Phan Nguyên dịch
27/05/2020
Một người Đan Mạch, một
người Thụy Điển, một người Đức và một người Hà Lan bước vào một quán bar. Đó là
năm 1979 và bốn điệp viên đến từ bốn quốc gia đang gặp gỡ ở Munich bên những vại
bia đen. Trong nhiều năm, họ đã hợp tác trong lĩnh vực tình báo tín hiệu
(signals intelligence, còn gọi là SIGINT), tức việc chặn và giải mã các thông
điệp, và muốn đặt tên cho liên minh tình báo vừa chớm nở của họ. “Họ nhìn vào
các vại bia của mình, chứa đầy bia Doppelbock của thương hiệu địa phương
Maximator”, theo Bart Jacobs, một giáo sư khoa học máy tính người Hà Lan. “Và họ
đã đưa ra quyết định”.
Trong một bài viết được
xuất bản vào tháng trước, Jacobs đã công khai lần đầu tiên sự tồn tại của liên
minh Maximator, trước sự khó chịu đáng kể của những người đã giữ kín nó trong
nhiều thập niên. Nhóm được thành lập vào năm 1976 khi Đan Mạch hợp tác với Đức
và Thụy Điển để chặn và giải mã các tin nhắn được gửi bởi các vệ tinh, một
phương thức liên lạc đang phát triển lúc đó. Hà Lan đã tham gia hai năm sau,
đưa các trạm tiếp nhận thông tin của họ ở Carribe vào liên minh. Rồi đến lượt
Pháp vào năm 1985. Nhóm
này vẫn còn tồn tại và hoạt động cho đến ngày nay.
Lịch sử của Maximator là
một minh họa tiêu biểu cho việc sử dụng các mánh khóe khác nhau trong ngành mật
mã. Bên cạnh việc giải mã các tín hiệu, nhóm còn trao đổi chi tiết về các điểm
yếu trong các máy mật mã vốn được sử dụng để mã hóa các bức điện ngoại giao và
quân sự. Theo Jacobs, may mắn cho họ những công ty sản xuất ra những cỗ máy đó
hầu hết đều được kiểm soát bởi các tổ chức tình báo phương Tây. Crypto
AG, một công ty Thụy Sĩ thống trị thị trường toàn cầu, hóa ra được đồng sở
hữu bởi CIA và đối tác Đức của họ, BND. Họ đã bán các cỗ máy này cho các nước bạn
bè lẫn thù địch, bao gồm cả một số quốc gia thuộc NATO.
Không tiết lộ họ đã biết
bằng cách nào nhưng Đức đã báo cho các đối tác trong liên minh Maximator về những
điểm yếu đó, giúp họ bắt đầu đọc được tin tức mật của các nước khác. Các cơ
quan tình báo Đức cuối cùng cũng lo ngại về việc CIA nhiệt tình theo dõi cả các
đồng minh của mình. Khi Đức từ chối yêu cầu của Mỹ bán các cỗ máy này cho Thổ
Nhĩ Kỳ, Mỹ đã đề nghị Hà Lan bán cho Thổ Nhĩ Kỳ các thiết bị đã được tùy chỉnh
đó do công ty Philips của Hà Lan sản xuất. Thế nhưng cơ quan tình báo Hà Lan
tham gia trực tiếp phi vụ này đã không thông báo với cơ quan tình báo Hà Lan
tham gia liên minh Maximator, khiến các thành viên liên minh bối rối “khi thấy
sự xuất hiện bất ngờ của các mật mã lạ xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ”, Jacobs kể lại.
Sự tiết lộ về Maximator
là một lời nhắc nhở rằng liên
minh Five Eyes (Ngũ Nhãn), một hiệp ước tình báo toàn cầu giữa Mỹ,
Anh, Canada, Úc và New Zealand, không phải là liên minh duy nhất trong lĩnh vực
này. Các liên minh tình báo khác thường được hình thành xoay quanh các mục tiêu
chung, như cuộc chiến ở Afghanistan. Chẳng hạn, liên minh Fourteen Eyes, chính thức được
gọi là SIGINT Seniors Europe, tập hợp các quốc gia trong hai liên minh Five
Eyes và Maximator, cùng với Tây Ban Nha, Na Uy, Bỉ và Ý. “Những nhóm này không
phải khép kín cố định”, theo một người Anh trong nhóm, “mà chủ yếu là một tập hợp
tạm thời tập trung vào các lợi ích chung”. Không có nhóm nào thân thiết và hợp
tác sâu rộng như nhóm Five Eyes, khi các thành viên nhóm này chia sẻ dữ liệu
theo thời gian thực và thậm chí còn trao đổi nhân sự với nhau.
Tuy nhiên, Maximator chỉ
bao gồm các thành viên châu Âu, một điều mang lại những lợi thế nhất định khi sự
chia rẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương ngày càng lớn. “Các kỹ sư người Đức và Pháp
làm việc rất tốt với nhau”, theo lời Bernard Barbier, cựu giám đốc SIGINT thuộc
tình báo Pháp, người từng đề xuất một liên minh tình báo Pháp-Đức. “Ngược lại”,
ông than thở, “rất phức tạp khi kỹ sư Anh và Pháp làm việc với nhau”. Maximator
cũng có vẻ đặc biệt bí mật, thậm chí nhiều người trong các cơ quan tình báo có
liên quan cũng không biết tới nó. “Tôi đã từng nhìn thấy cả những tin tức đặc
biệt mà tôi nghĩ ngay cả nhóm Five Eyes cũng sẽ rất muốn có”, một cựu quan chức
tình báo Hà Lan nói. “Nhưng những thứ đó không thể được chia sẻ”.
-----------
Nguồn: “Maximator,
a European spy pact to rival the Five Eyes, comes to light”, The
Economist, 26/05/2020.
No comments:
Post a Comment