Tuesday, 30 March 2021

VIỆT NAM Ở ĐÂU TRONG CUỘC CHIẾN TRANH LẠNH MỚI? (Jackhammer Nguyễn)

 



Việt Nam ở đâu trong cuộc chiến tranh lạnh mới?

Jackhammer Nguyễn

30/03/2021

https://baotiengdan.com/2021/03/30/viet-nam-o-dau-trong-cuoc-chien-tranh-lanh-moi/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/1-78.png

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh hồi năm 2016. Nguồn: Greg Baker/ AFP

 

Chiến tranh lạnh mới

 

Có thể nói rằng, cuộc gặp Nga – Trung tại Quế Lâm, hôm thứ Ba, ngày 23/3/2021, chính thức mở đầu cho một cuộc chiến tranh lạnh mới.

 

Tại thành phố miền Nam, Trung Quốc này, hai ông ngoại trưởng của Bắc Kinh và Moscow, là Vương Nghị và Sergey Lavrov, gặp nhau và đều tố cáo Mỹ cùng các đồng minh phương Tây gia tăng lệnh cấm vận lên Trung Quốc và Nga về những chuyện vi phạm nhân quyền, cũng như thái độ bành trướng của họ đối với láng giềng.

 

Phía Nga có vẻ ít cương quyết hơn họ Vương, khi ông này nói rằng: Hệ thống (Mỹ) làm sao mà đại diện cho toàn thế giới được.

 

Vương Nghị về Quế Lâm ngay sau khi ông ta cùng phái đoàn Trung Quốc chỉ trích Mỹ dữ dội trong cuộc họp tại Alaska với ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken. Và cuộc họp Quế Lâm diễn ra chỉ hai ngày trước cuộc họp báo của tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó, ông Biden nói rằng ông Tập Cận Bình của Trung Quốc và ông Putin của Mỹ là những kẻ độc tài, xem thường chế độ dân chủ. Ông Biden còn đi xa hơn khi nói rằng, thế kỷ 21 là thời gian diễn ra cuộc đấu tranh giữa hệ thống dân chủ, chống lại các thể chế độc tài.

 

Điều khác biệt giữa những diễn từ của tổng thống Biden và người tiền nhiệm của ông là Donald Trump có thể thấy rất rõ. Ông Biden tuyên chiến với các chế độ độc tài, cũng như không ngần ngại gọi tên những lãnh đạo độc tài như Tập Cận Bình, Putin… Ngược lại, ông Trump với có thể mở miệng khen lấy khen để các lãnh đạo độc tài như Tập Cận Bình, cũng như nhiều lần ca tụng Putin, Kim Jong-un

 

Mỹ dưới thời Biden không nói suông trong những tuyên bố về chiến tranh lạnh mới này. Washington đang tập hợp các đồng minh dân chủ Tây Âu, Canada, Ấn Độ Thái Bình Dương. Ngược lại, Bắc Kinh đang vận động các quốc gia độc tài như Miến Điện, các nước Mỹ Latin, và … Ả Rập Saudi, từng là đồng minh thân thiết của ông Trump.

 

 

Việt Nam ở đâu?

 

Việt Nam nói riêng, các quốc gia Đông Nam Á nói chung, kẹt giữa cuộc chiến tranh lạnh mới này. Tập hợp các nước Đông Nam Á rất phức tạp, bao gồm các nền dân chủ như Singapore, Philippines, Indonesia, các nền dân chủ nửa vời như Thái Lan, Malaysia và các nước độc đảng như Việt Nam, Lào…

 

Trong các nước này, Việt Nam nổi lên như một quốc gia quan trọng, nhờ vào vị trí địa lý chiến lược, khối dân chúng đông đúc, nền kinh tế phát triển nhanh, tiềm lực quốc phòng mạnh… Qua các yếu tố vừa kể, vị trí địa chiến lược trấn ngự biển Đông, con đường biển thương mại lớn nhất thế giới, là quan trọng nhất.

 

Xu hướng của Việt Nam, cũng như một số nước láng giềng, là đu dây giữa Mỹ với Trung Quốc, ít nhất trong 10 năm qua. Chiến thuật đu dây này thể hiện rõ nhất ở Việt Nam. Một mặt, Hà Nội duy trì mối quan hệ với các lãnh đạo độc tài, cùng ý thức hệ của họ ở Bắc Kinh; mặt khác, họ lại muốn Mỹ đối đầu giúp họ chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

 

Cách hành xử bá quyền của Trung Quốc, với thái độ kẻ cả của nước lớn, xâm lấn lãnh thổ… thay vì những giá trị mềm như phương Tây, làm cho Việt Nam có vẻ ngã về phương Tây. Đã hai lần hàng không mẫu hạm Mỹ tới thăm Việt Nam, cũng như nhiều lần tàu chiến phương Tây cập cảng Việt Nam (gần đây nhất là tàu chiến của Hải quân Pháp, cập cảng Cam Ranh 4 ngày, kể từ ngày 9/3/2021). Đây là điều không xảy ra đối với Trung Quốc (chỉ có đôi lần chiến hạm Trung Quốc ghé Việt Nam, cũng như tàu chiến hai bên tổ chức tuần tra chung trên Vịnh Bắc Bộ).

 

Diễn biến gần đây nhất là những chuyến thăm ngoại giao của Trung Quốc đến tất cả các nước Đông Nam Á, trừ Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021, như thông tin trong bài viết của tôi, đăng trên Tiếng Dân ngày 9/3/2021, rằng liệu có phải “Bắc Kinh đang tìm cách cô lập Việt Nam ở Đông Nam Á?

 

Những chuyến đi này của lãnh đạo Trung Quốc, lộ rõ mục tiêu Bắc Kinh nhằm lôi kéo các nước Đông Nam Á, trong đó họ sử dụng vaccine Trung Quốc để chiêu dụ các nước này, trong khi phương Tây đang bận lo chủng ngừa cho dân chúng của mình. Mới đây tác giả Dien Lương (nhà báo Lương Nguyễn An Điền), có bài viết trên báo Nikkei rằng, Việt Nam không hứng thú gì với sách lược ngoại giao đó của Bắc Kinh.

 

Hay là Bắc Kinh đang ngóng chờ những sự thay đổi mới của bộ máy lãnh đạo Việt Nam tới đây? Trong thành phần lãnh đạo nhiệm kỳ mới, người ta thấy một gương mặt rất cũ là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với nhiều tuyên bố giáo điều, nghe êm tai đối với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, hay ông Phạm Minh Chính, người có quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, đang bị dư luận Việt Nam cho là thân Bắc Kinh.

 

Ngoài những yếu tố nội tại ở Việt Nam, đại dịch toàn cầu cũng ảnh hưởng đến quan điểm cai trị dân chúng của lãnh đạo Việt Nam, có lợi cho khuynh hướng độc tài. Ông Nguyễn Sĩ Dũng là người được xem là nhà lý luận của đảng Cộng sản Việt Nam; hay ông Huỳnh Thế Du, là người từng du học ở Mỹ, đều bày tỏ sự đánh giá cao về hiệu quả của mô hình mà họ gọi là “thủ đầu” (nói nôm na là độc tài, không phải dân chủ từ dưới lên như phương Tây).

 

Tuy nhiên tình cảm dân chúng dành cho phương Tây lại là một câu chuyện khác. Có thể đa số dân chúng không ý thức rõ thế nào là cấu trúc, thế nào là mô hình dân chủ từ dưới lên, nhưng mọi cuộc khảo sát độc lập đều cho thấy dân chúng Việt Nam ủng hộ phương Tây, mà đại diện là Mỹ, chống Trung Quốc.

 

Chọn lựa giữa mô hình dân chủ và độc tài, và chọn lựa chiến thuật địa chính trị giữa phương Tây và Trung Quốc, không hẳn là đi đôi với nhau, nhưng quyết định khôn ngoan nhất của Hà Nội vẫn phải dựa trên tình cảm của dân chúng.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats