Thursday, 1 April 2021

TRƯỚC THỀM BẦU CỬ QUỐC HỘI : BẮT ĐỐI LẬP, LOẠI PHẢN BIỆN, PHẠT THẢO LUẬN (minh-luat's blog)

 



Trước thềm bầu cử Quốc hội: Bắt đối lập, loại phản biện, phạt thảo luận

minh-luat's blog

Thứ Tư, 03/31/2021 - 15:28 — minh-luat

https://www.rfavietnam.com/node/6740

 

Cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa 15 (2021-2026) sẽ diễn ra vào ngày 23/5 tới. Trước Hội nghị hiệp thương lần 3 vào giữa tháng 4 để công bố danh sách chính thức các ứng viên, chính quyền Việt Nam đã gia tăng kiểm soát cuộc bầu cử bằng cách bắt giam những người ứng cử đối lập, loại bỏ các dân biểu phản biện mạnh mẽ, cũng như trừng phạt các công dân thảo luận tiêu cực về cuộc bầu cử này.

 

 

Sử dụng luật hình sự để loại bỏ ứng viên đối lập

 

Hai ứng viên đối lập là ông Lê Trọng Hùng và ông Trần Quốc Khánh bị bắt cùng tội danh cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 117 Bộ luật Hình sự, chỉ chưa đầy một tháng sau khi tự ứng cử. Ông Hùng bị bắt vào ngày 27/3 và ông Khánh bị bắt vào hôm 11/3.

 

Khác với các ứng viên được đề cử, hai ông là người tự ứng cử có chương trình vận động tranh cử nhắm đến cử tri thông qua mạng xã hội. Trước đó, trên trang mạng xã hội cá nhân, hai ông đã thể hiện các quan điểm bất đồng khi liên tục đăng tải về việc vi phạm nhân quyền, cáo buộc tham nhũng của các quan chức nhà nước và tranh chấp lãnh thổ của Việt Nam với Trung Quốc trên Biển Đông.

 

Tại kỳ bầu cử khóa trước, nhiều người bất đồng chính kiến ra tranh cử đều được trải qua Hội nghị hiệp thương tại nơi cư trú, dù sau đó bị loại bởi những màn đấu tố và bôi nhọ, nhưng không ai bị bắt trước ngày bỏ phiếu. Tuy nhiên, đến kỳ bầu cử lần này, việc bắt giam ông Hùng và ông Khánh trước ngày diễn ra Hội nghị hiệp thương lần 3, cho thấy đảng cầm quyền đã leo thang sự trấn áp bằng cách sử dụng luật hình sự để loại bỏ ứng viên đối lập.

 

Việc bắt giam hai trường hợp này cũng chính là sự cảnh báo trừng phạt hà khắc nhắm đến những người bất đồng chính kiến muốn ứng cử để chống lại quy trình “Đảng cử, dân bầu”- điều mà đảng cầm quyền đánh giá là ‘ứng cử để phá hoại bầu cử’.

 

 

Dập tắt những tiếng nói phản biện trong nghị trường

 

Cũng tại kỳ bầu cử này, công chúng không khỏi nối tiếc khi những dân biểu được đánh giá có tiếng nói phản biện quyết liệt tại nghị trường ở khóa 14 đã không còn được cơ quan chính quyền đề cử tham khóa 15.

 

Các đại biểu này có thể kể đến là ông Lưu Bình Nhưỡng (thuộc đoàn Bến Tre), ông Dương Trung Quốc (thuộc Đoàn Đồng Nai), ông Trương Trọng Nghĩa (thuộc Đoàn TP.HCM), và bà Phạm Minh Hiền (thuộc Đoàn Phú Yên)...

 

Trong một cơ quan dân cử được đánh giá hầu hết là “nghị gật”, những tiếng nói không ngại va chạm của các vị dân biểu này nhanh chóng làm dậy sóng ở Hội trường Diên Hồng suốt khóa 14, nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri, với những chất vấn thẳng thắn và sự phê bình mạnh mẽ đối với các bộ ngành trong chính phủ.

 

Việc không đề cử các vị dân biểu này tái cử cho thấy giới cầm quyền muốn ngăn chặn những tiếng nói phản biện có khả năng vượt ra khỏi ‘ý Đảng’, dù tiếng nói của họ có thể đã chạm vào ‘lòng dân’. Rõ ràng, lòng dân là không đủ để giúp họ nhận được đề cử bởi sự lãnh đạo của đảng cầm quyền lên Mặt trận Tổ quốc, là nơi tổ chức các vòng hiệp thương để chốt lại danh sách ứng viên trước ngày bỏ phiếu, và bởi đảng viên không được phép tự ứng cử nếu Đảng không cho phép.

 

 

Xử phạt các thảo luận tiêu cực

 

Các ý kiến chỉ trích hay các thảo luận tiêu cực của công dân liên quan đến bầu cử là bị cấm đoán và nhanh chóng bị gỡ bỏ trên các trang thông tin do nhà nước kiểm soát. Chính quyền sử dụng truyền thông nhà nước và các dư luận viên ra sức tuyên truyền cũng như huy động hệ thống chính trị săn lùng các ý kiến tiêu cực về bầu cử trên không gian mạng để xử lý.

 

Vào ngày 29/3/2021, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Huy Hùng số tiền 7,5 triệu đồng với cáo buộc xuyên tạc bầu cử, phát tán thông tin sai sự thật, vi phạm Nghị định 72 của chính phủ về sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

 

Theo đó, ông Hùng đã thảo luận thông tin về bầu cử trong nhóm Zalo của dân cư khu đô thị Đô Nghĩa, quận Hà Đông, với nội dung bình luận: "Bầu hay ko bầu thì có khác gì nhau đâu bác? Người ta sắp xếp hết rồi, mình đi bầu cho phí thời gian. Có phải như bầu Biden vs Trump đâu!..Mà thôi ko nói chuyện cải này nữa anh. Chỉ tóm lại 1 điều, bầu cử ở VN là vớ vẩn và láo toét. Thế thôi. Chưa bầu đã biết từ..năm ngoái rồi!". 

 

Việc xử phạt các bình luận tiêu cực liên quan tới bầu cử cho thấy chính quyền bóp nghẹt không gian thảo luận của công chúng trong việc lựa chọn ra đại diện cho mình. Điều này đã dẫn đến một thực tế là cuộc bỏ phiếu của công dân sau đó chỉ nhằm hợp thức hóa cho sự lựa chọn trước đó của chính quyền.

 

 

Liên Hợp Quốc nói gì về bầu cử Việt Nam?

 

Vào tháng 3/2019, Ủy ban Nhân quyền của LHQ đã ban hành một nhận xét kết luận, trong đó nhận định rằng, các nguyên tắc và thủ tục về bầu cử ở Việt nam là không đảm bảo quyền tham gia của công dân và thiếu cơ quan giám sát bầu cử độc lập.

 

Ủy ban đã quan ngại về điều kiện đối với ứng cử viên độc lập phải qua nhiều vòng hiệp thương với Mặt trận Tổ quốc, tổ chức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, để được công nhận là ứng cử viên, cũng như việc thành lập các đảng chính trị bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam là không được phép.

 

Ủy ban đã khuyến nghị nhà nước thành viên cần thông qua một hệ thống bầu cử đảm bảo việc thụ hưởng bình đẳng các quyền của tất cả công dân, trong đó có việc đảm bảo các cuộc bầu cử đủ minh bạch, trung thực và một hệ thống chính trị đa nguyên, tránh việc sử dụng các quy định hình sự để loại bỏ các ứng viên đối lập trong quá trình bầu cử.

 

minh-luat's blog

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats