Wednesday, 14 April 2021

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN THÂN HỮU VIỆT NAM BƯỚC SANG TRANG MỚI QUA TRƯỜNG HỢP NGUYỄN HỒNG DIÊN (Jackhammer Nguyễn)

 



Chủ nghĩa tư bản thân hữu Việt Nam bước sang trang mới qua trường hợp Nguyễn Hồng Diên

Jackhammer Nguyễn

14/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/14/chu-nghia-tu-ban-than-huu-viet-nam-buoc-sang-trang-moi-qua-truong-hop-nguyen-hong-dien/

 

Chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism) ở Việt Nam đã được nói đến từ lâu, ngay từ khi Việt Nam bắt đầu cho phép kinh tế thị trường hoạt động, khi có những người trong lĩnh vực tư nhân giàu lên. Có tiền sẽ có thêm quyền hành và quyền hành sẽ giúp tạo thêm sự giàu có.

 

Nói một cách cụ thể là, các quan chức, từ thấp đến cao móc nối với các nhà tư bản ở Việt Nam, được gọi là “đại gia”. Các “đại gia” bỏ tiền ra cho quan chức, quan chức bảo kê cho “đại gia”. Và cuối cùng là, “đại gia” đảm nhiệm luôn các chức vụ, làm quan.

 

Chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam có lẽ đã bước sang giai đoạn cuối cùng đó. Điều này có thể thấy rõ nhất qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Hồng Diên, con rể của một “đại gia” ở tỉnh Thái Bình, làm Bộ trưởng Bộ Công thương, một bộ mà mới nghe cái tên người ta cũng hình dung ra bao nhiêu là tiền.

 

Theo tác giả Phạm Vũ Hiệp, trong bài viết “Chuyện tân bộ trưởng Bộ Công thương và ông chủ hãng bia Đại Việt” đăng trên Tiếng Dân ngày 12/4/2021, ông Diên là con rể ông Trần Văn Sen, chủ nhân tập đoàn Hương Sen.

 

Các nguồn tin của Phạm Vũ Hiệp cho biết, ông Sen có quan hệ thân thiết với các viên chức thuần đảng cao cấp như Trần Quốc Vượng (nhân vật thân tín mà ông Nguyễn Phú Trọng định đưa lên thay mình để làm tổng bí thư nhưng thất bại, dẫn đến những thay đổi ngoạn mục trong việc chia chác quyền lực vừa qua), Trần Cẩm Tú…

 

Như vậy, Nguyễn Hồng Diên không thuộc nhóm thái tử đảng như các ông Trần Tuấn Anh (cựu Bộ trưởng Công thương, con trai cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương), hay Nguyễn Thanh Nghị (Bộ trưởng Xây dựng, con trai cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)…

 

Ông Diên tham gia đoàn thanh niên rồi vào các cơ quan thuần đảng để leo lên, với sự giúp sức của bố vợ là “đại gia” Trần Văn Sen. Ông Diên được bổ sung vào Ban Tuyên giáo Trung ương hồi năm 2020, như là một bệ phóng, cùng phe thuần đảng của ông Nguyễn Phú Trọng, tranh đoạt quyền lực trong kỳ đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Vừa được vào Ban Tuyên giáo hồi tháng 5/2020, ông Diên đã đăng đàn ca ngợi chuyện ông Trọng dù cao tuổi vẫn ở lại cầm quyền, mà thực chất là chuẩn bị dư luận để vài tháng sau ông Trọng xé bỏ điều lệ đảng của chính ông đưa ra, để trở thành một trường hợp siêu đặc biệt, ở lại cầm quyền thêm một lần nữa.

Câu chuyện “nâng bi” này được giới blogger “lề trái” chỉ trích thậm tệ, cũng như những đồn đoán về sự liên quan giữa Nguyễn Hồng Diên với băng nhóm xã hội đen Đường Nhuệ.

 

Hai việc này làm cho “lề trái” quên đi thân phận “đại gia” của ông Nguyễn Hồng Diên, một chi tiết quan trọng trong sự thay đổi cấu trúc quyền lực của xã hội Việt Nam hiện nay.

 

Sau khi mở cửa làm ăn kiểu tư bản, người ta hay nói về những doanh nghiệp sân sau, trong đó các “đại gia” với sự đỡ đầu của một quan chức cao cấp nào đó, như trường hợp Nguyễn Phương Bình, giám đốc ngân hàng Đông Á, được cho là sân sau của một số quan chức cao cấp gốc miền Trung cùng quê với ông Bình.

 

Trương Mỹ Lan, nữ “đại gia” địa ốc người Việt gốc Hoa, được cho là đứng sau lưng các quan chức chính trị thành Hồ.

 

Nổi bật hơn hết là “đại gia” Phạm Nhật Vượng, tỷ phú đô la của Việt Nam, được cho là rất khôn khéo, đứng đằng sau nhiều phe nhóm khác nhau trong chính trường Việt Nam.

 

Nhưng các trường hợp Nguyễn Phương Bình, Phạm Nhật Vượng, Trương Mỹ Lan, người ta không thấy họ trực tiếp tham gia chính trường Việt Nam. Nguyễn Hồng Diên là nhân vật không phải thái tử đảng, lại là “đại gia”, trực tiếp tham gia chính trường.

 

Sự thăng tiến của Nguyễn Hồng Diên có thể báo hiệu một thời kỳ mới của chủ nghĩa tư bản thân hữu Việt Nam, tương tự như Trung Quốc, nơi có sự tham gia chính trường của các “đại gia”, theo thuyết ba đại diện của cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Giang Trạch Dân. Theo thuyết này ĐCS Trung Quốc đưa vào đội hình các “đại gia” của mình, như bài phân tích đăng trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế của ông Lê Hồng Hiệp, từ Singapore.

 

Sau sự kiện ông Nguyễn Hồng Diên được bổ nhiệm Bộ trưởng Công thương, chỉ vài tháng sau khi vào Ban Tuyên giáo Trung ương, tạp chí này có bài phân tích, nhấn mạnh khía cạnh được cho là hợp lý của việc bổ nhiệm ông Diên. Sự “hợp lý” này dựa trên tiền đề, rằng phe “thuần đảng” của ông Nguyễn Phú Trọng, với đàn em Nguyễn Hồng Diên sẽ kiểm soát các hoạt động kinh tế (mà Bộ Công thương là đầu mối) chặt chẽ hơn, sẽ chống tham nhũng tốt hơn.

 

Tạp chí này “quên” (hay là không biết?) lý lịch “đại gia” của Nguyễn Hồng Diên mà tác giả Phạm Vũ Hiệp nêu ra?

 

Thật ra, việc một thành viên gia đình của quan chức cao cấp là “đại gia”, không phải lần đầu xuất hiện trên chính trường Việt Nam, như trường hợp người trong gia đình bà cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, có một doanh nghiệp kinh doanh thuốc nhập cảng, nhưng đây là trật tự chính trị trước, “đại gia” theo sau. Ngược lại, trường hợp Nguyễn Hồng Diên là “đại gia” trước, chính trị theo sau.

 

Một số người có thể lập luận rằng, Nguyễn Hồng Diên đã bắt đầu con đường hoạn lộ từ địa phương, leo lên đến trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh. Nhưng trong biết bao nhiêu viên chức cấp trung làng nhàng như vậy, mà chỉ chưa đầy một năm sau, ông Diên nhảy vọt lên, ngồi vào ghế Bộ trưởng, qua bước đệm Ban Tuyên giáo Trung ương.

 

Trường hợp ông Diên cũng khác hai chị em “đại gia” Đặng Thị Hoàng Yến và Đặng Thành Tâm. Hai người này chỉ mon men đến Quốc hội trang trí, họ phải đành lòng làm… sân sau cho ai đó mà thôi. Ông Tâm trong cương vị đứng đầu tập đoàn Tân Tạo, một thời là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến từng là đại biểu Quốc hội, bị truất phế vì không khai mình có quốc tịch Mỹ.

 

Đã có những thái tử, công chúa đảng, rời môi trường chính trị của gia đình mình để làm “đại gia”, như ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẫn, bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nay Nguyễn Hồng Diên, xuất thân từ gia đình “đại gia”, bước vào nội các chính phủ.

 

Quyền lực và tiền bạc là hai thứ rất gắn bó với nhau, từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Tuy nhiên, ở phương Tây, người dân có nhiều quyền hành, thông qua lá phiếu của mình.

 

Chủ nghĩa tư bản thân hữu cũng đã tấn công dữ dội các định chế dân chủ, như trường hợp bốn năm vừa qua tại Mỹ, khi “doanh nhân địa ốc” Donald Trump bổ nhiệm “doanh nhân địa ốc con rể” Jared Kushner làm cố vấn cao cấp. Ông Kushner thậm chí có lúc được xem như tổng thống thật sự (de facto president) khi ông ở đằng sau điều hành chính phủ. Nhưng lá phiếu của người dân Mỹ đã làm tan tành giấc mộng chính trường của hai “đại gia – chính trị gia Mỹ”, con rể – bố vợ này.

 

Người Việt Nam không có quyền quyết định ai làm lãnh đạo của mình thông qua lá phiếu. Họ sẽ cũng giống như người Trung Quốc, chờ đợi thuyết ba đại diện, phiên bản Việt Nam, mà Nguyễn Hồng Diên có thể là kẻ bắt đầu.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats