Giới nghiên cứu Mỹ-Đức vạch trần cơ chế “bẫy nợ” Trung Quốc
Trọng
Nghĩa -
RFI
Đăng
ngày: 06/04/2021 - 15:16
Trung Quốc hiện là chủ nợ chính thức lớn nhất hành
tinh, với các khoản tín dụng trực tiếp và thương mại cấp cho hơn 150 quốc gia
mà theo một số ước tính đã lên đến 1.500 tỷ đô la. Thế nhưng, nước này gần
đây luôn bị cáo buộc là đã giăng “bẫy nợ” để bắt chẹt các nước nghèo phải cầu
viện đến Bắc Kinh. Một công trình nghiên cứu quy mô của bốn định chế Mỹ và
Đức, vừa được công bố ngày 31/03/2021, đã vạch trần cách thức giăng bẫy này của
Trung Quốc.
Ảnh minh họa : Nhân
dân tệ Trung Quốc và đô la Mỹ. Ảnh chụp ngày 02/10/2020. REUTERS - Dado
Ruvic
Công trình mang tựa đề “Trung
Quốc cho vay như thế nào – How China Lends” đã được bốn trung tâm nghiên cứu
thực hiện: AidData, một “phòng thí nghiệm nghiên cứu” tại Đại Học William và
Mary (College of William and Mary), Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson (Peterson
Institute for International Economics) và Trung Tâm Phát Triển Toàn Cầu (Centre
for Global Development) - cả ba đều ở Mỹ -, cùng với Viện Kinh Tế Thế Giới Kiel
(Kiel Institute for the World Economy) ở Đức.
Trong bối cảnh Trung Quốc
luôn giữ bí mật về các khoản cho vay của họ, các nhà nghiên cứu Mỹ và Đức đã
tìm kiếm dữ liệu trong số 100 hợp đồng cho vay ký kết giữa Trung Quốc với chính
phủ 24 nước có thu nhập thấp từ năm 2000 đến 2020, với tổng trị giá là 36,6 tỷ
đô la.
Sau đó, các nhà nghiên cứu
đã so sánh các hợp đồng Trung Quốc với 142 hợp đồng mà các quốc gia nói trên ký
kết với các chủ nợ lớn khác và rút ra được những chi tiết cụ thể về các điều kiện
cho vay, có thể nói là mang tính bắt chẹt, mà các định chế của Trung Quốc áp đặt
đối với các con nợ.
Nhật báo Pháp Le Monde,
trong một phân tích công bố hôm nay, 06/04, đã nêu bật một số điều kiện
"không mấy chính đáng" đã được Trung Quốc áp dụng.
Trước hết là các điều kiện
bảo mật khắt khe hơn rất nhiều so với yêu cầu thường thấy với các quốc gia
chủ nợ khác, hoặc các ngân hàng phát triển. Bắc Kinh không chỉ buộc con nợ phải
giữ bí mật các điều kiện vay, mà còn cấm tiết lộ cả số tiền vay.
Điều kiện này đặt ra những
vấn đề nghiêm trọng về tính minh bạch, vì các chính phủ đi vay phải giấu với
cả người dân của họ về số tiền mà đất nước phải hoàn trả sớm hay muộn. Tinh chất
thiếu minh bạch đó cũng làm cho các thủ tục tái cơ cấu nợ tập thể phức tạp
thêm, vì làm sao mà chủ nợ của một quốc gia sắp bị vỡ nợ có thể đánh giá mức độ
đáng tin hoặc khả năng trả nợ của nước đó, nếu thiếu một số thông tin?
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn
đưa ra nhiều điều kiện bất thường khác, mà nổi bật là điều khoản cấm con nợ
tham gia việc tái cơ cấu nợ do Câu Lạc Bộ Paris thực hiện. Theo công trình
nghiên cứu Mỹ-Đức, có đến ba phần tư hợp đồng Trung Quốc bao gồm điều kiện đó.
Đối với Le Monde, Câu Lạc
Bộ Paris, một cơ chế tập hợp các quốc gia chủ nợ lớn, đã phát triển một bộ
quy tắc để phối hợp các kế hoạch tái cơ cấu hoặc xóa nợ theo hướng công bằng,
không tạo thuận lợi cho bất kỳ một chủ nợ nào. Khi cấm con nợ của mình tham gia
cơ chế của Câu Lạc Bộ Paris, Trung Quốc đã phá vỡ nguyên tắc công bằng này, để
buộc các con nợ ưu tiên trả nợ cho họ khi có vấn đề.
Cuối cùng, một nửa trong
số các thỏa thuận do Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc ký kết đều quy định rằng
bất kỳ hành động nào gây bất lợi cho một “thực thể của Cộng Hòa Nhân Dân Trung
Hoa” tại quốc gia con nợ đều có thể kích hoạt việc trả nợ trước thời hạn.
Ngoài ra còn có một điều
khoản quy định rằng việc cắt đứt quan hệ ngoại giao tương đương với một sự vỡ nợ.
Và đến 90% các thỏa thuận mà các nhà nghiên cứu Mỹ-Đức nghiên cứu được đều
có điều khoản cho phép chủ nợ Trung Quốc yêu cầu hoàn trả tiền trong trường hợp
có thay đổi chính trị hoặc luật pháp đáng kể ở quốc gia con nợ.
Đối với Le Monde, rõ ràng
là Bắc Kinh đã biến tiền cho vay thành một công cụ bành trướng quyền lực của
Trung Quốc.
Nhật báo Singapore ngày
04/04 vừa qua đã nêu bật ví dụ của Achentina gần đây để minh họa cho điều này.
Khi chính phủ mới lên nắm quyền tại Buenos Aires vào năm 2016, họ đã có ý định
hủy bỏ hai dự án xây đập vì lý do môi trường. Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc,
một trong ba định chế Trung Quốc cấp vốn cho các dự án, đã đe dọa sẽ hủy dự án
đường sắt chở nông sản Achentina đến các cảng của Chile bên bờ Thái Bình Dương,
nếu các dự án đập bị hủy bỏ. CDB đã viện dẫn một điều khoản trong hợp đồng vay
nợ, cho phép họ dừng các khoản cho vay trong một dự án nếu bên vay bị vỡ nợ hoặc
hủy bỏ một dự án khác của Trung Quốc. Cuối cùng, Achentina đã phải duy trì dự
án xây dựng các con đập.
No comments:
Post a Comment