Saturday, 17 April 2021

CÁC KẾT ƯỚC VỀ BIÊN GIỚI GIỮA VIỆT NAM và TRUNG QUỐC SẼ CÓ HIỆU LỰC BẮT BUỘC và VĨNH VIỄN (Trương Nhân Tuấn)

 



Các kết ước về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có hiệu lực bắt buộc và vĩnh viễn

Trương Nhân Tuấn

17/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/17/cac-ket-uoc-ve-bien-gioi-giua-viet-nam-va-trung-quoc-se-co-hieu-luc-bat-buoc-va-vinh-vien/

 

Có nguồn tin cho rằng, khi Việt Nam được dân chủ hóa và có các mối liên minh chiến lược với Mỹ và các nước phương Tây thì các công hàm, các cam kết giữa hai đảng CSVN và Trung Quốc sẽ không còn hiệu lực.

 

Ở đây, cần phân biệt các kết ước giữa “quốc gia với quốc gia” và các kết ước giữa đảng với đảng. Hiển nhiên các kết ước giữa đảng với đảng là chuyện nội bộ của đảng. Các kết ước này không ảnh hưởng lên quốc gia. Nhưng đối với các kết ước giữa “quốc gia với quốc gia”, Việt Nam không thể đơn phương từ bỏ hay phủ nhận một kết ước, nhứt là khi kết ước này có liên quan đến đường biên giới.

 

Ta nên biết là các ký kết về biên giới giữa Pháp và nhà Thanh năm 1887 và 1895, lúc đó Pháp đại diện cho triều đình nhà Nguyễn. Các kết ước này vẫn còn hiệu lực cho các nhà nước tiếp nối sau này, đến khi có một kết ước khác, được sự đồng thuận của hai nước, thay thế.

 

Việt Nam DCCH, sau này là CHXHCN Việt Nam, và Trung Quốc đều nhìn nhận các kết ước này cho tới cuối năm 1999. Hai công ước Pháp – Thanh về biên giới chỉ hết hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 1999, sau khi Hiệp định phân định biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệu lực.

 

Biên giới giữa Việt Nam và Campuchia cũng vậy. Nhờ những quyết định về hành chánh của Pháp mà miền Nam được mở rộng thêm. Miền Nam được Pháp trả lại cho Bảo đại (thay vì trả cho Sihanouk). Vùng đất gọi là Khmer Krom, hay các vùng lãnh thổ miền Trung như Darlac, Pleiku, Lâm đồng v.v… Việt Nam có được là nhờ Pháp sáp nhập vào. Đảo Phú quốc cũng vậy. Trong khi miền Trung là đất của đế quốc Chiêm thành.

 

Nếu mỗi lần thay đổi chế độ là mỗi lần các kết ước về biên giới bị hủy bỏ, biên giới bị các bên đặt lại. Có lẽ thế giới này sẽ loạn. Đặc biệt lãnh thổ Việt Nam chỉ co cụm lại ở miền Bắc.

 

Trở lại vấn đề, Đảng CSVN đứng dưới danh nghĩa quốc gia Việt Nam ký kết hai hiệp định phân định biên giới trên đất liền năm 1999 và phân định vịnh Bắc bộ năm 2000 với Trung Quốc. Giả sử rằng, một ngày đẹp trời nào đó, trời giúp cho ước nguyện các nhà dân chủ ‘chờ sung’ được toại nguyện, thì một quốc gia Việt Nam có tên khác ra đời, với chế độ dân chủ xà bần do các “nhà dân chủ” Việt Nam lãnh đạo. Quốc gia Việt Nam mới này vẫn có nghĩa vụ phải tuân thủ các hiệp ước mà quốc gia Việt Nam tiền nhiệm đã ký kết với Trung Quốc trước đó về vấn đề biên giới.

 

Điều 11 công ước Vienne về ‘Kế thừa quốc gia’ có đoạn: Việc kế thừa quốc gia không được làm thay đổi đường biên giới đã thiết lập trước đó bằng một hiệp ước. Tức là các hiệp ước do đảng CSVN nhân danh quốc gia Việt Nam ký kết với Trung Quốc về biên giới, cho dù gây bất lợi cho Việt Nam như thế nào, thì các quốc gia Việt Nam sau này vẫn phải tôn trọng các hiệp ước đã ký.

 

Thí dụ, hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đang bàn luận để phân định vùng cửa vịnh Bắc Việt. Bài tôi viết hôm 15/4: Có phải đảng CSVN đang chuẩn bị quà sinh nhật 100 năm ngày thành lập đảng CSTQ? Trường hợp Việt Nam nhìn nhận chủ quyền Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc, việc này sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm như thế nào.

 

Nếu Việt Nam đồng ý ký kết với Trung Quốc những điều như vậy, Việt Nam bị mất vĩnh viễn Hoàng Sa, mất hàng trăm ngàn cây số vuông biển. Đời đời cháu con sẽ phải tuân thủ hiệp ước này mà không có cách nào đảo ngược lại (ngoài chiến tranh).

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/1-16.jpg

Bản tin trên báo Nhân Dân ngày 22/9/1958.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/0-82.jpg

Bản tin công nhận hải phận của TQ trên báo Nhân Dân được phóng to.

 

Theo tôi, ý kiến nói là khi Việt Nam dân chủ hóa thì các công hàm, các kết ước về biên giới ký kết với Trung Quốc sẽ vô hiệu lực là rất nguy hiểm.

 

Khi ta nói như vậy thì ta đã khuyến khích mọi công dân Việt Nam không quan tâm đến vấn đề lãnh thổ nữa, cứ để mặc cho đảng CSVN muốn làm gì thì làm.

 

Vấn đề là khi CSVN nhân danh quốc gia Việt Nam để ký kết, bút sa gà chết, các thế hệ của Việt Nam sau này phải tôn trọng các cam kết đó, bất kể các điều đó gây tai hại cho Việt Nam ra sao.

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats