Tuesday, 12 May 2020

BẢN TIN NGÀY 12/05/2020 – (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
12/05/2020

Tổng giám đốc Bayer Việt Nam tuyên truyền cho Bắc Kinh về đại dịch Covid-19 và “đường lưỡi bò”

Bà Lynette Moey Yu Lin, quốc tịch Malaixia gốc Trung Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Bayer Việt Nam, đã gửi email cho gần 1.000 nhân viên Bayer Việt Nam, chia sẻ một tài liệu với tiêu đề: “COVID-19, bài học đến từ Trung Quốc”, trong đó có sử dụng bản đồ in hình “đường lưỡi bò”.

Vụ việc đã bị dư luận Việt Nam phản đối gay gắt, bởi nó đã gây ra sự tổn hại đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Bà Lynette Moey Yu Lin. Ảnh do Bayer Việt Nam cung cấp cho Forbes Vietnam

Trước sự việc này, sáng ngày 11/5, đại diện truyền thông Bayer Việt Nam trả lời VTC News, rằng: “Bayer rất lấy làm tiếc, sự việc xảy ra từ một tài liệu nội bộ đã tạo nên sự chú ý của nhân viên và dư luận. Đây là tài liệu lưu hành nội bộ được chia sẻ giới hạn đến một nhóm nhỏ nhân viên trong công ty nhằm giới thiệu các ví dụ điển hình trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng y khoa trong khu vực Châu Á”.

Vị đại diện truyền thông Bayer Việt Nam cũng cho rằng, đó chỉ là “sơ suất” không hề muốn. Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp dẫn lời người đại diện này cho biết: “Giữa tình hình dịch bệnh phức tạp, Tổng Giám đốc của Bayer Việt Nam chỉ muốn chia sẻ những cái hay mà Trung Quốc đã áp dụng để chống dịch. Đó là tài liệu của những người bạn, chuyên gia ở Trung Quốc, thấy hay nên Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam đã lưu và muốn chia sẻ đến mọi người. Trong những tài liệu có sẵn, không may sơ suất để xuất hiện hình “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, khi phát hiện, Tổng Giám đốc cũng đã yêu cầu chúng tôi thu hồi, xử lý ngay lập tức”.

Dù vậy, nhiều ý kiến trên mạng xã hội bày tỏ sự không đồng tình, kêu gọi tập Tập đoàn Bayer cần phải xin lỗi Việt Nam và sa thải bà Lynette Moey Yu Lin.

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ chia sẻ trên faccebook: “Ở vị trí ấy, bà ta hoàn toàn không mù mờ về lịch sử và những gì mà Trung Quốc đang bành trướng một cách trắng trợn trên biển Đông, trong đó, có đất nước Mã Lai của bà ấy, cũng chịu sự bành trướng của Trung Quốc trong âm mưu mang tên đường lưỡi bò”.

Nhà báo này còn nêu ý kiến: “Là một công ty lớn, khi đến Việt Nam, Bayer nên học cách tôn trọng đất nước và người dân Việt Nam, nơi đang mang lại không ít lợi nhuận cho họ. Vì thế, Bayer phải chịu trách nhiệm trước hành vi của bà Yu Lin và cần phải xin lỗi đất nước và người dân Việt Nam”.

Facebooker Thiện Nguyễn cho rằng: “Đây là vụ việc nghiêm trọng. Vì thế, nếu trong 3 ngày đến, Bayer không thay Tổng giám đốc xúc phạm đến chủ quyền của Việt Nam thì tôi yêu cầu Bộ Ngoại giao thông báo cho Bayer biết là Việt Nam không chấp nhận bà Lin”.

Có thể nói, việc làm của Tổng giám đốc Bayer Việt Nam như là một hành động tuyên truyền cho chính quyền Bắc Kinh về đại dịch Covid-19 và chủ quyền lãnh hải một cách phi pháp.

Bởi lẽ, Trung Quốc không phải là một quốc gia hình mẫu trong việc ứng phó với dịch Covid-19, mà nó là nơi khởi phát mầm bệnh, sự thiếu minh bạch thông tin và che giấu sự thật về bệnh dịch đã dẫn đến hậu quả làm lây lan ra toàn thế giới để trở thành đại dịch. Đồng thời với việc lồng ghép “đường lưỡi bò” vào tài liệu liên quan đến bệnh dịch, cho thấy Trung Quốc không ngừng nỗ lực hợp thức hóa cho tham vọng độc chiếm Biển Đông một cách phi pháp, dưới bất kỳ hình thức gì.

Trung Quốc nói Việt Nam không có quyền phản đối về lệnh cấm đánh bắt cá của họ

Hôm 11/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Việt Nam “không có quyền lên tiếng” về lệnh cấm đánh bắt cá của nước này ở vùng biển Biển Đông vì biện pháp này thuộc về quyền hành chính của Trung Quốc, Tân Hoa Xã đưa tin.

Quan điểm này được Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra sau khi người đồng cấp Việt Nam lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, và yêu cầu phía Trung Quốc “không làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông”.

Ông Triệu nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh: “Không thể chối cãi rằng Quần đảo Xisha (Hoàng Sa) là một phần của lãnh thổ Trung Quốc”. Đồng thời nhấn mạnh, “Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển này theo luật pháp quốc tế và luật pháp của Trung Quốc”.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo: “Việt Nam không nên khuyến khích ngư dân xâm phạm quyền và lợi ích của Trung Quốc và làm suy yếu sự phát triển bền vững của nguồn lợi thủy sản ở Biển Hoa Nam”.

Như Tiếng Dân đã đưa tin hôm 5/5, lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè của Trung Quốc trong năm nay bắt đầu từ ngày 1/5 ​​đến ngày 16/8, phạm vi của lệnh cấm này trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc. Đây là khu vực mà Trung Quốc và Việt Nam thường xuyên xảy ra xung đột chủ quyền.

Hôm 4/5, Hội Nghề cá Việt Nam ra thông báo, lệnh cấm này không có giá trị pháp lý, vì nó xâm phạm đến vùng biển Vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hội này cũng kêu gọi ngư dân Việt Nam tiếp tục ra khơi đánh bắt trên vùng biển của mình và đề nghị chính phủ Việt Nam hành động quyết liệt hơn trong việc bảo vệ ngư dân và chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Hôm 8/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế…Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”.

Nhân viên Bộ Công an tra tấn shipper giao sách cho NXB Tự Do

Theo tin từ nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang cho biết, anh Phùng Thủy (56 tuổi, sống ở Sài Gòn), một shipper chở sách thuê cho Nhà xuất bản Tự Do đang rơi vào tình trạng nguy kịch về sức khỏe, sau khi bị công an tra tấn trong đồn.

Một số tác phẩm đã phát hành của Nhà xuất bản Tự do. Ảnh: NXB Tự do

Bà Trang cho biết, hôm 8/5, Bộ Công an Việt Nam đã giăng bẫy và bắt được anh Phùng Thủy, sau đó đưa về Trụ sở Bộ Công an (văn phòng phía Nam) tại số 235 Nguyễn Văn Cừ, Quận 1, để tra tấn anh từ 9h sáng cho đến tối. Các điều tra viên đã sử dụng những kỹ thuật tra tấn chuyên nghiệp để đánh anh Thủy ở ngực, bụng, bàn chân và các chỗ hiểm trên cơ thể, cho đến khi anh ngã gục vào nửa đêm.

Đến khoảng 3h sáng, nhân lúc người con gái mang thuốc đến cho anh dưới sự cho phép của công an, khi đến trước cổng thì anh từ bên trong lao ra, nhảy lên xe máy và rồ ga chạy. Công an đuổi theo, cuối cùng anh Thủy chạy thoát được, nhưng đứa con gái của anh bị rớt lại và rơi vào tay công an, hiện vẫn chưa rõ số phận.

Theo nạn nhân mô tả, “có những lúc những kẻ thẩm vấn móc hai ngón tay vào mạng sườn anh thật sâu và để đó khá lâu; lại có lúc ấn, bấm đến độ tưởng như da bụng anh ép sát vào dạ dày”,  Phạm Đoan Trang tường thuật trên facebook.

Đến hôm 11/5, ba ngày sau khi bị tra tấn, anh Thủy thấy “tức ngực, khó thở, buồn nôn, và ói ra máu tươi”.

Được biết, vào tháng 10 năm ngoái, một người cũng từng chở sách thuê cho Nhà xuất bản Tự do là anh Vũ Huy Hoàng cũng bị bắt và sau đó bị công an đánh hộc máu mũi, tím bầm hai con mắt, gương mặt sưng vù, lệch sang một bên. Sau đó công an còn liên tục sách nhiễu gia đình và gửi giấy triệu tập anh tới làm việc để điều tra về Nhà xuất bản Tự Do.

Theo thông tin từ Nhà Xuất Bản Tự Do tự giới thiệu, đây là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào ngày 14/2/2019, với tinh thần lan tỏa tri thức và tự do thông tin. Nhà xuất bản này hoạt động độc lập, với các hoạt động chính là xuất bản và phát hành các ấn phẩm không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam.

Một vài tác phẩm đã được Nhà xuất bản Tự do phát hành như: Chính trị bình dân, Phản kháng phi bạo lực của tác giả Phạm Đoan Trang; Dự báo hiệu quả của các đặc khu tại Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam của tác giả Nguyễn Trang Nhung; Những mảnh đời sau song sắt của tác giả Phạm Thanh Nghiên…





No comments:

Post a Comment

View My Stats