Sunday, 7 March 2021

DONALD TRUMP và LUẬT PHÁP MỸ (Minh Phạm)

 



Donald Trump và luật pháp Mỹ (Phần 3)

Minh Phạm

06/03/2021

https://baotiengdan.com/2021/03/06/donald-trump-va-luat-phap-my-phan-3/

 

Một nguồn tin cho biết, một đại bồi thẩm đoàn (Grand Jury) ở Atlanta đã được triệu tập (convene) cho vụ Georgia Call, nghĩa là vụ điều tra ông Trump về cáo buộc “lật đổ kết quả bầu cử tổng thống 2020 có dự mưu” ở tiểu bang Georgia (GA call) đã chính thức bắt đầu.

 

Cũng liên quan đến âm mưu lật đổ kết quả bầu cử, theo trang tin The Daily Beast, luật sư đại diện cho dân biểu Bennie Thompson (đảng Dân chủ, đại diện bang Mississippi) và Tổ chức NAACP vừa tống đạt một Triệu-hoán-trạng cho cựu tổng thống Donald Trump ở tận nơi cư trú “hậu Tổng thống” Mar-a-Lago club, bang Florida.

 

Triệu hoán trạng chính thức báo cho ông Trump biết rằng, ông bị dân biểu Bennie Thompson và Tổ chức NAACP kiện ra tòa vì phạm luật liên bang, liên quan đến vụ bạo loạn ở trụ sở Quốc Hội liên bang ngày 6/1/2021. Đơn kiện vụ này được phát động vào ngày 16/2/2021 ở Tòa sơ thẩm liên bang Phân khu thủ đô.

 

Đồng bị đơn với ông Trump trong vụ này là luật sư Rudy Giuliani cùng các nhóm cực hữu gồm Proud Boys, the Oath Keepers. Tất cả các đồng bị đơn bị cáo buộc vi phạm đạo luật “Ku Klux Klan Act,” 1871 (luật 3K Act 1871), “tội cố ý có dự mưu ngăn cản các thành viên Quốc Hội thi hành nghĩa vụ pháp định của họ trong lúc thực hiện việc kiểm phiếu Đại cử tri sau ngày bầu cử tổng thống; đe dọa tính mạng của nguyên đơn cùng các Nhà lập pháp khác“.

 

Đáng chú ý là trong vụ này, ông Trump chưa có luật sư đại diện. Nguyên đơn thỉnh cầu tòa án phán quyết, các bị đơn vi phạm điều luật đã dẫn bồi thường cho Nguyên đơn, phạt tiền các bị đơn để làm gương, chịu án phí cùng phí luật sư…

 

(Nhân nhắc đến Triệu-hoán-trạng, tin cho biết, nữ luật sư Sidney Powell – bị đơn trong vụ Dominion Voting System kiện đòi bà này bồi thường 1,3 tỷ dollars – hiện vẫn “bặt vô âm tín” khiến nguyên đơn không thể tống đạt Triệu hoán trạng đến tận tay; và tin mới nhất từ vụ Dominion Voting System kiện Giuliani đòi bồi thường 1,3 tỷ dollars cũng với tội tung tin giả trong vụ kiện tội phỉ báng [defamation lawsuit] thì ông Giuliani vừa xin Tòa gia hạn nộp Biện minh trạng trong 35 ngày).

 

Vài giờ trước khi viết bài này, tiếp bước dân biểu Bennie Thompson, dân biểu Swalwell – sứ giả luận tội của Hạ nghị viện trong phiên tòa Senate Trial mới đây – cũng kiện ông Trump ra tòa với cùng nguyên cớ và cùng thỉnh cầu tương tự đơn kiện của dân biểu Thompson. Tuy nhiên, đồng bị đơn với Trump vẫn là luật sư Giuliani, không có các tổ chức cực hữu nhưng lại có thêm trưởng tử Trump Jr,.

 

Trong 3 vụ trên, vụ điều tra GA call là vụ hình sự do tân nữ Biện lý Fani Willis ở Atlanta tiến hành, theo luật tiểu bang Georgia; hai vụ còn lại của hai nhà lập pháp tại Hạ viện, sử dụng tố quyền với tư cách cá nhân (private citizen) chứ không sử dụng tư cách “dân biểu” (US. Representative) trên căn bản Dân-sự-phạm (Tort, tức “luật về hành vi gây thiệt hại”, cũng là luật về “Trách nhiệm dân sự”, “luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”).

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/0-34-1024x576.jpg

Một số vụ kiện ông Trump đang đối mặt. Nguồn: MSNBC

 

                                                    ***

 

Ông Trump được biết đến như một người “rất có duyên” với kiện tụng, và thật sự là ông đã vướng vào vũng lầy kiện tụng suốt một thời gian dài. Số vụ kiện mà ông Trump “mắc phải” trước khi ông làm Tổng thống Mỹ lên đến con số ngàn, nhưng có điều hơi “phiền toái” chút đỉnh là ông luôn ở vị thế của một… bị đơn (tức người BỊ kiện). Phần lớn các vụ kiện này đều là những vụ kiện kinh doanh thương mại trên danh nghĩa cá nhân (personality: Donald Trump) và cả pháp-nhân (legal entity: Trump Organization), thuộc lĩnh vực tố tụng dân sự.

 

Với “bề dày” như vậy, việc ông Trump đánh bại các ứng cử viên tổng thống tiềm năng nhất của đảng Cộng hòa trong vòng bầu cử sơ bộ 2016 đã là một hiện tượng không ai ngờ tới. Nhưng với một nhân thân như vậy mà đắc cử tổng thống thì quả là một quái sự nếu xét trên toàn bộ lịch sử về nhân thân các ứng cử viên tổng thống Mỹ từ xưa đến nay!

 

Kịp đến khi đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016, “danh mục” kiện tụng của ông Trump dài thêm. Ngoài các vụ kiện dân sự và có khả năng một số vụ sẽ mở rộng thành điều tra hình sự, ông Trump liên tục bị kiện trong các vụ hành-chánh bởi các chính sách (dưới hình thức các sắc lệnh: Executive Orders) do ông ban hành bị phản đối bởi các tổ chức công (các Viện Chưởng lý tiểu bang: pháp-nhân công-pháp) và tổ chức tư (pháp-nhân tư-pháp: các tổ chức dân sự, gồm cả các tổ chức mệnh danh “giám sát công quyền” (watchdog).

 

Đáng nói nhất, trong giai đoạn này, ông Trump sẽ đi vào lịch sử như vị tổng thống đầu tiên bị điều tra vì cáo buộc thông đồng với ngoại quốc (Nga) để can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Kết luận điều tra của Robert Mueller (Mueller’s Report) hiện vẫn còn là tài liệu còn nguyên giá trị tham khảo cho các điều tra viên ở các cấp liên bang và tiểu bang ở các vụ kiện hành chánh tiềm năng.

 

Hơn nữa, vì một trong những yêu cầu về phẩm-hạnh của vị tổng thống là phải minh bạch về nhân thân (private life) trong quá khứ, và thế là ông Trump xuất hiện thêm ở nhiều vụ cáo buộc sách nhiễu tình dục (sexual harassment) kèm theo tội trạng “phỉ báng” (defamation claims) những phụ nữ từng bị ông Trump “ghé mắt” hàng thập niên về trước.

 

Kế tiếp, vì quy định từ Hiến pháp và thông lệ buộc tổng thống phải “rạch ròi chuyện công-tư”, ông Trump lại bị kiện về tội “nhận các bổng lộc” nhờ gián tiếp, vào chức vụ tổng thống và xung đột lợi ích (interest conflict) giữa “công dân Trump” và “doanh nhân Trump” theo quy định trong Hiến pháp có tên gọi là Điều khoản Bổng lộc” (Emoluments Clause).

 

                                                      ***

Có thể nói, Donald Trump là một nhân vật nổi bật trong các vụ điển-cứu (case-study) ở ngành luật-học khi mà Trump hiện diện trong tất cả các lĩnh vực tố tụng của ngành khoa học này. Vì vậy, có lẽ ông Trump cũng phá kỷ lục là người BỊ kiện bởi mọi giới khi mà nguyên đơn trong các vụ kiện liên quan đến ông gồm đủ mọi giai tầng trong xã hội!!!

.

-----------------------------------------

.

.

Donald Trump và luật pháp Mỹ (Phần 2)

Minh Phạm

05/03/2021

https://baotiengdan.com/2021/03/05/donald-trump-va-luat-phap-my-phan-2/

 

Trong khi các chính trị gia và công tố viên liên bang Mỹ đang “vật lộn” với câu hỏi, liệu có nên truy tố cựu tổng thống Donald Trump về trách nhiệm hình sự mà ông ta có thể phạm phải hay không (vì chưa có tiền lệ) thì tin từ nước Pháp cho biết, Tòa án nước này vừa kết án cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, phải chịu 3 năm tù vì tội tham nhũng.

 

Với bản án này, sự nghiệp chính trị của ông Sarkozy xem như kết thúc. Nên nhớ, ông Sarkozy không phải là trường hợp đầu tiên một cựu tổng thống Pháp bị truy tố hình sự và gánh chịu hình phạt tù. Trước ông Sarkozy, cựu tổng thống Jacques Chirac cũng chịu thảm cảnh tương tự.

 

                                                    ***

 

Ngày 24 tháng 7 năm 2019, trả lời cho dân biểu Cộng hòa trong một buổi điều trần trước Quốc Hội sau khi kết thúc điều tra nghi vấn thông đồng Trump-Nga, ông Robert Mueller cho biết, nếu được phép, ông sẵn sàng truy tố Donald Trump với tội hình sự SAU KHI ông Trump mãn nhiệm.

 

Ngày 22/2/21, Tối cao Pháp viện liên bang ra quyết định cựu tổng thống Donald Trump phải giao nộp Hồ sơ tài chính cá nhân trong 8 năm liên tục (2011-2018) cho Biện lý hạt Manhattan của tiểu bang New York là Cyrus Vance để ông nộp cho Bồi thẩm đoàn luận tội (Grand Jury) của Viện công tố hạt này.

 

Trong mọi cáo buộc hình sự đối với ông Trump thì án-vụ của Biện lý Vance được cho là “có cơ sở phạm tội” (probable cause) để Bồi thẩm đoàn luận tội Manhattan quyết định ra cáo trạng truy tố hình sự (true bill) ông cựu tổng thống Donald Trump.

 

Ngoài Biện lý Vance, cấp trên trực tiếp của ông này là Tổng chưởng lý Letitia James của tiểu bang New York cũng đang điều tra vụ án gian lận thương mại (dân sự) và có khả năng vụ này sẽ được chuyển sang án hình sự.

 

Hôm thứ tư, Ủy ban Giám sát Hạ nghị viện tiếp tục phát trát Subpoena cho các định chế tài chính buộc họ phải giao nộp hồ sơ tài chính của ông Trump theo yêu của ủy ban này. Nếu có cơ sở tin rằng ông Trump phạm luật, Ủy ban giám sát có thể yêu cầu Bộ Tư pháp truy tố ông Trump ra tòa án liên bang.

 

Hồ sơ tài chính của ông Trump – mà ông hứa sẽ công bố nếu được đề cử làm ứng cử viên tổng thống năm 2016 nhưng cho đến nay ông vẫn tìm mọi cách để che giấu – cũng có thể trở thành chứng cứ phạm tội vững chắc mà ngoài Biện lý Vance thì Tổng chưởng lý New York và Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ nghị viện tin chắc là ông Trump phạm phải.

 

Vì vậy, quyết định của Tối cao pháp viện khiến nhiều người tin rằng số phận chính trị của ông Trump “như mành treo chuông”.

 

“Cái sảy nảy cái ung”. Trong số những vụ kiện còn lại, có thể sẽ phát sinh thêm nhiều cáo buộc hình sự đối với ông Trump như vụ “Điện đàm Ucraine”, “Điện đàm Georgia” (GA call), vụ bạo loạn 6/1…

 

Tuy vậy, những diễn biến chính trị ở Washington trong thời gian gần đây, cùng với đặc tính của chế độ lưỡng đảng hiện tại khác biệt so với chế độ đại nghị của Pháp, liệu ông cựu tổng thống Mỹ Donald Trump có bị truy tố hình sự hay không là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Hệ lụy của vấn đề này cũng khiến người ta nghi ngờ câu hỏi là phải chăng “không một thế lực nào có thể ngăn cản Donald Trump trở thành một ứng cử viên tổng thống tiềm năng vào năm 2024, ngoại trừ…luật pháp”?

 

Một khi câu hỏi này được đặt ra, tất nhiên đã có sự nghi ngờ về tính “công bằng của luật pháp”. Câu hỏi này nếu được đặt ra từ năm 2016 trở về trước ắt người viết sẽ bị thiên hạ cười đến “trẹo quai hàm”!

 

Vậy nếu các bằng chứng phạm tội của cựu tổng thống là “có cơ sở” (probable cause) thì liệu có chắc là công tố viện sẽ truy tố cựu tổng thống, và trong trường hợp bị chứng minh là “có tội” (guilty) thì liệu cựu tổng thống sẽ gánh chịu một sự chế tài thích đáng?

 

                                                  ***

 

Người ta vẫn chưa quên Robert Mueller trả lời trước ủy ban tư pháp Hạ nghị viện trước đây. Và nay người ta cũng chờ đợi Trump “tổng thống” khác với Trump “dân thường” ra sao trước Tòa án thường-luật, nơi hoàn toàn khác biệt với Tòa án Thượng nghị viện sặc mùi đảng phái trong cả hai phiên tòa luận tội xét xử Donald Trump.

 

----------------------------------------------------------------------------------------

.

.

Donald Trump và luật pháp Mỹ (Phần 1)  

Minh Phạm

04/03/2021

https://baotiengdan.com/2021/03/04/donald-trump-va-luat-phap-my/

 

Một hiện trạng chính trị đang diễn ra chưa có tiền lệ: Ông Donald Trump dù không còn là tổng thống nhưng ảnh hưởng của ông lên nước Mỹ hiện vẫn còn khá mạnh mẽ. Muốn hay không, ông Trump cũng sẽ còn được nhắc đến như một lãnh tụ “trên thực tế” (de facto) của đảng Cộng hòa trong một thời gian nữa. Sự ủng hộ không hề sụt giảm đối với Trump có thể làm chấm dứt nghiệp chính trị khiến những “ứng viên tiềm năng của ghế Tổng thống 2024” trong nội bộ đảng Cộng hòa trở nên kiêng dè.

 

Tại Hội nghị Bảo thủ của đảng Cộng hòa (Conservative Political Action Conference: CPAC) tổ chức hôm chủ nhật 28/2 ở Orlando (Florida), ông Trump được một số thành viên của đảng Cộng hòa thừa nhận như một lãnh tụ mà đảng cộng hòa “cần phải nhớ, ở đây chứ không đi đâu hết” vì “sự sống còn” của đảng này.

 

Tuy nhiên, cũng xin lưu ý CPAC không đại diện cho toàn bộ đảng Cộng hòa mà nó chỉ là hội nghị của một nhóm người đồng chí hướng trong nội bộ đảng Cộng hòa mà thôi. Nhận rõ điều này để có thể xác định vị trí thực sự ông Trump “đứng ở đâu” trong đảng Cộng hòa vào từng thời điểm hiện nay cho đến năm… 2024! Vì thế, không rõ là những lời có cánh dành cho ông Trump của các nhân vật này có thật sự là lời tâm huyết “tận đáy lòng” của ông Trump hay không. Thật khó mà biết được khi mới đây họ chỉ trích Trump và vài người trong số này là ứng cử viên tiềm năng cho chiếc ghế tổng thống 2024, tức đối thủ của ông Trump trong tương lai.

 

                                                       ***

Gần hai tháng sau khi rời Bạch cung về Florida mà không có Twitter, ông Trump vẫn còn được nhắc đến nhiều nhờ vào số lượng lớn những người ủng hộ cuồng nhiệt. Hiện tại, không còn một tiếng phản đối, dù rất nhỏ, vị tổng thống 2 lần bị luận tội. Những nhân vật “ngáo ộp” của đảng Cộng hòa như Mitch McConnell, Lindsey Graham, Kevin McCarthy… nay lại ngầm ủng hộ ra mặt cái người mà ắt hẳn trong thâm tâm họ ít nhiều không ưa, trên hết vì không muốn rơi vào cảnh “phe ta đánh với phe mình”.

 

Thậm chí Mitch McConnell, nhân vật số một trong đảng Cộng hòa, người vừa mới chỉ trích Trump và bị Trump phản pháo đến nỗi “vuốt mặt không kịp” sau phiên tòa luận tội ở Thượng nghị viện, cũng lớn tiếng “sẽ ủng hộ Trump nếu Trump được đảng Cộng hòa đề cử tranh chức tổng thống 2024”.

 

                                                   ***

Phóng tầm mắt mà nhìn, có thể thấy ở vào thời điểm hiện tại, không một nhân vật nào của đảng Cộng hòa đứng trên Donald Trump. Sự ủng hộ Trump còn cao đến mức “cứ như thể” ông Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa cho 4 năm tới.

 

Lịch sử đã có tiền lệ một Grover Cleveland làm tổng thống trong 2 nhiệm kỳ không liên tiếp khiến khả năng tái ứng cử tổng thống của Donald Trump năm 2024 là một hiện thực nếu không có sự thay đổi chủ quan từ ông cựu tổng thống này, như lời cô cháu gái Mary Trump cho rằng, ông Trump dự tính tái ứng cử tổng thống chỉ là “làm mồi câu để kiếm tiền tài trợ”.

 

Nhưng nói gì thì nói, không một thế lực nào có thể ngăn cản Donald Trump trở thành một ứng cử viên tổng thống tiềm năng vào năm 2024, ngoại trừ… luật pháp!

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats