Tuesday, 12 May 2020

TÂY TẠNG ĐANG TRỞ THÀNH MẶT TRẬN MỚI TRONG CĂNG THẲNG MỸ - TRUNG (The Economist)




Biên dịch: Phan Nguyên
12/05/2020

Thượng viện Mỹ chuẩn bị đặt thêm một viên gạch nữa lên bức Vạn lý trường thành của sự nghi ngờ và đổ lỗi lẫn nhau vốn đang chia rẽ Trung Quốc và Hoa Kỳ. Rào cản ngày càng tăng này đã xuất hiện trên các vấn đề thương mại, gián điệp mạng, Đài Loan, sự quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc và nguồn gốc của Covid-19. Nay sẽ thêm một khía cạnh mới của một vấn đề cũ, lần này là về Tây Tạng. Vào ngày 14 tháng 5 này, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện sẽ thảo luận về Đạo luật Hỗ trợ và Chính sách Tây Tạng, một đạo luật của lưỡng đảng đã được Hạ viện thông qua hồi tháng 1. Khi nó trở thành luật, một điều có khả năng cao, Trung Quốc hẳn sẽ rất tức giận. Trung Quốc coi hành vi của mình ở Tây Tạng là một lĩnh vực không thể bị chỉ trích bởi các cường quốc bên ngoài.

Trong số các biện pháp khác nhau, đạo luật này sẽ đề ra chính sách chính thức của Mỹ rằng chỉ có cácPhật tử Tây Tạng mới có quyền chọn các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ, bao gồm cả người kế vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, năm nay đã 84 tuổi và đang sống lưu vong ở Ấn Độ. Luật sẽ yêu cầu các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với bất kỳ quan chức Trung Quốc nào cố gắng kiểm soát quá trình tìm kiếm người kế vị Đạt Lai Lạt Ma. Dù nghe có vẻ khác thường nhưng thực sự chính phủ Trung Quốc đang có ý định tác động vào quá trình lựa chọn. Hồi năm 2007, nước này đã ban hành “các biện pháp quản lý đối với sự chuyển thế của các vị Phật đang sống”.

Một lễ kỷ niệm trong tháng này nhắc lại việc Trung Quốc coi trọng vấn đề kế vị tôn giáo ở Tây Tạng đếnmức nào. Vào ngày 17 tháng 5 năm 1995, Gedhun Choekyi Nyima, một cậu bé sáu tuổi, cùng bố mẹ đã bị bắt cóc khỏi nhà của họ ở Tây Tạng, có lẽ là bởi các đặc vụ của chính phủ Trung Quốc. Ba ngày trước đó, trong một buổi lễ ở miền bắc Ấn Độ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tuyên bố chọn cậu làm Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama) thứ 11, chức sắc Phật giáo cao cấp thứ hai trong hệ thống cấp bậc của Phật giáo Tây Tạng, vì vị Ban Thiền Lạt Ma thứ mười đã qua đời hồi năm 1989.

Theo truyền thống Tây Tạng, các vị Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Đạt Ma có vai trò quan trọng trong việc xác định sự chuyển thế của nhau. Cậu bé, người mà các nhà hoạt động gọi là “tù nhân chính trị trẻ nhất thế giới”, đã không bao giờ xuất hiện trước công chúng kể từ đó. Thỉnh thoảng, Trung Quốc tuyên bố ngắn gọn rằng ông đang sống một cuộc sống “bình thường”. Năm 1995, Trung Quốc đã tự chọn ứng cử viên của mình Gyaltsen Norbu làm đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, người thỉnh thoảng xuất hiện trước công chúng nhưng không được người dân Tây Tạng tín nhiệm.

Những người lưu vong (như những người biểu tình ở Ấn Độ, trong ảnh) sẽ xem lễ kỷ niệm việc Ban Thiền Lạt Ma bị bắt cóc là cơ hội để nhắc nhở thế giới về sự tàn bạo của Trung Quốc ở Tây Tạng cũng như sự trống rỗng trong những lời hứa của Bắc Kinh về vấn đề quyền tự trị của Tây Tạng. Giống như mọi chính phủ khác trên thế giới, Hoa Kỳ cũng công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Tây Tạng. Nhưng Trung Quốc luôn nghi ngờ Mỹ khuyến khích phong trào ly khai ở đó, một phong trào mà Trung Quốc cho là được lãnh đạo bởi Đạt Lai Lạt Ma, người đã phải lưu vong sau khi Trung Quốc đàn áp phong trào nổi dậy của TâyTạng năm 1959. Thực tế, Đạt Lai Lạt Ma đã từ bỏ yêu sách đòi độc lập, chỉ tìm kiếm một nền tự trị thực sựcho Tây Tạng.

Ở chính Tây Tạng, lễ kỷ niệm vụ bắt cóc trong tháng này sẽ trôi qua mà không gây nên chú ý nào. TâyTạng đã chuyển từ tình trạng bị phong toả vì Covid-19 sang phong toả chính trị vốn chi phối cuộc sống thường nhật ở đó. Các phương tiện truyền thông chính thức đang mải mê tiến hành một chiến dịch tuyên truyền về một đạo luật mới của hội đồng khu vực có hiệu lực vào ngày 1 tháng 5: “Quy định về việc thành lập khu vực kiểu mẫu cho sự thống nhất và tiến bộ của dân tộc ở khu tự trị Tây Tạng”.

Matthew Akester, một nhà nghiên cứu Tây Tạng làm việc tại Ấn Độ, cho biết các quy định rằng các tổ chức nhà nước và tư nhân phải tăng cường đoàn kết dân tộc và chống ly khai là không có gì mới. Thay vào đó, chúng chính thức hóa một xu hướng trong chính sách của Trung Quốc đối với các dân tộc thiểu số dưới thời Tập Cận Bình, người đã lãnh đạo Trung Quốc từ năm 2012 đến nay. Chính sách này nhấn mạnh sự“thống nhất” hơn so với sự “đa dạng”, chứ đừng nói đến chuyện tự trị. Những người lưu vong Tây Tạng lo sợ rằng Trung Quốc muốn xóa bỏ bản sắc Tây Tạng bằng cách thúc đẩy tình trạng kết hôn giữa người Tây Tạng và người Hán, đưa người Hán di cư vào Tây Tạng và đô thị hóa Tây Tạng. Không một đạo luật nàocủa Mỹ có thể ngăn Trung Quốc cố gắng làm những việc này. Nhưng các quy định mới của Trung Quốc đối với Tây Tạng cũng sẽ không thể làm thay đổi một thực tế lâu nay: biểu tượng mạnh mẽ nhất của bản sắc Tây Tạng chính là bản thân Đức Đạt Lai Lạt Ma và lòng trung thành của người dân Tây Tạng đối với ông, dù ông đã lưu vong từ lâu. Trung Quốc lẽ ra đã phải học được từ lịch sử của các vị Ban Thiền Lạt Ma một điều rằng Đảng Cộng sản sẽ không bao giờ được người dân Tây Tạng chấp nhận làm người phán quyết cho đức tin của họ.

Nguồn: America’s pressure on China over Tibet will come to nought”, The Economist, 12/05/2020.

---------------------------------

Có Thể Bạn Quan Tâm:






No comments:

Post a Comment

View My Stats