TRONG
MỘT THỜI GIAN DÀI, TÔI GHÉT CHÍNH MÌNH VÌ CÁI NGOẠI HÌNH NHÌN KHÔNG GIỐNG DÂN
DA TRẮNG
Sharon Kwon - HUFFPOST
Giao
Thanh Pham lược dịch
https://www.facebook.com/giao.pham.127/posts/5887053787975275
(Một bài viết như một lời
thú tội của một cô gái Mỹ gốc Hàn sống ở Mỹ từ khi còn rất nhỏ. Có lẽ nó cùng một
tâm trạng với những người Mỹ gốc Việt muốn Tự Tẩy Trắng Mình, với ảo vọng về một
điều không thể thực hiện và không hề có – Được Đứng Chung Vào Hàng Ngũ của
Người Da Trắng - Người trẻ không nói làm gì, già khụm với tiếng Anh kiểu
Pho Mo Dia mà ước mơ kiểu này là kể như hết thuốc chữa.)
Tôi từng ghét chính mình,
vì mình là người Hàn Quốc. Tôi lớn lên ghen tị với những cô gái da trắng tóc
vàng, mắt xanh, thân hình mảnh khảnh trên TV và trên phim ảnh. Thật khó để
không ghét đôi mắt nhỏ và khuôn mặt mang những đường nét phẳng lì của mình khi
tất cả những gì tôi luôn thấy trên các phương tiện truyền thông, đều là chân
dung về vẻ đẹp của người da trắng. Ngay cả bố mẹ tôi cũng muốn tôi đi sửa mũi
và cạo bớt xương gò má vì đó là những gì họ nghĩ là đẹp, không phải khuôn mặt của
chúng tôi, mà là mẫu người họ mong muốn.
Tôi cảm thấy xấu hổ với sự
đánh giá của những người khác khi họ nhìn vào chúng tôi: kém văn minh, ồn ào,
hơi thở nặng mùi tỏi, và ngớ người với tiếng Anh Bồi và nặng giọng đến khó hiểu
của chúng tôi. Tôi ghét gia đình mình bị thù hằn và đóng kín đến độ dường như
không có gì bên ngoài chúng tôi được phép vào và chúng tôi không được phép ra
bên ngoài.
Tôi đã từng ghét ở xung
quanh những người dân châu Á khác - một phần vì giống như hầu hết những người Mỹ
gốc Hàn, tôi lớn lên từ ảnh hưởng của nhà thờ và nghĩ rằng tất cả người Hàn Quốc
đều là những Cơ Đốc Nhân hay phán xét người khác, cũng chỉ vì tôi không chịu chấp
nhận rằng mình giống họ.
Tôi ghét cách người dân
châu Á đi du lịch cùng nhau thành từng đoàn và ngôn ngữ của họ có vẻ rất ồn ào
so với sự đồng nhất và êm đềm của tiếng Anh. Tôi thường chế giễu những người
châu Á khác, tin rằng tôi không giống họ, và cố tự thuyết phục bản thân rằng
tôi là người Mỹ - hoặc nước da của tôi trắng hơn - hơn da của họ.
Cathy Park Hong, tác giả cuốn sách "Minor Feelings: An American American
Reckoning", viết, "Lòng căm thù chủng tộc là nhìn bản thân
theo cách người da trắng nhìn bạn, điều này biến bạn thành kẻ thù tồi tệ nhất của
chính mình." Tôi đã trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình ngay từ
khi tôi đặt chân đến phi trường LAX lúc mới 3 tuổi, khởi đầu và mất gần như cả
cuộc đời để cố gắng trở nên trắng hơn, trong sự cố gắng đến tuyệt vọng để được
nhìn nhận và để được chấp nhận nhập vào hàng ngũ của dân da trắng.
Trong phần lớn tuổi thanh
xuân và tuổi trưởng thành của mình, tôi đã dành thời giờ có được ở Mỹ để sống
còn. Việc thể hiện sự tâng bốc quá đáng hoặc khúm núm với dân da trắng chính là
một trong những phản ứng khi bị đè nén, tương tự như sự chọn lựa giữa việc bỏ
chạy, đứng lại chiến đấu hoặc chết cứng chịu trận. Ngu xuẩn nhất là việc bằng mọi
cách làm vui lòng người khác nhằm xóa đi những xung đột hi vọng mang lại cảm
giác an toàn.
Tôi đã bằng nhiều cách,
mong muốn làm hài lòng những người da trắng và nhìn bản thân như cách họ nhìn
tôi. Tôi đã tâng bốc bằng cách cười với họ qua những câu nói đùa phân biệt chủng
tộc, tảng lờ như không nghe thấy những lời nói xúc phạm, những tên gọi kỳ thị
và những lời chế nhạo lập đi lập lại, coi thường những nền tảng văn hóa cũng
như vẻ nhìn bề ngoài của tôi.
Tôi đã sớm biết rằng đây
là điều tôi phải làm để sống còn. Tôi đã cố gắng cười giã lả vô số lần đếm
không hết, khi người da trắng dùng câu "hãy mở mắt ra – open your
eyes" như một câu nói đùa vô hại, nhằm che bai cặp mắt của tôi nhỏ hơn của
họ. Tôi đã van nài bố mẹ mua cho mình những phần ăn Lunchables (một loại đồ ăn
chế sẵn đóng trong gói mà các học sinh Mỹ thường mang theo ăn trong bữa trưa
cho gọn nhẹ) để tôi không phải mang theo món kim chi nặng mùi đến trường cho bữa
trưa. Một người bạn từng nói với tôi rằng người tôi toát ra một thứ mùi kỳ lạ,
vì vậy tôi đã phải xịt nước hoa từ đầu đến chân để che giấu đi cái mùi Hàn Quốc
của tôi mỗi khi ra khỏi nhà.
Tôi tách biệt mình ra khỏi
những người gốc châu Á khác, nghĩ rằng tôi đã tìm ra giải pháp cho tất cả các vấn
đề của mình bằng cách sắp xếp để được đứng chung hàng ngũ của người da trắng,
bám lấy sự gần gũi cố gắng của tôi với người da trắng. Thay vì chỉ lặng lẽ tự
khép kín và thu nhỏ lại bản thân mình với những nỗi đau về chủng tộc vì bị kỳ
thị, tôi lại tiếp tay với người da trắng cùng chế giễu những định kiến đối với
người gốc châu Á khác đồng thời tôi tự loại bỏ những gì của bản thân, không phù
hợp với khuôn mẫu của người da trắng. Như có câu nói “If you can’t beat them,
might as well join them - Nếu bạn không thể đánh bại họ, thì vẫn có thể gia nhập
hàng ngũ của họ.”
Tôi đã tìm hiểu về “huyền
thoại cộng đồng người thiểu số kiểu mẫu – model minority myth”, được người da
trắng thiết kế nhằm khiến những người da màu chống lại nhau, trong việc đề cao
quyền tối thượng của người da trắng. Tôi đã xun xoe và cố gắng sống còn theo
cách duy nhất tôi biết, bằng cách hòa nhập - chỉ có điều, việc đó là không bao
giờ thực sự có thể xảy ra.
Mãi cho đến khi tôi lớn
tuổi hơn để có thể khám phá ra được cái nền văn hóa của mình qua cái nguồn gốc
gia đình của mình, tôi mới có thể đánh giá cao những phần này của bản thân mà
tôi đã luôn cố gắng giấu kín.
Một vài năm sau khi học đại
học, tôi cảm thấy được tiếng gọi của cố hương. Bố mẹ tôi đều được sinh ra trong
những gia đình đông con, vì vậy tôi có rất nhiều cô, chú, anh chị em họ và bà nội
bà ngoại của tôi đã chào đón tôi với vòng tay rộng mở. Tôi là con “cừu đen –
black sheep – chỉ đứa con hư hỏng) trong gia đình gốc gác của mình và sẽ mãi
mãi được nuôi dưỡng ở Mỹ, nhưng ở Hàn Quốc, tôi tìm ra nhà. Lần đầu tiên, tôi
thấy mình là một người Hàn Quốc.
Cuộc sống ở Seoul đối với
tôi giống như thiên đường vì xung quanh tôi là những gương mặt giống tôi. Cái
ngôn ngữ nghe rất khắc nghiệt ở Mỹ, nhưng ở Hàn Quốc, nó lại giống như một bài
hát cũ mà tôi biết và nhớ hết lời của nó. Tôi cảm thấy được sự kết nối và cảm
giác thân thuộc mà tôi chưa bao giờ cảm thấy ở Hoa Kỳ. Tôi không còn phải ghét
bản thân mình nữa.
Ở Hàn Quốc, tôi đã học về
lịch sử đau thương của chúng tôi và chủ nghĩa thực dân bắt nguồn từ việc phân
biệt chủng tộc đến mức nào. Tôi đã biết về cái khoảng thời gian dài mà người Hàn
Quốc chúng tôi đã phải mang theo và lưu truyền vết thương lòng này, từ thế hệ
này sang thế hệ khác, cho đến khi nó đến với tôi và gia đình tôi - những người
đầu tiên đặt chân đến vùng đất của cơ hội và tự do và có được cơ hội đạt được
cái giấc mơ Hoa Kỳ (một câu nói hàm ý rằng đất Mỹ là ước mơ của mọi người).
Nhưng điều đáng nói về giấc
mơ Mỹ là nó thực sự chỉ dành cho người da trắng. Tôi đã khám phá được rằng
trong vụ sụp đổ bong bóng địa ốc vào năm 2008 khi các ngân hàng quảng cáo, nhắm
mục tiêu vào các gia đình nhập cư, cho họ cơ hội đạt được giấc mơ khó nắm bắt
này … để rồi tước đoạt nó. Cha mẹ tôi đã mất tất cả tài sản và phải bắt đầu lại
từ số không, cuộc sống của họ.
Năm 1992, trong cuộc bạo
động ở Los Angeles, cảnh sát đã được phân phối đến các khu dân cư giàu có của
người da trắng, để giữ trật tự và trị an, trong khi các khu dân cư của người da
đen và của người Hàn Quốc bị thiêu rụi. Nhiều chủ doanh nghiệp Hàn Quốc đã tận
mắt chứng kiến cái cần câu sinh nhai duy nhất của họ biến mất ngay trước mắt. Ngày
hôm nay, vào năm 2021, tôi đã được xem hết video này đến video khác về những
người Mỹ gốc Á, chủ yếu là người già và phụ nữ, bị tấn công trên đường phố hàng
ngày. Hơn bao giờ hết, tôi nghe thấy những tiếng nói đó rất to và rõ ràng: Người
gốc Á chúng ta không bao giờ được coi là bình đẳng. Cho dù có phấn đấu đến đâu,
chúng ta cũng không bao giờ trắng đủ.
Khi tôi trở lại Hoa Kỳ,
tôi cảm thấy như mình vừa nhấn nút khởi động lại cuộc đời. Tôi phải nhập cư một
lần nữa với một đôi mắt mới mẻ qua một sự kết nối thực tế với văn hóa của người
Hàn Quốc mà tôi cảm thấy chân thực, thay vì những gì tôi biết từ nhà thờ và bán
kính 2 dặm ở một Korea-Town nơi tôi sinh sống trên đất Mỹ. Lần này, thay vì hội
nhập bằng cách đồng hóa hoàn toàn, mục tiêu của tôi là tiếp nhận văn hóa của Mỹ mà không ảnh hưởng đến ý
thức về bản thân.
Điều đầu tiên tôi làm là
tìm cho mình một nhà trị liệu tâm lý người Mỹ gốc Hàn, người hiểu được cảm giác
lớn lên theo hai nền văn hóa ở Mỹ để chữa trị những vết thương chủng tộc và các
vấn đề về bản sắc của tôi.
Đó là khi tôi nhận ra rằng
mình không đơn độc và có những từ ngữ để mô tả những người trong chúng ta, những
người bao gồm nhiều hơn một chủng tộc và lớn lên chịu những tổn thương đặc biệt
khi tiếp xúc với văn hóa ở Mỹ mà không hề có bất kỳ sự hướng dẫn hoặc hỗ trợ
nào. Nhờ trị liệu, tôi hiểu rằng tôi có thể tồn tại với cả 2 bản chất, người
Hàn Quốc và người Mỹ.
Khi lớn lên, tôi học ở
trường rằng nước Mỹ là một “lò luyện văn hóa - cultural melting pot”. Nhưng những
gì xảy ra trong một nồi nấu hầm bà lằng văn hóa đó là tất cả những nền văn hóa
đến từ nhiều nơi trên thế giới trộn lẫn với nhau và làm xói mòn những đặc điểm
tạo nên sự độc đáo của mỗi nền văn hóa khác biệt, để cuối cùng, nó trở thành một
cái nồi súp nhạt nhẽo của nền văn hóa thống trị. Giờ đây, tôi thấy nước Mỹ là sự
kết hợp của nhiều hương vị, nơi người nhập cư và người da màu có thể bảo tồn
phong tục của chúng ta đồng thời thích nghi với cuộc sống ở Mỹ.
Ngày nay, tôi tự hào về
khả năng song ngữ của mình. Tôi thích sử dụng tiếng Hàn của mình ở Korea-Town
và có thể cung cấp liệu pháp tâm lý bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Tôi thích làm
kim chi và mỗi năm tôi đều làm những hũ kim chi để tặng cho những người bạn
không phải là người châu Á, những người có khẩu vị chịu được cay.
Tôi không còn xấu hổ về bản
thân mình và nơi tôi đã sinh ra. Mặc dù tôi biết mình không thể thay đổi người
khác và hoàn cảnh khác biệt, nhưng tôi có thể nuôi dưỡng bản thân và cách tôi
nhìn nhận sự khác biệt của bản thân và thế giới chung quanh.
Bây giờ khi ai đó hỏi tôi
cái câu hỏi đã một thời từng là một câu hỏi rất kinh hoàng với tôi: "Bạn đến
từ đâu? – Where are you from?" giờ đối với tôi, thực sự có nghĩa là,
"Bạn là người gì? – What are you?" - Tôi tự hào trả lời rằng tôi là người Mỹ gốc Hàn bởi vì
tôi muốn bình thường hóa sự thật rằng đất nước này được tạo nên bởi con người với
đủ màu sắc, hình dạng, kích thước và sắc tộc. Tôi nhìn bản thân từ lăng
kính của chính mình thay vì lọc bản thân để được đứng chung với người da trắng
bởi vì tôi muốn cho thế giới thấy rằng nước Mỹ thực sự nhìn ra sao.
----
NGUỒN :
I Hated Myself For Not Being White For Most Of My Life. Here’s How I Stopped.
Sharon Kwon, Guest Writer
04/07/2021 09:00 am ET
No comments:
Post a Comment