Nguyễn
Quốc Khải
08/05/2020
Biểu tình chống
cách ly
Trong vài tuần qua, một số
vụ biểu tình chống cách ly đã mọc lên ở 18 tiểu bang, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ.
Số người tham dự từ vài chục người ở Virginia, Maryland và Oregon, đến vài trăm
người như ở Arizona, Idaho, Idiana và Texas, tới vài ngàn người như ở
California, Michigan và Washington.
Qua những hình ảnh trên TV và Internet, người ta thấy rất ít người da
đen và da mầu tham dự, kể cả dân da vàng gốc Việt thường ồn ào ủng hộ Tổng thống
Trump. Một số người mang theo cả
súng, cờ Nazi, cờ Liên Minh Miền Nam và những bích chương ủng hộ Tổng thống
Trump trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay. Những sự kiện trên đây làm cho những
cuộc biểu tình mang tính chất chính trị và kỳ thị chủng tộc.
Những người xuống đường
phản đối những biện pháp đóng cửa các cơ sở kinh doanh, cách ly, giới hạn di
chuyển, cấm tụ tập đông người, gây thiệt hại về kinh tế và vi phạm quyền công
dân. Họ mang theo những bích chương: “Tự do cần thiết”, “Tất cả các việc làm
đều cân thiết”, “Mở cửa nhà thờ”, “Đi làm trở lại”, “Mở cửa California”, “Tôi
ghét khẩu trang”, “Mở cửa kinh tế”, “Thêm 4 năm cho Trump & Pence”, “Tự do
chết”.
Một số người lập luận rằng,
chính quyền chỉ nên cách ly những người đau yếu mà thôi, thay vì những người khỏe
mạnh. Vấn đề căn bản là Hoa Kỳ hiện nay không đủ phương tiện để xét nghiệm tất
cả mọi người, để biết ai nhiễm virus corona. Một số bích chương đòi cách chức
BS Anthony Fauci, giám đốc National Institute of Allergy and infectious
diseases, người cổ võ những biện pháp cách ly để chống lại sự lan truyền của
COVID-19.
Cuộc thăm dò dư luận của Navigator Research thực hiện từ 14/4 đến 17/4 cho thấy, có 86%
công chúng Hoa Kỳ ủng hộ việc duy trì hay nới rộng những biện pháp cách ly xã hội
để ngăn chặn sự lan truyền của COVID-19. Trong khi đó chỉ có 10% muốn chấm dứt
những biện pháp này.
Cuộc thăm dò dư luận cũng
khám phá ra rằng, đa số những người ủng hộ Tổng Thống Trump cũng không đồng ý
việc chống luật cách ly. Khoảng 79% số người bỏ phiếu cho ông Trump vào năm
2016 nói rằng, những biện pháp cách ly cần tăng cường thêm. Do đó, hành động của Tổng Thống
Trump không phù hợp với nguyện vọng của đa số công chúng Hoa Kỳ. Về tổng
thể, 69% công chúng Hoa Kỳ tin tưởng vào chính quyền tiểu bang và địa phương để
ban hành những quyết định mở cửa kinh tế. Chỉ có 22% về phe Tổng Thống.
Ai đứng sau những
cuộc biểu tình này?
Tổng Thống Trump là người
ra mặt khích động công chúng biểu tình chống lại những biện pháp cách ly của
các tiểu bang. Khi làm điều này ông đã không tôn trọng kế hoạch mở cửa của
chính Nhà Trắng mà chúng ta sẽ bàn tới ở phần dưới đây. Thống Đốc Jay Inslee
(Dân Chủ, bang Washington) kết tội Tổng Thống Trump “xúi giục nội loạn”. Thống
Đốc Larry Hogan (Cộng Hòa, Maryland) nói những lời tuyên bố của Trump không có
ích lợi.
Tổng Thống Trump trực tiếp
khích động công chúng biểu tình qua những câu tweet đến các tiểu bang Dân Chủ
như “Liberate Virginia” hay “Liberate Michigan”. Một mặt ông Trump phân công
các thống đốc về việc mở cửa kinh tế tùy theo từng vùng, công nhận quyền mở cửa
là của các tiểu bang. Một mặt ông lại xúi giục công chúng gây khó khăn cho các
thống đốc. Ông từng khuyên bà Gretchen Whitmer, Thống Đốc bang Michigan, nên điều
đình với những người biểu tình.
Ngoài ra, hỗ trợ đằng sau
những cuộc biểu tình là một số tổ chức thuộc các nhóm bảo thủ, thân Trump và Cộng
Hòa, cực hữu da trắng và ủng hộ quyền sở hữu súng. Một trong những nhóm này là FreedomWorks,
đặt văn phòng tại Washington DC, liên minh với Tea Party. Đảng này đã
giúp Trump vào Nhà Trắng bốn năm trước.
Michigan Freedom Fund, một tổ chức bảo thủ khác, đã giúp cuộc biểu
tình ở Michigan. Bà Betsy Devos, Bộ Trưởng Giáo Dục, một nhà tỷ phú, thường
xuyên đóng góp cho quỹ này. Ngoài ra cơ quan truyền thông Fox News đã cổ
võ mạnh mẽ cho những cuộc biểu tình như là một cuộc cách mạng nhỏ tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, không phải ai tham dự biểu tình cũng là thành viên của những tổ chức
trên đây.
Cuộc thăm dò dư luận của Pew
Research Center vào giữa tháng 4 vừa qua cho thấy 66% công chúng Hoa Kỳ lo
ngại rằng, những biện pháp hạn chế bị hủy bỏ quá sớm so với 32% nghĩ ngược lại.
Tuy nhiên hầu hết mọi người tin rằng đại dịch có thể trở nên tồi tệ hơn nữa.
Khi các cuộc biểu tình chống
những biện pháp cách ly nổ ra ở một số tiểu bang, những chuyên viên y tế đã lên
tiếng cảnh báo rằng, các cuộc biểu tình này có thể làm cho đại dịch COVID-19
gia tăng thêm. Thời kỳ ủ bệnh là khoảng một tuần. Như vậy, khoảng 2-4 tuần lễ
sau những cuộc biểu tình, nghĩa là vào khoảng đầu tháng 5, đại dịch sẽ tăng. BS
Deborah Birx trong lực lượng đặc nhiệm virus corona của Nhà Trắng khuyến cáo rằng:
“Chúng tôi đã yêu cầu mọi thống đốc, chúng tôi đã yêu cầu mọi công dân Hoa Kỳ
tuân theo những chỉ dẫn của chính phủ liên bang”.
Audrey S. Whitlock, một trong những người tổ chức biểu tình ở North
Carolina, đã bị nhiễm virus corona, nhưng may mắn thoát hiểm sau thời gian cách
ly. Mục Sư Gerald O. Glenn ở Virginia, không theo lệnh y tế công cộng của
tiểu bang, cử hành lễ tại nhà thờ, đã chết vì COVID-19 vào tháng 4. Nay cả gia
đình gồm bà vợ góa, hai đứa con gái và một con rể đều nhiễm virus corona. Ông John
W. McDaniel ở Ohio cho rằng đại dịch coronavirus là một thủ đoạn chính trị.
Ông từng tức giận viết trên Facebook rằng lệnh bắt ở nhà của Thống đốc Mike
DeWine là “cứt bò”. Vào ngày 15/4 ông đã chết vì COVID-19, hưởng thọ 60 tuổi.
South Dakota là tiểu bang
duy nhất ở Hoa Kỳ không ban hành luật cách ly vì đất rộng và ít dân. Tuy nhiên
vào giữa tháng trước, số người nhiễm virus corona ở tiểu bang này bắt đầu tăng
mạnh, từ 129 người vào ngày 1/4 lên đến 988 người.
Khoảng 300 công nhân làm
việc tại công ty Smithfield Foods, ở South Dakota bị nhiễm virus khiến công ty
phải đóng cửa. Tình trạng này đã xảy ra ở một số cơ sở chế biến thịt khác trong
nước, khiến vấn đề cung cấp thịt cho người tiêu thụ đang gặp khó khăn. South Dakota và bốn tiểu bang
nông thôn khác là Arkansas, Iowa, Nebraska và North Dakota, lãnh đạo bởi thống
đốc Cộng Hòa, đều cưỡng lại các biện pháp cách ly.
Những ai dễ nhiễm
Covid-19?
Tính đến ngày 30/4/2020,
Hoa Kỳ có 51,983 người chết vì COVID-19 tại 38 tiểu bang và District of
Columbia theo thống kê thu thập được. Trong số này, có 47.6% là người da trắng,
26.6% là da đen, 16.2% Latino, 4.8% Á châu, 4.5% các sắc dân khác và 0.3% dân bản
địa. Sắc dân da trắng chết nhiều vì dân số da trắng chiếm 72.4% dân số Hoa Kỳ,
so với sắc dân da đen 12.6% và Á châu 4.6%.
Tuy nhiên, nếu tính riêng
từng sắc dân, tỉ lệ tử vong của dân da đen là 34.7 trên 100,000 người. Tỉ lệ của
Latino và Á châu là 14.9 và 14.6. Tỉ lệ da trắng là 13.1. Tỉ lệ chung của mọi sắc
dân là 19.6 trên 100,000 người. Như vậy da đen là sắc dân dễ bị nhiễm virus
corona và chết nhiều nhất và tiếp theo là Latino.
Một cuộc nghiên cứu của Kaiser
Health News phổ biến vào 25/04/2020 cho thấy, môi trường xã hội và kinh tế ảnh
hưởng nặng nề trên sức khỏe của tất cả mọi người. Sắc dân da đen thường không
được sống trong những điều kiện tương đối đầy đủ. Họ thường không có cả bảo hiểm
sức khỏe và phương tiện di chuyển. Dân số da đen chiếm 38% tổng số dân của
Mississippi, một tiểu bang nghèo nhất nước Mỹ. Một sắc dân khác cũng dễ bị nhiễm
COVID-19 là dân da đỏ sống trong những vùng đất dành riêng cho người bản xứ ở
New Mexico, một tiểu bang nghèo thứ nhì sau Mississippi. Ở đây, hàng ngàn gia
đình không có nước máy.
Nhiều chuyên viên y tế nhận định rằng, bệnh COVID-19 đang lặp lại thảm
cảnh truyền bệnh HIV và AIDS trước đây ở Hoa Kỳ. Bệnh bắt đầu lan từ những thành phố lớn ở duyên hải như New York, Los
Angeles và San Francisco rồi tràn về miền Nam và vùng thôn quê, xâm nhập vào những
cộng đồng da đen.
Những người có lợi tức thấp
thường phải sống chen chúc trong các chung cư, làm những việc dễ bị lây virus,
tiếp xúc hàng ngày với hàng trăm người tại các cửa hàng bán thực phẩm, tiệm ăn,
quán café, chuyên chở công cộng, hớt tóc, làm móng tay, giao hàng, … Đối với những
người này, cách ly xã hội là một sự xa xỉ.
Theo một cuộc nghiên cứu
của trên 30 chuyên viên y khoa mới đây, phổ biến trên tạp chí y học Lancet với
tựa đề “Estimates of the Severity of Coronavirus Disease 2019: A
Model-Based Analysis”, tỉ lệ tử vong của những người nhiễm virus
corona dưới 1%. Trong số những người bị nhiễm virus và mắc bệnh COVID-19, tỉ lệ
tử vong là 1.38% Cả hai tỉ lệ này thay đổi đáng kể theo tuổi. Thí dụ, tỉ lệ tử
vong đối với những người nhiễm virus corona ở tuổi 20 là 0.03% so với người ở
tuổi 70 là 4.3%. Tương tự như vậy, tỉ lệ tử vong của những người mắc bệnh
COVID-19 ở tuổi 20 là 0.06% so với 8.6% đối với những người ở tuổi 70. Đối với
những người từ 80 trở lên những tỉ lệ này là 13.4%.
Kế hoạch mở cửa của
Nhà Trắng
Kế hoạch mở cửa của Nhà Trắng là những điều hướng dẫn không bắt buộc để
mở cửa kinh tế dành cho các tiểu bang thực hiện. Kế hoạch này dựa trên một số giả định rằng, Hoa Kỳ có đủ khả năng để
xét nghiệm những người bị nhiễm virus corona có hay không có triệu chứng và khả
năng truy tìm dấu vết truyền bệnh từ người này qua người khác.
Kế hoạch của Nhà Trắng gồm
ba giai đoạn, nới lỏng dần dần các biện pháp cách ly, tùy từng vùng. Những người
dễ bị nhiễm bệnh (lớn tuổi, đau yếu) sẽ phải tuân theo những biện pháp cách ly
cho tới giai đoạn cuối, tức là sẽ phải đóng đô tại nhà trong nhiều tháng tới.
Giai đoạn I: Không được tụ
tập quá 10 người, giảm tối đa di chuyển, khuyến khích làm việc tại nhà, tiệm ăn
được mở cửa hạn chế với điều kiện giữ khoảng cách.
Giai đoạn II: Không được
tụ tập quá 50 người, di chuyển kinh doanh thông thường được thực hiện, quán rượu,
trung tâm thể dục, trường học, trại hè và trung tâm trông nom trẻ em trong ngày
được mở lại với điều kiện giữ khoảng cách.
Giai đoạn III: Những người
dễ nhiễm bệnh có thể sinh hoạt bình thường, mọi người có thể tới sở làm, có thể
thăm viếng thân nhân tại những trung tâm của người lớn tuổi và bệnh viện. Nhà
thờ, chùa, rạp hát được mở cửa lại.
Theo Kaiser Family
Foundation, Hoa Kỳ có khoảng 92 triệu người dễ bị nhiễm COVID-19 vì nhiều
tuổi và tình trạng sức khỏe. Hiện nay Hoa Kỳ chưa có đủ khả năng xét nghiệm
virus corona số đông, chỉ thực hiện được 110,000 xét nghiệm mỗi ngày, thay vì
30 triệu là con số cần thiết theo cơ quan truyền thông VOX Media. Tổng Thống Trump nhiều lần tuyên
bố, Hoa Kỳ có đủ xét nghiệm, nhưng điều này sai sự thật.
BS Anthony Fauci nói,
ngay cả sau khi đã đi qua hết ba giai đoạn, đại dịch cũng chưa hết. Virus có thể
trở lại vào mùa thu. Trước khi bắt đầu mỗi giai đoạn, phải hội đủ ba tiêu chuẩn
sau đây: (1) Triệu chứng COVID-19 cũng như triệu chứng của những bệnh cúm khác
phải giảm trong 14 ngày; (2) Số trường hợp nhiễm bệnh theo biểu đồ phải giảm
trong 14 ngày hoặc tỉ lệ số người xét nghiệm dương tính phải giảm trong thời
gian này; (3) Những bệnh viện phải đủ khả năng để chữa trị tất cả những bệnh nhân
một cách bình thường và có đủ khả năng xét nghiệm cho những nhân viên dễ bị nhiễm
bệnh.
Vào khoảng giữa tháng 4, Tổng Thống Trump nói rằng, 29 tiểu bang sẽ sẵn sàng mở cửa tương đối không lâu. Tuy nhiên, theo cuộc nghiên cứu của cơ quan truyền thông Bloomberg News mới phổ biến vào ngày 6/5/2020, phần lớn các tiểu bang chưa sẵn sàng mở cửa. ít nhất 38 tiểu bang và District of Columbia chưa hội đủ tiêu chuẩn của chính phủ liên bang. Trong số đó, khoảng 22 tiểu bang có số người nhiễm bệnh đang tăng lên. Chỉ có 12 tiểu bang hội đủ tiêu chuẩn để bắt đầu giai đoạn I, bao gồm Arkansas, Delaware, Florida, Louisiana, Massachusetts, Michigan, Montana, Nevada, New Jersey, New York, Pennsylvania và Rhode Island.
Ba tiểu bang thuộc thành trì của Đảng Cộng Hòa là Texas, Alabama, và
Geogia dù không hội đủ tiêu chuẩn
vẫn đã bắt đầu mở cửa. Texas mở cửa giai đoạn I vào ngày 1/5 và dự định bắt đầu
giai đoại II vào ngày 8/5 hoặc 18/5. Alabama cho phép các cửa hàng bán lẻ được
mở cửa hoạt động với 50% khả năng bắt đầu từ 1/5. Bãi biển được mở lại, nhưng
các tiệm hớt tóc vẫn bị đóng cửa và tụ tập giải trí từ 10 người trở lên vẫn bị
cấm.
Georgia có lẽ là một
trong các tiểu bang bắt đầu cho mở cửa sớm nhất. Ngay từ 24/4 các trung tâm thể
dục, hớt tóc đã được mở cửa với vài giới hạn. Bệnh viện được thực hiện một số
ca mổ. Vài ngày sau đó, các rạp hát và tiệm ăn được phép hoạt động trở lại.
Nói tóm lại, mỗi tiểu
bang có một lịch trình và hành động riêng. Vi lý do này, chính phủ liên bang đã
hủy bỏ những chỉ dẫn mở cửa của Nhà Trắng và xem ra đẩy hết trách nhiệm qua các
thống đốc. Hiện nay chưa thể biết rõ ảnh hưởng của việc bắt đầu mở cửa như thế
nào. Cần phải đợi 2-4 tuần mới rõ kết quả.
Những trở ngại để
mở cửa
Những hành động bất tuân
lời chỉ dẫn của những chuyên gia y khoa để phòng ngăn chặn sự lan truyền của
virus corona do sự ích kỳ, thiển cận và hoạt đầu chính trị có thể làm cho việc
mở cửa kinh tế khó khăn thêm, như BS Anthony Fauci từng cảnh báo. Ông nói
nguyên văn như sau: “Những cuộc biểu tình và chống đối có thể dẫn đến nhiều
trường hợp nhiễm virus corona nhiều hơn, làm cho việc mở cửa lại kinh tế khó
khăn hơn. Ngoại trừ chúng ta có thể kềm chế được virus, việc phục hồi thật sự về
phương diện kinh tế sẽ không xảy ra”.
Nhiều thống đốc tiểu bang
đã lên tiếng kêu gọi mọi người nghe những chỉ dẫn chuyên môn của các bác sĩ và
các khoa học gia. Trong câu chuyện về lịch trình bóng đá năm nay của National
Football League, Thống Đốc Andrew Cuomo của New York nghi ngờ rằng
chương trình có thể giữ như mọi năm vì COVID-19. Ông nói rằng, hãy dựa vào thống
kê, theo khoa học, hãy để cách chuyên gia bảo chúng ta khi nào an toàn để mở cửa.
Ông có ý muốn nói đừng nghe theo lời của Tổng thống Trump.
Tính cho đến
chiều ngày 7/5, Hoa Kỳ đả có ít nhất 1,250,000 người nhiễm bệnh COVID-19 và
75,243 người chết trên toàn quốc. Khoảng hai tuần nữa số người chết sẽ lên tới
100,000 người.
Theo một bản thảo của một
phúc trình của chính phủ liên bang mang dấu hiệu của CDC mà báo Washington Post
thu thập được, số người nhiễm bệnh có thể lên đến 200,000 mỗi ngày và số người
chết là 3,000 người mỗi ngày kể từ 1/6. Kết quả này dựa trên mô hình của GS
Justin Lessler tại Johns Hopkins Bloomberg School of Public Health. Một số
mô hình khác cho những con số thấp hơn, nhưng tất cả đều tiên đoán rằng, số người nhiễm bệnh và
chết sẽ tăng lên vì mở cửa. Có những kịch bản đưa tới tình trạng vỡ
bờ không thể kiềm chế được, tùy theo những quyết định chính trị làm ngày hôm
nay.
Tổng thống
Trump mới đây tuyên bố rằng, số người chết có thể lên đến 100,000 người, nhưng
với con số tử vong 3.000 người chết mỗi ngày, chỉ cần 10 ngày nữa tổng số người
chết sẽ lên quá 100,000 người.
Còn với số tử vong trung bình 2,000 người trong ba tuần qua, cũng chỉ cần hai
tuần lễ là vượt quá con số của Tổng thống Trump đưa ra.
Số người chết mỗi ngày
trên toàn quốc Hoa Kỳ giảm từ 1,723 vào ngày 1/5 xuống còn 950 vào 4/5 nhưng lại
nhẩy vọt lên 2,416 và 2,655 vào 5/5 và 6/5. Như vậy, tình trạng của COVID-19
chưa thuyên giảm. Việc mở cửa trên toàn quốc là không thể thực hiện được trong
lúc này, mà chỉ có thể thực hiện theo từng địa phương.
Trở ngại
chính vẫn là sự thiếu thốn những thiết bị y tế, bao gồm máy xét nghiệm nhiễm
virus corona, máy thở và ngay cả khẩu trang đã được cải thiện nhưng vẫn còn là
một trở ngai cho việc chữa trị bệnh nhân. Quan trọng hơn cả là vài chục công ty dược phẩm và phòng thí nghiệm
trên toàn thế giới đang tìm cách chế tạo thuốc chủng, nhưng chưa đạt được kết
quả. BS Anthony Fauci tiên đoán cần 12 – 18 tháng mới có thể có thuốc chủng sẵn
sàng áp dụng cho người. Từ nay đến ngày đó, còn nhiều rủi ro nhiễm virus
corona. Chừng nào chưa có thuốc chủng, cuộc sống
sẽ không thể trở lại bình thường.
Tổng thống Trump lúc đầu
dự tính cho mở cửa lại vào ngày Phục Sinh 12/4. Sau đó, ông đổi qua ngày 1/5 và
xem ra ông đã nhất định ở thời hạn này. Trong khi đó hầu hết những chuyên viên
y tế nói rằng, cần nhiều tuần nữa, nếu không muốn nói là vài tháng, mới có thể
chấm dứt những biện pháp cách ly. BS Deborah Birx nhiều lần nhắc nhở rằng, những
biện pháp cách ly cần được duy trì ít nhất qua khỏi mùa hè này.
Tại sao lại vội vã
mở cửa?
Tình kinh tế Hoa Kỳ đang suy giảm đáng kể vì COVID-19. Hơn 30 triệu người
mất việc làm kể từ giữa tháng 3 đến nay. Tì lệ thất nghiệp của Mỹ có thể lên đến 15% so với tỉ lệ thất nghiệp
cao nhất trong thời khủng hoảng kinh tế 1930 là 25%. Sau hơn 10 năm phát triển
liên tục kể từ thời Tổng Thống Obama, Kinh tế Hoa Kỳ co cụm -4.8% trong quý I của
2020. Dự đoán cho ba quý II-IV của năm 2020 sẽ là -17%, -3.6% và – 3%.
Mất kiên nhẫn trước tình trạng kinh tế suy sụp trên đây chỉ trong vài
tuần lễ, Tổng thống Trump bằng mọi giá thúc giục các tiểu bang mở cửa sớm để cứu
vãn kinh tế, cứu vãn cơ may được đắc cử tổng thống nhiệm kỳ II, bất chấp rủi ro cho những người dễ dàng bị
lây virus corona, như những người trên 60 tuổi, những người đau yếu, những người
nghèo, những người phải tiếp cận hàng ngày với nhiều người.
Tổng thống Trump công nhận
rằng, mở cửa kinh tế bây giờ sẽ gây thêm đau khổ. Ông nói: “Sẽ có một số người
bị ảnh hưởng? Đúng vậy. Sẽ có một số người bị ảnh hưởng một cách tệ hại? Đúng vậy.
Nhưng chúng ta phải mở cửa đất nước và chúng ta phải mở cửa sớm … Sẽ có thêm
người chết. Virus sẽ biến đi, với thuốc chủng hoặc không”.
Một vài viên chức Cộng
Hòa trước đây đã từng lên tiếng cổ võ việc mở cửa sớm. Phó Thống Đốc Dan
Patrick (Cộng Hòa, Texas) từng nói rằng, những người lớn tuổi có thể sẵn sàng
hi sinh tính mạng để làm điếu tốt cho đất nước. Dân Biểu Trey Hollingsworth (Cộng
Hòa, Indiana) tuyên bố mở cửa là “một điều hại ít trong hai điều hại”. Ông Hollingdworth
là một người chống phá thai mạnh mẽ. Ông từng nói một đứa trẻ chưa sinh là một
tặng phẩm của Thượng Đế. Như vậy tại sao ông lại sẵn sàng hy sinh những người
già yếu để bảo vệ kinh tế?
Mạng sống rất quý không
thể thay thế. Trong khi kinh tế quốc gia luôn luôn có thể vực dậy được. Bằng cớ
rằng, nước Mỹ đã hùng mạnh trở lại sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1930. Và từ
đó đến nay, Hoa Kỳ đã trải qua nhiêu cuộc khủng hoảng khác về kinh tế, chính trị
lẫn quân sự. Hoa Kỳ đã thất bại trong chiến tranh Việt Nam. Chưa bao giờ đất nước
bị chia rẽ, lòng người bị phân tán vì cuộc chiến tranh này, nhưng Hoa Kỳ đã vực
dậy được và trở thành cường quốc duy nhất thế giới trong một thời gian dài sau
khi chiến tranh lạnh chấm dứt.
Nhà báo
Howard Kurtz của Fox News cho rằng, vấn đề
là phải cân bằng giữa hai cuộc khủng hoảng về y tế và kinh tế để cuộc khủng hoảng
này ít gây thiệt hại cho cuộc khủng hoảng kia. Thống Đốc Andrew Cuomo của New York rất hợp lý khi
ông nói rằng, nếu có hai ưu tiên đối nghịch nhau, y tế công cộng cần phải đưa
lên hàng đầu.
Biểu tình chống cách ly đối đầu với nhân viên y tế. Ảnh:
ABC News
Trump nói láo, dân chết
Thống đốc New York
Andrew Cuomo lãnh đạo cuocj chiến chống Coronavirus : “Nếu có hai ưu tiên đối nghịch nhau, y tế
công cộng cần phải là ưu tiên đầu”
Biểu tình chống lệnh
ở nhà tại Huntington Beach, California. Một người biểu tình cầm bảng “Covid-19
là xạo”, nhưng chính người đó che kín cả mặt mũi vì sợ virus lây. Ảnh: KTLA
No comments:
Post a Comment