Lê Mạnh
Hùng
May 13, 2020
Người ta có thể nghĩ rằng Liên Hiệp Âu Châu có quá
nhiều vấn đề phải giải quyết. Ngoài vấn đề Brexit vốn kéo dài từ mấy năm nay,
Liên Hiệp Âu Châu còn đang phải đối phó với một đại dịch toàn cầu tạo ra một
tình trạng suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chánh có nguy cơ làm tan vỡ khối
tiền tệ Euro.
Thêm vào đó hai thành
viên của Liên Hiệp, Ba Lan và Hungary càng ngày càng trở nên chuyên chế
phá hoại nền dân chủ và chế độ pháp trị.
Nhưng không ai ngờ rằng đòn nặng nhất giáng vào chính sự tồn tại của
Liên Hiệp lại đến từ Đức, khiến người ta phải tự hỏi rằng liệu Liên Hiệp Âu
Châu có còn tương lai hay không.
Chỉ vài ngày trước kỷ niệm
70 năm bản tuyên ngôn Schumann vốn là bước đầu của tiến trình hội nhập Âu Châu,
Tòa Bảo Hiến – Tối Cao Pháp Viện – của Đức tại Karlsruhe đã bắn một hỏa tiễn
vào thẳng trái tim của Liên Hiệp Âu Châu. Phán quyết của tòa cực kỳ đặc biệt.
Nó là một cuộc tấn công vào những căn bản của kinh tế, sự toàn vẹn và độc lập của
Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB) và toàn bộ cơ cấu luật pháp của Liên Hiệp Âu
Châu.
Phán quyết này được đưa
ra chống lại chương trình mua công khố phiếu của ECB đưa ra từ năm 2015. Tuy rằng
tòa không nói rằng ECB đã vi phạm pháp luật khi đưa ra chương trình này, nhưng
nói rằng ECB đã không áp dụng một phân tích về “ảnh hưởng tương đối” về các hệ
quả của chính sách này, đưa ra lại những lý luận của phe bảo thủ cực hữu về những
quan tâm về “nợ quốc gia, tiết kiệm cá nhân và những chương trình hưu bổng, giá
nhà đất và giữ cho tiếp tục tồn tại những xí nghiệp không đáng sống.” Tòa cũng
ra lệnh cho những “cơ quan hiến định Đức và các tổ chức hành chánh Đức” bao gồm
cả ngân hàng trung ương Đức Bundesbank không được tham gia vào những hoạt động
bên ngoài cam kết pháp luật của họ. Như vậy là ngân hàng Bundesbank sẽ không được
phép tiếp tục tham gia vào chương trình đó của ECB cho đến khi ECB đưa ra một
phân tích mà tòa án thỏa mãn.
Thế nhưng thỏa hiệp thành
lập Liên Hiệp Âu Châu nói rõ rằng “ngân hàng ECB không được tìm hỏi hay nhận chỉ
thị của bất kỳ một chính phủ hội viên hay một cơ quan nào…” thành ra chỉ thị của
tòa án đặt ngân hàng Bundesbank vào một tình trạng không thể giải quyết, bị kẹt
giữa hai nền pháp luật.
Điều mỉa mai là ngân hàng
Karlsruhe đã tấn công thẳng vào sự độc lập của ECB trong việc thực hiện chính
sách tiền tệ của mình, một điều mà chính Đức đã tranh đấu mới đạt được. Nay thì
tòa án Đức lại đòi ngân hàng phải thỏa mãn các đòi hỏi của mình nếu không
thì không được phép. Với một tiền lệ như vậy, các quốc gia khác có thể cũng đòi
không tham gia vào những chính sách mà họ không thích. Chẳng bao lâu ECB chỉ
còn cái vỏ không mà thôi.
Điều quan trọng hơn là
tòa án Đức đã khẳng định rằng họ có quyền bất chấp một phán quyết trước của tòa
án tối cao Âu Châu (ECJ). Đây là một hành động ly khai pháp lý. Nó giống như là
tại Mỹ, tòa án tiểu bang Texas quyết định rằng Tối Cao Pháp Viện Liên Bang
không có quyền đối với Texas. Tuy rằng không phải là một liên bang như Mỹ,
nhưng Liên Hiệp Âu Châu có một hệ thống pháp luật thống nhất. Nó dựa trên sự chấp
nhận của tất cả các nước thành viên về quyền hạn tối hậu của tòa án cao nhất Âu
Châu. Thành ra ngân hàng ECB đã hành động đúng khi trả lời rằng “chỉ có tòa án
tối cao Âu Châu mới có tư cách pháp nhân để phán quyết một hành động của một định
chế Âu Châu có vi phạm luật pháp Âu Châu hay không.” Thế nhưng tiền lệ của Đức
có thể dẫn đến việc tòa án của các nước như Ba Lan quyết định rằng phán quyết của
ECJ như là không thích đáng.
Nếu không giải quyết thỏa
đáng được vấn đề này, các sử gia tương lai có thể coi như đây là một bước ngoặt
trong lịch sử Âu Châu đi từ hợp nhất cho đến tan rã. Thế nhưng người ta có thể
làm gì? Ngân hàng ECB không thể nào chịu sự chi phối của một tòa án một nước hội
viên. Nhưng ngân hàng Bundesbank có thể đưa ra một bản phân tích thỏa đáng cho
tòa án. May ra thì tòa án sẽ thỏa mãn.
Nhưng nó cũng tạo ra một
tiền lệ xấu. Hay là phán quyết này có thể bị dẹp bỏ. Nếu một tòa án Đức có thể
bất chấp ECJ thì Bundesbank và chính phủ Đức cũng có thể bất chấp tòa bảo hiến.
Hay là ECB có thể bỏ cố gắng để cứu khu vực Euro và để mặc cái gì sẽ xảy ra xảy
ra. Sau cùng Đức có thể rút ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu giống như Anh đã làm tuy
rằng điều này có thể khó xảy ra.
Phán quyết của Tòa Bảo Hiến
Đức vì vậy đã là một đòn nặng đánh vào Liên Hiệp Âu Châu. Nó rọi lên một tia
sáng vào những thiếu sót trong cơ cấu hành chánh chính trị của Liên Hiệp Âu
Châu vào đúng thời điểm tệ hại nhất, chính giữa một cuôc khủng hoảng y tế toàn
cầu dẫn đến một suy thoái kinh tế trầm trọng. Triển vọng lâu dài của Liên Hiệp
Âu Châu vốn đã không tốt đẹp bao nhiêu trước khi tòa án Đức đưa ra phán quyết
nay lại trở thành tệ hơn. (Lê Mạnh Hùng) [qd]
No comments:
Post a Comment