Sunday 11 April 2021

NHÀ CẦM QUYỀN CSVN CHẲNG CÓ LỢI GÌ KHI BẮT ĐỒNG CHUÔNG TỬ (Jackhammer Nguyễn)

 



Nhà cầm quyền CSVN chẳng có lợi gì khi bắt Đồng Chuông Tử

Jackhammer Nguyễn

11/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/11/nha-cam-quyen-csvn-chang-co-loi-gi-khi-bat-dong-chuong-tu/

 

Một nhà thơ người Chăm là Đồng Chuông Tử, tên thật là Nguyễn Quốc Huy, sinh năm 1980, ở tỉnh Bình Thuận, bị mất tích từ ngày 7/4/2021.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/0-45.jpg

Nhà thơ Đồng Chuông Tử. Nguồn: Facebook nhân vật

 

Hôm 10/4/2021 Inra Sara, một nhà thơ người Chăm khác và là bạn của Đồng Chuông Tử, viết rằng, ông biết từ nhiều nguồn khác nhau, rằng bạn ông bị tạm giam từ chiều ngày 7/4/2021.

 

Lý do tại sao ông Đồng Chuông Tử bị câu lưu chưa được biết, bởi không có thông báo nào chính thức từ phía nhà cầm quyền. Những người bạn của ông đưa ra giả định, rằng ông bị bắt vì dám “cả gan” dự tính ứng cử đại biểu Quốc hội.

 

Trên trang Facebook của mình, người ta thấy ông nói đùa, nhưng rất thật rằng, ông làm gì có cửa để mà trúng cử. Không biết là ông có nộp hồ sơ ứng cử hay không. Có người cũng nói rằng ông rắc rối là vì liên quan đến việc đấu tranh đòi đất cho dân chúng địa phương.

 

                                                        ***

Đồng Chuông Tử sống tại tỉnh Bình Thuận, là vùng đất vẫn còn khá đông người Chăm sinh sống. Người Chăm là hậu duệ của Champa, vương quốc oanh liệt một thời, tồn tại nhiều thế kỷ, hùng cứ trên dãy đất miền Trung, Việt Nam hiện nay.

 

Có lẽ vì Bình Thuận là một trong những vùng đất khô cằn nhất Việt Nam, cho nên những gia đình người Chăm thoát được sự đồng hóa bởi người Việt khi Champa sụp đổ sau trận Đồ Bàn (Vijaya, Bình Định ngày nay) vào năm 1471, quân đội Đại Việt của vua Lê Thánh Tôn đã san phẳng thành này, giết hơn 40 ngàn người, trong đó có nhiều dân thường, mà sử sách ghi lại.

 

Theo các con số thống kê của nhà nước Việt Nam, có gần 180 ngàn người Chăm đang sống ở Việt Nam, trong đó Ninh Thuận (khoảng 72.000 người) và Bình Thuận (47.000 người) là hai khu vực có đông người Chăm nhất.

 

Hiện nay, trong cấu trúc quyền lực chính trị của Việt Nam từ cấp trung ương đảng trở lên, không có người Chăm nào.

 

Kể từ trận Đồ Bàn bị thất thủ năm 1471, sự tồn tại của cộng đồng người Chăm bên cạnh người Việt không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, tuy nhiên cũng không có biến động gì lớn.

 

Minh Mạng là vị vua có nỗ lực mạnh mẽ nhất để đồng hóa người Chăm. Thậm chí ông đã ban họ Nguyễn cho một dòng tộc được xem là vua của người Chăm ở vùng Tam Phan (Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết), tức là hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay.

 

Sau khi những người cộng sản lên cầm quyền trên toàn quốc vào năm 1975, một số người Chăm tham gia phong trào Fulro, đòi tự trị cho các sắc dân thiểu số Tây Nguyên và người Chăm. Fulro viết tắt từ tiếng Pháp, “Front Unifié pour la Libération des Races Opprimées”, có nghĩa là “Mặt trận Đấu tranh Liên hiệp của các sắc tộc bị áp bức”. Phong trào này tồn tại ở Việt Nam không lâu, đến cuối thập niên 1970 đã bị dẹp, sau đó họ chạy qua Cambodia, kéo dài đến năm 1992 thì chấm dứt.

 

Tuy không có mặt trong chính trị, nhưng trong thời gian khoảng 20 năm trở lại đây, có nhiều gương mặt người Chăm nổi lên trong thơ văn, nghiên cứu văn hóa, như hai nhà thơ Inra Sara (Phú Trạm), Đồng Chuông Tử, hai nhà nghiên cứu văn hóa Văn Món (Sakaya), Phú Văn Hãn.

 

Khuynh hướng của các nhân vật này khá đa dạng, Văn Món và Phú Văn Hãn làm việc trong các cơ quan nhà nước, Phú Trạm (Inra Sara) và Đồng Chuông Tử là những nhà thơ tự do, trong đó Phú Trạm được xem như nhân vật vừa có tiếng nói trong cộng đồng người Chăm, vừa có thể thương thuyết cùng các giới chức cầm quyền.

 

Ông Đồng Chuông Tử gần đây nổi lên là một người có nhiều phản biện với nhà cầm quyền, như bài viết của ông trên BBC Việt ngữ, ngay sau vụ biểu tình lớn trên cả nước trong hai ngày 10 và 11/6/2018, trong đó một số trụ sở nhà nước ở Bình Thuận bị phá hủy.

 

Trong những bài thơ của mình, ông Đồng Chuông Tử cũng thể hiện một cảm xúc bất an khi chứng kiến nền văn hóa của tổ tiên bị lãng quên, bị chèn ép bởi sự trục lợi của cộng đồng đa số, qua các câu sau đây trong bài ‘Phan Thiết’:

 

“Vùng đất này kinh tế như cá phơi

Dưới nắng to mau khô và thơm lừng hương khói

Gốc gác ấy một tháp Chàm không nói

Ngày ngày mở cửa đón khách tham quan

Khi thương nhớ

Ngộ thay người ta chỉ nhớ Lầu Ông Hoàng

Ôm chuyện kể của nhà thơ bất hạnh”.

 

Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết là một di tích về nhà thơ siêu thực người Việt, Hàn Mặc Tử. Lầu Ông Hoàng là biểu hiện của văn hóa đa số, còn tháp Chàm là thiểu số, dù vang bóng một thời.

 

                                               ***

Đồng Chuông Tử hội tụ nhiều yếu tố có thể làm cho nhà cầm quyền bất an: Một thủ lĩnh người thiểu số, một người thường lên tiếng chỉ trích những việc làm sai trái của nhà cầm quyền,… và có “toan tính” tự ứng cử.

 

Theo nhận xét của nhà thơ Inra Sara, là người có khuynh hướng ôn hòa, thì Đồng Chuông Tử “là một con chim quý, nhưng đôi khi hót lạc điệu”. Ý ông Inra Sara nói rằng, Đồng Chuông Tử có khuynh hướng quá khích, thách thức nhà cầm quyền cộng sản, bên cạnh việc thách thức sự độc tôn của người Việt.

 

Có thể Inra Sara đã quá thận trọng, vì xuyên suốt những phát biểu của Đồng Chuông Tử, ta thấy đó là những phát biểu của một công dân có trách nhiệm, với những bất an về văn hóa Chăm, sự thách thức Việt – Chăm trong thơ của ông, chưa thể so được với nhà thơ người Việt viết về người Chăm là Chế Lan Viên qua tập thơ “Điêu Tàn” của mình.

 

“Cả Dĩ Vãng là chuỗi mồ vô tận
Cả Tương Lai là chuỗi huyệt chưa thành
Và Hiện Tại, biết cùng chăng hỡi bạn
Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh!”

(Trích từ bài thơ “Những nấm mồ”, trong tập thơ “Điêu tàn” của Chế Lan Viên).

 

Người Chăm vùng Ninh Bình Thuận sống hiền hòa mấy chục năm qua, dù họ bị chèn ép đủ thứ, từ chuyện đất đai cho đến hàng loạt dự án xây nhà máy nhiệt điện (Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4), tàn phá môi trường trên vùng đất văn hóa linh thiêng của họ. Nay nếu vì ý định ngăn cản một tiếng nói của cộng đồng, một con chim quý (như lời của Inra Sara), mà bắt giam Đồng Chuông Tử, nhà nước Việt Nam chẳng có lợi gì cả, thậm chí là cái sấy nẩy cái ung, khuấy động những vấn đề sắc tộc.

 

Những nhà thơ Chăm ấy, từ Inra Sara đến Đồng Chuông Tử, đều làm thơ tiếng Việt, họ viết tiếng Việt giỏi hơn một số người Việt. Tên trên giấy tờ của Đồng Chuông Tử là một cái tên Việt Nam: Nguyễn Quốc Huy.

 

Ông Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự từ Hà Nội, nói với BBC rằng, “Với trường hợp của ông Đồng Chuông Tử, với tư cách một nhà thơ người dân tộc ít người, dân tộc Chăm, nếu đúng là ông bị chính quyền bắt và họ làm không khéo, thì có thể có vấn đề sẽ trở thành rất lớn đối với chính quyền”.

 

Khi tôi viết những dòng này, được tin Đồng Chuông Tử đã được thả ra, về nhà an toàn, qua thông báo của ông vài tiếng trước. Mong ông bình an, không gặp rắc rối với nhà chức trách trong những ngày tới.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats