Tuesday, 5 May 2020

CẦN CHẤM DỨT CÁCH GIÁO DỤC CÓ HẠI (Mạc Văn Trang)




Mạc Văn Trang
05/05/20200

Nhà trường hay bất kỳ cộng đồng, tập thể nào cũng cần có những quy định kỷ luật. Vấn đề là làm sao cho những quy định này văn minh, hợp lý và biến nó thành nhu cầu, thói quen của các thành viên một cách khoa học và nhân văn.

Đối với trẻ em, nhà giáo dục cần hướng dẫn MẪU HÀNH VI và để mỗi em biết tự nhận thức và TỰ ĐIỀU CHỈNH hành vi của mình phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Mỗi em được cởi mở, tự do thể hiện hành động, ứng xử theo cách của mình. Nếu em nào sai, thì được uốn nắn, nhắc nhở riêng cho em đó. Có như vậy các em mới vừa phát triển cá tính độc đáo, sáng tạo, vừa trưởng thành về ý thức xã hội, nhân cách công dân.

Cách giáo dục ở ta hiện nay thường áp đặt, kiểm soát hành vi ĐỒNG LOẠT, TỪ BÊN NGOÀI với mục tiêu BÌNH QUÂN VỀ NHÂN CÁCH. Nhưng hệ quả là khiến cho trẻ em phải tìm cách đối phó, né tránh, gian dối. Làm như vậy là hạ thấp nhân cách người bị kiểm soát, khiến trẻ biết tự trọng sẽ phản ứng lại gay gắt, trẻ nhu nhược thì khuất phục kiểu nô lệ, khó trưởng thành nhân cách công dân.

Có những giáo viên chọn một số học sinh “tin cậy” giao cho quyền kiểm soát các em khác, kiểu “công an”, “dân phòng” bằng cách theo dõi ghi sổ hay quát mắng các bạn một cách hống hách… Chỉ theo dõi, ghi chép hành vi bên ngoài của trẻ để đánh giá đạo đức, nhân cách thì gần giống với dạy thú làm xiếc…

Có giáo viên còn bí mật chọn mấy học sinh vào diện “tay sai đắc lực” làm “đặc tình” cho mình, theo “nghiệp vụ công an”. Các em này chuyên theo dõi các bạn và mật báo cho giáo viên về “hành tung” của bạn bè. Những em “đặc tình” này mà lộ ra sẽ bị các bạn trừng phạt tội “mật thám, mách lẻo” bằng đòn “hội đồng”.

Ảnh: “HS Sao đỏ” và “Sổ theo dõi HS” (ảnh dưới) của một trường THCS. Photo Courtesy

Những trận bạo lực học đường khủng khiếp thường là nhóm bạn “xử tội do thám, mách lẻo, phản bội” của một em nào đó! Những em bị “xử tội mật thám, phản bội” như vậy sẽ bị các bạn tẩy chay, xa lánh, tổn thương tâm lý rất nặng nề mà nhiều khi không dám nói ra…

Xin hỏi: Có giáo viên nào, bậc cha mẹ nào muốn con mình được làm “Sao đỏ” hay “đặc tình” cho giáo viên không? Điều không muốn cho con mình thì đừng bắt các em khác làm.




No comments:

Post a Comment

View My Stats