Covid-19
: Nạn kỳ thị người gốc Á gia tăng tại Hoa Kỳ
Thanh
Phương | Hoàng Trọng Thụy -
RFI
Đăng ngày: 14/04/2021 - 11:35
Kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, nạn kỳ thị
người Mỹ gốc Á đã gia tăng tại Hoa Kỳ. Theo thống kê của Stop AAPI Hate, một tổ
chức chuyên theo dõi các hành vi thù hận nhắm vào người Mỹ gốc Á, tính từ ngày
19/03/2020 đến 28/02/2021, đã có tổng cộng 3.795 vụ. Nhưng theo họ, con số này
chỉ là một phần của các vụ kỳ thị người gốc Á đã xảy ra tại nước Mỹ từ đầu mùa
dịch đến nay.
Tuần hành chống nạn
kỳ thị người Mỹ gốc Á tại Columbus Park, New York, Hoa Kỳ, ngày
03/04/2021. REUTERS - JEENAH MOON
Trong số gần 3.800 ca nói trên, các vụ tấn
công vào thân thể chiếm đến 11,1%. Tiêu biểu là vụ thảm sát tại Atlanta ngày
16/03, giết chết 8 người, trong đó có 6 người gốc Á, và gần đây là vụ tấn công
một phụ nữ gốc Philippines ở New York.
Nguyên nhân chính khiến các hành vi kỳ thị người
gốc Á gia tăng đó là do ảnh hưởng của Covid-19, vì đại dịch này xuất phát từ
Trung Quốc và virus corona mới trong một thời gian dài vẫn bị cựu tổng thống
Donald Trump gọi là "virus Tàu". Từ việc ghét người gốc Hoa, tư tưởng
kỳ thị người gốc Á nói chung lại trỗi dậy ở Hoa Kỳ.
Trước tình hình đó, trong thời gian qua trên
khắp Hoa Kỳ đã diễn ra các cuộc biểu tình, tuần hành để phản đối những vụ bạo lực
nhắm người Mỹ gốc Á, chẳng hạn như cuộc tập hợp trước Tòa Thị Chính thành phố
Jersey City, bang New Jersey, hôm thứ Bảy 10/04, quy tụ hàng trăm người, bao gồm
các nhà hoạt động cộng đồng, hoạt động bảo vệ quyền của người nhập cư, các lãnh
đạo doanh nghiệp và lãnh đạo hiệp hội công dân, theo tường trình của nhật báo
Jersey City Times. Hay cuộc tập hợp theo lời kêu gọi của tổ chức Asians
Fighting for Injustice tổ chức tại Columbus Park, khu Chinatown của New York
ngày 03/04.
Chính quyền liên bang và chính quyền một số bang
cũng đã bắt đầu thi hành các biện pháp để ngăn chận những hành vi bạo lực và kỳ
thị đối với người gốc Á.
Thông tín viên RFI
Hoàng Trọng Thụy tại từ Westminster, quận Cam, bang California, cho biết thêm
thông tin:
*
RFI: Từ lâu virus gây
bệnh Covid -19 đã bị cựu tổng thống Donald Trump gọi là virus Tàu, và tổng thống
Joe Biden đã yêu cầu không được gọi như vậy nữa, nhưng vì sao các hành động bạo
lực chống người châu Á lại rộ lên trong thời gian gần đây?
Hoàng Trọng Thụy: Vào khoảng tháng 03/2020, người ta bắt đầu thấy tổng thống Trump sử
dụng danh từ “China Virus”, thay vì chữ ông từng sử dụng là Coronavirus khi dịch
bệnh Covid-19 bắt đầu lây lan tại Mỹ. Theo các phân tích gia chính trị, việc
thay đổi này là một thủ thuật về chính trị để khuấy động tinh thần bài Trung Quốc,
cùng lúc với thời gian ông đang muốn gây áp lực để buộc Bắc Kinh phải thuận
theo những đòi hỏi nhằm cân bằng thâm hụt mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Việc tổng thống Trump sử dụng từ China Virus,
theo ông giải thích, là vì trước đây từng có Spanish Flu, là do cúm xuất nguồn
từ Tây Ban Nha, bây giờ Coronavirus xuất nguồn từ Trung Quốc thì phải gọi
là China Virus.
Quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ của giới
nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng Hòa trong Quốc Hội, chẳng hạn như thượng nghị sĩ
John Cornyn. Ông đã nói rằng: “Trung Quốc chịu trách nhiệm vì nền văn hóa ăn
dơi, rắn, chó của họ”. Những tuyên bố này bắt đầu ăn dần vào tâm khảm của
cử tri Mỹ, nhất là những người ủng hộ tổng thống Trump. Từ đó, thuật ngữ China
Virus luôn được người ủng hộ ông Trump sử dụng và trở thành một chiêu bài chính
trị cho các nhóm kỳ thị chủng tộc ở Mỹ kích động, dẫn đến tình trạng bạo lực nhắm
vào người gốc châu Á trong thời gian qua, cho dù việc gọi Coronavirus là China
Virus đã bị phía đảng Dân Chủ phản đối từ những ngày đầu, và cho dù tổng thống
Biden đã yêu cầu không được gọi là Virus Tàu nữa, nhưng đã quá muộn để ngăn chặn
tình trạng tấn công người gốc châu Á ở Mỹ.
*
RFI: Anh có thể lại một
vài vụ tiêu biểu về nạn kỳ thị, tấn công người gốc Á, nhất là tại California ?
Hoàng Trọng Thụy: Theo báo cáo mới nhất từ tổ chức kêu gọi ngừng những vụ thù hận
nhắm vào người Mỹ gốc Á, chỉ trong vòng một năm trở lại đây, tức là kể từ khi xảy
ra đại dịch, tại Hoa Kỳ đã xảy ra trên 3,800 vụ ( Chỉ riêng từ đầu năm 2021 đến
nay đã xảy ra 503 vụ ), bao gồm những vụ tấn công, hoặc những lời kỳ thị
nhắm vào người gốc châu Á, chẳng hạn như: "Mày hãy về xứ của mày đi!"
Đa số các vụ tấn công này xảy ra tại hai bang là New York và California, đặc biệt
là tại thành phố New York và Los Angeles.
Tại New York vào cuối tháng 3 vừa qua, một phụ
nữ gốc châu Á trong lúc đi đường đã bị một người đàn ông gốc châu Phi tấn công
đến phải nhập viện. Trong lúc tấn công, nghi can đã buông ra những lời miệt thị.
Tại California, nhiều vụ tấn công xảy ra tại San Francisco, như vào ngày 23/03,
3 thanh niên đã nhắm vào một người đàn ông 67 tuổi. Sau khi đánh đập dã man, bọn
này đã bỏ chạy và lấy đi bóp tiền.
Tại miền Nam California, vụ mới nhất xảy ra
vào tháng 3 vừa qua khi có một thanh niên 28 tuổi dùng đá ném vào xe của một phụ
nữ gốc châu Á ở thành phố Fullerton, khi bà đang chở đứa con trai 6 tuổi. Mặc
dù phụ nữ này không bị thương tích, nhưng chiếc xe Tesla mới tinh của bà bị
móp. Nghi can đã bị bắt và ra tòa hôm thứ Hai 05/04 vừa qua với 4 tội
danh, bao gồm tội nặng nhất là tấn công do thù hận chủng tộc.
Hôm Thứ Bảy, 03/04, tại quận Riverside, cách
quận Cam khoảng 1 giờ lái xe, một phụ nữ gốc Hoa đang dắt chó tản bộ trong công
viên thì bị một thanh niên chuyển giới dùng dao đâm đến chết. Cảnh sát hiện
không tin đây là vụ tấn công vì kỳ thị, nhưng vì nạn nhân là một người gốc Hoa,
vụ này đã gây thêm quan ngại trong cộng đồng người gốc Á. Tương tự như vụ
tấn công ở thành phố Atlanta, bang Georgia, trước đó, khiến 8 người thiệt mạng,
bao gồm những thiếu nữ hành nghề massage - đấm bóp. Mặc dù hung thủ khai không
phải từ động lực kỳ thị, nhưng các cộng đồng gốc Á vẫn tin đây là vụ tấn công
mang tính kỳ thị và đã lên án gắt gao.
*
RFI: Trước những vụ tấn công này, phản ứng của người
gốc Á nói chung và người gốc Việt nói riêng như thế nào?
Hoàng Trọng Thụy: Sau
nhiều vụ tấn công nhắm vào người gốc châu Á xảy ra liên tục, bao gồm vài nạn
nhân là người Việt, ngoài những cuộc biểu tình chống lại hành động kỳ thị thù hận,
trên mạng xã hội, nhìn chung, phản ứng của người Việt lẫn người gốc Á khác ở
Hoa Kỳ là kêu gọi mọi người nên cảnh giác.
Rất nhiều buổi tập họp trong cộng đồng người gốc
Hoa, gốc Việt, gốc Phi.. tại nhiều địa điểm khác nhau cùng đưa ra thông điệp
kêu gọi mọi người, nhất là những ai di chuyển vào ban đêm nơi vắng người qua lại,
nên vô cùng cẩn thận, nhìn trước sau, và tốt nhất vẫn nên đi hai người. Tại San
Francisco, sau những vụ tấn công, nhiều thanh niên gốc Á đã thành lập các nhóm
tương tự như dân quân để tuần tiễu quanh các khu vực mà họ nghi là sẽ xảy ra những
vụ tấn công tương tự.
Riêng trong cộng đồng người Việt ở quận Cam,
nhất là vùng Little Saigon, mặc dù có sự quan ngại, nhưng phần lớn người Việt
không sợ, là vì họ tin là đa số người Việt ra đường đông đúc hàng ngày, chưa kể
là số người không phải gốc Việt đi bộ trên các đường phố hoặc tập trung
trong những trung tâm thương mại thì rất hiếm hoi, vì vậy chưa có vụ tấn công
nào được ghi nhận trong cộng đồng người Việt. Mặc dù vậy, các cụ vẫn được
khuyên là chớ nên đi bộ ra đường một mình, cho dù là tản bộ tập thể dục.
*
RFI: Chính quyền liên bang và chính quyền các bang
có liên hệ đã có những biện pháp gì để ngăn chận các cuộc tấn công đó?
Hoàng Trọng Thụy: Sau
nhiều vụ tấn công mang tính thù hận nhắm vào người gốc Á, Nhà Trắng mới
đây khởi xướng kế hoạch hỗ trợ từ tài chính đến thông tin, để kêu gọi người dân
nên quan tâm hơn nữa vào những vụ tấn công này. Cụ thể, bộ Cung Cấp Dịch Vụ Y Tế
Nhân Sinh cấp gần 50 triệu đôla để giúp những nạn nhân gốc Á bị tấn công,
bao gồm cả những vụ bạo động trong gia đình, hoặc tấn công tình dục. Ngoài ra,
Viện Khoa Học Quốc Gia cũng dành ngân sách 33 triệu đôla cho công trình nghiên
cứu về sự kỳ thị, thù hận chủng tộc.
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cũng thành lập các ban ngành
chuyên môn về những vụ bạo động nhắm vào người gốc Á, bao gồm thu thập dữ kiện
và chia sẻ thông tin về kỳ thị, đồng thời hỗ trợ cho các cơ quan công lực
từ thành phố đến bang, huấn luyện cho cảnh sát phương cách đáp ứng và
phòng ngừa tốt hơn trong những vụ tấn công người gốc Á, hay những hành động kỳ
thị vì chủng tộc nói chung.
Nhìn chung, tại những nơi đã từng xảy ra những
vụ tấn công nhắm vào người gốc Á, chính quyền địa phương đều ra chỉ thị cho cảnh
sát phải cảnh giác hơn nữa trong lúc tuần tra, bên cạnh việc đưa ra các thông
cáo kêu gọi sự hỗ trợ, cũng như cảnh giác từ người dân. Song song đó, các nhân
vật lãnh đạo trong cộng đồng gốc Á đã tổ chức các buổi tập họp để lên án, đồng
thời kêu gọi sự đoàn kết để chống lại các hành vi kỳ thị chủng tộc.
No comments:
Post a Comment