền
kinh tế thị trường tự do như Trung Quốc từng hứa sẽ vươn lên trong hòa bình dưới
thời Hồ Cẩm Đào.
Tổng Thống Trump và các cố
vấn của ông cho rằng chiến lược hội nhập Trung Quốc vào cộng đồng thế giới đã
thất bại. Chiến Lược An Ninh Quốc Gia 2017 và Chiến Lược Quốc Phòng 2018 của
chính quyền Trump xem Trung Quốc là một cạnh tranh chiến lược (strategic
competitor) cần phải kiềm chế. Nhưng chính quyền Trump chưa có một chánh sách cụ
thể nào để đối phó với Trung Quốc trước tình thế mới và cũng chưa chuẩn bị sẵn
sàng để làm việc này.
Điều hiển nhiên là dưới thời Tổng Thống Trump, nội bộ Hoa Kỳ chia rẽ trầm
trọng. Chính sách ngoại giao
thiển cận làm mất dần bạn bè. “America first” có nghĩa là “America alone”.
Chính sách bảo vệ kinh tế nội địa, hành động đơn phương làm cho các đồng minh
xa lánh.
Trong gần bốn năm qua, Tổng
Thống Trump đã làm cho uy tín của nước Mỹ ngày càng đi xuống và tự cô lập hóa.
Ngược lại, ông đã gián tiếp giúp Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng mạnh hơn
trên địa bàn quốc tế. Hoa Kỳ bị ngay các đồng minh lâu đời bỏ rơi, đã phải
đương đầu một mình với Trung Quốc trong cuộc thương chiến. Hiệp ước quân sự sau
21 năm với Phi Luật Tân đã phải chấm dứt khiến Hoa Kỳ phải rút quân ra khỏi nước
này. Ngay cả Iraq cũng muốn Hoa Kỳ rút quân ra khỏi nước này đến nỗi Hoa Kỳ phải
đe dọa cấm vận Irag chuyện này mới tạm yên. Tổng Thống Trump đe dọa rút quân ra
khỏi Nhật và Nam Hàn ngoại trừ hai nước này trả thêm gấp bốn lần tiền cho Hoa Kỳ,
khiến hai nước này sát gần lại với Trung Quốc hơn. Trump cắt tài trợ cho Tổ Chức
Y Tế Quốc Tế và Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, Tập Cận Bình hứa tăng
viện trợ cho những tổ chức này.
GS Nouriel Roubini tại New York University, từng làm việc với Cơ Quan Tiền Tệ Quốc Tế
(International Monetary Fund), Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) nói rằng “Trung Quốc có thể muốn Trump được tái cử vào 2020. Trong
ngắn hạn ông có thể là một phiền toái, nhưng nếu có đủ thời gian, ông có thể
phá nát khối đồng minh chiến lược đã xây dựng lên nền móng quyền lực cứng và mềm
của Hoa Kỳ. Giống như một bù nhìn thực sự, Trump có thề làm cho Trung Quốc
vĩ đại trở lại.”
Financial Times, một tờ
báo quốc tế có ảnh hưởng lớn ở Anh và thế giới, vừa mới nhận định trong một bài
xã luận rằng Tổng Thống Trump từng bầy tỏ sự hoài nghi về Tổ Chức Bắc Đại Tây
Dương (North Atlantic Treaty Organization – NATO) và thái độ thù nghịch đối với
Liên Hiệp Âu Châu, chống đối các tổ chức và chương trình hợp tác quốc tế như Hiệp
Định Paris về Khí Hậu, Thỏa Hiệp Hạt Nhân Iran, Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương,
Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế và Tổ Chức Y Tế Quốc Tế. Trong môi trường này, các
nước đồng minh của Hoa Kỳ tại Âu Châu và Á Châu không còn tin tưởng vào Tổng Thống
Trump nữa. Ngoài ra, chính sách Trung Quốc của chính quyền Trump tỏ ra thất thường
khiến Tổng Thống Trump khó có thể kết hợp được các nước đồng minh của Hoa Kỳ để
cùng đối phó với Trung Quốc ngày càng độc đoán.
Hoa Kỳ cần có một tầm
nhìn chiến lược, một chính sách nhất quán để đối phó với Trung Quốc. Hơn bao giờ
hết, Hoa Kỳ cần sự hợp tác của các nước đồng minh truyền thống.
No comments:
Post a Comment