Saturday 27 March 2021

ĐIỀU GÌ ĐANG CHỜ ĐỢI HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG - TPP (James McBride, Andrew Chatzky, and Anshu Siripurapu)

 



Điều gì Đang Chờ Đợi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

Tổng hợp: James McBride, Andrew Chatzky, and Anshu Siripurapu | Council on Foreign Relations

Biên dịch: Trần Thành Đạt | Hiệu đính: Nguyễn Trịnh Đôn

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông    -     March 26, 2021

https://dskbd.org/2021/03/26/dieu-gi-dang-cho-doi-hiep-dinh-doi-tac-xuyen-thai-binh-duong-tpp/

 

https://cdn.cfr.org/sites/default/files/styles/immersive_image_3_2_desktop_2x/public/image/2020/11/cptpp.jpg

Những thành viên còn lại của TPP tại lễ ký kết hiệp định ở Santiago, Chile, vào tháng 3/2018. Ảnh: Ivan Alvarado/Reuters

 

Mặc dù Tổng thống Trump đã rút lui khỏi TPP, các thành viên còn lại của hiệp định thương mại này vẫn tiến tới một phiên bản mới (của TPP), khiến vai trò của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương bị đặt câu hỏi. 

 

Tóm tắt

 

– TPP là một hiệp định thương mại khổng lồ, được ký kết bởi 12 quốc gia thuộc Vành đai Thái Bình Dương kể cả Hoa Kỳ, và chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu. 

Report this ad

 

– Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng TPP có những lợi ích kinh tế và chiến lược, hiệp định này hứng chịu nhiều chỉ trích từ mọi phía trong chính giới Mỹ. Tổng thống Trump rút lui khỏi hiệp định ngay trong ngày đầu tiên tại chức. 

 

– 11 thành viên còn lại của TPP đã đi đến một thỏa thuận mới được sửa đổi một phần và để ngỏ khả năng cho Hoa Kỳ tái gia nhập.

 

 

Giới thiệu

 

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là trung tâm trong chiến lược xoay trục về châu Á của Tổng thống Barack Obama. Trước khi Tổng thống Donald J. Trump rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định này năm 2017, TPP được định hướng trở thành hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu. 

 

Với những người ủng hộ, một hiệp định như vậy có thể mở rộng hoạt động thương mại và đầu tư của Mỹ ở nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm giá thành tiêu dùng và tạo ra việc làm mới, đồng thời thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Còn những người phản đối, trong đó có ông Trump, coi hiệp định này như yếu tố làm tăng tốc quá trình suy giảm của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất, hạ thấp tiền công và gia tăng bất bình đẳng.

 

Với việc Mỹ chọn đứng sang một bên, các thành viên TPP còn lại đã tiến tới một phiên bản mới của hiệp định, dưới tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP) với hầu hết các điều khoản gốc được giữ nguyên. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cho biết ông không ủng hộ việc tái gia nhập TPP với các điều khoản như hiện nay, nhưng sẽ thử đàm phán lại để đưa thêm các điều khoản tốt hơn về lao động và môi trường vào hiệp định mới. 

 

 

Nguồn gốc của TPP

 

Động lực ban đầu cho sự hình thành TPP sau này là một thỏa thuận thương mại ký năm 2005 giữa một nhóm nhỏ các quốc gia thuộc Vành đai Thái Bình Dương bao gồm Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Năm 2008, Tổng thống George W. Bush tuyên bố Hoa Kỳ có thể bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với nhóm các nước này, kéo theo sự gia nhập của Australia, Việt Nam và Peru. Trong khi các cuộc đàm phán tiếp diễn, nhóm dần mở rộng với sự tham gia của Canada, Nhật Bản, Malaysia và Mexico – với tổng cộng 12 thành viên.

 

Sau khi nhậm chức năm 2009, ông Obama tiếp tục các cuộc đàm phán. Năm 2011, Ngoại trưởng Hillary Clinton coi TPP là trung tâm trong chiến lược xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Sau 19 vòng đàm phán chính thức và rất nhiều cuộc thảo luận riêng rẽ khác, các quốc gia thành viên đã đạt được thỏa thuận tháng 10/2015 và ký kết hiệp định vào đầu năm 2016.

 

Các cuộc đàm phán đã phải vượt qua nhiều rào cản chính trị lớn, với việc các quốc gia đồng ý tiến hành nhiều cải cách khó khăn đối với nền kinh tế của mình. Ví dụ, ngành nông nghiệp Nhật Bản với khả năng vận động hành lang rất mạnh đã từ chối việc cắt giảm thuế quan với các sản phẩm nông nghiệp, trong khi nước này đồng ý giảm bớt các rào cản đối với ngành công nghiệp ô tô. Canada đồng ý cho phép nước ngoài được tiếp cận thị trường sữa và sản phẩm từ sữa vốn được bảo hộ chặt chẽ, trong khi Brunei, Malaysia và Việt Nam cam kết sẽ cải cách các quy định về lao động và các nhà đàm phán Mỹ đồng ý giảm bớt một số yêu cầu về bảo hộ sáng chế chặt hơn đối với dược phẩm.

 

Tuy nhiên, hiệp định chưa bao giờ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn do trở thành mục tiêu công kích của các ứng viên thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông Trump chính thức rút khỏi TPP vào ngày đầu tiên sau nhậm chức, tháng 1/2017.

 

 

Các bên đã đồng ý những gì?

 

Văn bản hiệp định TPP bao gồm 30 chương, đề cập đến thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ (IP), các quy định về thương mại điện tử, các tiêu chuẩn lao động và môi trường, các cơ chế giải quyết tranh chấp và nhiều khía cạnh khác của thương mại toàn cầu. Mục tiêu đầy tham vọng của hiệp định siêu khu vực – bao gồm các thành viên từ nhiều châu lục khác nhau và chiếm tới 40% thương mại thế giới – là nhằm tạo ra một khu vực kinh tế liên kết toàn diện và thiết lập các quy tắc thống nhất cho đầu tư toàn cầu. Đối với ông Obama, hiệp định này là một phương tiện để bảo đảm rằng “Hoa Kỳ – chứ không phải các nước như Trung Quốc – là quốc gia viết ra các quy tắc cho nền kinh tế thế giới trong thế kỷ này.”

 

Một số điều khoản chính bao gồm:

 

Xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan. Hiệp định hạ mức thuế quan và những rào cản thương mại khác đối với rất nhiều loại hàng hóa, bao gồm nhiều sản phẩm thuộc ngành công nghiệp ô tô và chế tạo khác, dệt may và quần áo, và nông sản, bao gồm thịt, sữa và sản phẩm từ sữa và ngũ cốc. Theo một số ước tính, tổng mức thuế quan được cắt giảm giữa các thành viên TPP lên tới 98%.

 

Tự do hóa thương mại dịch vụ. Các rào cản về dịch vụ xuyên biên giới được dỡ bỏ và các quy định được bổ sung nhằm bảo đảm các doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ trong lĩnh vực bán bẻ, viễn thông, giải trí và tài chính sẽ được bảo vệ khỏi việc phân biệt đối xử. 

 

Các quy định về đầu tư. Các thị trường sẽ được mở cửa cho đầu tư nước ngoài từ các quốc gia thành viên, và các quy định sẽ được bổ sung nhằm bảo vệ các nhà đầu tư khỏi việc đối xử không công bằng. Điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư-chính phủ (ISDS), cho phép các nhà đầu tư được kiện chính phủ nước sở tại bằng cách sử dụng các tổ chức trọng tài quốc tế, cũng được đưa vào.

 

Các hướng dẫn về thương mại điện tử. TPP là hiệp định khu vực đầu tiên bao gồm các quy định toàn diện về thương mại số. Các quy định này bảo đảm cho sự tự do lưu thông của thông tin xuyên biên giới, đưa ra quy định bảo vệ quyền tự do cá nhân của người tiêu dùng, và ngăn cấm các chính sách buộc các nhà đầu tư phải chuyển máy chủ và các cơ sở hạ tầng khác của mình sang quốc gia sở tại. 

 

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Hiệp định có nhiều điều khoản bao quát các vấn đề về sở hữu trí tuệ, bao gồm thực thi bảo hộ sáng chế, kéo dài thời hạn quyền tác giả, và bảo vệ các bí mật công nghệ và thương mại. Trong số này, bao gồm cả những quy định bảo hộ mới gây tranh cãi về các loại thuốc kê đơn, bao gồm một dòng dược phẩm mới với tên gọi dược phẩm sinh học (“biologic”), được đưa vào dưới sức ép từ phía Mỹ. 

 

Các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. TPP tiến xa hơn các hiệp định thương mại trước đó trong việc yêu cầu các thành viên cam kết sẽ cho phép công nhân thành lập công đoàn, cấm lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, cải thiện điều kiện nơi làm việc và tăng cường bảo vệ môi trường. 

 

Các điều khoản quan trọng khác bao gồm các quy định về minh bạch, hạn chế độc quyền và các doanh nghiệp nhà nước, và cắt giảm quy định nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ tiến hành hoạt động thương mại xuyên biên giới. 

 

 

Hoa Kỳ được hưởng lợi từ hiệp định này như thế nào?

 

Đối với các kiến trúc sư TPP người Mỹ, hiệp định này sẽ là trung tâm của một chiến lược với trọng tâm là châu Á để theo đuổi các lợi ích cả kinh tế lẫn địa chính trị. 

 

Về khía cạnh kinh tế, chính quyền Obama và nhiều nhà kinh tế trường phái trọng thương cho rằng việc hiệp định hạ các mức thuế quan và tăng khả năng tiếp cận thị trường sẽ giúp giảm giá thành cho người tiêu dùng, tăng cường đầu tư xuyên biên giới và thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ. Họ cũng cho rằng, việc có thêm các quy định nhất quán và các cải cách theo định hướng thị trường ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam và Malaysia sẽ giúp cho tất cả các nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn, tăng năng suất và tốc độ tăng trưởng.

 

Các nền kinh tế thuộc TPP chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu, và đây là hiệp định lớn nhất mà Mỹ từng ký kết, xét về cả số lượng quốc gia tham gia và kim ngạch thương mại. Dữ liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho thấy thương mại giữa Mỹ với các quốc gia thành viên TPP lên tới khoảng 1,5 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 40% tổng kim ngạch thương mại của Mỹ trong năm 2015. Mỹ đang có nhiều hiệp định thương mại tự do với một số thành viên TPP, bao gồm Australia, Canada và Mexico, nhưng tại thời điểm TPP được ký, Mỹ chưa ký hiệp định tương tự với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Năm 2019, chính quyền Trump đã đàm phán một hiệp định thương mại song phương hạn chế với Nhật Bản. Hiệp định này được Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đánh giá là chứa đựng phần lớn những lợi ích kinh tế từ TPP đối với Mỹ. 

 

Nhiều nghiên cứu kinh tế, bao gồm cả các nghiên cứu do các cơ quan chính phủ và cơ quan tư vấn chính sách độc lập tại Mỹ tiến hành, đã dự báo TPP có thể thúc đẩy kinh tế Mỹ, trong đó một dự báo cho rằng hiệp định có thể giúp tăng GDP Mỹ thêm 130 tỷ USD, tương đương 0,5%, vào năm 2030. Tuy nhiên, một số mô hình lại cho thấy những tác động hỗn hợp lên thị trường việc làm, với số việc làm mất đi trong ngành chế tạo được bù lại bởi sự tăng trưởng trong ngành nông nghiệp và dịch vụ. 

 

Xét về giá trị địa chiến lược của TPP, chính quyền Obama cho rằng hiệp định có thể thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á và tăng cường các liên minh của nước này trong khu vực. Năm 2011, Ngoại trưởng Clinton nói rằng TPP có thể thúc đẩy các nỗ lực hội nhập tại châu Á ở phạm vi rộng hơn, hỗ trợ cho các định chế khu vực, ví dụ diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

 

TPP cũng bảo đảm Mỹ sẽ là nước dẫn đầu trong việc định ra các quy tắc thương mại toàn cầu. Các nhà phân tích cho rằng nhìn chung, so với các hiệp định do Trung Quốc dẫn dắt, các hiệp định do Mỹ dẫn dắt đưa ra các cải cách kinh tế sâu hơn và các tiêu chuẩn lao động, môi trường và y tế cao hơn. Điều này sẽ khiến các quốc gia tham gia có động lực để áp dụng nhằm được tiếp cận với các thị trường mới. Trong khi ông Trump coi việc đương đầu với các chính sách thương mại bất bình đẳng của Trung Quốc là trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình thì các chuyên gia, bao gồm Edward Alden thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) cho rằng việc rút lui khỏi TPP đã làm giảm khả năng sử dụng đòn bẩy của Washington và khiến cho việc đối phó với các hành vi lợi dụng của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. 

 

Về phần mình, Bắc Kinh thúc đẩy một hiệp định thương mại riêng, Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực (RCEP), bao gồm 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương nhưng không có Mỹ. Nước này cũng triển khai Sáng kiến Vành đai Con đường, nhằm phát triển các cơ sở hạ tầng năng lượng và thương mại tại Nam và Trung Á. RECP được ký kết tháng 11/2020 sau 8 năm đàm phán. Hiệp định này không toàn diện như TPP: cắt giảm ít thuế quan hơn, không giải quyết vấn đề thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ và không đề cập các quy định về lao động và môi trường ở mức độ tương đương như TPP. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng rút lui khỏi hiệp định này, qua đó làm giảm quy mô thị trường của RCEP. Tuy nhiên, RCEP vẫn tạo ra một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới và các nhà phân tích cho rằng đó là một dấu hiệu nữa, bên cạnh CPTPP, cho thấy các quốc gia trong khu vực đang tiến tới tương lai mà không cần sự hiện diện của Mỹ. 

 

“Đó là một lời cảnh tỉnh nữa đối với Hoa Kỳ,” Wendy Cutler, phó chủ tịch Viện Chính sách của Hiệp hội châu Á và là một quan chức thương mại lâu năm của Mỹ, người đã tham gia đàm phán TPP, nói. “Hiện tại, đã có 2 hiệp định thương mại siêu lớn trong khu vực và cả 2 đều sẽ dẫn tới quá trình hội nhập hơn nữa giữa các thành viên của 2 khối thương mại khác nhau.” 

 

 

Điều gì thúc đẩy sự chống đối TPP?

 

Hiêp định TPP là mục tiêu công kích của nhiều người trong chính giới Mỹ, đặc biệt là trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016, cũng như của một số nhóm tại các quốc gia thành viên khác. Ông Trump từ lâu đã chỉ trích hiệp định này, cho rằng hiệp định sẽ khiến có thêm nhiều việc làm trong ngành công nghiệp chế tạo bị đẩy sang nước khác, tăng mức thâm hụt thương mại của Mỹ và và không thể giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ bởi các đối tác thương mại của Mỹ.

 

Một số thành viên đảng Dân chủ đồng ý với nhận định này, ít nhất là một phần nào đó, trong đó bao gồm ứng viên tổng thống Bernie Sanders và Hillary Clinton, mặc dù chính bà Clinton đã vận động đưa TPP là một thành phần trụ cột trong chiến lược xoay trục về châu Á của ông Obama khi còn đương chức Ngoại trưởng. Nhiều phong trào công nhân tại Mỹ cũng phản đối TPP, cho rằng các hiệp định thương mại như TPP làm giảm tiền công và hạ thấp các tiêu chuẩn môi trường và lao động. Họ cho rằng một hiệp định như vậy có thể lặp lại những gì đã xảy ra cho Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994 giữa Mỹ, Canada và Mexico, điều mà họ cho là đã khiến nhiều việc làm trong ngành công nghiệp chế tạo bị cắt giảm. 

 

Các tổ chức công đoàn ở Australia, Canada và một số nước phản đối hiệp định này với lý do hiệp định đã trao cho các tập đoàn toàn cầu quá nhiều quyền lực trong quá trình hoạch định chính sách nội địa, cắt giảm tiền công và gia tăng động lực để dịch chuyển các ngành công nghiệp chế tạo sang các quốc gia có thu nhập thấp. Những người chỉ trích cũng cho rằng những điều khoản về tiêu chuẩn lao động và môi trường là mơ hồi và khó có khả năng được thực hiện một cách nhất quán.

 

Nhiều nhà kinh tế học ủng hộ TPP thừa nhận rằng thương mại mở rộng, mặc dù có một điểm tích cực là thúc đẩy tăng trưởng, cũng có mặt trái của nó. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence H. Summers chỉ ra rằng có bằng chứng cho thấy thương mại mở rộng làm gia tăng bất bình đẳng bằng việc “cho những người thuộc nhóm thu nhập cao có thêm cơ hội làm giàu trong khi buộc những công nhân bình thường phải chịu tác động từ quá trình cạnh tranh gay gắt hơn.” Tuy nhiên, họ lập luận rằng việc cắt giảm việc làm trong ngành công nghiệp chế tạo chủ yếu do tác động của tiến bộ công nghệ hơn là vì thương mại và các hiệp định thương mại có thể hỗ trợ giới công nhân Mỹ thông qua việc mở cửa các thị trường cho hàng hóa và dịch vụ mà họ sản xuất. 

 

 

CPTPP là gì, và nó khác gì với TPP?

 

Sau khi ông Trump rút khỏi TPP, 11 quốc gia thành viên còn lại, dưới tên gọi TPP-11, tiếp tục các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn hiệp định mà không cần sự hiện diện của Hoa Kỳ. Những nỗ lực này đã thành công, dẫn tới việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hay CPTPP tháng 3/2018. Hiệp định này đã được phần lớn các nước thành viên phê chuẩn và chính thức có hiệu lực tại các nước này từ ngày 30/12/2018.

 

Mặc dù phần lớn CPTPP không thay đổi so với văn bản gốc của TPP, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng giữa 2 hiệp định có nhiều khác biệt quan trọng. Đây phần lớn là những thay đổi hoặc loại bỏ các biện pháp mà Washington tìm cách áp đặt, nhưng không được ủng hộ mấy ở các quốc gia thành viên khác. 

 

Thay đổi lớn nhất và quan trọng nhất tập trung ở quy định về sở hữu trí tuệ. Trong quá trình đàm phán TPP, Washington gây sức ép rất mạnh để kéo dài thời hạn quyền tác giả, tự động gia hạn bảo hộ sáng chế, và những quy tắc bảo hộ riêng biệt cho các công nghệ mới, bao gồm các sản phẩm được gọi là dược phẩm sinh học, một dạng dược phẩm mới nhất. Những điều khoản này bị loại bỏ khỏi CPTPP do bị hầu hết các quốc gia thành viên phản đối. Phần quy định về đầu tư cũng được sửa đổi. Các thành viên vẫn giữ điều khoản ISDS nhưng giới hạn phạm vi của điều này. Thời gian biểu để thực hiện một số biện pháp cụ thể cũng được thay thế và một số quy định về môi trường và lao động được nới lỏng phần nào. 

 

Các thành viên CPTPP ghi rõ rằng các điều khoản bị loại bỏ chỉ mang tính tạm thời, một chỉ dấu rõ ràng cho thấy họ có thể tái áp dụng chúng nếu Hoa Kỳ quyết định tái gia nhập TPP. Ông Trump để ngỏ khả năng quay lại với hiệp định này năm 2018 nhưng sau đó cũng từ bỏ ý định trên. 

 

 

Tương lai nào cho CPTPP?

 

TPP và sau đó là CPTPP được viết ra với định hướng mở rộng một cách rõ ràng. Ví dụ, trong các cuộc đàm phán ban đầu, Hàn Quốc được coi là có khả năng trở thành thành viên trong tương lai. Gần đây, Thái Lan và Colombia cũng đã bày tỏ mong muốn gia nhập. Đài Loan cũng có ý định tương tự, nhưng việc gia nhập của vùng lãnh thổ này vào một hiệp định được bị coi là một cơ chế đối đầu với Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh phản đối. 

 

Tháng 10/2018, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nói rằng nước Anh, bất chấp khoảng cách địa lý, có thể được CPTPP “dang tay chào đón” gia nhập, cho thấy tiềm năng trong việc các quốc gia thành viên CPTPP sử dụng hiệp định này như một khuôn khổ ngoại giao toàn cầu trong những năm tới. Ngày 1/2/2021, một năm sau khi chính thức rời khỏi Liên hiệp châu Âu, Anh đề nghị được gia nhập CPTPP. 

 

Với trường hợp của Hoa Kỳ, tương lai vẫn là điều chưa chắc chắn. Tổng thống đắc cử Biden phát biểu với CFR trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 rằng TPP “không hoàn hảo nhưng ý tưởng đằng sau đó là có lợi,”, đồng thời việc Mỹ rút khỏi TPP “đã đặt Trung Quốc vào vị trí cầm lái.” Trong các cuộc tranh luận quan trọng nhất trong nội bộ đảng Dân chủ, ông Biden nói rằng ông sẽ thử đàm phán lại TPP, nhưng sẽ không ký kết bất cứ hiệp định nào mà không tham vấn ý kiến từ các nhóm hoạt động môi trường và lao động. Ông cũng cho rằng các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và giới công nhân Mỹ là điều kiện tiên quyết cho bất cứ hiệp định thương mại mới nào. 

 

Nước Mỹ “chưa sẵn sàng về mặt đối nội để lập tức quay trở lại với TPP,” Cutler phát biểu, lưu ý việc ông Biden sẽ cần thời gian để sắp xếp những bất đồng trong nội bộ đảng về vấn đề thương mại trong khi “trấn an những người đang lo lắng về việc họ đang chậm chân trong các hiệp định thương mại.” Bên cạnh đó, tuy sẽ chào đón Hoa Kỳ quay trở lại, nhiều thành viên CPTPP có thể chưa sẵn sàng tham gia một quá trình đàm phán lại các vấn đề quan trọng, do họ đã “bực mình” trước sự rút lui của Mỹ sau khi đưa ra những nhượng bộ đầy khó khăn về mặt chính trị. Cutler cho rằng thay vào đó, chính quyền Biden có thể đàm phán các hiệp định có quy mô hẹp hơn, ví dụ một hiệp định về thương mại điện tử, với các thành viên CPTPP hoặc các quốc gia khác trong khu vực.

 

--------------------

Trần Thành Đạt và TS. Nguyễn Trịnh Đôn lần lượt là cộng tác viên và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

 

Nguồn bản gốc tiếng Anh: What’s Next for the Trans-Pacific Partnership (TPP)?

 

———-

 

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats