Thursday, 15 April 2021

TẢN MẠN THÁNG TƯ (Anh Tan Vo)

 



Tản mạn tháng Tư  

ANH TAN VO

Apr 15, 2021

https://saigonnhonews.com/tan-man-thang-tu/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/04/DTC-14.jpg

Minh họa: Đinh Trường Chinh

 

Năm 1954 Hiệp định Geneve được ký kết, chia Việt Nam thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia cắt Bắc Nam, chiến tranh tạm chấm dứt. Thời gian này nhạc sĩ Phạm Duy có mơ ước và vẻ nên một bức tranh rất nên thơ, lãng mạn bằng âm nhạc, trong ca khúc Ngày Trở Về:

 

“Ngày trở về có anh nông phu chống nạng cày bừa. Vì yêu thương anh, nên ngày trở về có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ… Ngày trở về lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ. Gió mát trăng thanh, ôi ngày trở về có anh thương binh sống đời hòa bình…”.

 

Niềm vui chưa được bao lâu sau khi thực dân Pháp ra đi, chiến tranh Quốc Cộng lại ập đến và ngày càng khốc liệt hơn sau đó. Trong hoàn cảnh đau thương tang tóc ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng mơ ước hòa bình và cũng vẽ nên bức tranh bằng âm nhạc, qua ca khúc Tôi Sẽ Đi Thăm:

 

Khi đất nước tôi không còn giết nhau, trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường… Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng. Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam. Tôi đi chung cuộc mừng và mong sẽ quên, chuyện non nước mình…”.

 

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng mơ ước tương tự qua ca khúc Hòa bình ơi! Việt Nam ơi!:

 

“Mai đây hòa bình, khung trời quê mình rộng bao la, đàn chim tung cánh bay xa, Bắc Nam rồi không còn ngăn cách… Mai đây hòa bình, con tàu chở đoàn người di cư, về thăm đất Bắc thân yêu đã xa lìa trong thời niên thiếu…”.

 

Cùng thời với Trịnh Công Sơn, Trầm Tử Thiêng, nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân cũng thế, qua ca khúc Một Mai Giã Từ Vũ Khí:

 

“Trả súng đạn này, khi sạch nợ sông núi rồi. Anh trở về quê, trở về quê, tìm tuổi thơ mất năm nao… Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa. Rồi anh sẽ đón cha mẹ về. Rồi anh sẽ sang thăm nhà em. Với miếng cau, với miếng trầu, ta làm lại từ đầu…”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/04/uoc-mo.jpg

Minh họa: Đinh Trường Chinh

 

Không riêng gì nhạc sĩ, sau bao năm chiến tranh tang tóc triền miên, ai ai cũng mong ngày hòa bình, đoàn viên sum họp. Thế rồi ngày “hòa bình thống nhất” mà bao nhiêu người mỏi mòn chờ đợi cũng đã tới. Nam Bắc một nhà, chiến tranh tang tóc không còn nữa. Tuy nhiên những ước mơ bình dị hiền hoà, chính đáng đã không thành hiện thực và tan theo mây khói. Anh thương binh không chống nạng cày bừa trên đám ruộng sâu với con trâu xanh, mà lang thang lem luốc với đủ nghề để mưu sinh, kể cả “nghề” ăn xin để sống lây lất qua ngày. Những người lính “giã từ vũ khí” may mắn sống sót với nguyên vẹn hình hài, không về nguyên quán để vui cùng ruộng nương, dựng lại căn nhà xưa, đón cha mẹ về và đem trầu cau sang nhà em để tính chuyện tương lai, mà bị đưa đi trong những chuyến xe, chuyến tàu mịt mùng chạy xuyên đêm, tới những nơi rừng sâu nước độc trên mọi miền đất nước, để “học tập cải tạo” thành những con người mới, trong xã hội mới.

 

Bắc Nam sau ngày “thống nhất” bàng hoàng ngơ ngác. Đổi tiền, đánh tư sản, hợp tác xã, ngăn sông cấm chợ, thực hiện chế độ tem phiếu và lùa dân đi kinh tế mới v.v… Phố xá, con người trông lo âu và nhếch nhác trong “ngày vui lớn”. Em thôi sách vở, ra nông trường phơi lưng dưới nắng Hè gay gắt để đào kinh, khai hoang làm rẫy. Chị tất tả ngược xuôi chạy ăn từng bữa cho đàn con nheo nhóc, chờ mong chồng “cải tạo” trở về. Người Bắc kéo vô Nam, người Nam chạy ra biển, rời xa quê hương bằng những chuyến ra khơi lành ít dữ nhiều. Đoàn người di cư ngày xưa không về thăm đất Bắc đã xa trong thời niên thiếu mà ngậm ngùi ra đi, hay tủi hờn ở lại.

 

Một lần nữa, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã vẽ lên bức tranh sau ngày “hòa bình thống nhất”. Và bức tranh lần này đầy màu sắc u tối, ảm đạm, có thể nói toàn  màu đen, qua ca khúc 1954 Cha Bỏ Quê, 1975 Con Bỏ Nước:

 

“Một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa. Chốn đã chôn nhau, cắt rốn bao nhiêu đời. Một ngày năm bốn, cha bỏ phương trời. Một miền Bắc tối tăm mưa phùn rơi. Một ngày bảy lăm, con bỏ nước ra đi. Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ. Giờ cha lưu đày ở ngay trên đất ta. Và giờ con lưu đày ở đây trên xứ lạ…”.

 

Trong bốn nhạc sĩ có nhạc trích dẫn ở trên, một bị lưu đày trên đất ta và ba đã bị lưu đày trên xứ lạ. Trịnh Công Sơn đã lìa quán trọ trần gian sớm nhất để ra đi khi tuổi đời chưa qua bảy mươi. Cuối đời, Phạm Duy như chiếc thuyền con tả tơi sau phong ba bão táp đã quay về bến cũ, dầu rằng bến cũ giờ đây cũng đìu hiu quạnh vắng hững hờ. Trầm Tử Thiêng và Trịnh Lâm Ngân như những chiếc lá vàng lìa cành xa cội, bị giông tố cuốn bay xa, hun hút. Tất cả họ đã ra đi và cuối cùng gặp nhau nơi cõi hư vô. Họ để lại cho đời những tình ca bất tử và những giấc mơ hòa bình, nhưng giấc mơ vẫn chưa trọn vẹn, và ngày ấy vẫn còn rất xa, xa thẳm…

 

15-4-2021

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats