Monday, 29 March 2021

NHỮNG SỰ ĐÀN ÁP TRONG GIÁO DỤC   (Thái Hạo)

 



NHỮNG SỰ ĐÀN ÁP TRONG GIÁO DỤC   

Thái Hạo

23:30  28/03/2021   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=962563507886171&id=100023975920044

 

Chúng ta hay nghĩ về sự đàn áp trong môi trường giáo dục bằng hình dung về những “trù dập” như kiểm tra, thanh tra, kỷ luật, chuyển lớp, cho đi “dọn vệ sinh”… như trường hợp của cô giáo Tuất ở Sài Sơn mà dư luận đang dậy sóng; nhưng chừng ấy chưa đủ và chưa chạm đến chỗ sâu nhất của tình trạng nô dịch trong giáo dục ngày nay.

 

Có lẽ khủng khiếp nhất là đàn áp tư tưởng: không được nghĩ khác, nói khác. Bạn sẽ bảo, có ai cấm đâu! Thực ra người ta cấm rất tinh vi, tinh vi tới độ nhiều khi bạn không nhìn thấy nó bằng mắt được. Bắt đầu là sách giáo khoa – cái được gọi là “pháp lệnh”, là mẫu mực- ở đó chứa đựng chân lý tuyệt đối, bất khả cãi. Tiếp theo, người ta soạn thêm bộ “Chuẩn kiến thức - kỹ năng” để cụ thể, chi tiết hóa cái “chân lý” kia ra thêm một lần nữa, và cũng để đảm bảo rằng “tất cả đều đang đi trong một hành lang an toàn. Nhưng vẫn sợ những rủi ro và sự hiểu lầm có thể phát sinh, người ta soạn thêm “Sách giáo viên” để hướng dẫn chi tiết; bên cạnh đó là “sách bài tập”; rộng thêm chút nữa, ở vùng biên địa họ đua nhau làm “sách tham khảo” kiểu để học tốt, cẩm nang, bộ đề v.v.. Tất cả các sách vở này chỉ là hình ảnh của 1 quả bóng được bơm to nhỏ khác nhau mà thôi. Nói thẳng ra, bạn chỉ gặp lại duy nhất một thứ dù bạn có đọc tất cả, từ trung tâm ra ngoại biên. Nghĩa là gì? Chân lý chỉ có một, và việc của cả người dạy và người học cơ bản chỉ là “sở đắc” cái chân lý tối thượng ấy. Ở VN người ta gọi cái công việc khiến người khác nhớ được những kiến thức ấy là “làm giáo dục”, và cái nỗ lực để “nhớ” thì được được gọi là “đi học”.

 

Chưa hết. Cái bi của tình trạng này còn chủ yếu tồn tại trong cái cách người ta làm. Cứ cho rằng những tri thức ấy là chân lý là điều thiện là cái đẹp hoàn hảo, nhưng việc cưỡng bách người khác ăn một món mà mình cho là tuyệt vời trong khi họ không thích, hoặc ít nhất không biết rằng nó giá trị, thì đồng như sự tra tấn về cả thể xác và tinh thần. Đừng bắt người khác phải ăn chỉ vì món ấy rất ngon đối với ta! Nó làm tôi nhớ tới những đứa trẻ bị ép ăn đến nôn mửa mà các bà mẹ “yêu con” bây giờ đang thi hành. Nó gần như là một tội ác được sinh ra từ sự u mê. Cái phương pháp dạy học đổ đầy, rót tràn, nhồi nhét mà giáo dục VN đang tiến hành là một cách tốt nhất để người ta chán ghét các giá trị chân – thiện – mỹ. Nó là một sự cưỡng bách về tinh thần.

 

Chưa hết. Trong khi làm việc ấy (cưỡng ép chân lý) thì họ cũng đồng thời khoát tay với những “chân lý khác”. Người ta không chấp nhận suy nghĩ khác biệt, không chấp nhận sự “nổi loạn”, không chấp nhận “cái khác”.

 

Và để chắc chắn rằng không ai bước ra khỏi cái hành lang do mình xây nên, các “nhà giáo dục” đi thêm một động tác nữa: thi. Những cái đề thi và đáp án ở VN, cơ bản là kiểm tra kiến thức học thuộc, chúng ta gọi là “trả bài”. Trong đáp án của môn văn (thi THPTQG chẳng hạn) thì điểm cho phần sáng tạo là 0.25/10, nghĩa là chỉ có 2.5% !

Như vậy, cứ từng bước, từ soạn sách, đến phương pháp dạy học và cuối cùng là “kiểm tra đánh giá”, người ta đã đi một vòng tròn khép kín để hoàn toàn có thể yên tâm về “đầu ra” là những con người tròn vo.

 

Đứa trẻ buộc phải từ bỏ cái nhìn của nó về thế giới bởi tiếng cười nhạo, bởi sự phê bình, bởi điểm kém…, và dần dần nó trở nên sợ hãi và tự ti mỗi khi muốn nói ra cái điều nó thật sự nghĩ. Nó trở thành con vẹt, thành kẻ ăn theo nói leo; và nhất là trở thành những người nói dối, nói dối được cho điểm và tôn vinh. Từ chỗ bị đàn áp, nó dần vô cảm mỗi khi nói dối; rồi dần dà, nó trở thành kẻ đi đàn áp lúc nào không hay.

 

Chân lý không thể đến với con người bằng con đường của sự cưỡng bức. Chân lý phải được “ngộ” ra từ những sự “va chạm” của trải nghiệm, của đối thoại, của suy tư… Mọi sự rao giảng và áp đặt chỉ mang lại những tổn thương và phá hủy từ bên trong. Không ai tốt lên vì học thuộc lòng một bài học đạo đức về lòng tốt cả. Nếu có điều ấy, tôi tin đất nước chúng ta phải là nơi tốt đẹp nhất hành tinh này, vì chúng ta luôn nói đạo đức và học tập đạo đức triền miên, trường kỳ.

 

Tại sao học sinh Việt Nam ủ rũ mỏi mệt? Tại sao các em không vui? Vì chúng bị đánh cắp nguồn năng lượng tự nhiên, cái nguồn năng lượng đến từ sự ngạc nhiên trước cuộc đời và khao khát khám phá, để chỉ còn chúi đầu vào học thuộc những giáo điều khô khốc vô nghĩa. Tại sao giáo viên ít đam mê và không mấy yêu nghề? Cũng thế, họ buộc phải nói cái họ không hiểu / không tin / không muốn… Nghĩa là họ phải sống và làm việc theo “ý” người khác. Và nhất là những cái sản phẩm sau những năm tháng “trồng người” của họ, vì phải “làm theo”, mà thành ra những quả móp, những hạt lép, hạt sâu… Họ thất bại…

 

Phải cởi trói cho giáo dục từ cả 2 đầu: quản lý hành chính và chuyên môn. Dứt khoát phải trả tự do về cho giáo dục nếu muốn phát triển đất nước và con người. Không có con đường nào khác.

Thái Hạo

 

 

58 BÌNH LUẬN   

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats