Friday 9 April 2021

NẠN KỲ THỊ NGƯỜI GỐC Á - MỘT SỐ BIỆN PHÁP (Hoài Hương - VOA)

 



Nạn kỳ thị người gốc Á - Một số biện pháp

Hoài Hương-VOA

10/04/2021

https://www.voatiengviet.com/a/nan-ky-thi-nguoi-goc-a-mot-so-bien-phap/5847624.html

 

Từ khi ca Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Hoa Kỳ, hơn 3000 vụ tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương – gộp chung lại là cộng đồng AAPI, đã được ghi nhận trên khắp nước, nạn nhân đa số là người già và phụ nữ.

 

https://gdb.voanews.com/A13B9807-B1AC-483A-9926-8929ACD3208D_cx0_cy8_cw0_w650_r1_s.jpg

Người biểu tình giăng biểu ngữ với khẩu hiệu "Cộng đồng AAPI chống Hận thù Chủng tộc" tại một cuộc tuần hành để phản đối các tội ác vì hận thù người gốc Á tại Newcastle, Washington, Ngày 17/3/2021. (REUTERS/Lindsey Wasson)

 

Không khỏi đau lòng khi xem lại những đoạn video quay cảnh những người già, phụ nữ vô cớ bị hành hung, bị xô mạnh xuống đường, có ca dẫn đến tử vong như trường hợp một lão ông 84 tuổi, qua đời sau khi bị tấn công khi đang đi bộ tại khu phố Anza Vista ở San Francisco. Họ không có tội, tất cả chỉ vì màu da của họ.

 

Khó có ai quên được cảnh một phụ nữ 65 tuổi đang đi ngang qua một cửa hàng ở trung tâm thành phố New York, bất thần bị kẻ lạ mặt đạp ngã xuống đường ngay trước một cửa tiệm, sau đó hung thủ liên tục đá vào người, vào đầu, vào mặt nạn nhân, giữa thanh thiên bạch nhật… Càng đau lòng hơn khi thấy trong video, những người chứng kiến trố mắt ra nhìn khi nạn nhân bị thương, bàng hoàng ngơ ngác lồm cồm bò dậy một mình, và trước cảnh đó, một người đàn ông vóc dáng to lớn ở trong tiệm bước ra khép lại cánh cửa, để mặc người đàn bà đáng thương kia ra sao thì ra.

 

Một số nhà phân tích cho rằng phía sau hiện tượng leo thang bạo lực nhắm vào cộng đồng AAPI là những thông tin sai lạc và nỗi sợ do thiếu hiểu biết, khiến họ đánh đồng người gốc Á với con virus xuất xứ từ Trung Quốc. Một số nhà phân tích cũng cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump phải chịu trách nhiệm một phần vì đã kích động những thành phần kém hiểu biết bằng những ngôn từ và lập luận của ông, như gọi Covid-19 là “Kung Flu” và “virus Vũ Hán”, qua đó liên kết virus Covid-19 với người Á châu, dù ông chủ yếu nhắm vào người Trung Quốc, nhưng trong mắt của những người đã có sẵn thành kiến, ít tiếp xúc với người Á châu, thì những sự khác biệt giữa những người gốc Á không có ý nghĩa gì hết, bất chấp họ đến từ những nước khác nhau, lịch sử khác nhau, ngôn ngữ, văn hóa, hoàn cảnh khác xa nhau.

 

 

Hiểm họa da vàng

 

Nhưng nạn kỳ thị người Á Châu phức tạp hơn nhiều và đã có từ lâu, lâu lắm, có lẽ từ khi những người Á châu đầu tiên, người Tàu, người Nhật, người Philippines… bắt đầu có mặt tại châu Mỹ.

 

https://gdb.voanews.com/1502E52A-DFF4-4749-8DAD-1FC1382C263D_w250_r0_s.jpg

Viet Hoai Tran, 27 t, cầm biểu ngữ "Hiểm họa Da vàng hậu thuẫn Sức mạnh cho người Da đen" ngày 15/6/2020 tại thủ đô Washington. (AFP)

 

Sự nghi kỵ và nỗi sợ người gốc Á dành việc của người da trắng, cùng với tinh thần bất khoan dung, không chấp nhận sự khác biệt của người khác, về màu da, ngôn ngữ, văn hóa, thực phẩm… khiến nhiều người da trắng xem người Á châu như một mối đe dọa đối với lối sống của họ. Nỗi sợ về “hiểm họa da vàng” xuất hiện từ đó và cùng với nó, nạn kỳ thị người gốc Á.

 

Dù có thời gian, nhờ các chính sách đúng đắn, một số hành động kỳ thị bị đặt ngoài pháp luật, thì những hành động kỳ thị trắng trợn có suy giảm, nhất là khi cộng đồng gốc Á nói chung tương đối thành công và được coi như các “cộng đồng mẫu mực”, nhưng trên thực tế, nạn kỳ thị chưa bao giờ bị dập tắt, mà nó luôn ngấm ngầm, âm ỉ, và dễ dàng bùng phát khi có ‘điều kiện thuận lợi’, như trong mấy năm qua khi mà một số chính khách và những người có ảnh hưởng trong xã hội, kích động tính cố chấp và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng Mỹ, dù vô tình hay cố ý.

 

Các hành động kỳ thị càng tăng từ khi Covid-19 bùng phát và hoành hành trên khắp Hoa Kỳ và thế giới trong năm qua. Từ cách thể hiện kỳ thị tương đối ‘nhẹ nhàng’ như từ chối phục vụ, tới những vụ cướp bóc, các vụ hành hung dẫn tới tử vong là điều đã xảy ra đối với các cộng đồng AAPI, da vàng và da nâu, hệ quả trực tiếp khi người dân gốc Á trở thành ‘vật tế thần’ trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

 

 

Phong trào chống kỳ thị

 

Trong hoàn cảnh này, nhóm bảo vệ dân quyền STOP AAPI HATE (Stop Asian American and Pacific Islander Hate) ra đời ở vùng Vịnh vào tháng Ba năm 2020. Mục đích là để thu thập các dữ liệu về những vụ tấn công- dù bằng lời hay bằng tay chân, đối với cộng đồng AAPI, hầu có đủ tài liệu và tìm những giải pháp để ngăn ngừa hay giảm thiểu tệ nạn này.

 

Bà Cynthia Choi, người sáng lập Stop AAPI Hate, giải thích lý do dẫn đến sự thành lập của nhóm, trong một cuộc phỏng vấn ngày dành cho chương trình Our America của luật sư Julian Castro, cựu Bộ trưởng Phát triển Đô thị và Gia cư thời Tổng thống Obama, cũng là cựu Thị trưởng thành phố San Antonio, bang Texas.

 

“Tôi nhớ rất rõ khi những tin tức về người gốc Á bị tấn công bắt đầu được loan tải. Thái độ kỳ thị, mức độ cay độc của nó, ngay cả truyền thông cũng nói virus Vũ Hán khi nhắc tới Covid-19. Chúng tôi hiểu ra ngay rằng tình hình sẽ xấu đi, rất nhanh. Chúng tôi bàn với nhau là phải bắt đầu thu thập các dữ liệu. Và chúng tôi bị sốc, thực sự sốc. Tới bây giờ, đã có 3000 sự cố được ghi nhận. Chúng tôi cũng biết là có nhiều trường hợp không được báo cáo. Chúng tôi hiểu ra rằng một trong những lý do phải thành lập trung tâm này là bởi vì có một thái độ ngờ vực sâu xa đối với chính quyền, và nhiều người ngần ngại không muốn báo cáo những gì xảy ra cho hệ thống công quyền vì nhiều lý do.”

 

https://gdb.voanews.com/31E96C1B-B9CF-411D-B588-045C3AA5B9EA_w250_r1_s.jpg

Người Mỹ gốc Việt tuần hành chống kỳ thị người gốc Á ở Little Saigon ngày 4/3/ 2021

 

Bà Choi nói bây giờ thì sự phẫn nộ đã dâng trào trong cộng đồng AAPI vì họ tin rằng “đối với xã hội Mỹ, cộng đồng AAPI hầu như vô hình và không được lắng nghe”. Bà nói bà cảm thấy hứng khởi vì nhiều người giờ đây đã tập họp lại để tìm những cách hầu thách thức một hệ thống chính quyền đã làm ngơ như không hề thấy, không hề biết tới cộng đồng AAPI bấy lâu nay.

 

Nhiều người trong các cộng đồng sắc tộc bị kỳ thị cũng đồng ý với bà, tin rằng đã tới lúc người gốc Á nên chủ động hơn để bảo vệ lấy mình, thay vì tiếp tục nhẫn nhịn trước thái độ kỳ thị và những cách đối xử bất công.

 

 

Cần có nhiều giải pháp song song

 

Nạn kỳ thị chống người gốc Á tại Hoa Kỳ là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi một hướng tiếp cận đa chiều.

Ngay từ đầu đại dịch, UNICEF đã nhận thức rõ vấn đề và đưa ra một số khuyến nghị hầu đối phó với tình trạng kỳ thị vì dịch Covid-19.

 

Trong một tài liệu phổ biến từ tháng 2 năm 2020, cơ quan của Liên Hiệp Quốc này đã đề nghị một số biện pháp để ngăn ngừa và giải quyết tình trạng kỳ thị liên quan đến dịch Covid-19.

 

Tài liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn từ để giảm những thành kiến trong cộng đồng. một đề nghị thiết thực là khi nói về bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19), không nên liên kết bệnh với một địa danh hoặc một dân tộc nào đó. Tài liệu của UNICEF nói vì thế mà không nên sử dụng tên gọi như "vi rút Vũ Hán", "vi rút Trung Quốc" hay "vi rút châu Á", mà nên dùng tên chính thức của bệnh. Theo tài liệu này, từ Covid-19 đã được chọn lựa một cách thận trọng nhằm tránh gây kỳ thị - "Co" là viết tắt của Corona, "vi" là viết tắt của virus, và “d” là viết tắt của disease – bệnh. Như vậy, Covid-19 là dịch bệnh do virus corona chủng mới xuất hiện năm 2019 gây ra.

 

Chính vì vậy mà các tài liệu chính thức cũng như truyền thông nói chung đều nói tới Covid-19.

 

Tài liệu của UNICEF nói rằng nhận thức sai lệch, tin đồn và tin giả góp phần gây nên tình trạng kỳ thị xã hội và phân biệt đối xử, tinh thần đoàn kết và hợp tác của cộng đồng thế giới sẽ giúp ngăn chặn tốt hơn sự lây truyền của dịch bệnh, và chính sự thật, chứ không phải nỗi sợ hãi, sẽ giúp chúng ta ngăn chặn dịch COVID-19.

 

Theo người sáng lập nhóm bảo vệ dân quyền STOP AAPI HATE thì cần có một hướng tiếp cận với sự tham gia của nhiều thành phần trong cộng đồng để đối phó với nạn kỳ thị chủng tộc đã ăn sâu bám rễ trong xã hội Mỹ.

 

 

Tình cảm bài Trung Quốc trong cộng đồng gốc Á

 

Vì yếu tố lịch sử và một số nguyên do khác, tâm lý ghét người Trung Quốc đã ăn sâu trong các cộng đồng người Việt, trong cũng như ngoài nước, một số người cho rằng nạn kỳ thị người gốc Á tại các nước Âu Mỹ bây giờ chỉ nhắm vào người Trung Quốc, và người Việt cũng như những người Á châu khác chỉ là nạn nhân bị vạ lây.

 

Những gì xảy ra gần đây chứng minh rõ rằng trên thực tế, những người bị kỳ thị và các nạn nhân bị hành hung không chỉ là người Trung Quốc hay có gốc Trung Quốc, mà phần lớn họ là người lớn tuổi hay phụ nữ người Việt Nam, người Thái Lan, Philippines, Mã Lai, Ấn Độ vv…

 

Nhưng kỳ thị là kỳ thị, da vàng là da vàng, mà kỳ thị và bạo lực nhắm vào bất kỳ ai cũng là tội ác đáng lên án. Dù ghét Trung Quốc, nhưng chúng ta nên nhận thức rằng người dân khác với thành phần chóp bu lãnh đạo chế độ độc tài đảng trị ở Bắc Kinh, người Trung Quốc tại Hoa Kỳ có thể là người tị nạn cộng sản, mới chạy sang Hoa Kỳ, hoặc người mà gia đình đã an cư lạc nghiệp tại đất nước này trong nhiều thế hệ…

Nhận chân được bộ mặt xấu xí của kỳ thị, chấp nhận nó là một thực tế, câu hỏi được đặt ra là liệu nên có một giải pháp đường dài và tập trung vào công tác giáo dục?

 

Người sáng lập Stop AAPI Hate đồng ý là phải có một giải pháp dài hạn, nhưng trước mắt cần tăng cường những dịch vụ hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của các nạn nhân và gia đình của họ, nhất là những người sống sót, đề ra những bước để đối phó với cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần mà cộng đồng nói chung đang phải đối mặt như một hậu quả của đại dịch.

 

Muốn đạt các mục tiêu đó, điều cần thiết, theo bà Choi, là phải tận dụng những nguồn lực và đầu tư vào các tổ chức cộng đồng. Các tổ chức này cần có tài nguyền để hướng dẫn và hỗ trợ những người sống sót và gia đình của họ, thúc đẩy các nỗ lực nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nạn kỳ thị và những yếu tố dẫn tới bạo lực và tội ác.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats