Ðinh Yên Thảo
09/05/2020
Năm
giờ sáng, Sài gòn thức dậy bằng một loại đồng hồ báo thức đặc biệt. Không phải
tiếng gà gáy. Không phải chiếc đồng hồ chỉ giờ. Mà đó là những tiếng rao hàng,
tiếng vọng từ những người bán dạo. Xe bánh mì, bánh bao, gánh hủ tiếu, phở...
chuẩn bị xuống đường. Những người với đôi quang gánh hàng rong, chiếc xe đạp
hay xe đẩy bắt đầu một ngày mới. Ðể lặp lại một đời sống mưu sinh rất cũ. Ðời sống
của những mảnh đời lam lũ và khổ nhọc. Chúng chưa bao giờ tách khỏi đời sống Việt
Nam. Hôm qua. Ðến hôm nay. Và có lẽ vẫn còn tiếp tục.
Đêm
trước ngày rời Đà Nẵng, không muốn ngủ sớm và lỡ dịp dạo quanh thành phố về đêm
một lần cuối, nơi mà chưa biết bao giờ mình sẽ quay lại, tôi thả bộ ra khỏi
khách sạn. Đêm đã khuya. Sơn, người thanh niên chạy xe ôm mà buổi sáng tôi có dịp
trò chuyện, vẫn còn ngồi xem phim qua khung cửa kính khách sạn trong lúc đợi
khách. Sơn sốt sắng nghe tôi bảo muốn dạo mát và kiếm gánh cháo lòng hay mì Quảng
ăn đêm.
Thú
thật tôi chẳng đói bụng và không có thói quen ăn đêm, chỉ muốn kéo dài thời
gian của một ngày để tìm hiểu về đời sống chung quanh. Về những người dân lam
lũ kiếm sống như Sơn.
Gánh
bún bên lề đường mà Sơn chở tôi đến tấp nập người ăn đêm. Hơn chục bộ bàn ghế đẩu
thấp kê dọc theo lề đường quanh gánh bún. Người ăn đủ loại, lao động bình dân
cũng có, mà vài thanh niên đi chơi khuya cũng có. Hai tô bún, hai chai bia, tôi
ngồi nghe Sơn kể chuyện về mình và gia đình. Sơn bảo nghề xe ôm không xem là
quá cực, chỉ ngặt bất kể trời mưa hay nắng và phải ngồi không đợi khách cả ngày
mà tiền kiếm được lại bấp bênh. Nhờ có vợ cùng làm nên đắp đổi qua ngày.
Ðó
là câu chuyện về đời sống của Sơn, một thanh niên xe ôm mà tôi nghe được tại Ðà
Nẵng. Họ vật lộn với đời sống, vật lộn với những thử thách không nhiều chọn lựa.
Nó cũng là câu chuyện của hàng triệu người dân khác của Việt Nam, đang tự mình
xoay trở một công việc gì đó để tự mưu sinh, không chỉ riêng nghề chạy xe ôm
như Sơn. Như những người buôn bán lề đường, hẻm hóc, hàng gánh đang tảo tần mỗi
ngày khắp các đô thị Việt Nam mà những người như Sơn là khách hàng.
Những
sinh hoạt "mua gánh bán bưng" từ bao năm nay đã là một nét riêng biệt
và quen thuộc của đời sống Sài Gòn hay bất cứ nơi nào của VN. Nó trở thành một
nhịp đập, một thứ văn hóa của xã hội VN. Hay hơn nữa, nó thể hiện một ý thức
sinh tồn của người dân trong một xã hội mà những vấn đề dân sinh thì người dân
phải tự lo lấy cho chính mình và gia đình. Người dân Việt quen thuộc đến độ họ
xem những sinh hoạt này là điều tự nhiên, không hoặc chẳng có dịp tự nhìn về nhịp
sống mua bán hè phố này.
Không
có chúng, quả thật đời sống Việt Nam cũng "chết" đi một phần hồn. Vì
với du khách phương Tây lần đầu đến với Việt Nam, họ có thể lạ lẫm và rất thú vị
với sinh hoạt này, nếu như không bị moi tiền hay bắt chẹt giá cả. Họ khó có thể
tưởng tượng rằng vào tận trong hẻm hóc ngõ ngách nhỏ nhất của Sài gòn cũng có
thể coi là một "phố ăn uống, thương mại" sầm uất, nhộn nhịp cả ngày.
Cà phê, hủ tiếu, bún mì, cơm phở có đủ. Ðồ ăn vặt, đồ nhậu có luôn. Người ta tận
dụng đôi chỗ trước hiên, phía trước nhà để mở hàng quán. Ði qua dăm quốc gia đó
đây, dường như tôi chưa gặp bất cứ nơi nào mà cái giường ngủ cũng có thể kê bán
hàng vặt vì "căn nhà" ở quá nhỏ, chỉ kê đủ một chiếc giường. Cuộc sống
thường nhật và sinh nhai hoà quyện vào nhau thành một.
Nhưng
với tôi, thứ "buôn gánh bán bưng" ngay hiên nhà hay trong đường hẻm
cư ngụ cũng còn là một loại buôn bán "quý tộc", sang cả. Họ chưa phải
đẩy xe mì gõ đi khắp hàng cùng ngõ hẻm. Họ không thấp thỏm với xe kẹo kéo đạp
rã chân từ nơi này sang chốn khác. Và họ không mỏi chân với gánh bún riêu quảy
từ hẻm này sang hẻm khác mỗi ngày. Những hình ảnh này dễ làm tôi chạnh lòng. Nhất
là mỗi khi vào đụt mưa tránh một cơn giông bất chợt giữa Sài Gòn, bắt gặp hình ảnh
một người thiếu phụ dang tấm áo mưa che cho gánh bún hay hủ tíếu gì đó của mình
khỏi bị ướt. Họ che nó kỹ hơn che cho mình. Vì quang gánh đó, là sản nghiệp, là
miếng cơm manh áo cho con cái, cho cả gia đình.
Hàng
rong, bán dạo, buôn bán lề đường, hay mua bán từ nhà ra phố thị trở nên một
sinh hoạt đông đúc, tự nhiên hơn trong xã hội Việt Nam. Nhìn ở góc cạnh nào,
cũng có những cách lý giải hay nhìn nhận khác nhau. Về mặt phát triển đô thị,
những sinh hoạt này có thể tạo ra sự hỗn độn, mất trật tự hay cản trở lưu
thông, ảnh hưởng bộ mặt và an toàn thành phố. Về mặt vệ sinh dịch bịnh, ai có
thể kiểm soát được những thứ gì được nấu trong những món ăn đó, hay luật lệ nào
ngăn cản thùng nước không được rửa chén đũa nhiều lần. Có lẽ vì những điều này
mà đã không ít lần các cấp chính quyền địa phương tại VN muốn ngăn cấm sinh hoạt
này. Nhưng rồi khó thực hiện được.
Đó
là bài toán kép, mà đáp số của bài toán này sẽ là một ẩn số cho một bài toán
khác cần phải giải. Vì nếu không có những sinh hoạt này, chính phủ cần phải tạo
ra bao nhiêu công ăn việc làm, bao nhiêu trách nhiệm dân sinh cho bao nhiêu gia
đình sống nhờ vào chuyện bán buôn này. Nó cũng là một sự "cứu tinh"
trong vấn nạn giải quyết việc làm của nhà cầm quyền, khi họ không kham nổi điều
này. Và giá không có những hàng gánh bán bưng này, nhu cầu quen thuộc của người
dân bình dân sẽ ra sao. Những giới sinh viên nghèo, thợ hồ, xe ôm, nhân công
hãng xưởng lấy đâu những gánh "cơm bụi" mà ăn. Ðó là một vòng xoay
cung cầu của dân nghèo với nhau. Ðể cùng mưu sinh kiếm sống, hơn là kiếm tiền.
Vì khó thể nào "làm giàu" bằng những hàng gánh bán bưng như vậy.Tính
chất sinh hoạt này chỉ là "lấy công làm lời". Người dân cần phải làm
gì đó để mưu sinh.
Nhưng
lắm khi những sự kiếm sống này không còn là cuộc tồn sinh bình thường, mà trở
thành những số phận khắc nghiệt hơn. Như một tối, ngay quán mì bên lề đường khu
Chợ Lớn, tôi bỏ ngang tô mì nhìn hình ảnh một phụ nữ trẻ ôm đứa bé gái chưa
tròn tuổi đi bán dạo vé số. Kim đồng hồ chỉ gần nửa khuya. Khuôn mặt trẻ thơ
sáng ngời như bất cứ đứa bé nào khác. Giờ này lẽ ra em đáng được nằm trong chiếc
nôi đặt cạnh giường mẹ, bình yên với giấc ngủ thơm mùi sữa. Bỏ qua những nhìn
nhận quá nhiều lý trí của dăm người, khi cho rằng người mẹ kia đang dùng chính
đứa con để tạo sự thương cảm nơi người đối diện. Cho rằng có thể như vậy thật.
Nhưng quả thật đời sống quá khắc nghiệt cho đứa bé và cho cả người mẹ. Vì có lẽ
cô ta cũng đau lòng nếu phải dùng chính đứa con nhỏ của mình để mua chút thương
hại, đi bán dạo những tấm vé số giữa khuya như vậy. Cách nào đi nữa thì đó là
hình ảnh của hai mẹ con đáng thương phải kiếm sống và không có nhiều sự chọn lựa.
Tôi nghĩ cô cũng cần mua sữa cho con.
Tôi
nhìn hai mẹ con, rồi liên tưởng về hình ảnh của cả một thế hệ của những người mẹ
tảo tần bươn chãi, thay chồng nuôi con của một thời. Ðó là những năm sau 75. Khi
những người cha bị đưa vào những trại tù cải tạo và những bà mẹ thay chồng nuôi
con và lo cho chồng. "Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm".
Nhắc câu ca dao ở đây chỉ là sự ví von ước lệ, nhưng quả thật những năm tháng
thiếu cha, những đứa con nhỏ trở thành "mồ côi", một loại mồ côi có
thời hạn. May còn có mẹ để còn được "ăn cơm với cá" hay bữa cháo bữa
khoai.
Từ
tủ thuốc lá trước hiên, từ gánh cháo lòng ngược xuôi trong xóm, từ thau gạo bán
đong lon bên hông chợ, những người mẹ tảo tần khuya sớm nuôi con. Họ cũng trải
qua những tháng ngày buôn thúng bán bưng. Tôi tin rằng có hàng ngàn, hàng vạn
bà mẹ đã trải qua những ngày như vậy, cách này hay cách khác, để mà nuôi con.
Giá có dịp, bạn thử ngồi xuống hỏi về câu chuyện của một bà mẹ có chồng đi tù
trong những năm tháng này. Câu chuyện mà bạn nghe được sẽ chẳng khác bao nhiêu
câu chuyện của chính mẹ mình. Của chính ngay gia đình mình. Vì nó là một câu
chuyện, một hoàn cảnh chung của cả một thế hệ chứ không còn của riêng ai.
Tôi
mượn câu thơ của cụ Tú Vị Xuyên để đặt tựa cho bài viết này, như một cách để
chúng ta cùng nhắc nhớ nhau về sự hy sinh, nhẫn nhục của biết bao bà mẹ lam lũ,
khổ nhọc. Của mẹ bạn, mẹ tôi, mẹ chúng ta.
"Quanh năm buôn
bán ở mom sông,
nuôi đủ năm con với một chồng,
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông".
Cả trăm năm trước, hình ảnh người mẹ qua câu thơ của cụ Tú Xương đã vẽ ra như vậy. Nó ứng nghiệm vào hình ảnh người mẹ của thế hệ chúg ta, khi tảo tần "nuôi đủ năm con với một chồng" ngày nào. Nhưng rồi vài chục năm sau, hình ảnh những "thân cò" này vẫn lặn lội với đứa con nhỏ trên tay.Tôi chẳng dám nghĩ về đời sống của em bé gái mặt xinh như thiên thần kia rồi sẽ như thế nào. Liệu rồi đây, em có được may mắn như bạn, như tôi và những đứa con nhỏ của chúng ta đang ngủ say giữa giường êm chiếu ấm trong căn phòng riêng kia? Đêm Sài Gòn, những ngọn đèn khuya rực rỡ hay tù mờ tùy những khúc đường bạn đã ngang qua.
nuôi đủ năm con với một chồng,
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông".
Cả trăm năm trước, hình ảnh người mẹ qua câu thơ của cụ Tú Xương đã vẽ ra như vậy. Nó ứng nghiệm vào hình ảnh người mẹ của thế hệ chúg ta, khi tảo tần "nuôi đủ năm con với một chồng" ngày nào. Nhưng rồi vài chục năm sau, hình ảnh những "thân cò" này vẫn lặn lội với đứa con nhỏ trên tay.Tôi chẳng dám nghĩ về đời sống của em bé gái mặt xinh như thiên thần kia rồi sẽ như thế nào. Liệu rồi đây, em có được may mắn như bạn, như tôi và những đứa con nhỏ của chúng ta đang ngủ say giữa giường êm chiếu ấm trong căn phòng riêng kia? Đêm Sài Gòn, những ngọn đèn khuya rực rỡ hay tù mờ tùy những khúc đường bạn đã ngang qua.
No comments:
Post a Comment