Sunday, 28 March 2021

SỰ VÔ CÙNG NGUY HIỂM CỦA TƯ DUY TUYỆT ĐỐI LÀ HOÀN TOÀN HIỂN NHIÊN (Mohammed Al-Mosaiwi)

 



Sự vô cùng nguy hiểm của tư duy tuyệt đối là hoàn toàn hiển nhiên    

Mohammed Al-Mosaiwi

26/03/2021

http://www.phantichkinhte123.com/2021/03/su-vo-cung-nguy-hiem-cua-tu-duy-tuyet.html#more

 

Khi nghĩ về người lúc nào cũng hạnh phúc và biết cách điều chỉnh tốt nhất mà bạn biết – bạn có thể nói gì về lối nghĩ của họ? Họ có phải là một người giáo điều, nhìn thế giới bằng cái nhìn không-thỏa-hiệp không? Họ có đặt ra những yêu cầu cứng nhắc đối với bản thân và những người xung quanh không? Khi phải đối mặt với những căng thẳng và điều không may, họ có hay phóng đại và bị chúng ám ảnh không? Nói tóm lại, họ có lối tư duy tuyệt đối không?

 

‘Tư duy tuyệt đối’ đề cập đến các ý tưởng, cụm từ và từ để biểu thị cái toàn bộ, về độ lớn hoặc xác suất. Những tư duy tuyệt đối hoàn toàn không tinh tế và bỏ qua sự phức tạp của một chủ đề nhất định.

 

Nhìn chung có hai kiểu tư duy tuyệt đối: một là tư duy nhị nguyên’ |dichotomous thinking| và hai là ‘mệnh lệnh nhất quyết’ |categorical imperative|. Tư duy nhị nguyên – còn được gọi là tư duy ‘trắng-đen-rõ-ràng’ hoặc ‘không-thỏa-hiệp’ – mô tả một quan điểm lưỡng phân, trong đó mọi thứ trong cuộc sống là ‘cái này’ hoặc là ‘cái kia’, và không có gì ở giữa. Mệnh lệnh nhất quyết là yêu cầu vô cùng cứng nhắc mà mọi người áp đặt lên chính họ và lên người khác. Thuật ngữ này được mượn từ triết học luân lý duy nghĩa vụ |deontological moral philosophy| của Immanuel Kant có nền móng từ một nguyên tắc đạo đức dựa trên nghĩa vụ và quy luật.

 

 

Trong nghiên cứu của chúng tôi – và rộng hơn nữa là trong tâm lý học lâm sàng – tư duy tuyệt đối được xem như một kiểu tư duy không lành mạnh, phá vỡ sự điều tiết cảm xúc và cản trở chúng ta đạt được mục tiêu của mình. Tuy nhiên, tất cả chúng ta, trong những mức độ khác nhau có xu hướng tư duy theo kiểu này - tại sao lại như vậy? Chủ yếu, bởi vì như vậy dễ hơn nhiều so với việc xử lý những phức tạp thực sự của cuộc sống. Thuật ngữ người lười nghĩ |cognitive miser|, do các nhà tâm lý học người Mỹ Susan Fiske và Shelley Taylor giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1984, mô tả cách con người tìm kiếm những lối nghĩ đơn giản và ít nỗ lực nhất. Các sắc thái và phức tạp là tốn kém – phải tiêu hao thời gian và năng lượng quý giá mới tìm ra - vì vậy bất cứ nơi nào có thể chúng ta cố gắng tiết kiệm. Đây là lý do tại sao chúng ta có thiên kiến ​​và định kiến, và hình thành thói quen. Đó là lý do tại sao nghiên cứu về lối tắt tâm trí |heuristic| (những phán đoán ‘linh cảm’ trực giác |intuitive ‘gut-feeling’ judgment|) rất hữu ích trong kinh tế học hành vi và khoa học chính trị.

 

Nhưng chẳng có bữa trưa nào là miễn phí cả; thời gian và năng lượng tiết kiệm được thông qua lối tư duy tuyệt đối đều sẽ mất phí. Để định hướng cuộc đời thành công, chúng ta cần hiểu rõ (các) sắc thái [cuộc đời], hiểu sự phức tạp [của cuộc sống] và sở hữu sự linh hoạt [trong tư duy]. Khi đứng trước những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta - chẳng hạn như mục tiêu, mối quan hệ và lòng tự trọng của chúng ta – nếu chúng ta rơi vào tư duy tuyệt đối thì thảm họa sẽ ập tới.

 

 

Trong một bài nghiên cứu gần đây trên tạp chí Khoa học Tâm lý Lâm sàng |Clinical Psychological Science|, tôi cùng cộng tác viên của mình, nhà thần kinh học Tom Johnstone tại Đại học Reading ở Vương quốc Anh, đã kiểm tra mức độ phổ biến của tư duy tuyệt đối trong ngôn ngữ tự nhiên của hơn 6.400 thành viên ở các nhóm trao đổi về sức khỏe tinh thần |mental-health| khác nhau trên mạng internet. Ngay từ đầu, chúng tôi đã dự đoán rằng những người trầm cảm, hay lo âu và có ý định tự tử là những người có cái nhìn tuyệt đối, và điều này sẽ thể hiện trong cách họ sử dụng ngôn ngữ. Khi so sánh với 19 nhóm chát có kiểm soát trên mạng internet khác nhau về các chủ đề từ ung thư cho đến nuôi dạy con cái, [chúng tôi nhận thấy rằng] mức độ phổ biến của từ ngữ tuyệt đối ở nhóm người trầm cảm và nhóm người hay lo âu cao hơn gần 50%, còn ở nhóm người có ý định tự tử thì cao hơn gần 80% [so với nhóm kiểm soát].

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhCzYxrAarbyiboKT5Cdzd8Rfy0vo6IaqhG6_BejZRG9h5rbTzsBphThGMC0TtdhbbB35qcgxqa-UrnqhSmBo8ydODk_ZWBUYRWkgzGWGBnMC_2U-6UQ6p-nePu-k-5hiF9QLDsTlTwsD9D/w577-h355/Bieu+do.png

Nghiên cứu 1 – Từ ngữ tuyệt đối

 

Trước đây, các dấu hiệu ngôn ngữ nổi bật nhất để nhận biết các rối loạn sức khỏe tinh thần là việc sử dụng quá nhiều các đại từ số ít của ngôi thứ nhất như ‘tôi’, ‘bản thân tôi’ và ‘Ta’, cùng với việc giảm sử dụng các đại từ ngôi thứ hai và ngôi thứ ba. Khuôn mẫu sử dụng đại từ này phản ánh mức độ cô lập [cảm xúc] và tự tập trung phổ biến trong chứng trầm cảm. Các từ ngữ mang cảm xúc tiêu cực cũng là một dấu hiệu ngôn ngữ chắc chắn để nhận biết về các rối loạn sức khỏe tinh thần, tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đại từ đó thực sự là dấu hiệu đáng tin cậy hơn trong việc xác định chứng trầm cảm. Chúng tôi nhận thấy rằng mức độ phổ biến của từ ngữ tuyệt đối là một dấu hiệu nhận biết tốt hơn cả những đại từ lẫn các từ ngữ mang cảm xúc tiêu cực. Chúng [những từ ngữ tuyệt đối] tạo ra sự khác biệt giữa nhóm kiểm soát và nhóm có vấn đề về sức khỏe tinh thần lớn hơn so với đại từ, và chúng cũng dẫn đến các nhóm có vấn đề về sức khỏe tinh thần tốt hơn so với các từ cảm xúc tiêu cực. Nghịch lý thay, nhóm người hay lo âu và nhóm người trầm cảm sử dụng những từ ngữ mang cảm xúc tiêu cực nhiều hơn so với nhóm người có ý định tự tử.

 

Làm thế nào mà chúng ta biết rằng việc sử dụng từ ngữ tuyệt đối nhiều hơn thực sự phản ánh tư duy tuyệt đối, chứ không phải chỉ đơn giản phản ánh kết quả của các cảm xúc cực đoan và nỗi đau tinh thần |psychological distress|? Trong nghiên cứu thứ hai, chúng tôi đã tính toán mức độ phổ biến của những từ ngữ tuyệt đối trong các nhóm có vấn đề về sức khỏe tinh thần liên quan đến tư duy tuyệt đối (rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn ăn uống) với các nhóm có vấn đề về sức khỏe tinh thần không liên quan đến tư duy tuyệt đối (rối loạn căng thẳng sau sang chấn và tâm thần phân liệt). Tất cả các nhóm được chứng minh là có cùng mức độ đau khổ tinh thần, nhưng chỉ những nhóm mà nhà nghiên cứu biết là có liên quan đến tư duy tuyệt đối thì có sự gia tăng mức độ sử dụng các từ ngữ tuyệt đối. Điều này khẳng định rằng việc sử dụng khá nhiều từ ngữ tuyệt đối là đặc trưng cho tư duy tuyệt đối, mà không phải cho sự đau khổ tinh thần [ở một số người].

 

Mặc dù có mối tương quan, nhưng chẳng có gì cho thấy tư duy tuyệt đối gây ra chứng trầm cảm cả. Trong nghiên cứu thứ ba, chúng tôi đã kiểm tra các nhóm mà những người tham gia tin rằng họ đã hồi phục sau giai đoạn trầm cảm và viết những bài đăng tích cực, đáng khích lệ về sự phục hồi của họ. Chúng tôi thấy rằng các từ ngữ mang cảm xúc tích cực được sử dụng đã tăng lên gần 70%, nhưng họ vẫn tiếp tục sử dụng các từ ngữ tuyệt đối ở mức độ cao, lớn hơn đáng kể so với các nhóm kiểm soát và gần hơn với nhóm người hay lo âu và nhóm người trầm cảm. Điều quan trọng là những người trước đây đã từng có các triệu chứng trầm cảm thì nhiều khả năng là họ sẽ sử dụng chúng [những từ ngữ tuyệt đối] lại lần nữa. Do đó, khuynh hướng tư duy tuyệt đối ở họ - ngay cả khi hiện nay không có triệu chứng trầm cảm - là một dấu hiệu cho thấy nó có thể đóng vai trò gây ra các giai đoạn trầm cảm.

 

Những phát hiện này hỗ trợ cho các liệu pháp ‘làn sóng thứ ba’ gần đây đã được sử dụng trong tâm lý học lâm sàng. Nổi tiếng nhất trong số này là phương pháp ‘chánh niệm’ |mindfulness|, nhưng tất cả chúng [những phát hiện này] đều ủng hộ cách nhìn linh hoạt, chấp nhận và tự do khỏi các chấp trước. Một người ủng hộ sớm phương pháp chánh niệm vào [tâm lý học lâm sàng] là nhà tâm lý học nổi tiếng John Teasdale, người thu được hàng loạt dữ liệu thực nghiệm từ phòng thí nghiệm của mình để hỗ trợ hiệu quả của phương pháp này. Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt vào năm 2001, Teasdale và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Cambridge đã phát hiện ra rằng một ‘lối tư duy nhị nguyên, tuyệt đối’ đã tiên đoán khả năng tái phát trầm cảm trong tương lai.

 

Nhiều ý kiến ​​cho rằng thế giới là một nơi khắc nghiệt, và chính những căng thẳng và điều không may trong cuộc sống khiến con người bị trầm cảm, chẳng liên quan đến lối nghĩ của họ. Thật sai lầm! Vô số người phải chịu đựng những điều không may mà không bị trầm cảm hay lo âu, trong khi những người khác dường như không phải trải qua điều không may nào cả, nhưng vẫn bị tác động xấu từ sự trầm cảm và lo âu. Triết gia Khắc kỷ (và từng là nô lệ) Epictetus [khoảng năm 50 – 135 CN] cho rằng ‘con người bất an không phải là do sự vật, mà là do chính cách họ nghĩ về nó’. Đây là một ý kiến hoàn toàn, cực kì và vô cùng chính xác.

 

***

Mohammed Al-Mosaiwi là một nghiên cứu sinh ngành tâm lý học tại Đại học Reading ở Vương quốc Anh.

 

Pam Weintraub biên tập

 

Nguyễn Việt Anh & Nguyễn Trà Giang dịch

 

Nguồn: The danger of absolute thinking is absolutely clearAeon, May 02, 2018.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats