Friday, 2 April 2021

MỘT SỐ NHÂN VIÊN Y TẾ GỐC Á TUYẾN ĐẦU ĐỐI MẶT VỚI SỰ THÙ GHÉT GIỮA COVID-19 (VOA Tiếng Việt)

 



Một số nhân viên y tế gốc Á tuyến đầu đối mặt với sự thù ghét giữa COVID-19

VOA

03/04/2021

https://www.voatiengviet.com/a/mot-so-nhan-vien-y-te-goc-a-tuyen-dau-doi-mat-voi-su-thu-ghet-giua-covid-19/5838588.html

 

 

VIDEO :  Thời COVID: Đe dọa tăng cao nhắm vào nhân viên gốc Á tại Mỹ

https://www.voatiengviet.com/a/thoi-covid-de-doa-tang-cao-nham-vao-nhan-vien-goc-a-tai-my/5838825.html

 

WASHINGTON - Dù nhân viên chăm sóc y tế khắp nước Mỹ đương đầu với cuộc chiến đầy gian truân vào năm ngoái chống lại COVID-19, thách thức này tăng lên bội phần đối với các chuyên gia y tế người gốc Á, những người cũng phải làm việc giữa một làn sóng vụ tấn công và miệt thị nhắm vào người gốc Á xuất phát từ đại dịch.

 

“Năm ngoái có quá nhiều cảm xúc lẫn lộn khác nhau giữa đại dịch [và] các vấn đề liên quan đến sự bất công về sắc tộc. Tất cả những thứ đó hợp lại khiến cho năm ngoái rất khác so với những năm trước,” Austin Chiang, một bác sĩ có cha mẹ di cư từ Đài Loan đến Mỹ 10 năm trước khi anh sinh ra ở Irvine, bang California.

 

Cùng ngày sáu người phụ nữ Mỹ gốc Á bị sát hại cùng với hai người khác ở Atlanta vào tuần trước, tổ chức vận động Stop AAPI Hate công bố một báo cáo cho biết có 3.795 vụ tấn công vì thù ghét người Mỹ gốc Á và người từ các đảo Thái Bình Dương từ ngày 19 tháng 3 năm 2020 đến ngày 28 tháng 2 năm 2021.

 

Hơn 500 vụ đã được ghi nhận kể từ đầu năm nay.

 

COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện ở người tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc cuối năm 2019. Lan rộng toàn cầu kể từ đó, nó đã làm hơn 548.000 người thiệt mạng ở Mỹ, nơi có hơn 30 triệu ca nhiễm được xác nhận, theo Trung tâm Tài nguyên Virus corona Johns Hopkins.

 

Ở 16 thành phố đông dân nhất của Mỹ, các vụ tấn công người Mỹ gốc Á đã tăng gần 150% trong năm 2020 so với năm trước đó, theo số liệu do Trung tâm Nghiên cứu Thù hận và Chủ nghĩa cực đoan của Đại học California State.

 

Năm qua là năm mà bác sĩ Chiang dành thời gian để chiêm nghiệm. Có bằng thạc sĩ y tế cộng đồng của Đại học Harvard và bằng bác sĩ y khoa từ Đại học Columbia, anh tích cực phản bác những thông tin sai lạc về COVID-19 trên mạng xã hội trong tư cách giám đốc đặc trách thông tin y khoa trên mạng xã hội cho 14 bệnh viện được vận hành bởi Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia, bang Pennsylvania, và là người sáng lập Hiệp hội về Thông tin Y tế Mạng Xã hội (AHSM).

 

Cái chết của George Floyd, một người đàn ông người Mỹ gốc Phi thiệt mạng trong khi bị cảnh sát câu lưu vào tháng 5 năm ngoái ở Minnesota, và sự hồi sinh của phong trào Black Lives Matter, “đã làm suy nghĩ lại rất nhiều điều về… những cách mà chúng ta có thể cố gắng đưa sự bình đẳng vào ở nơi làm việc của tôi và bảo đảm rằng những người khác cảm thấy họ được đối xử công bằng, được nhìn thấy và được lắng nghe,” bác sĩ khoa tiêu hóa này nói với VOA Tiếng Quan thoại.

 

“Trong khi đó đồng thời chúng tôi đang bị người ta phán xét không phải vì kĩ năng của chúng tôi mà vì ngoại hình của chúng tôi và chắc chắn đó là điều gì đó ảnh hưởng đến rất nhiều người khác nhau.”

 

“Buồn cười nhất là một ông da trắng này gọi tôi là ‘cuốn chả giò,’” Vannthath Man, 42 tuổi, y tá phòng điều trị tích cực ICU tại Bệnh viện Inova Fairfax, bang Virginia, nói.

 

“Tôi không để bụng những lời nói như vậy … Ông ấy có thể có suy nghĩ đó sâu trong tiềm thức nhưng nếu ông ấy không chịu tác dụng của thuốc, nếu đầu óc của ông ấy không mụ mị, ông ấy sẽ không nói ra. Nhưng có cái suy nghĩ đó thôi đã là không đúng rồi.”

 

Sinh ra ở Battambang, Campuchia, Man từng bị bắt nạt đến bật khóc và bị hắt hủi trong những năm đầu tiên đi học sau khi anh đến Mỹ vào năm 1989 ở tuổi 12 cùng gia đình. Vào thời điểm đó, Man nói với VOA Tiếng Khmer rằng anh nghĩ “phải chi có ai đó giúp tôi thì có lẽ tôi đã không có những ý nghĩ về chuyện tự sát, có lẽ tôi đã không phải khổ sở như vậy. Vì thế đó là lý do tôi theo nghề điều dưỡng để trở thành y tá vì tôi muốn giúp mọi người.”

 

Trong một ngày mà bốn trong số sáu bệnh nhân COVID-19 của anh chết trong ICU, Man quay sang các phương pháp tự chăm sóc mà anh tạo ra cho chính mình khi còn là một thiếu niên. “Về mặt văn hóa, gia đình chúng tôi không cởi mở lắm khi nói về một số chuyện… Rất nhiều lúc tôi phải đương đầu một mình. … Vì vậy, ngày hôm đó, tôi nghĩ về những đặc điểm tích cực, những điều tích cực mà bạn cống hiến cho cộng đồng.”

 

Người gốc Á, sinh ra ở Mỹ và ở Châu Á tính chung, có tỉ lệ nhỏ một cách bất tương xứng trong lĩnh vực y tế so với số người gốc Á trong dân số tổng thể, theo số liệu từ Viện Chính sách Di trú và Thống kê dân số Hoa Kỳ.

 

Trong số những nhân viên y tế ở Mỹ sinh ra ở nước ngoài, 40% đến từ Châu Á.

 

Adam Conners, 35 tuổi, quê ở Malang, Đông Java, Indonesia. Anh đến Mỹ chơi với mấy người bạn vào năm 2011. Anh suy sụp vì những cơn co giật gây ra bởi bệnh lao giai đoạn cuối và phải nằm ba tháng tại Bệnh viện Đại học George Washington ở Washington, D.C., nơi y tá tận tình điều trị cho anh đến mức anh quyết định gia nhập hàng ngũ của họ.

 

Sau khi học tiếng Anh, anh đăng kí theo học một chương trình điều dưỡng cấp tốc tại Đại học Chamberlain ở Downers Grove, Illinois, rút bốn năm học thành 30 tháng. Anh tốt nghiệp bằng cử nhân năm 2017.

 

“Rất cực,” Conners nói với VOA Indonesia về chương trình học của mình. Giờ là y tá ICU trong bệnh viện nơi anh từng được chăm sóc, anh ấy đối xử với người Mỹ gốc Phi, gốc Mỹ Latin, gốc Á, Trung Đông, da trắng, “tất cả mọi người đều như nhau. Họ là bệnh nhân của tôi.”

 

https://gdb.voanews.com/FDCA3BC9-5D54-41E8-933F-3539908D1A4A_w250_r0_s.jpg

Adam Conners là y tá đến từ Indonesia. (Ảnh do Adam Conners cung cấp.)

 

Những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của anh ở độ tuổi 70 và 80, nhưng bây giờ trẻ hơn, ở độ tuổi 20 và 30.

 

“Rất buồn,” Conners nói. “Và khi tôi tan sở, tôi thấy những người ở ngoài đường không đeo khẩu trang hoặc không giãn cách xã hội. Tôi thấy đau lòng.”

 

Giá như những người ở ngoài đường có thể “nhìn thấy bên trong bệnh viện này, thấy bệnh nhân hấp hối,” Conners nói. Anh muốn quay về Indonesia để làm việc với một phòng khám địa phương, xây một phòng khám ngoại trú và “cố gắng giúp người dân của tôi.”

 

Làm y tá trong đại dịch đã dạy cho Conners giá trị của việc tự chăm sóc bản thân, bao gồm chăm sóc “tinh thần của tôi, sức khỏe tinh thần của tôi,” anh nói. Anh ước tính anh đã chứng kiến 100 bệnh nhân chết vì COVID-19. Đôi khi “tôi cảm thấy như COVID vừa đánh bại tôi. … Hoặc tôi cảm thấy như mình vừa thua trong một trận chiến với COVID.”

 

Wengang Zhang, 67 tuổi, sinh ra ở tỉnh tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc và đến Mỹ vào năm 1988 với tấm bằng y khoa mà ông đạt được từ trường mà bây giờ là Đại học Khoa học Y khoa Trùng Khánh. Là bác sĩ chăm sóc chính, ông hoàn thành khóa đào tạo tại Mỹ vào năm 1999 với khoảng thời gian nội trú tại Trung tâm Y tế Đại học California-Los Angeles.

 

Bác sĩ Zhang cho VOA Tiếng Quan Thoại biết thách thức lớn nhất mà ông từng đối mặt để có thể hành nghề y ở Mỹ “chắc chắn là ngôn ngữ nhưng một điểm khác biệt lớn khác là hệ thống, bảo hiểm này nọ. Trước đó tôi chưa từngg nghe nói về… bảo hiểm y tế, hoặc Medicare, Medicaid.”

 

https://gdb.voanews.com/980962F5-662C-4DC5-BC2C-893C87F062D3_w250_r0_s.jpg

Bác sĩ Wengang Zhang đến Mỹ năm 1988. Ông hiện đang hành nghề ở California. (Ảnh do Wengang Zhang cung cấp)

 

Ông hành nghề tại Springhill Medical Group ở Quận Contra Costa, phía đông San Francisco, nơi ông điều trị cho những bệnh nhân “người da trắng, da đen, Mỹ Latin hoặc người đảo Thái Bình Dương.”

 

Ông nói với VOA Tiếng Quan Thoại rằng ông đã tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của quận sau khi được gọi đến phòng cấp cứu địa phương.

 

“Tôi có thể cho bạn biết ngày chính xác… ngày 1 tháng 3. … Mọi thứ, dữ liệu, đều khớp với bất cứ điều gì chúng tôi biết được từ kinh nghiệm của Trung Quốc.”

 

Bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của quận hóa ra là một trong những bệnh nhân của chính bác sĩ Zhang, “một thanh niên trẻ khỏe và anh ta không hề biết nhiễm bệnh ở đâu.”

 

Sau khi khám bệnh, ông Zhang rời bệnh viện, mở tất cả cửa kính xe, lái xe về nhà, đậu xe, cởi đồ và chạy thẳng vào tắm mà không dừng lại nói chuyện với vợ.

 

“Hơn 20 năm hành nghề, đó là lần lần đầu tiên tôi nhận ra tính mạng của mình có thể gặp nguy vì tôi đã khám cho bệnh nhân này,” ông Zhang nói.

 

Theo một cuộc điều tra của Kaiser Health News và The Guardian, trong số 3.561 nhân viên y tế đã thiệt mạng trên chiến tuyến ở Mỹ tính đến tháng Một năm nay, 21% là người gốc Á và đảo Thái Bình Dương.

 

Một người từng nhiễm COVID-19 và sống sót là Tsering Dechen, 28 tuổi, người Tây Tạng đến Mỹ vào năm 2010 sau khi học xong trung học ở Nepal, theo sự thúc giục của mẹ cô để có được một nền giáo dục tốt. Sau một loạt những công việc lặt vặt, cô lấy bằng cử nhân điều dưỡng của trường Đại học Lehman, ở Thành phố New York vào năm 2019. Cô hiện là y tá bộ phận chăm sóc tiệm tiến tại Bệnh viện Elmhurst ở Thành phố New York, công việc mà cô ấy bắt đầu làm vài tuần trước khi những ca COVID-19 đầu tiên xuất hiện.

 

Nơi làm việc của cô ở trung tâm Queens, một khu nổi tiếng với sự đa dạng sắc dân từ Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Châu Đại Dương, Nam và Trung Mỹ. “Tôi cảm thấy như Bệnh viện Elmhurst là một điển hình cho thấy chúng ta cùng tồn tại với nhau như thế nào,” Dechen nói. Cô cho biết cô có nghe về những vụ bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á, đặc biệt là vụ tấn công một bác sĩ người Mỹ gốc Á.

 

“Tại sao bạn lại tấn công một người, một người duy nhất, chỉ vì ông ấy là người Mỹ gốc Á?” cô đặt câu hỏi. “Sao có thể quy trách chỉ một người về đại dịch này? Sao lại nổi cơn và tấn công một ai đó như vậy?”

 

“Mỗi ngày tôi nhận ra chúng ta giống nhau như thế nào,” Dechen nói với VOA Tiếng Tây Tạng. “Những người cao tuổi, nhu cầu của họ… bạn nhìn thấy bao nhiêu là sự tương đồng ở những sắc tộc khác nhau này.”

 

Võ Tấn Tiền, 44 tuổi, tốt nghiệp Đại học Y khoa Ross ở West Indies và hiện là giám đốc y tế Trung tâm Y tế VO ở Thung lũng Imperial của bang California, một khu vực nông nghiệp giáp với Mexico.

 

https://gdb.voanews.com/E4F275DF-ED43-48F1-81B0-4A96A214F7F8_w650_r0_s.jpg

TƯ LIỆU - Trong bức hình chụp ngày 23 tháng 7, 2020, bác sĩ Võ Tấn Tiền rời đi sau khi nói chuyện với một gia đình đang cách ly sau khi họ xét nghiệm dương tính với virus corona, ở Calexico, California.

 

Anh bắt đầu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 vào tháng 3 năm ngoái, lúc mà anh đối mặt với những ngày khó khăn nhất của đại dịch vì “lúc đó không có đủ các xét nghiệm.” Bệnh nhân muốn được xét nghiệm, và “tất nhiên, họ rất lo lắng, họ muốn biết kết quả ngay. … Thời điểm đó rất căng thẳng… về chuyện xét nghiệm và mức độ lo âu liên quan tới đại dịch này.”

 

Bác sĩ Tiền, quê ở tỉnh Bình Định của Việt Nam, đã gửi các xét nghiệm đến San Diego để xử lý và nói với bệnh nhân rằng họ phải chờ kết quả.

 

Anh nhớ lại khi bước ra bãi đậu xe của phòng khám để xét nghiệm một bệnh nhân sau đó được chẩn đoán mắc COVID-19. “Tôi bước ra với đầy đủ PPE (đồ bảo hộ cá nhân), tôi trùm kín từ đầu đến chân vì chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra với virus… và tôi yêu cầu bà ấy hạ cửa sổ xuống và bà ấy bật khóc và không thể nói được vì bà ấy hết hơi và đang thở hổn hển.”

 

Được chuyển đến bệnh viện địa phương rồi đến trung tâm y tế San Diego, bệnh nhân được trợ thở bằng máy, gia đình cuống lên, “sau đó đến ngày 11, bà ấy chuyển biến và đột nhiên khá hơn,” bác sĩ Tiền nói với VOA Tiếng Việt.

 

Anh nhận một bệnh nhân khác có triệu chứng vào bệnh viện, nơi ông ta đứng dậy và đi lại được sau vài giờ. Ngày hôm sau, người đàn ông không thể đi lại và sau khi được tiêm steroid vào tĩnh mạch, truyền dịch tĩnh mạch và truyền huyết tương “chúng tôi không thể giúp ông ta hơn được nữa.” Bốn ngày sau chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân này trở thành bệnh nhân đầu tiên của bác sĩ Tiền tử vong vì COVID-19.

 

Bác sĩ Tiền không biết phải nói gì với gia đình, nhưng họ “khá tử tế và gọi điện thoại cho tôi và nói với tôi, ‘Bác sĩ Võ, ông đã cố gắng hết sức. Đừng lo lắng. Đừng buồn.’ … Họ còn khuyến khích tôi tiếp tục giúp những người khác.”

 

“Tôi làm y tá hơn 30 năm rồi, tôi đã chứng kiến con người ta ra đời và lìa đời, nhưng (đại dịch) thật không thể tin được… Tôi không theo dõi con số vì quá nản,” Anchalee Dulayathitikul, 55 tuổi, y tá chăm sóc bộ phận chăm sóc trung cấp, nói. Bà đến Mỹ vào năm 2014, sau khi quyết định bà muốn con cái được giáo dục ở Mỹ.

 

Bà chọn theo nghề điều dưỡng vì ông của bà nghĩ rằng bà có tính hay chăm sóc người khác. Bà Dulayathitikul lấy bằng điều dưỡng và hộ sinh vào năm 1988 tại Đại học Chiang Mai ở Thái Lan. Hơn một phần tư thế kỉ sau đó, bà vượt qua tất cả các bài kiểm tra cần thiết để được cấp chứng chỉ điều dưỡng ở bang Maryland ngay lần thi đầu tiên.

 

Bà làm việc tại Trung tâm Y tế Upper Chesapeake của Đại học Maryland và sau một năm, bà nói với VOA Tiếng Thái, “Tôi thấy được nhịp độ và biết cách chăm sóc bệnh nhân COVID-19 thành công.”

 

Bà Dulayathitikul dự định thăm người mẹ không được khỏe mạnh của bà ở Thái Lan một khi đại dịch đỡ hơn và những hạn chế du hành được dỡ bỏ. Bà sẽ trở lại Maryland vì các con và sự nghiệp của bà “bởi vì tôi rất yêu nghề.”

 

Darunee Rasameloungon, 41 tuổi, từ Bangkok đến Mỹ vào năm 1991 cùng gia đình để đoàn tụ với cha cô. Cô muốn trở thành một kĩ sư hoặc một đặc vụ FBI cho đến khi cô giúp chăm sóc cho một người anh em họ bị gãy tay và chân sau khi bị xe buýt tông.

 

https://gdb.voanews.com/AC18F421-DD09-4AD5-A03F-9258D9468487_w250_r0_s.jpg

Darunee (Jackie) Rasamelougon là kĩ thuật viên y tá tại Trung tâm Bệnh viện Reston ở Virginia. (Ảnh do Darunee (Jackie) Rasamelougon cung cấp)

 

Khi cô quyết định theo học ngành điều dưỡng, cha cô nói với cô rằng ông không thể trả tiền học phí đại học với khoản tiền ít ỏi từ công việc giao pizza. Nhờ điểm cao, tích cực làm việc tình nguyện và tham gia các hoạt động của trường, Rasameloungon giành học bổng cho hết bốn năm tại trường điều dưỡng của Đại học George Mason ở Fairfax, bang Virginia. Cô tốt nghiệp năm 2001 và hiện là y tá đơn vị chăm sóc tiệm tiến tại Bệnh viện Fairfax, nơi cô đã làm việc từ năm 2008.

 

“Rất khó khăn, rất buồn khi bạn phải bọc ai đó trong túi… họ chết cô độc,” cô nói với VOA Tiếng Thái. “Họ không có ai bên cạnh, và gia đình của họ không thể ở bên cạnh họ, chết cô độc thực sự rất buồn. Thật sự rất đau lòng. Bạn cảm thấy tội nghiệp họ. Đó là một thực tế phũ phàng: Điều này có thể xảy ra với bất cứ ai.”

 

Dù Rasameloungon có ý định tiếp tục nghề điều dưỡng ở Mỹ một phần để ở gần con trai, nhưng cô muốn nghỉ dài hạn ở Thái Lan khi đại dịch thuyên giảm vì “COVID khiến tôi nhận ra rằng tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình."

 

Sinh ra ở Menifee, California, Limyi Heng, 38 tuổi, là con của những người tị nạn Campuchia. Anh phục vụ ba năm trong Lực lượng Không quân, phần lớn thời gian ở Nam California. “Nhưng tôi đã được điều đi khắp nước Mỹ, điều này khiến tôi cảm kích sâu sắc về sự đa dạng của nước Mỹ.”

 

Người cố vấn trong Không quân của anh đã hướng dẫn anh theo nghề điều dưỡng viên thực hành (nurse practitioner), và anh ấy đã lấy bằng thạc sĩ điều dưỡng tại Đại học Columbia, nơi anh phát triển một mạng lưới báo sớm cho anh biết về sự lây lan của COVID-19 ở Thành phố New York và các nơi khác. Anh làm việc tại Bệnh viện Redlands Community và Bệnh viện San Gorgonio Memorial.

 

Ca nhiễm COVID-19 bắt đầu tăng mạnh từ tháng 10 và tiếp tục kéo dài đến tháng 12. “Không hẳn là có khoảnh khắc nào tồi tệ nhất. Tôi nghĩ thật sự là làm việc rất nhiều giờ,” Heng nói với VOA Tiếng Khmer. Đối với anh, điều tích cực về công việc này là “góp sức cùng tập thể” bao gồm những người lao công bệnh viện, những người làm việc hậu cần cung cấp đồ bảo hộ và các nhà lãnh đạo cộng đồng đưa ra “thông điệp và thông tin đúng đắn” để “lấn át thông tin sai lạc.”

 

Đối với Conners, nỗ lực đồng đội tương tự đưa tới những khoảnh khắc đáng tự hào nhất của anh trong đại dịch, khi bệnh nhân “rời khỏi phòng ICU. Thành tựu lớn đó là từ nỗ lực đồng đội mà chúng tôi đã thực hiện.”

 

------------

Bài viết có sự đóng góp của Chetra Chap từ Ban Tiếng Khmer; Naras Prameswari và Dian Widyastuti từ Ban Indonesia; Calla Yu từ Ban Tiếng Quan Thoại; Pinitkarn Tulachom từ Ban Tiếng Thái; Trinlae Choedron và Ngawang Tenzin từ Ban Tiếng Tây Tạng; An Hải từ Ban Tiếng Việt.

 

==================

.

.

Cựu quan chức Mỹ gốc Việt lên án bạo lực nhắm vào người gốc Á

01/04/2021

https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BB%B1u-quan-ch%E1%BB%A9c-m%E1%BB%B9-g%E1%BB%91c-vi%E1%BB%87t-l%C3%AAn-%C3%A1n-b%E1%BA%A1o-l%E1%BB%B1c-nh%E1%BA%AFm-v%C3%A0o-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-g%E1%BB%91c-%C3%A1/5836736.html

 

 

 

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats