Tuesday 12 May 2020

BS FAUCI : SẼ CÓ 'ĐAU KHỔ & CHẾT CHÓC' NẾU NƯỚC MỸ MỞ LẠI QUÁ SỚM (Người Việt Online)




NỘI DUNG :

Người Việt Online
.
Người Việt Online
.
Người Việt Online
.
Người Việt Online
.
Viễn Đông Daily
.
====================================================
.
Người Việt Online
May 12, 2020

WASHINGTON, DC (AP) — Bác Sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về bệnh truyền nhiễm, vừa lên tiếng cảnh cáo với Quốc Hội rằng nếu nước Mỹ mở lại quá sớm trong thời đại dịch COVID-19 này thì sẽ đưa tới “sự đau khổ và chết chóc không cần thiết.”

Bác Sĩ Fauci là một trong số các chuyên gia y tế ra điều trần trước một ủy ban Thượng Viện hôm Thứ Ba, 12 Tháng Năm. Phát biểu của ông được đưa ra trong lúc Tổng Thống Donald Trump ca ngợi các tiểu bang đang mở cửa lại sau thời gian dài ngưng mọi hoạt động để giảm sự lây lan của dịch bệnh.

Bác Sĩ Fauci, một thành viên trong nhóm đặc nhiệm Tòa Bạch Ốc, có nhiệm vụ đưa ra cách đối phó với COVID-19, vốn đã làm hàng chục ngàn người Mỹ thiệt mạng, trình bày quan điểm của mình qua màn hình do đang tự cách ly vì tiếp xúc với một nhân viên Tòa Bạch Ốc nhiễm virus.

Trong hoàn cảnh kinh tế Mỹ đang sa sút trầm trọng và có hơn 30 triệu người thất nghiệp, Tổng Thống Donald Trump đang tạo áp lực để các tiểu bang Mỹ sớm mở lại.

Ông Fauci, trong phát biểu với tờ báo The New York Times, cảnh cáo rằng các giới hữu trách nên tuân hành các hướng dẫn của chính phủ liên bang về việc mở cửa theo từng giai đoạn, kể cả việc chờ cho có đủ các dữ kiện chứng minh rằng tình trạng lây lan COVID-19 ở địa phương giảm sút trong liền 14 ngày.

Ông Fauci viết rằng: “Nếu chúng ta bỏ qua những chặng kiểm soát như đã nêu lên trong bản hướng dẫn… chúng ta có nguy cơ gặp phải trường hợp có nhiều ổ bệnh bùng phát khắp nước. Điều này không chỉ tạo ra sự đau khổ và chết chóc không cần thiết, mà còn làm chậm trễ tiến trình trở lại bình thường.”

Ngoài Bác Sĩ Fauci thuộc Viện Y Tế Quốc Gia (NIH), còn có giám đốc FDA, Bác Sĩ Stephen Hahn, và giám đốc CDC, Bác sĩ Robert Redfield, cùng Đề Đốc Brett Giroir, người trách nhiệm chương trình thử nghiệm COVID-19 ở Bộ Y Tế,  cũng xuất hiện trong cuộc điều trần trước Ủy Ban Y Tế, Giáo Dục, Lao Động, và Hưu Bổng Thượng Viện.

Cả hai ông Hahn và Redfield và chủ tịch ủy ban Thượng Viện là Thượng Nghị Sĩ Lamar Alexander cũng đều đang phải cách ly sau khi tiếp xúc với người nhiễm virus. (V.Giang) (đ.d.)

--------------------------------------
.
Người Việt Online
May 12, 2020

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Donald Trump nghe nói đang tính đến một phương cách khác nhằm chuyển thêm tiền cho người dân Mỹ đang trong tình trạng khó khăn tài chánh, bằng cách cho họ mượn trước tiền An Sinh Xã Hội (còn được gọi nôm na là “tiền già”).

Nhiều người dân Mỹ, do bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, hiện đang rất mong muốn có thêm trợ giúp tài chánh sau đợt được cấp mỗi người $1,200 vừa qua, theo bản tin của CNBC hôm Thứ Hai, 11 Tháng Năm.

Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp từ phía đảng Cộng Hòa đang tỏ ra ngần ngại về việc cấp thêm tiền cho người dân, một phần là vì chi phí quá cao, làm tăng thêm mức thâm thủng ngân sách và nợ công của nước Mỹ.

Để giải quyết vấn nạn này, chính phủ của Tổng Thống Donald Trump nghe nói đang tính tới giải pháp cho người dân vay trước tiền An Sinh Xã Hội, rồi sẽ trả lại bằng cách nhận ít hơn số tiền lãnh hàng tháng khi họ đến tuổi nghỉ hưu.

Thường thì người dân Mỹ phải có tuổi tối thiểu là 62 tuổi và phải đóng tiền vào quỹ hưu trong ít nhất 10 năm, thì mới được “nghỉ hưu sớm” và bắt đầu lãnh tiền hưu, dù là sẽ ít hơn so với tiền lãnh khi nghỉ hưu đúng tuổi.

Một đề nghị mà Tòa Bạch Ốc đang xét tới là cho người dân Mỹ vay $5,000 từ quỹ An Sinh Xã Hội, để đổi lấy việc họ nhận tiền già trễ hơn khi nghỉ hưu, theo bản tin của tờ báo Washington Post.

Theo nguồn tin này, số tiền $5,000 sẽ được coi như tiền cho vay và sẽ phải trả lại cho chính phủ cả vốn lẫn lời.

Đây là kế hoạch do ông Andrew Biggs thuộc tổ chức American Enterprise Institute và ông Joshu Rauh thuộc Hoover Institution tại Stanford University cùng đề nghị. (V.Giang) [qd]

-------------------------------------------
.
Người Việt Online
May 12, 2020

WASHINGTON, DC (NV) – Hạ Viện Mỹ sẽ không nhóm họp nhưng dùng tuần này để hoàn tất các chi tiết về kế hoạch hỗ trợ mới nhất, cùng xem xét việc có thể cho các dân biểu bỏ phiếu từ xa, theo Trưởng Khối Đa Số tại Hạ Viện hôm Thứ Hai, 11 Tháng Năm.

Theo bản tin hãng thông tấn UPI, văn phòng Dân Biểu Steny Hoyer (Dân Chủ, Maryland) loan báo rằng “Tùy thuộc vào việc đưa ra dự luật mới, Hạ Viện có thể nhóm họp tuần này, nhưng không sớm hơn ngày Thứ Sáu.”

Tuy Thượng Viện Mỹ nay đã quay trở lại họp, Hạ Viện Mỹ sẽ không chính thức tái nhóm để bàn về dự luật hỗ trợ thứ tư để đối phó với các thiệt hại kinh tế tài chánh do đại dịch COVID-19 gây ra, có thể trợ giúp các chính quyền tiểu bang và địa phương, cùng là các cơ quan y tế, số tiền lên tới $1,000 tỷ.

Trong thư gửi các đồng viện, Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi (Dân Chủ, California) hôm Thứ Hai đã kêu gọi hãy áp dụng lời khuyên của chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương để có “biện pháp lớn” vì lãi suất lúc này rất thấp.

“Chúng ta phải có hành động táo bạo để hỗ trợ các chính quyền tiểu bang và địa phương chống lại COVID-19, liên quan đến các chi phí của họ cũng như việc thất thu tài chánh,” theo lời bà Pelosi.

“Các vấn đề như tiền trả trực tiếp, tiền bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp trả tiền thuê nhà và nợ tiền nhà, nợ tiền học đại học đều là những vấn đề hệ trọng để giúp làm giảm sự sợ hãi mà nhiều gia đình Mỹ đang phải đối diện. Nếu chúng ta không có hành động gì để đối phó thì đó sẽ là giải pháp tốn kém nhất,” Dân Biểu Pelosi nói thêm.

Các cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc hôm Chủ Nhật nói rằng việc bàn tới dự luật trợ giúp thứ tư là còn quá sớm vào lúc này.

“Tôi nghĩ nhiều người muốn chúng ta ngưng lại và nhìn xem các đợt trợ giúp lớn lao vừa qua ảnh hưởng như thế nào tới tình hình kinh tế,” theo lời cố vấn kinh tế Larry Kudlow khi xuất hiện trong chương trình This Week của ABC News.

Các nhà lập pháp phía Cộng Hòa ở cả Thượng và Hạ Viện đều tỏ sự phản đối ý định trợ giúp tài chánh cho các tiểu bang. Trưởng Khối Đa Số Cộng Hòa tại Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell, nói rằng hãy để các tiểu bang tuyên bố khánh tận để tái chỉnh đốn các món nợ tiền hưu trí cùng là các nợ khác của họ.

Dân Biểu Hoyer hôm Thứ Hai nói rằng Hạ Viện cũng sẽ thảo luận về các phương cách để các dân biểu có thể bỏ phiếu từ xa.

Ông Hoyer gửi tweet ra  nói rằng một ủy ban liên đảng đang nghiên cứu về việc này để đạt thỏa thuận chung. (V.Giang) [qd]

---------------------------------
.
Người Việt Online
May 11, 2020

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Donald Trump đột ngột cắt ngang cuộc họp báo ngày Thứ Hai, 11 Tháng Năm, sau khi có lời đối thoại căng thẳng với một nữ phóng viên người Mỹ gốc Hoa, kế tiếp, ông từ chối trả lời một nhà báo khác, người mà ông chỉ định trước đó.

Nữ phóng viên Weijia Jiang của đài CBS và Tổng Thống Donald Trump trong cuộc họp báo Thứ Hai, 11 Tháng Năm. (Hình từ màn ảnh đài CBS)

Theo tờ Business Insider tường thuật, cô Weijia Jiang, phóng viên thường trực tại Tòa Bạch Ốc cho đài CBS News, đặt câu hỏi: “Tại sao tổng thống cho rằng việc xét nghiệm COVID-19 là một sự cạnh tranh toàn cầu khi nước Mỹ mỗi ngày vẫn có người chết và có thêm ca nhiễm bệnh mới? Tại sao phải có sự cạnh tranh đó?”

Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh, tại cuộc họp báo này, tổng thống đứng trước hai biểu ngữ với dòng chữ thật to “America Leads The World In Testing”- Nước Mỹ dẫn đầu thế giới về xét nghiệm.

Giới chức hành pháp hiện nay thường tuyên bố nước Mỹ dẫn đầu thế giới trong việc thử nghiệm bệnh dịch COVID-19.

Nhưng trên thực tế sự việc không hẳn là như vậy.

Bởi vì, dù tổng cộng con số xét nghiệm được báo cáo tại Mỹ nhiều hơn, nhưng tính theo tỉ lệ thì thấp hẳn so với các quốc gia khác, chẳng hạn như nước Ý có tỉ lệ xét nghiệm là trong 1,000,000 người có  21,000 được xét nghiệm, cùng lúc, con số này ở Mỹ chỉ là 11,800.

Trả lời nữ phóng viên của CBS News, tổng thống đáp: “Có thể, với câu hỏi đó, cô nên hỏi Trung Quốc đi. Đừng hỏi tôi. Hỏi Trung Quốc đi, OK?”

Ông nói tiếp: “Hỏi Trung Quốc đi rồi cô sẽ nhận một câu trả lời rất là không bình thường.”

Ông chỉ định phóng viên Kaitlan Collins của CNN, nhưng người này dừng lại cho cô Jiang đáp lại tổng thống.

“Thưa tổng thống, tại sao ông nói câu đó với tôi, đặc biệt là tôi nên hỏi Trung Quốc?” cô Jiang, được sanh ra tại Trung Quốc nhưng sang Mỹ từ năm hai tuổi, nhấn mạnh câu hỏi của mình.

Tổng thống Trump đáp lại: “Tôi không nói câu đó cho riêng ai. Tôi nói như thế cho bất kỳ ai đưa một câu hỏi ghê tởm như vậy.”

Nữ phóng viên Jiang hỏi lại: “Câu hỏi đó có gì mà ghê tởm? Mà chuyện đó là chuyện gì?

Ông Trump không đáp lại cô Jiang, ông chỉ một người ở khác ở phía sau.

Lúc này, phóng viên Kailan Collins của CNN, bước đến microphone nhưng tổng thống khoát tay chỉ người phía sau.

Cô Collins nói: “Hồi nãy tổng thống chỉ tôi và tôi có hai câu hỏi.”

Tổng Thống: “Hồi nãy cô không nói gì hết, tôi kêu người khác.”

Collins: “Tôi nhường cho đồng nghiệp kết thúc câu hỏi của cô ấy. Bây giờ, tôi xin hỏi hai câu.”

Tổng thống tuyên bố: “Thưa quý vị, cám ơn rất nhiều,” rồi ông quay bước ra khỏi khu vực phỏng vấn.

Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders, Độc Lập-Vermont, chỉ trích qua tin nhắn trên Twitter: “Ông Trump là một kẻ bắt nạt chuyên đè người khác xuống để cảm thấy mình có sức mạnh.”

Một số người chỉ trích câu nói “Hỏi Trung Quốc đi” của tổng thống khi nói với cô Jiang mang tính kỳ thị.

Cô Jiang có lần kể trên Twitter rằng, một viên chức Tòa Bạch Ốc, dùng chữ “Kung-flu” ám chỉ COVID-19 khi nói nói chuyện với cô. (MPL)

*.
Viễn Đông Daily
11/05/2020

Một cuộc đụng độ đã xảy ra trong cuộc họp báo về đại dịch coronavirus được tổ chức ở sân cỏ Tòa Bạch Ốc ngày thứ Hai. Tổng Thống Donald Trump đã bị chất vấn bởi hai nữ ký giả, một của CBS News, và một của CNN, và rồi ông ngưng cuộc họp báo sớm hơn dự tính.

Cô Weijia Jiang làm việc cho đài CBS News và Tổng Thống Donald Trump trong cuộc họp báo ngày thứ Hai, 11 tháng 5, 2020. (CNN)

Cô Weijia Jiang là một người Mỹ gốc Trung Hoa và đang làm việc cho đài CBS News.

Trước khi Tổng Thống Trump xuất hiện và trong suốt buổi họp báo, các ký giả thấy một tấm biểu ngữ lớn được căng trên sân khấu với hàng chữ “America leads the world in testing,” tức là “Nước Mỹ dẫn đầu thế giới về thử nghiệm.”

Khi được phép nêu câu hỏi, cô Weijia Jiang đã nhắc tới tấm biểu ngữ và thắc mắc rằng tại sao chính phủ Hoa Kỳ lại nhấn mạnh vấn đề Mỹ đang thử nghiệm dịch Covid-19 khá hơn các nước khác.

Weijia Jiang hỏi, “Tại sao vấn đề thử nghiệm lại quan trọng? Tại sao ngài xem đây là một cuộc tranh đua với thế giới, trong khi mỗi ngày vẫn có những người Mỹ bị mất mạng, và chúng ta vẫn có thêm những ca nhiễm dịch mỗi ngày?”

Tổng Thống Trump trả lời, “Người ta mất mạng ở khắp nơi trên thế giới. Có lẽ cô nên hỏi Trung Quốc câu hỏi đó. Đừng hỏi tôi. Hãy hỏi Trung Quốc câu hỏi đó. Khi cô hỏi Trung Quốc câu hỏi đó thì cô có thể nghe câu trả lời của họ rất khác thường.”

Thế rồi tổng thống quay sang nữ ký giả Kaitlan Collins của đài CNN và cho phép cô này nêu câu hỏi. Thế nhưng trong lúc cô Kaitlan đang bước đến máy vi âm thì Weijia Jiang hỏi tiếp, “Thưa ngài, tại sao ngài lại nói với tôi như vậy, riêng biệt như vậy?”

Ông Trump đáp, “Tôi không nói riêng biệt với bất cứ ai. Tôi nói như thế với bất cứ ai nêu câu hỏi độc địa như vậy.”

Cô Weijia Jiang liền phản đối, “Nhưng câu hỏi đó đâu có độc địa?”

Thế rồi vì một lý do nào đó, Tổng Thống Trump đã chỉ định một ký giả khác nêu câu hỏi, khiến cho cô Kailan Collins của đài CNN phải thốt lên, “Nhưng mà ngài đã chỉ tay về phía tôi... Ngài đã cho tôi nêu câu hỏi.”

Ông Trump liền nói, “Đúng là tôi có cho phép cô nêu câu hỏi, nhưng cô không đáp ứng, và bây giờ thì tôi gọi một cô khác ngồi ở phía dưới kia.”

Cô “ở dưới kia” nêu câu hỏi trước khi Tổng Thống Donald Trump trả lời và rồi kết thúc buổi họp báo sớm hơn dự tính.

Cô Weijia Jiang chào đời tại Trung Hoa, di cư đến West Virginia khi cô mới có hai tuổi. Trong tháng Ba năm nay, cô từng nói một viên chức Tòa Bạch Ốc đã gọi dịch coronavirus là “kung flu” (cúm công phu), và các viên chức khác gọi đó là “virút Tàu” (China virus).

Buổi họp báo tại Vườn Hồng hôm thứ Hai là buổi nói chuyện với báo chí đầu tiên của ông Trump kể từ ngày 27 tháng Tư. Khi đó Tòa Bạch Ốc muốn giảm bớt mức độ thường xuyên của những buổi họp báo của tổng thống về tình hình đại dịch. Quyết định giảm bớt một phần cũng vì Tổng Thống Trump đã bị chỉ trích sau khi ông gợi ý rằng giới y khoa hãy thử nghiệm xem việc bơm thuốc tẩy hoặc các loại thuốc diệt trùng khác vào cơ thể để chống siêu vi khuẩn coronavirus có hiệu quả hay không.

Trong buổi họp báo, ngoài các ký giả và nhân viên mật vụ, hầu hết các viên chức, kể cả các con của ông Trump và con rể Jared Kushner, đều đeo khẩu trang.





No comments:

Post a Comment

View My Stats