Saturday, 23 May 2020

ĐÓN LUỒNG ĐẦU TƯ RÚT KHỎI TRUNG QUỐC (Phạm Chi Lan)




Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan 
08:00, 22/05/2020

TheLEADER  -  Không phải phần lớn đầu tư của các nước sẽ dịch chuyển khỏi Trung Quốc, cũng không phải mọi đầu tư của các nước và của chính Trung Quốc dịch chuyển đi đều phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu từ đầu năm nay đang gây những chấn động ghê gớm cho nền kinh tế thế giới và hầu hết các quốc gia. Nó cũng bồi thêm một đòn trời giáng vào toàn cầu hóa, vốn đã lung lay kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ cách đây hơn hai năm.
Các chuỗi giá trị toàn cầu - công cụ/sản phẩm quan trọng hay biểu trưng của toàn cầu hóa - bị đứt gẫy tứ tung. Mọi thành viên tham gia những chuỗi đó, từ các nền kinh tế, các công ty đa quốc gia đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đều rúng động và phải nhìn nhận bối cảnh mới, điều chỉnh hay thiết kế lại các chiến lược, chiến thuật phát triển cũng như các kết nối và đối tác của mình.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Một trong những xu hướng nổi lên mạnh mẽ trong bối cảnh trên là xu hướng chuyển dịch một số khâu trong các chuỗi giá trị từng rất thành công ra khỏi Trung Quốc để giảm bớt rủi ro do sự lệ thuộc quá mức vào các nguồn cung và cầu của nền kinh tế khổng lồ này.
Xu hướng ấy đã trở thành chính sách được Mỹ, Nhật công bố và đang hình thành ở một số quốc gia phát triển khác.

Dù còn tính toán các mặt, nhiều công ty đa quốc gia - người cầm chịch các chuỗi giá trị toàn cầu - cũng như nhiều công ty khác đang lo chuẩn bị chuyển bớt dòng vốn đầu tư và các nhân tố liên quan như công nghệ, thiết bị, kỹ năng, con người… đến những nơi an toàn hơn, để tăng khả năng ứng phó với tương lai đang rất khó định đoán của thị trường thế giới và diễn biến phức tạp của cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung.

Ở Việt Nam, đang có sự háo hức chờ đón luồng đầu tư từ Trung Quốc chuyển dịch sang, tạo cơ hội mới trong thu hút FDI, cấu trúc lại thị trường và một số ngành kinh tế, tăng cường nội lực, đẩy mạnh xuất khẩu và từ đó tiếp tục tăng trưởng cao hơn. 

Đây là một phần quan trọng của thời cơ lớn, mà như giáo sư Trần Văn Thọ đã nói, chúng ta “không (nên) để mất thời cơ lần thứ ba”.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng không phải phần lớn đầu tư của các nước sẽ dịch chuyển khỏi Trung Quốc (do những lợi thế nổi trội ở đất nước này), cũng không phải mọi đầu tư của các nước và của chính Trung Quốc dịch chuyển đi đều phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của Việt Nam, càng không phải Việt Nam là ứng viên nặng ký nhất giữa bao đối thủ đáng gờm đang chờ đón những luồng đầu tư này.

Kinh nghiệm từ những lần để mất thời cơ trước đây cho thấy rất rõ, chớp được thời cơ hay không chủ yếu là do chính mình, với tư duy, nhận thức, năng lực các mặt có được nâng lên đủ mạnh, đủ tốt để sẵn sàng thích ứng và đón nhận những thời cơ mới - vốn luôn đi cùng với những đòi hỏi mới và cao hơn - hay không.

Để đón luồng đầu tư mới lần này, chúng ta cần làm rất nhiều việc.

Trước hết, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về bối cảnh mới trên thế giới và trong nước đã thay đổi như thế nào trong những năm gần đây và qua đại dịch lần này. Vô số những nghiên cứu, đánh giá về bối cảnh quốc tế và khu vực đã được các tổ chức và chuyên gia có uy tín trên thế giới đưa ra, rất cần tham khảo.

Đặc biệt là những phân tích về sự thay đổi địa kinh tế, địa chính trị, tương quan và tương tác giữa các quốc gia, những xu hướng lớn mới về suy nghĩ và lối sống của con người, về kinh tế và công nghệ, về tiêu dùng và đầu tư, về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu và ở các nền kinh tế lớn, về sự đứt gãy và chuyển hướng của các chuỗi giá trị toàn cầu, về những luật chơi mới sẽ hình thành trong “bình thường mới”…

Biết bao thứ đã, đang và sẽ thay đổi, khiến không ai có thể nhìn đời bằng con mắt cũ, với cách nghĩ, cách làm hay kiến thức vốn có của mình, nếu không muốn bị lạc lõng và tụt lại giữa thế giới đang chuyển động nhanh chóng, mạnh mẽ này.

Ở trong nước, một số nghiên cứu của các cơ quan nhà nước, các viện, trường đại học, các chuyên gia đã nêu rõ nhiều điều quan trọng mà đại dịch Covid-19 và những gì xảy ra trên thế giới đang tác động tới Việt Nam.

Đó là những bài học và thách thức của sự tụt hậu về cấu trúc kinh tế, về quan hệ với các thị trường chủ chốt và vị trí của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu, về các vấn đề xã hội, môi trường và an ninh các mặt…

Đó là áp lực và thời cơ để Việt Nam điều chỉnh các chiến lược phát triển, tăng cường nội lực, tạo những động lực và lợi thế mới để tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu với vị thế cao hơn, vững chắc hơn.

Đặc biệt, đó còn là yêu cầu bức bách và vận hội cho Việt Nam đổi mới triệt để tư duy phát triển, thực hiện thật nhanh, thật mạnh các cải cách vô cùng cần thiết về thể chế và nhân lực để bứt phá với phương châm “chống tụt hậu như chống giặc”.

Về các hoạt động mà nhà nước và doanh nghiệp cần thực hiện, trước mắt, ngoài việc tổ chức thi hành thật tốt các chính sách đã đưa ra về hỗ trợ lao động và việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp và các ngành bị tác động của dịch để sớm phục hồi kinh tế, rất cần khẩn trương tiến hành những việc chuẩn bị cho tương lai trung và dài hạn.

Đó là nghiên cứu, đánh giá sâu và thẳng thắn về thực lực các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, với những vấn đề vốn có nay càng bộc lộ rõ hơn qua tác động của đại dịch.

Đặc biệt về mức độ lệ thuộc vào một số nguồn cung và thị trường tiêu thụ bên ngoài mà rõ nhất là Trung Quốc, về hiệu quả đo bằng giá trị gia tăng và thu nhập thực của khu vực kinh tế trong nước, về khả năng tồn tại và cạnh tranh trong tương lai trung hạn, dài hạn ở các thị trường trong và ngoài nước.

Từ đó xác định chiến lược phát triển, lựa chọn ưu tiên và các giải pháp tăng nội lực, giảm lệ thuộc, nâng cao hiệu quả trong thu hút các dòng đầu tư và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu mới.

Đó cũng là nghiên cứu, đánh giá sâu và thẳng thắn về thực chất quan hệ với các thị trường và đối tác lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc, Nga…, các công ty đa quốc gia; đặc biệt về mức độ phụ thuộc và hiệu quả kinh tế-xã hội, kể cả từ góc độ an ninh kinh tế và quốc phòng (mà bây giờ hầu hết các nước đều quan tâm).
Đó là nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về những hướng đi mới đang diễn ra ở các nước hoặc các công ty đa quốc gia đó, những kênh mới đang hình thành (như “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”)…

Từ đó chúng ta cần chủ động điều chỉnh các mối quan hệ với họ, tận dụng các FTA lớn và mạng lưới đang hoặc có thể sẽ tham gia, tập trung phát triển các quan hệ hợp tác song phương, đa phương trong đó lợi ích căn bản về các mặt của chúng ta và đối tác phù hợp với nhau, có thể đáp ứng tốt nhất định hướng chiến lược mới của chúng ta.

Từ chỗ hiểu rõ hơn về mình, về người, để thu hút được những luồng đầu tư mới, chúng ta cần thiết kế lại và làm thật rõ những phương hướng chính sách liên quan, thể hiện cam kết nghiêm túc và ra sức nâng cao năng lực thực hiện.

Không thể nêu hết trong khuôn khổ bài viết này, song tôi nghĩ cần tiến hành sớm một số việc.

Một là, có chương trình cụ thể, phân công trách nhiệm rõ giữa các cơ quan nhà nước, có chế tài để đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn những cam kết về cải cách luật pháp, chính sách, bộ máy và các quy định thi hành liên quan, đặc biệt về kinh tế và hoạt động đầu tư ở Việt Nam.

Nhà nước cải cách để mạnh lên, lắng nghe và hợp tác với doanh nghiệp, với các chuyên gia, với xã hội, cùng nhau nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế của nước nhà là việc đầu tiên chúng ta phải làm bằng được.

Hai là, khẳng định rõ: Việt Nam không chấp nhận mọi dự án đầu tư, mà sẽ chọn những dự án và đối tác phù hợp với lợi ích và yêu cầu các mặt của mình.

Ưu tiên sẽ dành cho những dự án mang theo dòng vốn sạch, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, tạo được giá trị gia tăng tương đối cao, sử dụng nhiều lao động có kỹ năng, tiết kiệm tài nguyên và không gây tổn hại môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội.
Ưu tiên cũng sẽ dành cho những dự án liên doanh, kết nối vững chắc doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam để cùng nhau chia sẻ lợi ích và phát triển.

Ba là, trong khi tôn trọng nguyên tắc “đối xử quốc gia” (NT), Việt Nam sẽ xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử ngược, gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân trong nước của mình.

Nhiều chính sách sẽ được thực thi nhằm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển khu vực tư nhân trong nước, phát triển các ngành nghề và sản phẩm bản địa…
Đặc biệt là những hỗ trợ kỹ thuật về đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng chuyên môn, khả năng ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, tiếp cận thông tin và thị trường… để doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng trở thành đối tác tốt của FDI và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu mới.

Bốn là, về các lĩnh vực, trước mắt có thể tận dụng những cơ hội mới cho các sản phẩm y tế, nông sản, công nghiệp và dịch vụ phụ trợ thay thế phần nào hàng nhập khẩu, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu…

Trong đó hết sức chú trọng việc ứng dụng công nghệ, cách làm mới, tạo liên kết mới, thị trường mới với hiệu quả và khả năng tự chủ cao hơn trước. Trong trung và dài hạn, sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm có tương lai, dựa trên công nghệ tiên tiến, tạo giá trị gia tăng và thu nhập trong nước cao hơn, tạo liên kết vững chắc giữa các đối tác trong và ngoài nước, thân thiện với môi trường và xã hội.

Năm là, xử lý nghiêm, dứt điểm những dự án đầu tư đã có nhưng vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật của Việt Nam về môi trường, lao động, thuế, đất đai, an ninh quốc phòng, về các hành vi gian lận khác như làm chui, núp bóng…

Những dự án vi phạm đã được xác minh phải xử lý ngay và nghiêm khắc, bất kể của đối tác nào, do ai quyết định, bởi không trừng trị chúng thì các đối tác nghiêm túc sẽ không tin tưởng ở pháp luật Việt Nam mà vào đầu tư. Dẹp bỏ những cái xấu cũng là dọn sạch môi trường cho những cái tốt nảy nở.

Sáu là, về cách làm, phát huy cách đã giúp chúng ta thành công trong “chống dịch như chống giặc” vừa qua, để “chống tụt hậu như chống giặc” trong thời gian tới.

Đó là:
(i) chọn ưu tiên, với lợi ích của nhân dân, của đất nước được đặt lên cao nhất; minh bạch thông tin để làm rõ và tạo sự ủng hộ cho điều này;
(ii) tập trung điều hành, thực hiện kiên quyết, triệt để, làm bằng được những việc đề ra trong từng giai đoạn;
(iii) phân công rành mạch, hợp lý và phối hợp tốt giữa nhà nước, nhà khoa học/công nghệ, doanh nghiệp và xã hội, giữa các cơ quan nhà nước các cấp với nhau và với các bên tham gia, để mỗi bên phát huy tốt nhất chức năng, tính tự chủ và năng lực sáng tạo của mình;
(iv) huy động và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực ở trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn lực con người, thể chế, công nghệ và thị trường được kết nối với nhau.

Với hơn 100 triệu người Việt sống ở trong và ngoài nước có biết bao tiềm lực lớn lao, đang khát khao vươn lên kiến tạo năng lực mới, nắm bắt thời vận mới để đưa đất nước lên phát triển thịnh vượng, nhất định chúng ta “không để mất thời cơ lần thứ ba” !

-------------------------------------------
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan







No comments:

Post a Comment

View My Stats