Saturday, 9 May 2020

NGÀY 8 THÁNG 5 LÀ NGÀY GIẢI PHÓNG (Richard von Weizsäcker - Der Spiegel)




Richard von Weizsäcker  -  Der Spiegel
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
08/05/2020

Lời người dịch: Ngày 8 tháng 5 năm 2020 là ngày kỷ niệm 75 năm ngày 8 tháng 5 năm 1945, Đức Quốc Xã đầu hàng Đồng Minh, Thế chiến Thứ hai chấm dứt và châu Âu lật qua trang sử mới để tái thiết hậu chiến.

Ngày 8 tháng 5 năm 1985, nhân dịp kỷ niệm 40 năm, Richard von Weizsäcker, Tổng thống Đức, đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại Quốc Hội với các chủ đề về tội ác, hận thù, ký ức, hòa giải và xây dựng.

Luận điểm chính của ông, ngày 8 tháng 5 là ngày giải phóng, đánh dấu một sự sai lầm nghiêm trọng trong lịch sử, không phải để ăn mừng. Ông kêu gọi tất cả phải can đảm nhìn vào sự thật lịch sử bằng một nhãn quan mới, thành tâm tuởng niệm cho mọi người đã nằm xuống. Ông ca ngợi những nỗ lực tái thiết hậu chiến của toàn dân và nêu cao vai trò đóng góp của nữ giới trong chiến tranh và xây dựng. Ông nhắc đến những tấm gương về hòa giải dân tộc với những kẻ cựu thù, nhưng kêu gọi thế hệ hậu chiến phải luôn tỉnh thức, không để bị lôi cuốn vào những hận thù và cố gắng liên tục học hỏi để tìm cách chung sống với nhau trong tình hiếu hòa.

Richard Karl Freiherr von Weizsäcker (15.4.1920– 31.01.2015) làm Tổng Thống Đức trong hai nhiệm kỳ 1984–1994. Với tài năng lãnh đạo, tinh thần trí thức dấn thân và đức độ liêm khiết, ông là một nhà chính trị mẫu mực, được dân chúng và chính giới nể trọng.
Ngày 8 tháng 5 năm 2020 đánh dấu bài diễn văn này đã được 35 năm mà ý nghĩa sâu xa vẫn còn được công luận Đức mang ra thảo luận.

Nước Đức thua trận trong hoang tàn và đổ nát, nhưng sau 75 năm xây dựng, trở thành một quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến, kinh tế vững mạnh, luật pháp nghiêm minh và hệ thống an sinh xã hội vững chắc nhất tại châu Âu. Dù trong bối cảnh dị biệt, nhưng Việt Nam có thể so sánh với kinh nghiệm của Đức và các nước khác.

Sau năm 1975, Việt Nam thống nhất đã có một vận hội mới để xây dựng dân chủ, phú cường và văn minh, nếu phe thắng cuộc thức thời biết tận dụng các cơ sở vật chất còn nguyên vẹn và tiềm năng nhân lực dồi dảo của miền Nam đúng mức và chuyển hướng đúng lúc.

Nhưng Việt Nam đến năm 2020? Chủ quyền dân tộc tự quyết, tự do và bình đẳng cho người dân chỉ là lý thuyết; ngược lại, đại hoạ ngoại thuộc, khó khăn kinh tế, nợ công tràn ngập, cạn kiệt môi sinh, suy đồi đạo đức, khủng hoảng giáo dục, vi phạm nhân quyền và bất ổn xã hội là thực tế.

Khác với Đức, giới lãnh đạo Việt Nam thiếu can đảm nhìn vào sự thật. Sau 45 năm xây dựng, trình độ về công nghiệp là tụt hậu, thua Lào và Campuchia, kinh tế suy yếu thua Hàn Quốc, phát minh khoa học thua Thái Lan, năng lực lao động thấp nhất trong khu vực. Tổ chức nhà nước sơ khai theo chủ nghĩa tư bản thân tộc và xã hội thị trường hỗn loạn là nguyên nhân và tình trạng bất ổn cá nhân, bất trắc kinh tế và bất công xã hội là hậu quả.

Trước thực trạng này, chính quyền xem dân chúng là thế lực thù địch, chỉ còn biết dùng bạo lực trấn áp để bảo vệ chế độ, nên không đủ nỗ lực đề phát huy đất nước.

Đã đến lúc giới lãnh đạo Việt Nam cũng nên bắt chước Đức, nhìn các vấn đề tội ác, hận thù, hòa giải và xây dựng bằng một nhãn quan mới, thành tâm tuởng niệm cho tất cả mọi người của hai miền nằm xuống, công khai thú nhận những sai lầm trong quá khứ, tạ tội với thế hệ tiền nhân và tương lai, là đã để lại một đất nuớc, dù thống nhất địa lý, nhưng thất bại trong chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Đất nước đang lâm nguy. Để chuyển hoá, tỉnh thức là vấn đề kiến thức; xác định ý muốn thay đổi là vấn đề quyết tâm, không có phép lạ nào của Mỹ hay Tàu ban phát để thay cho sức mạnh của toàn dân. Khi Đảng lãnh đạo tạo bao vấn đề, thì nay quyền dân tộc tự quyết sẽ là phương tiện và đem lại giải pháp.

                                                     ***

Tổng thống Đức Richard von Weizsäcker. Photo Courtesy

I
Bonn, 8. Mai 1985

Hôm nay là ngày mà nhiều dân tộc hồi tưởng đến thế chiến thứ hai ở châu Âu kết thúc. Tùy theo từng định mệnh mà mỗi dân tộc có những cảm xúc riêng trong ngày này. Chiến thắng hay thất bại, giải phóng thoát khỏi bất công và ngoại trị hoặc chuyển tiếp sang một tình trạng lệ thuộc mới, phân chia, liên minh mới, những xoay chuyển quyền lực bằng bạo lực – ngày 8 tháng 5 năm 1945 là một ngày có một ý nghĩa lịch sử quan trọng ở châu Âu.

Chúng ta, những người Đức, đánh dấu ngày này là cho chúng ta, và điều này là cần thiết. Tự chúng ta phải tìm ra các tiêu chuẩn riêng. Trân qúy những tình cảm của chúng ta bằng cách cuả mình hoặc nhờ người khác sẽ không giúp được nhiều hơn. Chúng ta cần có sức mạnh để nhìn thấy tốt nhất sự thật mà chúng ta có thể nhận ra truớc mắt, không cần tô điểm hay thiên vị.

Đối với chúng ta, ngày 8 tháng 5 trước hết là một ngày tưởng nhớ về những gì mà mọi người đã phải chịu đựng. Đó cũng là ngày để nghĩ lại quá trình lịch sử của chúng ta. Khi chúng ta càng trung thực hơn để kỷ niệm ngày này, chúng ta càng thấy có tự do hơn để có trách nhiệm đối với những hậu quả của ngày này.

Đối với người Đức của chúng ta, ngày 8 tháng 5 là ngày không phải là một ngày để ăn mừng. Những người đã có kinh nghiệm sống trong ngày này với ý thức, họ nghĩ lại với tất cả những kinh nghiệm cá nhân và vì thế mà các kinh nghiệm này rất khác nhau. Người này hồi cư, kẻ khác thành vô gia cư. Người này đã được giải phóng, đối với người khác đã bắt đầu chịu tù ngục. Nhiều người chỉ biết đơn giản là cám ơn vì những đêm đầy bom đạn và lo âu đã qua đi, và họ đã thoát khỏi và còn sống sót. Những người khác cảm thấy thương đau trong thất bại hòan toàn của quê cha đất tổ. Người Đức cay đắng đứng trước những ảo ảnh tan nát, biết ơn những người Đức khác vì được ban tặng một khởi đầu mới.

Thật là khó để mà tự định hướng rõ ràng ngay. Bất trắc phủ đầy đất nước. Đầu hàng quân sự là vô điều kiện. Số phận của chúng ta nằm trong tay của kẻ thù. Quá khứ là khủng khiếp, đặc biệt là đối với nhiều người của những kẻ thù này. Bây giờ liệu họ có bỏ qua cho chúng ta những gì mà chúng ta đã gây cho họ không?

Phần lớn người Đức đã tin là mình chiến đấu cho chính nghĩa của đất nước và chịu đau khổ. Và bây giờ họ nhận ra rằng: tất cả điều này là không chỉ vô ích và vô nghĩa, nhưng mà nó phục vụ các mục tiêu vô nhân đạo của giới lãnh đạo mang trọng tội. Kiệt sức, bất lực và nhiều lo âu mới thể hiện qua các cảm xúc của đa số. Liệu chúng ta sẽ còn tìm thấy người thân của mình không? Liệu một cuộc tái thiết trong những hoang tàn này thực sự có ý nghĩa gì không?

Nhìn lại họ thấy một vực thẳm đen tối của quá khứ và nhìn hướng tới họ thấy một tương lai đen tối bất định.

Và rồi ngày lại ngày qua cái nhìn đã rõ hơn, những gì mà đối với chúng ta hôm nay có thể nói tất cả cho nhau là: Ngày 8 tháng 5 là một ngày giải phóng. Ngày này đã giải phóng cho tất cả chúng ta thoát khỏi một hệ thống vô nhân đạo của chế độ cai trị độc tài Đức Quớc Xã.

Không ai sẽ muốn quên đi tình trạng giải phóng này, mà với ngày 8 tháng 5 chỉ mới bắt đầu làm đau khổ nặng nề cho nhiều người và có những đau khổ còn theo sau. Nhưng trong khi chiến tranh kết thúc chúng ta không nhìn thấy nguyên nhân của trốn chạy, trục xuất và tình tr ạng mất tự do. Tình trạng này thực ra nằm ngay trong khởi điểm và bắt đầu của một thời kỳ bạo quyền cai trị, mà nó đã dẫn đến chiến tranh. Chúng ta không được phép tách rời ngày 8 tháng 5 năm 1945 với ngày 30 tháng giêng năm 1933.

Chúng ta thực sự không có lý do để tham gia vào lễ kỷ niệm chiến thắng trong ngày hôm nay. Nhưng chúng ta có mọi lý do để nhận ra ngày 8 tháng 5 năm 1945 như là ngày kết thúc của một con đường sai lầm trong lịch sử của nước Đức, gieo mầm hy vọng cho một tương lai tốt hơn.

II

Ngày 8 tháng 5 là một ngày tưởng niệm. Tưởng niệm có nghĩa là nhớ lại một diễn biến một cách rất trung thực và thuần khiết đến độ mà nó trở thành một phần trong tâm khảm của chúng ta. Điều này đặt ra một đòi hỏi to tát về đức tính trung thực.

Hôm nay, chúng ta tưởng niệm trong đau buồn với tất cả những người quá cố trong chiến tranh và bạo quyền cai trị.

Chúng ta đặc biệt tưởng nhớ tới sáu triệu người Do Thái đã bị tàn sát trong các trại tập trung của Đức.

Chúng ta tưởng nhớ đến tất cả các dân tộc đã phải chịu đựng trong chiến tranh, đặc biệt không thể nào tả xiết là nhiều công dân của Liên Xô và Ba Lan, những người đã thiệt mạng.

Là nguời Đức, chúng ta tưởng niệm trong lễ tang này về những người đồng hương của mình đã bỏ mạng, họ từng là những binh sĩ trong các trận không kích trên quê hương, những người bị giam cầm và bị trục xuất.

Chúng ta tưởng niệm đến những người thuộc sắc dân Sinti và Roma bị sát hại, người đồng tính bị giết, những người mang bệnh tâm thần bị bức tử, những người đã phải chết vì niềm tin tôn giáo hay chính trị của họ.

Chúng ta tưởng niệm đến những con tin bị bắn chết.

Chúng ta nhớ những nạn nhân của các phong trào kháng chiến ở trong tất các nước bị chúng ta chiếm đóng.

Là người Đức, chúng ta vinh danh những nạn nhân của cuộc kháng chiến của Đức, những công cuộc kháng chiến dân quân, những công cuộc kháng chiến vì lý do tôn giáo, những công cuộc kháng chiến của lực lượng công nhân và công đoàn, những công cuộc kháng chiến của những người Cộng sản.

Chúng ta tưởng niệm tới những người không tích cực đối kháng, nhưng họ chấp nhận cái chết thay vì phải chịu phủ phục lương tâm.

Bên cạnh nhóm người quá vãng không đếm hết, có những nổi đau khổ của con người chất cao như núi, đau khổ cho người chết, đau khổ qua bị thương tổn và tật nguyền, đau khổ vì buộc phải chịu biện pháp cưỡng chế triệt sản vô nhân đạo, đau khổ trong những đêm đầy bom rơi, đau khổ vì trốn chạy và trục xuất, vì bị cưỡng hiếp và cướp bóc, vì cưỡng bức lao động, vì bất công và tra tấn, đói khổ, đau khổ vì lo sợ bị giam cầm và chết chóc, đau khổ vì sự mất mát về tất cả những gì mà người ta lầm lạc tin tưởng và chiến đấu cho niềm tin ấy.

Hôm nay chúng ta cùng tưởng niệm về sự đau khổ của con người này trong một nỗi buồn.

Có lẽ phần lớn nhất những gì đè nặng lên con người thì nữ giới của các dân tộc phải gánh chịu.

Lịch sử của thế giới để quên quá dễ dàng nổi đau khổ, sự từ bỏ và sức mạnh âm thầm của họ. Họ đã lo sợ và chiến đấu, mang nặng và bảo vệ cuộc sống của con người. Họ thương tiếc về các người cha và con, chồng, anh em và bạn bè đã nằm xuống.

Trong những năm đen tối nhất họ đã giử gìn ánh sáng của nhân tính trước những xóa nhòa.

Vào lúc chiến tranh kết thúc, và khi không có triển vọng về một tương lai chắc chắn, họ là những người đầu tiên đặt những viên đá xây dựng, đó là những phụ nữ trong hoang tàn ở Berlin và ở khắp mọi nơi.

Khi những người đàn ông sống sót hồi cư, nữ giới thường đứng kề vai sát cánh bên cạnh họ. Vì chiến tranh mà có nhiều phụ nữ bị bỏ rơi và sống cả đời trong cô đơn.

Nhưng nếu khi các dân tộc đã không xoá tan trong tâm khảm về các tàn phá, hủy diệt, tàn ác và vô nhân đạo, khi các dân tộc sau chiến tranh từ từ xích lại gần nhau, thì đầu tiên chúng ta mang ơn nữ giới của chúng ta.


III

Vào lúc khởi đầu thống trị của bạo quyền, Hitler đã thú nhận là có sự căm ghét tột cùng chống lại những người Do Thái của chúng ta. Trước công chúng, Hitler không bao giờ che dấu cảm tưởng này, nhưng ông dùng toàn dân làm thành một công cụ cho hận thù này. Vào ngày trước khi qua đời vào ngày 30 tháng 4 năm 1945, ông còn làm xong một cái gọi di chúc với lời lẽ: “Trên hết, tôi chịu trách nhiệm lãnh đạo đất nước và theo đuổi việc tuân thủ nghiêm minh về Luật Chủng tộc và chống đối không thương tiếc với những kẻ đầu độc tất cả các dân tộc, đó là Do Thái giáo quốc tế”

Chắc chắn một điều là hầu như không có một quốc gia nào trong lịch sử luôn được tự do thoát ra khỏi được những ràng buộc đầy tội lỗi trong chiến tranh và bạo lực. Tuy nhiên, các tội ác diệt chủng của người Do Thái là chưa từng có trong lịch sử.

Việc vi phạm các trọng tội nằm trong tay một thiểu số. Trước mắt của công chúng, việc này đã được che dấu. Nhưng mỗi người Đức đã có thể cùng chứng kiến những gì người dân Do Thái đã phải chịu đựng, từ về một tinh thần thờ ơ, không khoan dung còn che đậy cho đến một cảm giác hận thù công khai.

Ai vẫn còn tin được sau các vụ đốt cháy các thánh đường Do thái giáo, các vụ cướp của, sỉ nhục với các dấu hiệu thuộc về Do thái, truất các quyền luật định, liên tục xúc phạm về phẩm giá con người?

Ai mở mắt xem và lóng tai nghe, ai muốn tự tìm hiểu, thì không thể không thấy rằng các chuyến tàu chờ người trục xuất lăn bánh. Trí tưởng tượng của con người về các loại và mức độ của sự diệt chủng không thể nào đủ. Nhưng trong thực tế đối với các tội phạm này đã làm nhiều người, ngay cả trong thế hệ của tôi, những người còn trẻ và không tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện các biến cố, chúng ta cố không nhận thức những gì đã xãy ra.

Có rất nhiều hình thức làm phân tán lương tâm, để không chịu trách nhiệm và ngoảnh mặt, câm lặng. Lúc cuộc chiến kết thúc thì tất cả sự thật chưa được kể về việc thảm sát người Do Thái lộ ra, có quá nhiều người trong chúng ta dựa vào những gì đã mình không biết hoặc thậm chí chỉ phỏng đoán.

Có tội hay vô tội cho cả một dân tộc là chuyện không có. Có tội hay vô tội, không thể quy kết cho tập thể, nhưng là cá nhân.

Có những tội lỗi của con người được phát hiện và có những tội lỗi còn tiềm ẩn. Có những tội lỗi mà người ta đã thừa nhận hoặc phủ nhận. Bất cứ ai đã sống trải qua thời gian này với đầy đủ ý thức, ngày hôm nay tự hỏi trong im lặng về sự ràng buộc của mình.

Vào thời gian đó, phần lớn dân chúng ngày nay hoặc là còn ở trong tuổi thiếu niên hoặc thậm chí còn chưa được sinh ra. Họ không thể nhận tội cho các hành vi mà họ đã không gây ra.

Không có con người nhạy cảm nào kỳ vọng rằng họ phải ăn năn, chỉ vì họ là người Đức. Nhưng các bậc tiền nhân của họ đã để lại cho họ một di sản nặng nề.

Tất cả chúng ta, cho dù có tội hay không, dù già hay trẻ, phải chấp nhận quá khứ. Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi hậu quả và nhận trách nhiệm cho các hậu quả này.
Các lớp già và trẻ phải và có thể giúp đỡ lẫn nhau để hiểu được lý do tại sao làm tỉnh thức ký ức là cực kỳ quan trọng.

Không phải là chuyện giải quyết các tồn đọng của quá khứ. Việc này người ta không thể làm được. Quá khứ không có thể được thay đổi sau khi xãy ra hoặc làm cho quá khứ không xãy ra. Nhưng ai nhắm mắt trước quá khứ, họ sẽ mù về hiện tại. Ai mà không muốn nhớ những chuyện vô nhân đạo, họ sẽ bị ảnh hưởng việc lây các nguy cơ mới.
Dân tộc Do Thái hồi tưởng và sẽ luôn hồi tưởng. Là con người chúng ta tìm kiếm hòa giải.

Chính vì thế mà chúng ta phải hiểu rằng không thể có sự hòa giải xãy ra mà không có hồi tưởng. Kinh nghiệm của hàng triệu cái chết là một phần trong tâm khảm của mỗi người Do Thái trên thế giới, không phải bởi chính vì thế, mà vì mọi người không thể quên một nỗi kinh hòang như vậy. Nhưng hồi tưởng thuộc về một phần trong trong đức tin của Do Thái giáo.

“Muốn quên đi làm cho kéo dài đời sống lưu vong, và bí ẩn của cứu rổi chính là tưởng niệm.”

Câu nói đầy khôn ngoan của Do Thái giáo thường được trích dẫn này muốn nói là đức tin nơi Thiên Chúa là niềm tin vào tác động của Ngài trong lịch sử.

Tưởng niệm là kinh nghiệm từ các tác động của Thiên Chúa trong lịch sử. Ký ức là nguồn gốc của niềm tin vào sự cứu rỗi. Kinh nghiệm này tạo ra niềm hy vọng, kinh nghiệm này tạo ra một niềm tin vào nơi cứu rỗi, tạo ra một cuộc tái ngộ của những người bị ngăn cách, tạo nên việc hòa giải. Ai quên tưởng niệm, người ấy sẽ mất niềm tin.

Về phần chúng ta, nếu chúng ta muốn quên đi những gì đã xảy ra, thay vì chúng ta phải nhớ lại, điều này sẽ không chỉ là vô nhân đạo. Nhưng như thế, chúng ta sẽ vi phạm đến đức tin của người Do Thái còn sống sót, và chúng ta sẽ phá hủy các phương cách hòa giải.

Đối với chúng ta, các đền tưởng niệm và cảm giác từ nội tâm của chúng ta là quan trọng.


IV

Ngày 8 tháng 5 là một vết rạch hằn sâu trong lịch sử, không chỉ riêng trong lịch sử Đức, mà cũng còn trong cả châu Âu.

Nội chiến châu Âu kết thúc, đưa thế giới cũ của châu Âu đến tan hoang. “Châu Âu đã chiến đấu tới lúc cạn kiệt” (lời của sử gia M. Stürmer). Cuộc gặp gỡ của những người lính Nga và Mỹ trên sông Elbe đã trở thành một biểu tượng cho sự chấm dứt tạm thời của một kỷ nguyên châu Âu.

Chắc chắn một đều là tất cả mọi thứ đều có nguồn gốc lịch sử xa xưa của nó. Những người châu Âu, họ có ảnh hưởng lớn lao nhất định trong thế giới, nhưng trong việc tổ chức sự chung sống trên lục địa của họ, họ có thể luôn làm tệ hại hơn. Khoảng hơn một trăm năm, châu Âu đã phải chịu đựng xung đột của việc nhạy cảm thái quá về chủ nghĩa dân tộc. Vào cuối thế chiến thứ nhất đã có nhiều hòa ước ra đời. Nhưng các hòa ước này đã không hiệu lực trong việc mang lại hòa bình. Một lần nữa tinh thần cuồng nhiệt theo chủ nghĩa dân tộc đã bùng lên và đã gắn liền với bao tai biến xã hội.

Trên đường dẫn đến tình trạng bất trị Hitler là động lực thúc đẩy. Ông đã tạo và sử dụng sự hoang tưởng của đại chúng. Một nền dân chủ yếu kém đã không thể ngăn chặn ông ta. Và các cường quốc Tây Âu, theo sự đánh giá của Churchill “ngây thơ, không phải là vô tội”, qua sự yếu đuối đã đóng góp cho sự phát triển một tình trạng tang tóc này. Sau thế chiến thứ nhất Hoa Kỳ lại lo cố thủ và và không ảnh hưởng đến châu Âu trong 30 năm.

Hitler muốn thống trị châu Âu và bằng chiến tranh. Ông đã tìm cơ hội này và thấy được ở Ba Lan.

Ngày 23 tháng 5 năm 1939 – một vài tháng trước khi chiến tranh bùng nổ – ông nói với các tướng Đức: “Khi không có đỗ máu thì các thành công tiếp nối không thể đạt được… Danzig không phải là mục tiêu đặt ra. Đối với chúng ta, vấn đề là mở rộng không gian sinh hoạt ở phía Đông và đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm … Cho nên không có vấn đề để cho Ba Lan được yên thân, và chuyện còn phải quyết định là tấn công Ba Lan lúc có các cơ hội thích hợp đầu tiên … Trong vấn đề này có quyền hay không có quyền hoặc có hòa ước hay không, đó là chuyện không thành vấn đề.”

Ngày 23 tháng 8 năm 1939, các thoả ước bất tương xâm Đức – Nga đã được ký kết. Biên bản phụ thuộc bí mật có quy định việc phân vùng trong thời gian sắp tới của Ba Lan.
Thỏa thuận này đã được ký kết tạo điều kiện cho phép Hitler xâm lược Ba Lan. Đó là vấn đề mà giới lãnh đạo trước đây của Liên Xô hòan toàn có ý thức. Tất cả những người có đầu óc suy nghĩ về chính trị trong mọi thời gian thấy được rõ là hiệp ước Đức – Nga có nghĩa là đồng ý để Hitler tấn công Ba Lan và do đó cũng có nghĩa là thế chiến thứ hai.

Như vậy, tội của Đức không nhỏ trong sự bùng nổ của thế chiến thứ hai. Liên Xô đã chấp nhận chiến tranh cho các dân tộc khác để chia phần hưởng lợi. Nhưng các sáng kiến gây chiến đến từ nước Đức, không phải là do Liên Xô.

Đó chính là Hitler, người đã sử dụng bạo lực. Sự bùng nổ của thế chiến thứ hai vẫn còn ràng buộc đến tên của nước Đức.

Trong cuộc chiến tranh này của chế độ Đức Quốc xã đã tra tấn và làm nhục cho nhiều dân tộc.

Cuối cùng, chỉ có một dân tộc còn sót lại bị tra tấn, bị đàn áp và bị lăng nhục: chính là dân tộc Đức của mình. Hitler lại luôn tuyên bố: khi dân tộc Đức đã không đủ khả năng giành chiến thắng này, thì họ chỉ có thể suy vong. Các dân tộc khác trước hết là nạn nhân của một cuộc chiến tranh do nước Đức gây ra, trước khi chúng ta là nạn nhân chiến tranh của chính mình.

Tiếp theo sau là sự phân chia Đức thành các khu vực khác nhau do các cường quốc chiến thắng thoả thuận. Trong khi đó, Liên Xô xâm lăng tất cả các nước Đông và Đông nam châu Âu, vốn đã bị chiếm đóng bởi Đức trong chiến tranh. Với ngoại lệ của Hy Lạp, tất cả các nước này đều nước đi theo xã hội chủ nghĩa.

Việc phân chia châu Âu thành hai hệ thống chính trị khác nhau đã bắt đầu. Đầu tiên, đó là tình trạng phát triển hậu chiến, mà sau đó được củng cố. Nhưng nếu không có chiến tranh do Hitler khởi đầu, tình hình sẽ không có xãy ra. Các dân tộc nạn nhân nghĩ tới đầu tiên là khi họ nhớ đến chiến tranh do giới lãnh đạo của Đức gây ra. Nhìn về sự chia cắt của đất nước của chúng ta và sự mất mát của nhiều lãnh thổ Đức, chúng ta cũng nghĩ về vấn đề này. Trong bài giảng nhân ngày 8 tháng 5, Đức Hồng Y Meissner có nói ở Đông Berlin: “Các kết quả thảm hại của tội lỗi luôn là sự ngăn cách.”


V

Hủy diệt một cách độc đoán gây ảnh hưởng lâu dài tới việc tự quyền phân bổ các gánh nặng. Có những người dân vô tội đã bị truy bức, và những kẻ phạm tội lại trốn thoát. Người này có may mắn để có thể xây dựng một cuộc sống mới nơi quê nhà trong một môi trường quen thuộc. Người khác đã bị trục xuất khỏi cội nguồn quê hương.

Về sau khi Cộng hòa Liên bang Đức thành hình, chúng ta có được một cơ hội quý giá sống trong sự tự do. Nhiều triệu đồng bào chưa có được cơ hội này cho đến ngày nay.
Học cách phải chịu đựng sự khắc nghiệt do số phận an bài khác nhau, đó là nhiệm vụ đầu tiên thuộc về tinh thần, được đặt ra bên cạnh các nhiệm vụ tái thiết về vật chất. Trong việc xây dựng này, đó là một thử thách sức người để nhận ra những gánh nặng của người khác, xem họ có chịu đựng lâu dài không và có quên gánh nặng này không. Trong sự chịu đựng này, khả năng mang lại hòa bình và sẵn lòng hòa giải phải nảy sinh từ trong nội tâm và ngoại cảnh, không phải là vấn đề mà người khác đòi hỏi nơi chúng ta, nhưng là chúng ta đòi hỏi nơi chính mình nhiều nhất.

Chúng ta không thể tưởng niệm ngày 8 tháng 5 mà không tự ý thức phải khắc phục để sẳn lòng hòa giải với những đòi hỏi của những kẻ cựu thù. Liệu chúng ta có thể thực sự tự đặt mình trong hòan cảnh của các thân nhân của các nạn nhân trong những trại tập trung tại Warsaw hoặc cuộc thảm sát tại Lidice đựọc không?

Thật là khó khăn cho những người dân ở Rotterdam hay London để họ hỗ trợ việc tái thiết đất nước của chúng ta, khi mà các quả bom rơi xuống thành phố của họ trong một thời gian ngắn trước đây thuộc về chúng ta! Để làm được như vậy, khi với thời gian dài họ có được niềm tin là người Đức không cố dùng bạo lực thêm một lần nửa để sửa sai sự bại trận.

Ngay cả đối với chúng ta, việc hy sinh lớn lao nhất là đòi hỏi những người bị trục xuất khỏi quê hương. Sau ngày 8 tháng 5 họ chịu đựng bao đau khổ cay đắng và bất công nghiêm trọng. Để đáp ứng với số phận khắc nghiệt của họ với lòng cảm thông, người dân địa phương thường thiếu trí tưởng tượng và trái tim rộng mở.

Nhưng không bao lâu sau cũng đã có một dấu hiệu rõ rệt về sự sẳn lòng trợ giúp. Nhiều triệu người tị nạn và những người bị trục xuất được tiếp nhận. Trong những năm qua, họ có thể xây được gốc rể mới. Bằng nhiều phương cách văn hóa và tình yêu quê hương, con cháu của họ gắn bó được với của tổ tiên. Điều này là chuyện tốt đẹp, bởi vì đó là một kho báu quý giá trong cuộc sống của họ.

Nhưng họ đã tự tìm thấy một quê hương mới nơi mà họ lớn lên với những người dân địa phương cùng trang lứa, cùng nói một thứ tiếng địa phương và chia sẻ cùng những phong tục. Cuộc sống trẻ trung của họ là một minh chứng cho khả năng có được một sự bình an tâm hồn. Các bậc ông cha của họ đã từng bị tống xuất, nhưng bây giờ họ sống trong quê hương.

Những người bị trục xuất khỏi quê hương ý thức rất sớm và chứng tỏ mẫu mực cho việc từ bỏ bạo lực. Đây không phải là một tuyên bố thoáng qua ở giai đoạn ban đầu của tình trạng bất lực, nhưng là một lời cam kết mà vẫn giữ được giá trị của nó. Bất bạo động có nghĩa là làm cho niềm tin trong mọi phe phái được nẩy nở, ngay cả cho một nước Đức dù vừa mới hồi sức vẫn ràng buộc.

Với thời gian, quê hương riêng tư nay trở thành quê hương chung cho nhiều người khác. Trên nhiều nghĩa trang cũ ở phía Đông đã có nhiều mộ phần cho người Ba Lan hơn người Đức.

Hàng triệu người Đức buộc phải trôi dạt về phiá Tây, tiếp theo sau là đến hằng triệu người Ba Lan rồi đến lượt hàng triệu người Nga. Họ là tất cả những người mà không được ai hỏi han, những người đã phải chịu đựng bất công, những người là đối tượng không thể tự vệ của những biến cố chính trị, họ không được đền bù cho các bất công và không đặt ra các yêu sách đòi bồi thường thiệt hại về những gì đã gây cho với họ.

Hiện nay, bất bạo động có nghĩa là những người dân bị định mệnh xô đẩy sau ngày 8 tháng 5 đến một nơi mà họ đã sống từ hơn mười năm nay và ở đó họ có một sự yên ổn lâu dài, không lo về chính trị đối với tương lai của họ. Điều này có nghĩa là các nguyên tắc cảm thông được đặt cao hơn các yêu sách pháp lý gây tranh cải.

Trong đó có sự đóng góp chủ yếu của con người cho một trật tự hòa bình trong châu Âu, một trật tự có thể bắt nguồn do chúng ta.

Sau năm 1945, một khởi đầu mới ở châu Âu mang lại những ý tưởng về tự do và tự quyết, chiến thắng và thất bại. Đối với chúng ta, ý nghĩ này có nghĩa là sử dụng cơ hội để kết thúc một khoảng thời gian dài của lịch sử châu Âu, nó có nghĩa là đối với từng quốc gia, hòa bình dường như là một tình trạng có thể nghĩ ra được, an toàn là kết quả của tính ưu việt của chính quốc gia mình và trong thời hòa bình là thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kế tiếp.

Những người dân châu Âu yêu quê hương của họ. Đối với người Đức cũng không khác hơn. Ai có thể tin tưởng vào sự hiếu hòa của một dân tộc lại có khả năng quên được quê hương mình?

Không, ngay trong tình yêu hòa bình cho thấy là người ta không quên quê hương của mình và vì lý do đó là quyết tâm làm mọi thứ có thể để luôn sống trong hòa bình với nhau. Lòng yêu quê hương của một người biệt xứ không phải là họ có chủ trương phục hồi lãnh thổ.


VI

Cuộc chiến vừa qua đã khơi động một ước vọng hòa bình trong lòng người mạnh hơn truớc đây. Các công tác hòa giải của các nhà thờ có một âm hưởng sâu đậm. Đối với công tác đem lại cảm thông trong giới trẻ có rất nhiều tấm gương. Tôi nghĩ về “Chiến dịch Hòa giải” với hoạt động tại Auschwitz và Israel.

Một giáo xứ của thành phố Kleve thuộc khu vực hạ lưu sông Rhein vừa nhận được phần thưởng xứng đáng của một giáo xứ Ba Lan như một dấu hiệu của tinh thần hòa giải và cộng đồng. Giáo xứ đã gửi một trong những quà tặng này cho một giáo viên đến Anh. Từ nước Anh vị giáo viên này đã ra công khai và đã viết rằng khi xưa trong chiến tranh ông là người ném bom phá hủy các nhà thờ và các nhà ở Kleve và mơ uớc một dấu hiệu của sự hòa giải.

Việc tỏ lộ này giúp rất nhiều cho hòa giải, là không cần phải chờ đợi nơi người khác tìm đến khi ông, nhưng ông đến với họ, như ông đã làm được điều đó.


VII

Về hậu quả của chiến tranh đã mang lại cho những kẻ cựu thù gần nhau trong quan điểm về con người cũng như về chính trị. Ngay từ đầu năm 1946, trong bài phát biểu đáng suy ngẫm tại Stuttgart về sự cảm thông ở châu Âu, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Byrne đã kêu gọi giúp dân Đức trong quá trình chuyển đổi đến một tương lai tự do và hiếu hòa.
Khi xưa đã có vô số các công dân Mỹ đã giúp chúng ta, những người Đức là kẻ bại trận chữa lành các vết thương chiến tranh với các phương tiện tư nhân của họ.

Nhờ vào tầm nhìn xa của người Pháp như Jean Monnet và Robert Schuman và người Đức như Konrad Adenauer, một mối cựu thù giữa người Pháp và người Đức đã kết liểu vĩnh viễn.

Một nguồn năng lực mới về ý chí xây dựng và năng lượng tuôn tràn cả nước. Một số mộ cũ đã được tân trang, xung đột tôn giáo và căng thẳng xã hội mất đi độ căng thẳng. Chúng ta làm việc trong tinh thần đối tác.

Không có “giờ phút tận cùng”, nhưng chúng ta đã có cơ hội cho một khởi đầu mới. Chúng ta đã sử dụng cơ hội một cách tốt đẹp như chúng ta có thể. Ở vị trí mất tự do, chúng ta đã thiết lập tự do dân chủ.

Bốn năm sau khi chiến tranh kết thúc, vào năm 1949, ngày 8 tháng 5, Hội đồng Nghị viện biểu quyết Hiến pháp của chúng ta. Vượt qua các dị biệt của các chính đảng, các nhà dân chủ đã có một câu trả lời đối vối chiến tranh và bạo quyền trong Điều 1 của Hiến pháp của chúng ta:

“Do đó, những người dân Đức thừa nhận nhân quyền bất khả xâm phạm và bất khả chuyển nhượng là một nền tảng của tất cả các cộng đồng con người, cho hòa bình và công lý trên thế giới.”

Trong ý nghĩa của ngày 8 tháng 5, ý nghĩa của ngày này cũng để hồi tưởng hôm nay.
Cộng hòa Liên bang Đức đã trở thành một nhà nước được tôn trọng trên toàn thế giới. Nước Đức thuộc về một trong những nước công nghiệp phát triển cao của thế giới. Với sức mạnh kinh tế của mình, nước Đức tự biết cùng chịu trách nhiệm về đấu tranh chống đói nghèo trên thế giới và đóng góp cho bình đẳng xã hội giữa các dân tộc.

Từ bốn mươi năm nay chúng ta đang sống trong hòa bình và tự do, và thông qua các chính sách của chúng ta, chúng ta đã góp phần rất lớn trong những quốc gia tự do của Liên minh Đại Tây Dương và Cộng đồng châu Âu.

Chưa bao giờ mà trên đất Đức có một sự bảo vệ tốt hơn về các quyền tự do của công dân như hiện nay. Một mạng xã hội dày đặc bảo vệ những nền tảng về cuộc sống của người dân mà không cần phải sợ xấu hổ khi so sánh với bất kỳ xã hội nào khác.

Khi chiến tranh kết thúc, nhiều người Đức vẫn cố gắng để che giấu hộ chiếu của mình hoặc trao đổi hộ chiếu của mình cho người khác, nhưng hôm nay quốc tịch của chúng ta là một loại quyền được nể trọng.

Thực sự chúng ta không có lý do để kiêu ngạo và tự mãn. Nhưng chúng ta nhớ lại sự phát triển trong 40 năm với lòng biết ơn, nếu chúng ta sử dụng ký ức lịch sử của chúng ta như một kim chỉ nam cho hành động của chúng ta trong hiện tại và cho các nhiệm vụ chưa được giải quyết đang chờ đợi chúng ta.

– Nếu chúng ta tưởng niệm những người bị bệnh tâm thần chết trong Đế chế Đệ Tam, thì chúng ta sẽ hiểu được sự tận tâm đối với các công dân bị bệnh tâm thần như là bổn phận của chúng ta.

– Nếu chúng ta tưởng niệm những người bị đàn áp vì lý do chủng tộc, tôn giáo và chính trị, những người đang bị đe dọa với cái chết nhất định, họ thường đứng trước các ranh giới bị khép kín của các nước khác, chúng ta sẽ không khóa lại cánh cửa trước những người hiện nay đang thực sự bị truy nã và tìm đến với chúng ta để xin bảo vệ.

– Nếu chúng ta nhận định lại các cuộc đàn áp về tinh thần tự do trong chế độ độc tài, chúng ta sẽ bảo vệ quyền tự do về mỗi suy nghĩ và mọi lời phê phán, dù các hình thức này cũng có thể chống lại chúng ta.

– Ai phê phán về tình hình ở Cận Đông, người đó có thể nghĩ đến các số phận những người Do Thái mà người Đức đã gây ra và việc thành lập nước Israel trong những điều kiện mà người dân trong khu vực này ngày nay còn chịu gánh nặng và nguy hiểm.

– Nếu chúng ta suy nghĩ về những gì mà các lân quốc phiá Đông của chúng ta đã phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn rằng tình trạng quân bình, giãm bớt xung đột và tình lân quốc hiếu hòa vẫn còn là các nhiệm vụ chính yếu trong chính sách đối ngoại của Đức. Điều này cũng có nghĩa là cả hai phiá cùng tưởng niệm và tôn trọng lẫn nhau. Cả hai có được mọi đủ lý do về mặt nhân tính, văn hoá và cuối cùng còn về mặt lịch sử.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đã tuyên bố là trong lễ kỷ niệm 40 năm chiến tranh kết thúc giới lãnh đạo của Liên Xô không nên khuấy động các cảm xúc chống Đức. Liên Xô tham gia trong tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Ngay cả khi khi chúng ta có những nghi ngờ về những đóng góp của Liên Xô trong sự cảm thông giữa Đông và Tây và tinh thần tôn trọng nhân quyền ở tất cả các nơi trong châu Âu, chúng ta không nên bỏ qua dấu hiệu này từ Moscow. Chúng ta muốn có tình thân hữu với các dân tộc của Liên Xô.


VIII

Bốn mươi năm sau khi kết thúc chiến tranh, dân tộc Đức trước cũng như sau còn bị phân chia.

Trong một buổi thánh lễ tưởng niệm tại nhà thờ Kreuzkirche ở Dresden vào tháng 2 năm nay, Đức Giám mục Hempel có tuyên bố: “Đó là một gánh nặng, một tổn thương khi hai nước Đức đã thành hình với một lằn ranh khắc nghiệt. Quá nhiều ngăn cách là một gánh nặng tổn thương. Nó tạo thêm vũ khí“.

Gần đây, ở Baltimore, Hoa Kỳ, có mở ra cuộc triển lãm về “Người Do Thái ở Đức”. Các vị đại sứ của cả hai nước Đức đã nhận lời mời tham dự. Người mời là Viện trưởng Viện Đại học Johns Hopkins, ông đã chào đón họ. Ông chỉ ra rằng tất cả người Đức đang cùng đứng chung trên một nền tảng phát triển lịch sử. Một quá khứ chung liên kết họ với nhau, với một sợi dây. Một sợi dây như vậy có thể là một niềm vui hay một vấn đề – nó luôn luôn là một nguồn hy vọng.

Chúng ta là người Đức và là một quốc gia. Chúng ta cảm thấy thuộc về nhau bởi vì chúng ta đã sống qua cùng một lịch sử.

Ngoài ra, cũng ngày 8 tháng 5 năm 1945, chúng ta đã sống với nhau như là một số phận chung của dân tộc chúng ta, nó làm liên kết chúng ta. Chúng ta cảm thấy thuộc về nhau trong ước muốn hòa bình. Từ đất Đức của hai quốc gia sẽ hòa bình và tình lân quốc tốt đẹp với tất cả các quốc gia khác phải khởi động. Những quốc gia khác cũng không nên tạo ra một mối đe dọa cho hòa bình cho nước Đức.

Người dân ở nước Đức muốn làm việc cùng tất cả các dân tộc trong hòa bình, công lý và nhân quyền, mà trong đó cũng cho dân tộc chúng ta.

Tự hòa giải vượt qua những biên giới, không phải cho một châu Âu có tường bao quanh, nhưng mà là một lục địa loại bỏ các yếu tố phân cách do biên giới. Chính vì việc này cảnh báo chúng ta về sự kết thúc của thế chiến thứ hai.

Chúng ta lạc quan cho rằng ngày 8 tháng 5 không còn là một ngày cuối cùng trong lịch sử của chúng ta, mà nó làm ràng buộc đối với tất cả người Đức.


IX
Trong những tháng vừa qua một số thanh niên đã tự hỏi và hỏi chúng ta là tại sao bốn mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc lại có các cuộc tranh luận rất sôi nổi về quá khứ. Tại sao nó lại sống động hơn sau khi hai mươi lăm hay ba mươi năm? Sự tất yếu nội tại cho cuộc tranh luận là gì?

Trả lời cho các câu hỏi như vậy là không dễ. Nhưng chúng ta không nên tìm kiếm những lý do cho điều này, mà đặc biệt nhất là trong các ảnh hưởng ngoại tại, mặc dù hiển nhiên các lý do này cũng đã có xãy ra.

Bốn mươi năm đóng một vai trò quan trọng trong khoảng thời gian trong cuộc sống của con người và số phận của dân tộc.

Một lần nữa, xin qúy vị cho phép tôi được nhìn vào Kinh Cựu Ước, mà đã giử được một sự hiểu biết sâu xa đối với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo. Theo Thánh kinh thì bốn mươi năm đóng một vai trò thiết yếu thường xuyên theo định kỳ.

Bốn mươi năm Israel vẫn còn phải sống trong sa mạc, trước khi một chương mới trong lịch sử bắt đầu với việc trở về vùng đất hứa.

Bốn mươi năm là cần thiết cho một sự thay đổi hòan toàn của một thế hệ của cha ông có trách nhiệm

Nhưng ở những đoạn khác, (trong sách Thẩm phán) có ghi thường thì ký ức kéo dài chỉ trong bốn mươi năm để giúp kinh nghiệm. Nếu ký ức phai nhạt thì những gì còn lại cũng kết liễu.

Vì vậy, bốn mươi năm luôn luôn có nghĩa là một dấu vết lớn. Nó ảnh hưởng đến ý thức của con người, xem như là sự kết thúc của một thời kỳ đen tối với niềm tin về một tương lai mới tốt đẹp, hoậc xem như là một mối nguy hiểm của việc quên lãng và như một lời cảnh báo trước những hậu quả này. Hồi tưởng cả hai là vấn đề nên làm.

Đối với chúng ta, một thế hệ mới trong tinh thần trách nhiệm chính trị đang trương thành. Giới trẻ không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Nhưng họ có trách nhiệm đối với những gì bắt nguồn từ lịch sử sẽ trở thành.

Chúng ta, thế hệ cha ông, không nợ các giới trẻ việc thực hiện các ước mơ, nhưng về sự chân thành. Chúng ta cần giúp cho giới trẻ hiểu được lý do tại sao làm tỉnh thức các hồi ức là điều quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta muốn giúp họ tự nghiêm túc lấy với sự thật của lịch sử và không cho phép thiên vị, không trốn chạy trong lý thuyết giải phóng không tưởng, nhưng cũng không nh ân danh đạo đức qu á mức.

Chúng ta học hỏi trong lịch sử của mình là con người có khả năng cho mục đích gì. Vì vậy, chúng ta không nên tự tưởng tượng rằng chúng ta hiện nay là những con người khác và trở thành tốt hơn.

Không có sự hòan thiện đạo đức nào thành tựu chung cuộc – cho một ai và cho một nước nào! Như là con người, chúng ta đã học hỏi. Như là con người, chúng ta vẫn c òn nguy hiểm. Nhưng chúng ta có sức mạnh để luôn vượt qua mối đe dọa mới.

Hitler đã luôn luôn tìm cách để khuấy động các thành kiến, đối nghịch, và hận thù.
Lời yêu cầu dành cho cho các bạn trẻ là: Các bạn đừng để lôi kéo vào tinh thần đối nghịch và hận thù chống lại những người khác, chống lại người Nga hay người Mỹ, chống lại người Do Thái hay người Thổ, chống lại người cải cách hoặc bảo thủ, chống lại người da đen hoặc da trắng.

Chúng ta hãy học cách sống chung với nhau, không chống lại nhau.

Các bạn hãy để cho chúng tôi, các chính trị gia được bầu một cách dân chủ, luôn lưu tâm hơn nữa trong vấn đề này và tạo ra một mẫu mực.

Chúng ta vinh danh sự tự do. Chúng ta làm việc vì hòa bình. Chúng ta tuân thủ pháp luật. Chúng ta phục vụ theo những chuẩn mực nội tại cho công lý. Chúng ta hãy nhìn vào ngày 8 tháng 5 hôm nay bằng chân lý trong ánh mắt với một cách tốt nhất mà chúng ta có thể nhìn chân lý này.






No comments:

Post a Comment

View My Stats