Sunday, 10 May 2020

ÁN BỎ TÚI & LƯỚI TRỜI - NHÂN VỤ HỒ DUY HẢI, NHẮC LẠI. . . (Nguyễn Xuân Thọ)




10/05/2020

Nước Cộng hòa Dân chủ Đức nằm giữa châu Âu đã có tam quyền phân lập lâu đời, nên hệ thống tư pháp của nó cũng phải mang các chuẩn mực nhất định. Trong suốt 40 năm tồn tại, ở CHDC Đức, các trường đại học luật vẫn đào tạo ra các luật sư, quan tòa, công chứng viên… Các sỹ quan công an cao cấp đều phải tốt nghiệp trường luật.

Ở Đông Đức có hai lực lượng công an:

1- Volkspolizei viết tắt là VOPO = “Cảnh sát Nhân dân”, là lực lượng chuyên gìn giữ trật tự và anh ninh xã hội. Hệ thống này có rất nhiều thám tử giỏi mà sau ngày thống nhất đất nước vẫn tham gia vào ngành cảnh sát ở CHLB Đức.

2- Staatssicherheit viết tắt là STASI = “An ninh quốc gia”, là lực lượng chỉ bảo vệ sự tồn tại của chế độ XHCN. Hoạt động của STASI chỉ chịu sự chi phối của các quyết định chính trị. Năng lực chuyên môn của STASI có thể coi là đứng đầu thế giới. STASI là người phát minh ra kho “dữ liệu mùi” và kỹ thuật nhận dạng tâm lý (Profiler) hiện đại.

Hễ vụ án nào mà STASI nhúng tay vào thì VOPO bó tay và luật sư cũng chịu chết, quan tòa và công tố viên chỉ còn việc phán xử theo “Án bỏ túi”. STASI không chỉ can thiệp vào các vụ án chính trị, mà vào rất nhiều vụ án thuần túy hình sự.

Sau ngày thống nhất nước Đức, báo chí mới nói đến một loạt các vụ án ấu dâm mà thủ phạm được che chở hoặc được thay đổi tung tích để đưa đi chỗ khác. Cảnh sát hình sự tuy làm việc rất bài bản nhưng không bao giờ tóm được thủ phạm. Hầu như có một bàn tay vô hình luôn đi trước họ và xóa mọi giấu vết.

Là cha mẹ, mấy vị lãnh đạo STASI cũng biết mức độ nguy hiểm của các thủ phạm ấu dâm, nhất là sau các vụ mất tích trẻ em. Nhưng họ coi nạn ấu dâm và hiện tượng đồng tính luyến ái là những biểu hiện của Chủ nghĩa Tư bản bệnh hoạn, không thể có chỗ đứng trong xã hội XHCN. Mọi vụ án, kể cả án mạng, liên quan đến các đối tượng này thường bị bịt kín, báo chí không được nói tới. Để phiên tòa không tiến hành được thì cách tốt nhất là giấu nhẹm những chứng tích và thủ phạm.

Về sau VOPO cũng sao nhãng việc điều tra các cáo buộc ấu dâm, vì họ biết là thế nào cũng bị STASI “dìm”. Vậy nên năm 2010, một người Đông Đức 47 tuổi tên là Michael P. bị tố giác là xâm hại trẻ em ở Munich. Khi ra tòa anh ta khai là “mê” trẻ em từ hồi trẻ, nhưng ở CHDC Đức anh tận hưởng các sở thích của mình khá thoải mái, vì đề tài ấu dâm là chuyện cấm kỵ ở bên đó, không ai dám nói đến. Khi sang miền Tây sống, anh ta vẫn tưởng vậy và bị tóm cổ [1].

Trong quá trình chuẩn bị thống nhất nước Đức, phía CHDC Đức đã đạt được thỏa thuận là các quan chức của họ thi hành đúng luật CHDC Đức thì coi như không phạm pháp. Nhiều vị quan tòa, công tố viên đã sử dụng án bỏ túi, nhiều vị luật sư đã phản bội thân chủ, bán tin cho STASI mừng húm. Thậm chí cả những sỹ quan biên phòng dính đến lệnh bắn chết người vượt biên cũng cho là mình hành động đúng luật CHDC Đức nên vô can.

Hàng trăm ngàn nạn nhân của các bản án oan, của các vụ khủng bố đã không tha thứ đám thủ phạm này.

Ngay từ đầu năm 1991, một làn sóng kiện đã làm cho ngành tư pháp nước Đức mới thống nhất bị bất ngờ. Làn sóng này không phải sự trả thù của chính quyền bên thắng cuộc, như một số cáo buộc ác ý, mà là nhu cầu đòi lại công lý của những công dân Đông Đức. Tất nhiên tư pháp Đức phải xét xử tất cả các vụ này theo mọi tiêu chuẩn của nhà nước pháp quyền. Các thủ phạm án oan có nhiều lợi thế, vì bản thân họ là những luật gia có kinh nghiệm, và họ chỉ thi hành luật của CHDC Đức. Đây là một chương rất gay go trong lịch sử tư pháp Đức.

Khởi đầu là thân nhân những người bị bắn chết trên biên giới Đông-Tây Đức và quanh bức tường Berlin. Họ kiện những binh lính, sỹ quan biên phòng đã gây án. Riêng ở thủ đô Berlin đã có 112 vụ kiện đòi xử 246 bị cáo. Các bị cáo đều đổ lỗi cho việc thi hành quân lệnh theo luật biên giới CHDC Đức, cứ như vậy dưới đổ cho trên. Tòa án phải lần lượt xử từ binh lính, sỹ quan, tướng lĩnh và cuối cùng lên đến các ủy viên Bộ chính trị đảng SED, những người đã ra lệnh bắn người chạy trốn.

Các luật sư bên nguyên đơn đã tìm ra rằng, việc bắn chết người không mang vũ khí, dù áp dụng “Sắc lệnh biên giới CHDC Đức”, là vi phạm chính hiến pháp CHDC Đức.

Hiến pháp CHDC Đức hay hiến pháp của bất cứ chế độ nào cũng đều cam kết bảo vệ quyền tự do thân thể, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do đi lại v.v. của công dân. Hiến pháp là bộ luật cao nhất, bao trùm lên mọi luật và các văn bản dưới luật khác. Mọi giải thích và vận dụng luật đi trái với các quy định trong hiến pháp đều là vi hiến. Đặc biệt luật pháp CHDC Đức còn quy định bảo vệ người tỵ nạn, nghiêm cấm sử dụng bạo lực với người tỵ nạn. CHDC Đức đã cứu giúp hàng chục ngàn người tỵ nạn từ Chile, Palestine, Nam Phi và từ các xứ độc tài quân sự khác, tại sao lại bắn vào người nước mình đi tỵ nạn ở miền tây?

Với các lập luân như vậy, chỉ riêng ở Berlin đã có 80 hạ sỹ quan, 42 sỹ quan cao cấp bị tuyên án. Khi những người này đổ trách nhiệm cho cấp cao nhất trong nhà nước thì có 10 vị lãnh đạo cao cấp của đảng SED cũng bị tuyên án tù. Vụ án này được gọi là “Vụ án Bộ Chính Trị” (Politbüroprozess). Dù án tù ở Đức rất nhẹ, chỉ hai, ba năm và rất nhiều án treo cho người cao niên. Nhưng các thủ phạm đã không còn vô can.

Đối với các cựu quan tòa, công tố viên CHDC Đức đã dùng “Án bỏ túi”, thì các phiên tòa có khó khăn hơn. Thứ nhất do các bị cáo đều là luật gia có sạn, lại không trực tiếp tra tấn hoặc bắn chết người nên việc tranh tụng gay gấn hơn. Tranh tụng khó khăn có nghĩa là người kiện phải mất nhiều tiền bạc và thời gian hơn để theo kiện nên nhiều người bỏ.

Bạn tôi là Michael [2], cũng là nạn nhân của 3 kẻ ác bụng: Thiếu tá Mascher, người trực tiếp điều tra, hỏi cung anh trong suốt mấy năm liền, bà chánh án Gerda Klabuhn và bà công tố viên Christa Krüger. Cả ba người này đều biết rõ Michael không hề nằm trong tổ chức chống đối nào. Cậu thanh niên con nhà cách mạng nòi này viết thư ngỏ gửi lãnh đạo hai nước Đức yêu cầu hòa bình và thống nhất đất nước chỉ vì lòng yêu nước.

Nhưng cả 3 đều bất chấp mọi lập luận của Micha về quyền tự do công dân của anh. Thiếu tá Mascher rất khôn, không bao giờ nhận là đã kiểm duyệt thư của Micha để khỏi bị Micha tấn công là vi phạm quyền tự do thư tín. Ông ta nói, chỉ tình cờ biết nội dung bức thư ngỏ vì nghi Michael buôn lậu tem!!!

Rồi bộ ba quyết định cho Michael lãnh án 4 năm tù. Luật sư khỏi cần cãi!

Sau ngày thống nhất đất nước Michael không nghĩ đến việc trả thù ba vị quan chức cũ. Anh nói:
– Họ vì mù quáng nên muốn phá hoại đời tớ, nhưng chúng tớ đâu có sụp đổ. Nay tớ không muốn hại họ làm gì vào buổi chợ chiều.

Michael tha, nhưng những bàn tay đó dính quá nhiều bùn và máu nên có những nạn nhân khác không tha. Tháng 3.1998 Michael đọc báo thấy bà quan tòa Klabuhn bị bắt trên đường phố và tống giam. Lý do là có nhiều tù chính trị kiện bà này vì những bản án bỏ túi vô nhân đạo.

Bà công tố viên Christa Krüger thì từ năm 1994 đã phải hầu tòa. Lý do là bà ta đã bị một cặp vợ chồng Đông Đức kiện vì đã bỏ tù họ 3 năm, chỉ vì họ viết thư cho báo chí Tây Đức kể về vụ đơn xin xuất cảnh sang Tây Đức đoàn tụ gia đình 5 lần bị từ chối. Tất nhiên Krüger và đồng bọn chống trả quyết liệt, cũng như trong các vụ khác. Khui hồ sơ ra thì thấy bà này đã từng bỏ tù 25 người chỉ vì họ có ý đồ hoặc đệ đơn xin di cư sang Tây Đức (xem ảnh). Tòa buộc tội bà này “Tước đoạt quyền tư do của công dân” và cho 2 năm tù treo, vì sức khỏe kém.

Thiếu tá Mascher gặp một cựu tù chính trị khác trong một siêu thị, hai người nhận ra nhau. Mascher sợ phải đối diện với nạn nhân của mình nên trốn như chuột. Anh này đuổi theo đến cùng.

Anh chỉ vào mặt Mascher thét lớn:
– Thằng hèn, hãy sống như con người, nhìn vào mắt tao đây!

Anh khinh bỉ bỏ đi, Mascher đứng như trời trồng, đầu cúi gục, vai buông xuôi.

Mỗi người một hình phạt khác nhau. Nhưng lưới trời là một.

—–

Cựu Bộ trưởng An ninh Quốc gia E.Mielke (trái) và E. Honecke (phải) trong ghế bị cáo phiên tòa xét xử những kẻ ra lệnh bắn người vượt biên. Ảnh: internet

Cảnh sát Tây Berlin cứu người Đông Đức bị bắn khi vượt biên giới.

Báo chí đưa tin vụ bà Krüger bị bắt vì đã từng tuyên án 25 người, chỉ vì họ muốn sang Tây Đức định cư. Tội trạng: Vi phạm quyền tự do cư trú của Hiến pháp CHDC Đức. Ảnh: internet



---------------------------------------------------

XEM THÊM

Phiên xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải ngày mai 6.5.2020 khiến tôi nhớ lại bài viết cách đây hơn 2 năm.
---
Những bông hoa tử tù
20.3.2018







No comments:

Post a Comment

View My Stats