Hồi Ký Nguyễn Minh Nhị: Đã Đi Qua
và vỡ mộng sau Bến Bờ Mong Ước
Chủ Nhật, 04/18/2021 - 17:20 — Gió Bấc
https://www.rfavietnam.com/node/6765
Những ngày tháng 4, guồng máy tuyên truyền đang vận
hành hết công suất về thắng lợi của “cuộc kháng chiến chống Mỹ” và thành tựu
“cách mạng”, ông Nguyễn Minh Nhị con Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, nguyên chủ tịch
tỉnh An Giang hé lộ Hồi Ký “Đã Đi Qua”, sau gần 50 năm đến “Bến
Bờ Mong Đợi” nhìn lại cuộc đời mình và đất nước với nỗi đau thất vọng và niềm
tin tan vỡ.
Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị) cựu chủ tịch UBND tỉnh
An Giang là một trong số rất ít những quan đầu tỉnh của Việt Nam làm ra chuyện
ích nước lợi dân có thể cân đong đo đếm được. Sau hơn 10 năm làm Giám
Đốc Sở Nông Nghiệp và non một nhiệm kỳ Chủ tịch, ông đã xây dựng lực lượng
khuyến nông, mô hình bốn nhà nông, thương, khoa học, công nghiệp liên kết, tạo
thêm một mùa lúa vụ ba đưa sản lượng lúa của An Giang từ 600.000 lên gần 3 triệu
tấn/năm. Nhân giống và đưa cá Ba Sa ra thị trường thế giới. Xây dựng trường Đại
học An Giang có tầm cỡ cho khu vực, biến mùa nước ngập nông nhàn
thành mùa sản xuất, phục hồi và phát triển nhiều lễ hội văn hóa dân gian như
đua bò, tết Khmer…phát triển du lịch…
Dám nói thật ngay
thời đương chức
Về hưu đã hơn 15 năm, có cái ông
làm đươc đã dần bị thui chột như Đại Học An Giang với mục tiêu ban đầu
là đào tạo cán bộ kỹ thuật cho đồng ruộng với Hiệu Trương danh tiếng
Võ Tòng Xuân và các chương trình hợp tác quốc tế phong phú có thời là trường Top của
phía Nam. Ông Bảy Nhị về hưu, thầy Võ Tòng Xuân cũng rời đi, nay chừng như bị lẫn
khuất trong mớ bòng bong của các Đại học Tỉnh lẻ. Con cá Ba Sa đặc sản của
Mê Kông bị giới thương lái thiếu tâm, thiếu tầm hóa kiếp “Hồn Trương
Ba Da Hàng Thịt” thay dần bằng cá Tra nay gần như tuyệt chủng. Nhưng kinh tế
nông nghiệp,du lịch lễ hội.. An Giang vẫn đang trên đà phát triển.
Đặc biệt, ngay thời đương chức, ông Bảy Nhị là
quan chức cộng sản hiếm hoi trực tiếp viết báo. Không phải để tuyên truyền
chính trị hay đánh bóng tên tuổi cá nhân, mà để phản biện, góp ý cho toàn xã hội
những nhận thức, thậm chí là các chủ trương lệch lạc đang thịnh hành.
Vao những thập kỷ 1990 đến 2010, cái tên
Nguyễn Minh Nhị đã thành bút danh uy tín, hấp dẫn trên một số tờ báo
Sài Gòn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, SGTT… Ông không viết
chính luận cao kỳ, không hoa mỹ, không ỏng ẹo mị dân về những lý thuyết
sáo rỗng mà chia sẻ những trải nghiệm, nhận thức thật của bản
thân. Ông không viết chính luận cao kỳ mà bình dị nói về những chuyện thật đã
làm, cần làm, nói thật về những suy nghĩ thật của mình ngay cả những chuyện cực
kỳ nhạy cảm. Nhưng những suy nghĩ ấy chính xác lúc đương thời và có khi dự báo
trước hàng chục năm.
Khoảng đầu thập niên 2000, xã hội đương thời
tràn ngập những thuật ngữ “chống lũ”, “cứu trợ lũ lụt” ở Đồng Bằng Sông Cửu
Long, xem mùa nước nổi ở Đồng Bằng như một thiên tai, ông viết bài “Nước vàng,
nước bạc” khẳng định Đồng Bằng không có lũ mà chỉ có chế độ nước dâng, nước về,
nước xuống theo chu kỳ hàng năm và nguồn nước ấy là tài nguyên vô giá của Đồng
Bằng. Từ trải nghiệm thực tế ông đã tham mưu cho Thủ Tương Võ Văn Kiệt
đào hệ thống kinh đưa luồng nước nặng phèn ra biển Tây và đón nước phù sa về Tứ
Giác Long Xuyên. Cơn khát nước của Đồng Bằng hiện nay càng chứng thực cho quan
điểm nước vàng, nước bạc của ông.
Trong khi hệ thống chính trị cầm quyền kiên định
chính sách Hạn Điền qua Luật Đất Đai quy định mức bình quân đất sản xuất đầu
người từng khu vực theo đơn vị m2 thì ông kêu gọi xây dựng mô thức
tích tụ đất đai thành những cánh đồng mẫu lớn để đưa công nghiệp và khoa học kỹ
thuật vào nông nghiệp. Ý tưởng Cánh đồng mẩu lớn của ông có trước khái niệm
kinh tế trang trại hàng chục năm.
Có nhà báo kể rằng, khi Nguyễn Tấn
Dũng đươc bổ nhiệm làm Thủ Tướng, báo chí phía Nam hứng khởi có
vị Thủ Tướng “dân mình” mặt mày sáng láng đã gọi điện đặt ông viết bài ca ngợi.
Ông thẳng thắn, điềm tỉnh từ chối thật nhẹ nhàng: “Thấy vậy chứ không
phải vậy đâu em! Lầm rồi”. Sau hai nhiệm kỳ Thủ Tướng, ông Dũng đã hiện nguyên
hình là đồng chí X.
Viết theo khuyến
khích của học giả Bùi Văn Nam Sơn
Chính từ sự chú ý ấy, tôi đã đọc và chiêm nghiệm
hai quyền hồi ký của ông Nguyễn Minh Nhị. Không bàn sâu về nội dung
và cũng nói trước rằng Hồi Ký của ông không có những bí mật cung đình như Đèn
Cù của Trần Đỉnh hay Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật của Bùi Tín. Không cay đắng như
Làm Người Khó Lắm của Đoàn Duy Thành dù có không ít chi tiết làm người đọc bất
ngờ như chuyện Thủ Tướng mãn đời Phạm Văn Đồng dặn dò đoàn cán bộ Miền
Nam học trường đảng Trung ương là học thì học chứ đừng có về làm theo điều đã
học. Hồi ký cũng bộc bạch nhiều sự thật đau lòng trong chiến tranh lẫn hòa bình
những cán bộ nội tuyến đươc cài vào quân đội VNCH bị giết lầm đến nay
vẫn chưa có chính sách hoặc giải oan. Những người dân trung lương thiện bị giết
oan chỉ vì những nghi vấn vu vơ..,
Điều đáng bàn là sự trăn trở, cân nhắc của ông
viết rồi dừng, viết cho ai, viết như thế nào và để làm gì trong hơn 10 năm. Cái
trăn trở rất thật, và trên nền tảng ý tưởng, đạo lý khác với các nhân vật chính
trị cộng sản khác.
Ngay khi ông còn chưa nghĩ hưu, nhà báo và nhà
xuất bản đã đặt hàng ông viết Hồi Ký in thành sách bán, chắc hẳn vừa có tiền, vừa
có tiếng, ông Bảy Nhị thẳng thừng từ chối. Nhưng khi có đứa cháu ngoại đầu
tiên, ông muốn “để lại cho con, cháu cái vốn của cả cuộc đời vợ chồng
tôi tạo ra, từ tư tưởng, tình cảm, tinh thần, mối quan hệ xã hội già cả của
cải vật chất, tuy khiêm tốn nhưng lương thiện mà chúng tôi đã tạo dựng và phấn
đấu trải qua, như người nông dân cần cù trên quê hương còn thuần nông, để làm
người bình thường”.
Nhưng viết thế nào? Mất nhiều năm ông Bảy Nhị
băn khoăn “Tôi lúng túng và lưỡng lự ở chỗ nầy: Viết kiểu văn học sử thì tôi
không”” có khả năng. Viết kiểu lên gân "thành tích Cách mạng" thì tôi
tối kỵ. Viết kiểu thể hiện "đạo đức khiêm tốn" của bản thân thì viết
để làm gì? Viết sự thật trần trụi thì nói sao với thế hệ con cháu của chúng tôi
- những người cùng thời có liên quan? Đặc biệt viết để tách mình ra khỏi những
sai lầm của đường lối, thể chế từ sau 1975 mà mình chịu sự chi phối, bị lãnh đạo
thì tôi không có tầm….”
Điều đáng nói là động lực cuối cùng thúc đẩy
ông hoàn thành Hồi Ký là cuộc trò chuyện với học giả Bùi Văn Nam Sơn, một
trí thức dịch giả triết học phi marxít hiếm hoi ở Việt Nam.
Ông lấy tên cho Hồi ký thật đơn giản như sự
minh định về mục tiêu và phương thức viết.
Đã đi qua
Nhớ lại và suy nghĩ của Nguyễn Minh Nhị
Hồi ký gồm 2 tập: tập 1 Một mình suy
nghĩ. Một mình đi*. Tập 2 Bến bờ mơ ước **
Giá trị Thiện-Ác
Ông sinh trưởng trong gia đình nông dân khẩn
hoang ở An Giang đươc nuôi dưỡng và tưới tắm bằng những tình cảm, văn
hóa đạo đức đặc trưng của người Nam Kỳ. Ba ông theo Việt Minh kháng Pháp. Sau
1954 về làm dân nhưng tin đảng đến mức sau nhiều lần tản cư đã dời nhà vào căn
cứ. Mọi chuyện cả đến chuyện ứng xử trong gia đình ông cụ
cũng hỏi ý kiến của cán bộ. Năm 1979 bệnh nặng tưởng sắp qua đời ông cụ mời cả
Thường Vụ tỉnh ủy đến để dặn dò, ủy thác. Nhưng ông Bảy Nhị chỉ kế thừa của cha
đức tính trung thực. Trung thực đến mức khi tập kết cán bộ Việt Minh gởi
ông nuôi mấy con bò ông chăm sóc hết lòng nhưng khi chiên tranh nổ ra thấy
không thể quán xuyến, bảo vệ tính mạng đàn bò ông phải lùa bò vào căn cứ
trả lại. Khi đồng khởi nổ ra, ông nhiệt tình huống ứng đốt nhà trong ấp
chiến lược để về quê cũ đốt luôn 10 giạ lúa mới thu hoạch. Chính quyền Ngô
Đình Diệm yêu cầu kê khai thiệt hại để hổ trợ ông chỉ khai đúng 10 giạ…
Ông Bảy Nhị cũng kế thừa đươc từ người
cha tình yêu quê hương xứ sở, yêu đến mức không nở đốn cây rừng để cất nhà mà tự
trồng cây lấy gỗ hay kỹ năng làm nông rất giỏi, rất tinh tế mà sau
này ông vận dụng trong quản lý. Nhưng về lối sống, những giá trị ông lại kế thừa
từ bà má và lấy đó là phương châm sống.
Ông viết “Má tôi thường hát ru: “Người ta
ba thứ người ta /Người hai tiền rưởi /Người ba mươi đồng”. Vậy là có người
không có giá, mà má tôi cho đó là “Phường giá áo túi cơm”.
Cái giá của con người nằm ở chỗ nào, dựa trên
căn bản nào? Với ông Bảy Nhị đó không dựa trên thành tích, chức vụ, danh hiệu,
tiền bạc như nhiều cán bộ khác theo tiêu chí của đảng mà nó rất dân gian xoay
quanh hai chữ Thiện - Ác. Trong môt đoan khác ông giải
thích “Làm người không dễ! Bởi chất di truyền, hoàn cảnh sống và nỗ lực hành
động của mỗi người phải có sự cộng hưởng hoặc xung khắc nhau để đi đến kết cục
thắng thua giữa lằn ranh Thiện - Ác, khôn - dại, hoặc thành công hoặc thất bại.
Cái ranh giới ấy suy cho cùng là cái giá làm người, cho dù người bình
thường nhất”
“Rớt giá”, “chuyển
giá” và “giá ảo”
Từ cái trục Thiện - Ác ấy, ông đã nhìn lại và
đánh giá một cách buồn bã về bản thân và cái sự nghiệp mà cả đời ông
đổ công vun đắp là “chuyển giá”, “lệch giá” và đau đớn nhất là “giá ảo”.
Ông viết “ .. Và tôi cũng tự thẩm định
cho tôi, cho sự nghiệp mà tôi tận tụy để góp sức làm nên cái giá; nhưng khi ngọn
cờ Giải phóng được treo lên Dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975, thì
Cách mạng đã chuyển hướng và "chuyển giá", nói theo ngôn ngữ thế kỷ
21, mà mình không biết. Làm mãi không thấy vì “chuyển hướng” đã thành “lệch hướng”
sai đường và “chuyển giá” thành “lệch giá” ra “giá ảo”. Vậy là tự làm rớt giá
đang có. Rớt dần! Rớt dần so với thời đại và tụt hậu so với quá khứ của bản
thân đất nước đã từng có, nhất là về văn hóa truyền thống dân 4 tộc và nền giáo
dục quốc gia. Vốn xã hội cạn dần!”
Mới 14 tuổi đã theo Việt Công, đến cuối đời
làm Chủ tịch tĩnh khá thành công, /nhiều cán bộ đảng khác
luôn phỡn phơ tự mãn về thành tích, chức vụ xem đó là thành công
nhưng ông Bảy Nhị lại có cách nhìn khác. Khi nhận ra đã rơi vào cái giá ảo, ông
cố gạn lọc thật khách quan khi viết và còn cẩn thận dặn dò người đọc Hồi Ký phải
tinh táo gạn lọc thêm:
”Nhờ thời gian có độ lùi mà tôi có những chiêm nghiệm
để không bị ngộ nhận; để hiểu gần đúng sự vật và sự thật hơn; gọi gần đúng tên
những gì bị "thời sự hóa", "chánh trị hóa", "cách mạng
hóa" và "thi vị hóa" ở thời của tôi như là tất nhiên mà thậm chí
vẫn còn âm hưởng cho đến bây giờ. Âm hưởng đó vẫn tồn tại ngay trên những trang
chữ nầy là điều không tránh khỏi. Ai đọc đều cần có sự gạn lọc cần thiết.
Nó như tường trình về cuộc đời tôi, không nhấn mạnh ở
thời điểm nào, nhất là không lấy đoạn "cao trào" của sự nghiệp để tạo
dấu ấn hay sự hấp dẫn người đọc. Tôi không muốn con cháu tôi đọc hiểu lầm quá
khứ là "hào quang", một thứ ánh sáng phía sau lưng chỉ làm chập chờn
tầm mắt tài xế và người trong xe”.
Đặt niềm tin sai
chỗ
Nhìn về quá khứ và thực tai, Nguyễn Phú Trọng
ngây ngất tự hào về đảng quang vinh bách chiến bách thắng và anh bạn
vàng 16 chữ làm cho mây đen đang bao phủ thế giới, mặt trời chói sáng ở Việt
Nam. Ông Nguyễn Minh Nhị có cái nhìn hoàn toàn ngược lại, rất thực và đau
đáu về sự tụt hậu của đất nước do chính sự bế tắc chính trị và lệ thuộc
ngoại bang:
“Với gần 70 năm lịch sử quê hương đầy biến động mà vẫn
không thoát khỏi "từ trường" của nước lớn, trong đó có 55 năm tôi dự
phần, mà đáng lý nó chỉ cần 30 năm của "Đổi mới" vừa qua, như thời
gian cần có của Hàn Quốc, đủ để thoát khỏi thân phận "tiểu nông" và
"tiểu quốc" mà không được.
Theo dòng sự kiện, "lập trường ta - bạn -
thù", đúng sai, sai đúng... cũng có sự xáo trộn đến không ngờ. Có cái tôi
đã nói, đã viết hoặc đã in, nay xem ra không đâu vào đâu mà không biết phải làm
sao?
Nhưng nếu có "làm sao" thì cũng là dối
trá! Vấn đề có ý nghĩa đặt ra là: Tại sao lại có sự đổi thay, đúng sai một cách
rất cơ bản và rất nhanh vậy? Phải chăng như người đi đường khi mất phương hướng
thì rối trí, loạn bước? Bản chất cuộc sống là đổi thay, đến loài cực nhỏ như vi
trùng, vi- rút mà còn liên tục biến đổi để tồn tại và gây dịch bệnh. Tại sao
con người không tự biến đổi cho thích hợp giới luật tiến hóa để tồn tại
và phát triển hòa bình, lương thiện và hạnh phúc cho cả cộng đồng? Không có gì
là bất biến muôn năm cả. Ai bất biến và không chấp nhận mâu thuẫn -
khác biệt, là chống lại Mác!”
Nhận thức sâu sắc cuối đời của ông Bảy Nhị là
niềm tin đỗ vỡ. Lý tưởng tốt đẹp mà ông đã theo đuổi chỉ là sự dối trá của nhóm
cầm quyền. Những khẩu hiệu, những chủ trương tốt đẹp chỉ là bình phong tạo dựng
quyền lực và quyền lợi cho những phe nhóm lợi ích cầm quyền còn đất
nước và người dân mãi trong vòng vây đói nghèo, mất tự do.
“Nhưng cái không bình thường là tôi lại đặt
niềm tin quá thánh thiện vào đồng chí và những gì các đồng chí mình nói!
"Đổi mới", tôi ngỡ là Đảng đã thật sự cầu thị, nên cả tin, nào ngờ lại
là "Biện pháp tình thế" để phát triển "Kinh tế thị trường định
hướng Xã hội Chủ nghĩa" không phải tôi cá nhân công kích ai mà muốn nói
lên một sự thật là ở đất nước ta và cơ chế ta, những chuyện như vậy là tất
nhiên, nên Giải phóng rồi mà thiếu tự do, độc lập rồi phải ăn độn bo bo, hút
thuốc bằng giấy vò. Đói! Đói đầu gối phải bò. Thế là Đổi mới!? Đổi mới 30 năm,
hết mới rồi, mà chưa biết làm gì cho đất nước mới, trẻ, đi lên. Khoảng cách Việt
Nam và các nước ASEAN vẫn không thay đổi. Khoảng cách đời sống vật chất bây giờ
của tôi đã cách xa với tôi hơn 30 năm trước. Khoảng cách những người có quyền
và có tiền với lớp người còn lại trong xã hội đang ngày càng rộng ra”
Mong ước xã hội
lương thiện, tự do, dân chủ
Mong ước về tương lai của ông không phải là
thiên đường cộng sản mà mong muốn cho thế hệ tương lai đươc sống tự
do, lương thiện trong xã hội vị tha. “Cuộc đời tôi gắn bó với chế độ nầy
từ trong bụng mẹ và khi chế độ nầy chỉ mới là trứng nước. Vợ tôi cũng vậy.
Chúng tôi chỉ mong chế độ nầy tiếp tục tự đổi mới để con cháu tôi được sống làm
người tự do, người lương thiện trong một xã hội vị tha, thượng tôn pháp luật,
không như cha ông nó sống trong bao nhiêu ràng buộc, thật giả lẫn lộn. Nếu
chúng tôi có được chia phần với chúng thì… cái kết có hậu là hạnh phúc cho cả
cuộc đời chúng tôi.”
Hồi Ký khép lại bằng những lời cảm ơn rất
chân thành của một người Việt Nam theo truyền thống giá trị đạo đức Việt Nam “Xin
thành kính dâng lên Tổ Tiên và Đấng Sanh Thành, qua từng trang viết nầy với tất
cả tấm lòng báo đáp. Trân trọng nhớ những người mà tôi không quên trong những
trang viết. Xin thọ ơn Đời, đã cho tôi được nhiều hơn mất”
Bằng sự cân nhắc thận trọng sau nhiều năm và
nhiều lần sửa chữa, ông Nguyễn Minh Nhị không hề nhắc đến đảng cộng sản mà ông
đã tham gia phụng sự hơn 50 năm chắc chắn không phải là sự thiếu sót vô tình. Từng
ấy thời gian sống trong guồng máy và từng ấy thời gian phản tỉnh, chiêm nghiệm
chắc hẳn đã cho ông bài học về cách sống, cách nói và làm trong chế độ cộng sản.
Thập niên 1990, An Giang đã đi đầu trong việc trả ruộng đất lại cho nông dân bằng
Quyết Định 303 cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh Ủy lách Chỉ thị 47 của Ban Bí thư
là "Bảo vệ thành quả trang trải ruộng đất và cải tạo nông nghiệp".
Quyết định này không có câu chữ nào nói trả lại ruộng đất mà chỉ là hướng dẫn
cho người dân thương lượng.
Không ồn áo tuyên bố ra đảng như nhiều cán bộ
lão thành khác nhưng nội dung đánh giá kết quả 70 năm cách mạng và những khát vọng
tự do, dân chủ lời cảm ơn những người dân và bậc sinh thành không nhắc gì tới đảng,
qua Hồi Ký này ông Nguyễn Minh Nhị đã chuyển thông điệp bất thành văn cho thế hệ
trẻ hảy đoạn tuyệt với sự giả trá, mị dân và bế tắc của chế độ độc tài công sản
và hướng tới nền chính trị tự do dân chủ.
*http:/www.viet-studies.net/kinhte/NguyenMinhNhi_ChuyenDoiToi_I.pdf
**http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenMinhNhi_ChuyenDoiToi_II.pdf
No comments:
Post a Comment