Tuesday, 6 April 2021

'CUỘC CHIẾN CUỐI CÙNG' : VỚI SỰ HẬU THUẪN NGÀY CÀNG NHIỀU CHO QUÂN ĐỘI LIÊN BANG, KACHIN CHUẨN BỊ CHIẾN TRANH (Emily Fishbein, Nu Nu Lusan và Jaw Tu Hkawng)

 



‘Cuộc chiến cuối cùng’: Với sự hậu thuẫn ngày càng nhiều cho quân đội liên bang, Kachin chuẩn bị chiến tranh

Emily Fishbein, Nu Nu Lusan và Jaw Tu Hkawng

DCVOnline dịch thuật

POSTED ON APRIL 6, 2021   

http://ec2-54-213-87-54.us-west-2.compute.amazonaws.com/2021/04/06/cuoc-chien-cuoi-cung-voi-su-hau-thuan-ngay-cang-nhieu-cho-quan-doi-lien-bang-kachin-chuan-bi-chien-tranh/

 

https://dcvwp.trstudios.net/wp-content/uploads/2021/04/KIA-soldiers_1-1024x683-1.jpeg

Các binh sĩ Quân đội Độc lập Kachin tuần tiễu gần trụ sở của nhóm vũ trang Laiza vào tháng Giêng năm nay. Ảnh: Yawng Htang

 

Khi thanh niên đổ xô nhập ngũ Quân đội Độc lập Kachin kể từ khi Tatmadaw (quân đội Myanmar) đảo chính và nắm quyền, Frontier đã nói chuyện với một thanh niên Kachin tin rằng cách mạng vũ trang là con đường duy nhất.

 

Tối 13/3, Zau Tu nói với bố mẹ rằng anh sẽ ngủ tại nhà một người bạn.

 

Vào lúc 6h30 sáng hôm sau, người thanh niên 23 tuổi lấy chuyến xe từ Myitkyina, thủ phủ tiểu bang Kachin, đến trụ sở Tổ chức Độc lập Kachin (KIO) ở Laiza, ở khu biên giới với Trung Hoa. Bốn giờ sau, Zau Tu gia nhập cánh vũ trang của KIO, Quân đội Độc lập của Kachin.

 

Zau Tu, yêu cầu dùng bí danh của anh, nằm trong số một nhóm anh mô tả với Frontier là một dòng người, phần lớn là thanh niên, tham gia KIA sau khi quân đội đảo chính ngày 1 tháng Hai. Từ Laiza, nơi anh đang được huấn luyện quân sự cơ bản, anh đã nói chuyện với Frontier qua ứng dụng nhắn tin Signa.  Mặc dù không thể đưa ra ước tính có bao nhiêu tân binh đã gia nhập KIP trong những ngày gần đây, nhưng anh ấy cho biết mỗi ngày có nhiều người đã đến.

 

Chán nản khi thấy các cuộc biểu tình ôn hòa trên đường phố gặp bạo lực, Zau Tu cho biết anh gia nhập KIA vì muốn góp phần lật đổ chính quyền quân sự bằng vũ lực. Anh nói, anh cũng đang chiến đấu vì quyền tự quyết của tiểu bang Kachin trong một quốc gia liên bang dân chủ, mà KIO đã đấu tranh từ năm 1960. Zau Tu nói :

 

“Tôi đang đấu tranh cho một tương lai hòa bình hơn. Nhiều người quyết định nhập ngũ với suy nghĩ rằng đây là cuộc chiến cuối cùng.” 

 

Kháng chiến chống đảo chính đã khiến các cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết kéo dài hàng chục năm của các sắc tộc thiểu số phù hợp với mong muốn của đông đảo dân chúng, gồm cả người Bamar đa số, lật đổ chính quyền. Trước ngày 1 tháng 2, nhiều người Bamar coi các nhóm vũ trang sắc tộc là mối đe dọa cho sự thống nhất quốc gia, nhưng trong những tuần gần đây, các nhóm vũ trang này đã nhận được sự ủng hộ của dòng chính. Khi Tatmadaw tiếp tục giết hại thường dân, bắt giữ và khủng bố họ, các nhóm vũ trang sắc tộc đang ngày càng kêu gọi các nhóm vũ trang sắc tộc khác tham gia và bảo vệ người dân bằng cách tham gia vào “quân đội liên bang”. Quân đội liên bang mới này, cho đến nay mới chỉ hiện hữu dưới dạng ý tưởng, sẽ không chỉ đoàn kết với quân đội sắc tộc của Myanmar ở vùng biên giới, mà còn tuyển mộ thường dân Bamar từ miền trung Myanmar và người ta hy vọng có thể cả đào binh của Tatmadaw.

 

Frontier đã nói chuyện với bảy thanh niên Kachin và người phát ngôn của Nhóm điều hợp chính trị lâm thời Kachin mới được thành lập, hy vọng sẽ đại diện cho quyền lợi của Kachin trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai về một nền dân chủ liên bang mới. Hầu hết những người trẻ tuổi được phỏng vấn nói rằng họ tin rằng bạo lực của Tatmadaw đang thúc đẩy một hướng đi không thể đảo ngược trong cuộc nội chiến. Trong khi họ hoan nghênh sự sự ủng hộ gia tăng gần đây của người Bamar đa số với nền dân chủ liên bang và sự công nhận mới về tính hợp pháp và vai trò của các nhóm vũ trang sắc tộc, một số lại thận trọng về việc tin tưởng vào những ứng xử mới của những người đã bỏ qua tham vọng chính trị của các sắc tộc thiểu số trong nhiều chục năm qua. Tuy nhiên, họ hy vọng rằng tham gia vào phong trào kháng chiến toàn quốc, họ có thể thúc đẩy đất nước tiến gần hơn đến chính thể liên bang thực sự.

 

https://www.frontiermyanmar.net/wp-content/uploads/2021/04/Kachin-IDP-woman_1-1024x683.jpg

Một phụ nữ trong trại tạm cư Woichyai gần Laiza đào hầm trú bom vào ngày 22 tháng 3. Ảnh: Yawng Htang

 

‘Cơ hội tốt nhất của chúng tôi’

 

Zau Tu và Naw Naw, 21 tuổi, một tình nguyện viên dân sự của KIO, cho biết hàng chục người Kachin và không phải Kachin, hầu hết ở độ tuổi 20, hiện đang đến các khu vực do KIO kiểm soát mỗi ngày – từ Kachin và những nơi khác – và khoảng 20 và 30 phần trăm những người mới đến là phụ nữ.

 

Naw Naw, người bắt đầu tình nguyện vào tháng 12 sau khi mất việc trong một quán cà phê ở Yangon vì đại dịch, ban đầu phục vụ trong đơn vị phòng chống COVID-19 của KIO. Nhưng bây giờ,  anh ấy nói đã sẵn sàng tham gia KIA nếu được gọi. Từ Laiza,  Naw Naw nói với Frontier bằng Signal :

 

“Chúng tôi muốn tự do vì chúng tôi đã sống dưới [chế độ quân phiệt] quá lâu. Tôi tình nguyện [với KIO] để đạt được chính thể liên bang.” 

 

Hkun Ja, bí danh của một thanh niên ở Myitkyina, đã có ý định mở một hiệu thuốc vào đầu tháng Hai, nhưng cuộc đảo chính đã phá hỏng kế hoạch đó. Anh ấy nói rằng anh sẵn sàng gia nhập KIA nếu nó trở thành một phần của quân đội liên bang mới. Hkun Ja:

 

“Bây giờ là cơ hội tốt nhất để chúng tôi bắt đầu một cuộc cách mạng vũ trang. Trước đây, chỉ những người sắc tộc [không phải Bamar] mới chiến đấu chống lại quân đội… [Nhưng] giờ đây, người dân ở các khu vực thành thị đã phải đối phó với nhiều cuộc tấn công tàn bạo. Đó là lý do tại sao đã đến lúc chúng tôi cùng nhau chiến đấu.”

 

Nhận xét của Hkun Ja thể hiện quan điểm chung về mối quan hệ giữa những sắc tộc và xung đột ở Myanmar. Người Bamar trên thực tế đã chiến đấu chống lại Tatmadaw, chẳng hạn như trong Mặt trận Dân chủ Toàn thể Sinh viên Miến Điện và trước đó trong Đảng Cộng sản Miến Điện, nhưng cuộc nổi dậy vũ trang phần lớn được các nhóm sắc tộc không phải Bamar tiến hành; những người này cũng đã chịu gánh nặng của bạo lực của Tatmadaw chống lại dân thường kể từ khi độc lập.

 

Hai thanh niên khác nói với Frontier rằng họ cũng muốn vào KIA, nhưng trách nhiệm gia đình đang khiến họ chưa thể gia nhập. Một người 24 tuổi làm việc cho một tổ chức xã hội dân sự ở Myitkyina cho biết :

“Nếu cứ im lặng, chúng ta sẽ tiếp tục chết đuối. KIA cần nhân lực. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu tham gia các nhóm vũ trang trong cuộc cách mạng chống lại chế độ độc tài quân sự này hơn là [rủi ro] bị thương hoặc bị giết trong các cuộc biểu tình.”

 

Nhưng đến nay anh vẫn ở nhà vì là con trai duy nhất trong gia đình và bố mẹ anh không cho anh nhập ngũ.

 

Người còn lại, một giáo viên dạy tiếng Anh 26 tuổi ở Myitkyina, cũng nói rằng, là con trai duy nhất, anh cảm thấy có trách nhiệm phải tôn trọng mong muốn của cha mẹ mình. Anh nói :

“Cha mẹ tôi thậm chí không muốn tôi tham gia các cuộc biểu tình, nhưng tôi vẫn làm. Tôi thực sự sẵn sàng chiến đấu bằng súng, nhưng điều đó rất khó.”

 

https://www.frontiermyanmar.net/wp-content/uploads/2021/04/KIA-soldiers_2.jpeg-1024x683.jpg

KIA di chuyển gần Laiza vào tháng Giêng. Ảnh: Yawng Htang

 

‘Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là chế độ độc tài’

 

Giao tranh giữa KIA và Tatmadaw dã khá yên ắng kể từ cuối năm 2018, ngoại trừ ở phía bắc tiểu bang Shan, nơi các cuộc đụng độ đã diễn ra từ đầu năm nay. Nhưng kể từ ngày 12 tháng 3, giao tranh nổ ra gần như mỗi ngày tại các thị trấn trên khắp Kachin, khiến hàng trăm người phải di tản, nhiều người phải tạm trú  nhà thờ. Ít người tin rằng tuyên bố đơn phương của Tatmadaw vào ngày 31 tháng 3 về lệnh ngừng bắn trên toàn quốc kéo dài một tháng sẽ ngăn chặn bạo lực, đặc biệt vì lệnh ngừng bắn loại trừ rõ ràng sự trả đũa đối với “các hành động phá vỡ an ninh và quản lý của chính phủ”. The 74 Media có trụ sở tại Myitkyina đưa tin các cuộc tấn công đã xảy ra kể từ khi có thông báo, bằng cả súng và pháo kích ở Thị trấn Mogaung của Kachin vào đêm ngày 1 tháng 4.

 

Giống như những nơi khác ở Myanmar, lực lượng công an chính phủ ở Kachin đang đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình chống đảo chính. Theo hãng tin Kachin Waves, từ ngày 8-31 tháng 3, cảnh sát và binh lính đã bắn chết 10 người. 74 Media đưa tin rằng vào ngày 30 tháng 3, các lực lượng quân đội đã đốt một ngôi nhà ở Myitkyina, nơi họ nghi ngờ thi thể của một nạn nhân đang được lưu giữ.

 

Kaw Ring, bí danh của một thiếu nữ 24 tuổi sống ở thị trấn biên giới Mai Ja Yang, do KIO kiểm soát, nói với Frontier rằng cô ấy lo sợ một cuộc nội chiến tái diễn toàn diện. Cô nằm trong số hơn 100.000 người đã phải di tản ở Kachin kể từ năm 2011, khi lệnh ngừng bắn kéo dài 17 năm giữa KIO và Tatmadaw đổ vỡ. Vào tháng 8 năm 2018, một phái bộ tìm hiểu sự thật của Liên hiệp quốc đã phát giác ra rằng Tatmadaw đã phạm tội ác chống lại loài người trong cuộc chiến ở Kachin, gồm cả việc giết người, cưỡng bức mất tích, cưỡng hiếp và bạo lực tình dục. Suy sụp cuộc sống vì xung đột vũ trang, Kaw Ring muốn tránh giao tranh nhiều hơn. Cô nói :

“Tôi không nghĩ đây là thời điểm thích hợp cho cuộc cách mạng vũ trang. Nếu có chiến tranh, dân thường là những người sẽ phải gánh chịu.”

 

Trong khi cô ấy coi KIO là người bảo vệ và chính phủ hợp pháp trong lãnh thổ của mình, Kaw Ring hy vọng nhóm này sẽ kiềm chế để không tham gia vào cuộc xung đột lớn hơn.

 

“Chúng tôi đã chiến đấu trong nhiều năm, nhưng chúng tôi vẫn chưa chiến thắng hoặc chưa tìm ra bất kỳ giải pháp nào. Tôi tin rằng nếu những người trẻ tuổi tiếp tục phong trào biểu tình này bằng cách [hòa bình] lên tiếng phản đối cuộc đảo chính quân sự, thì nó sẽ hiệu quả hơn.”  Kaw Ring nói.

 

Mặc dù vậy, về tổng thể, các cuộc phỏng vấn và phân tích trên mạng xã hội của Frontier cho thấy có sự ủng hộ rộng lớn đối với cuộc kháng chiến vũ trang. Seng Nu Pan, một người hoạt động người Kachin trẻ tuổi, đã ra tranh cử một ghế hluttaw ở tiểu bang với Đảng Nhân dân tiểu bang Kachin vào tháng 11 nhưng thua NLD, cho biết một cuộc kháng chiến vũ trang đã trở nên cần thiết. Mặc dù  phản đối bạo lực trong hầu hết các trường hợp — và là một thủ lĩnh thanh niên của Phong trào Biểu tình Công cộng của tiểu bang Kachin — Seng Nu Pany cảm thấy rằng công chúng đã không còn lựa nào khác khả thi và hy vọng rằng việc sử dụng vũ khí cùng với các phương pháp bất bạo động sẽ đồng nghĩa với việc ít chết dân thường hơn về lâu về dài. Seng Nu Pan nói :

 

“Với việc quân đội giết hại, tra tấn và bắt giữ thường dân vô tội, chúng ta phải chọn kháng chiến vũ trang; nếu không, họ sẽ giết thêm hàng nghìn người vô tội. Đây là thời điểm để [các nhóm vũ trang sắc tộc] bảo vệ cuộc sống của dân thường, đồng thời kêu gọi KIA phát triển một chiến lược giảm thiểu thương vong.”

 

Vào ngày 19 tháng 3, Đại tá Naw Bu, người đứng đầu Phòng Thông tin của KIO, nói với truyền thông địa phương rằng KIO ủng hộ việc thành lập quân đội liên bang để bảo vệ quyền lợi của tất cả người dân Myanmar.

 

Seng Nu Pan nói với Frontier rằng, trong khi hầu hết thanh niên Kachin hiện nay đều ủng hộ cách mạng vũ trang, thì một số người lớn tuổi trong cộng đồng lại miễn cưỡng.

 

“Các thế hệ cũ có những lo lắng và sợ hãi… Một số người đang khuyến khích chống lại cuộc đảo chính bằng cách cầu nguyện, nhưng chúng tôi trong Thế hệ Z tin rằng nếu chỉ cầu nguyện ở nhà, chúng tôi sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình. [Một số người lớn tuổi trong cộng đồng] không muốn thấy bất kỳ cảnh đổ máu nào nữa. Họ nói với chúng tôi rằng không nên áp dụng cách đối đầu, vì nó có thể khiến chúng tôi phải trả giá bằng mạng sống của mình.”   Seng Nu Pan nói.

 

Trong một bài đăng trên Facebook ngày 14 tháng 3, chủ tịch KSPP Manam Tu Ja, 75 tuổi, người cũng giữ chức phó chủ tịch KIO cho đến năm 2009, đã viết rằng :

 

“Câu trả lời cho vấn đề là trên bàn đàm phán, không phải trên chiến trường” và cuộc khủng hoảng hiện tại “nên được giải quyết bằng những biện pháp bất bạo động để những thường dân vô tội không chết một lần nữa.” Manam Tu Ja

 

Tuy nhiên, Seng Nu Pan tin rằng việc không chiến đấu với Tatmadaw bằng vũ khí có thể là mối đe dọa lớn hơn đối với tương lai của những người trẻ tuổi. Co nói :

 

“Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là chế độ độc tài, không phải nội chiến.”

 

https://www.frontiermyanmar.net/wp-content/uploads/2021/04/Kachin-IDP-woman_2-1024x683.jpg

Một phụ nữ trong trại Woichyai IDP đào hầm trú bom vào ngày 22 tháng 3. Ảnh: Yawng Thang

 

Mọc rễ như vết thương mưng mủ

 

Đối với các sắc tộc thiểu số trong đó có Kachin, phong trào biểu tình không chỉ nhằm chống lại chế độ độc tài quân phiệt; đó cũng là đấu tranh cho một hiến pháp mới bảo đảm cho những quyền liên bang của họ. Những quyền này đã được hứa với giới lãnh đạo sắc tộc trong Thỏa thuận Panglong năm 1947 do cha của Aung San Suu Kyi, Tướng Aung San, làm trung gian, như một điều kiện để gia nhập Liên minh Miến Điện độc lập sắp thành hình. Sự thất bại của mọi chính phủ kể từ khi trao những quyền này đã dẫn đến nhiều chục năm nội loạn có vũ trang.

 

Sau khi hứa vào đầu năm 2016 sẽ ưu tiên xây dựng hòa bình bằng cách thực hiện tốt Thỏa thuận Panglong, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ lại trở mặt chống lại các nhóm vũ trang sắc tộc, khiến nhiều người không phải là người Bamar cảm thấy bị phản bội. Vào tháng 1 năm 2019, họ kêu gọi Tatmadaw “đè bẹp” Quân đội Arakan, lực lượng đang chiến đấu giành quyền tự quyết cho tiểu bang Rakhine ở phía tây Myanmar và vào tháng 8 năm 2020, loại AA khỏi Hội nghị Hòa bình Liên minh lần thứ 4, khiến các đồng minh của họ — gồm KIO — tẩy chay hội nghị. NLD cũng giữ nguyên nhãn “hiệp hội bất hợp pháp” cho KIO và các bên không ký kết Thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc năm 2015, để lại sự ủng hộ cho các nhóm này là hành vi phạm tội có thể bỏ tù. Hai người lãnh đạo tôn giáo Kachin đã bị bỏ tù vào năm 2017 và những người khác bị buộc tội vào năm 2020 theo Đạo luật Hội Bất hợp pháp vì bị cáo buộc đã “liên kết” với KIO. Dưới thời NLD, xung đột tiếp tục ở các bang Kachin, Rakhine, Chin và Shan, và chính thể liên bang vẫn còn ngàn trùng xa cách.

 

Seng Nu Pan cho biết: Hiến pháp năm 2008 do quân đội soạn thảo, dành quyền kiểm soát các bộ chính yếu và 1/4 quốc hội cho Tatmadaw và tập trung quyền lực ở Nay Pyi Taw, là trở ngại căn bản đối với nền dân chủ liên bang và hòa bình lâu dài. Đề cập cụ thể đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong nhiều thập kỷ của Tatmadaw ở các khu vực sắc tộc thiểu số – kể cả trong thời gian ngừng bắn với KIO, từ năm 1994 đến 2011,

 

Seng Nu Pan nói :

“Chế độ độc tài quân sự bám rễ như một một vết hương mưng mủ; Nhiều lần, mọi người đã cố gắng băng bó vết thương mà không chữa khỏi, và nó dần trở nên tồi tệ hơn. Để xây dựng một quốc gia, chúng ta nên có một hiến pháp dựa trên Hiệp định Panglong. Chúng ta phải có quyền làm chủ đất nước của mình.”

 

Trước cuộc đảo chính, nhiều người Bamar đã ủng hộ bà Aung San Suu Kyi một cách không cân nhắc, mà không xem xét lập trường của bà đối với các nhóm sắc tộc vũ trang và chính thể bang. Giờ đây, sắc tộc Bẩm đa số đang cùng nếm mùi bạo lực và áp bức dưới bàn tay của Tatmadaw đã mang lại cảm giác đoàn kết mới với các sắc tộc khác, những người đã phải chịu đựng sự tàn bạo của quân đội quá lâu và nhận thức được lý do họ cầm vũ khí.

 

Kaw Ring, IDP ở Mai Ja Yang, cho biết:

 

“Trước đây, người Bamar đại lục không thực sự hiểu tại sao người sắc tộc thiru số lại chống lại quân đội. Đến nay nhiều người [Bamar] trẻ đã hiểu và cảm thông với những gì mà những người sắc tộc thiểu số khác đã phải trải qua.”

 

Ủy ban tổng đình công của các sắc tộc, một nhóm phản kháng gồm đại diện của hơn hai chục sắc tộc thiểu số, kể cả người Bamar, đã đưa ra những lời kêu gọi ngày càng phổ biến là bãi bỏ Hiến pháp năm 2008 và lập một Hiến pháp mới dựa trên chính thể liên bang. Vào ngày 31 tháng 3, Ủy ban do đa số người của NLD Đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw đã thực hiện những bước đầu tiên để đạt được mục tiêu đó. Ủy ban này gồm các nghị sĩ dân cử đã bị quân đội lật đổ, tuyên bố hiến pháp vô hiệu và ban hành hiến chương liên bang lâm thời như một tiền đề cho việc soạn thảo hiến pháp mới.

 

Người phát ngôn của KPICT, Nsang Gum San, thận trọng hơn trong việc tuyên bố đoàn kết giữa người Bamar và các sắc tộc thiểu số. Bất chấp những gì ông coi là cam kết chung trong việc xây dựng một nền dân chủ liên bang, chấm dứt chế độ độc tài và bảo vệ nhân quyền của người dân, ông nói rằng mỗi người có khuynh hướng nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của cuộc đấu tranh. Ông viết trong một email trả lời Frontier :

 

“Chúng tôi [Kachin] kháng chiến để duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ và chính trị của chúng tôi, trong khi những người Bamar của chúng tôi nổi dậy để đòi lại nền dân chủ.”

 

Tuy nhiên, ông tin rằng có lý do để lạc quan. Ông cho biết ủy ban của ông đang tích cực hợp tác với CRPH, các chính phủ nước ngoài và “các đối tác cùng chí hướng” để bảo đảm lần này sẽ đạt được chính thể liên bang.

 

“Lừa tôi một lần, xấu hổ thuộc về bạn; đánh lừa tôi hai lần, xấu hổ thuộc về tôi. Ngay cả CRPH hoặc chính phủ trung ương cũng không vì lợi ích cá nhân mà phản bội chúng ta nếu tất cả chúng ta trong cuộc cách mạng này đều thành công.”  Nsang Gum San nói.

 

Ông nói:

“Không có thời điểm nào tốt hơn lúc này để thiết lập một nền dân chủ liên bang.”

 

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn: ‘The last fight’: With growing support for federal army, Kachin prepares for war | Emily Fishbein, Nu Nu Lusan And Jaw Tu Hkawng | https://www.frontiermyanmar.net/ | April 3, 2021

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats