Sunday 28 March 2021

ĐẠI HỌC TỰ TRỊ và ĐẠI HỌC TỰ CHỦ (Nguyễn Tường Tâm)

 



Đại học tự trị và đại học tự chủ

Nguyễn Tường Tâm

28/03/2021

http://www.danchimviet.info/dai-hoc-tu-tri-va-dai-hoc-tu-chu/03/2021/22512/

 

Hiện nay giới đại học Việt nam đang bàn tới phương pháp tổ chức “Đại học tự chủ” khiến nhiều người đã từng biết tới nền đại học tự trị của miền Nam trước 1975 có suy nghĩ và tự hỏi hai phương thức tổ chức đại học đó khác nhau ở điểm gì.

 

-  Theo dõi “Đại học tự chủ” hiện nay thì thấy nhà nước giao cho Đại học tự chủ về tài chánh, nghĩa là chính quyền không cấp ngân sách mà ban quản trị đại học phải tự kiếm ngân sách bằng tiền học phí của sinh viên. Trái lại, việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhân viên và giáo chức cũng như nội dung và phương pháp giảng dậy vẫn do chính quyền nắm giữ.

 

-  Ý niệm tự trị đại học tại miền Nam trước 1975 vẫn thường xuyên được giới sinh viên thời đó nhắc tới, nhưng cũng như tôi, chẳng ai biết nguyên tắc tự trị đại học là gì. Thời đó có tự do tập họp, biểu tình ôn hòa chống chính quyền cho nên các sinh viên thường viện dẫn “tự trị đại học” để ngăn cản việc cảnh sát hoạt động trong khuôn viên đại học trong lúc sinh viên biểu tình trong khuôn viên nhà trường.

 

GS Phạm Biểu Tâm Khoa Trưởng Đại học Y khoa Saigon đang nói chuyện với sinh viên các phân khoa đang tụ tập tại giảng đường trường Y trong một cuộc “biểu tình” ôn hòa phản đối chính quyền năm 1963.

 

Khi sang Mỹ, học đại học Mỹ, tôi cảm nhận được tất cả tính chất tự trị của đại học nhưng vẫn không rõ những nguyên tắc của tự trị đại học là gì. Tôi có hỏi vài vị giáo sư đại học miền Nam trước 1975 thì họ cũng không rành mà chỉ cho biết là trong việc giảng dậy, ra bài thi, chấm điểm họ được toàn quyền tự do.

 

Thực may mắn, mới đây, tôi tìm được bài “Giáo sư Lê Xuân Khoa – chứng nhân của nền giáo dục đại học trước 1975” của Thủy Tiên đăng ngày 19.5.20 với nội dung giới thiệu bài của Giáo sư Lê Xuân Khoa viết về Đại học Miền Nam cho tập Kỷ yếu đánh dấu 200 năm Đại học Humboldt, trong đó có phần giải thích rõ ý niệm Đại học tự trị của miền Nam trước 1975 nên tôi trích dẫn “nguyên văn” những đoạn cần thiết để giới thiệu với những ai quan tâm và đang có trách nhiệm với vấn đề giáo dục hiện nay.

 

Theo bài báo viện dẫn, “Giáo sư Lê Xuân Khoa là một “chứng nhân” của nền giáo dục đại học trước 1975, vì ông từng giữ những chức vụ quan trọng như giáo sư triết học phương Đông tại ĐH Văn khoa Sài Gòn, thứ trưởng Bộ Giáo dục (1965) và phó viện trưởng (như phó hiệu trưởng đại học ngày nay) của Viện Đại học Sài Gòn (1974-1975). Ông định cư ở Mỹ năm 1975, trở thành giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Ðại học Johns Hopkins.”

 

GS Khoa cho biết bài của ông được viết sau khi ông “đã kiểm lại một số dữ kiện với hai bạn đồng nghiệp cũ là Giáo sư Nguyễn Thế Anh và Giáo sư Lê Thanh Minh Châu, cả hai đều từng giữ chức vụ Viện trưởng Viện Đại học Huế.

 

GS Khoa cho biết tự trị đại học phải là tự trị về cả ba phương diện ngân sách, nhân viên và học vụ.

 

GS Khoa viết, “Điều 10 trong Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa năm 1967 ghi rõ: “Nền giáo dục Đại học được tự trị”.” Tuy nhiên thực tế không phải như vậy.

 

GS Khoa viết tiếp, “chịu ảnh hưởng truyền thống cổ điển của Pháp, giáo dục đại học ở miền Nam không được tự trị về cả ba phương diện ngân sách, nhân viên và học vụ. Các Viện Đại học Sài-gòn, Huế, Cần Thơ, Đại học Bách Khoa Thủ Đức, các trường Cao đẳng và Đại học Cộng đồng của chính phủ đều được đặt dưới quyền điều hành của Bộ Giáo Dục. Các quyết định quan trọng như tuyển dụng hay thăng ngạch trật của giáo sư, mua sắm vật liệu hay chi phí xây dựng đều phải trình cho Bộ trưởng duyệt ký. Riêng chức vụ Viện trưởng là do Tổng thống bổ nhiệm, nhưng dưới thời Đệ nhị Cộng hoà thì việc bổ nhiệm Viện trưởng phải được Quốc hội thông qua sau một buổi điều trần về đường lối và tổ chức Đại học. Tiếp theo đó, Thủ tướng bổ nhiệm các Phó Viện trưởng theo đề nghị của Viện trưởng nhưng không cần phải thông qua Quốc hội. Chữ ký của Viện trưởng trên các văn bằng Đại học luôn luôn theo sau dòng chữ “Thừa ủy nhiệm Bộ trưởng Giáo dục”. Các khoản viện trợ từ bên ngoài cho phảt triển Đại học cũng phải qua ngân sách của Bộ Giáo dục ngoại trừ dưới hình thức hiện vật như sách vở, dụng cụ, máy móc, hay giáo sư thỉnh giảng (visiting professors) không do chính phủ Việt Nam trả lương. Nguồn viện trợ thường là các chương trình ngoại viện của các chính phủ Pháp, Mỹ, Úc, Tân-Tây-Lan . . . Về học vụ, mặc dù nội dung chương trình giảng dạy thuộc thẩm quyền của Đại học, việc tổ chức các phân khoa, thi cử và văn bằng cùng với mọi sáng kiến thay đổi hay dự án mới đều phải được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục. Tóm lại, Bộ Giáo Dục giữ vai trò điều hợp tổng quát các đại học để thống nhất về mặt triết lý giáo dục, quản trị nhân viên và tài chánh (trừ Học Viện Quốc Gia Hành Chánh huấn luyện công chức là trực thuộc phủ Tổng Thống).

 

Dù sao trong tiến trình tự trị hóa, Đại học miền Nam đã được hưởng nhiều ưu đãi. Các đề nghị của Hội đồng đại học về nhân viên hay ngân sách thường được chính phủ chấp thuận mau chóng ngoại trừ những quyết định thật quan trọng. Do sự tín nhiệm sẵn có đối với lãnh đạo đại học, sự chấp thuận của chính phủ được căn cứ vào sự hợp lệ về hành chánh và khả năng ngân sách hơn là xét về nhu cầu và giá trị của đề nghị.

 

Về mặt học vụ, sự chấp thuận của Bộ Giáo dục lại càng có tính hình thức hơn nữa vì không khi nào Bộ ra chỉ thị hay can thiệp vào việc ấn định nội dung các môn học, thể lệ thi cử và chấm thi, các công tác nghiên cứu và giảng dạy, miễn là không trái ngược với ba nguyên tắc căn bản là nhân bản, dân tộc và khai phóng.”

 

Để minh chứng điều này, GS Khoa viện dẫn việc ông và Thượng Tọa Thích Minh Châu Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh soạn dự thảo các môn học theo hệ thống tín chỉ (credits) thay thế cho hệ thống các chứng chỉ, rồi trình dự án này lên Bộ Giáo dục xin ý kiến. Bộ không chính thức chấp thuận hay bác bỏ, nhưng các văn bằng cử nhân của Đại học Vạn Hạnh đều được Bộ công nhận; và sau đó từ thập niên 1970 hệ thống tín chỉ chính thức được áp dụng ở các Đại học Cộng đồng và Đại học Bách khoa Thủ đức của chính phủ.

 

Nói tóm lại, giữa ý niệm “Đại học Tự chủ” hiện nay của Việt Nam và ý niệm “Đại học Tự trị” của đại học miền Nam trước 1975 có mấy điểm giống và khác nhau như sau:

 

I-Quản trị nhân viên:

 

Cả hai đều giống nhau. Chính quyền tuyển dụng và bổ nhiệm nhân viên các cấp.

 

II-Ngân sách:

 

A/Đại học tự chủ tự kiếm tiền và tự quản trị ngân sách do đó sinh viên phải đóng học phí.

 

B/Đại học tự trị của miền Nam trước 1975: Chính quyền chu cấp và quản trị ngân sách do đó sinh viên không phải đóng học phí.

 

III-Học vụ:

 

A/Đại học tự chủ hiện nay: Chính quyền kiểm soát chương trình, giáo án và phương pháp giảng dậy.

 

B/Đại học tự trị của miền Nam trước 1975:

 

1-Trên nguyên tắc cũng giống đại học tự chủ hiện nay nhưng thực tế thì khác hẳn.

 

2-Thực tế: GS Khoa viết “Do sự tín nhiệm sẵn có đối với lãnh đạo đại học…Không khi nào Bộ ra chỉ thị hay can thiệp vào việc ấn định nội dung các môn học, thể lệ thi cử và chấm thi, các công tác nghiên cứu và giảng dạy.”

 

Nguyễn Tường Tâm

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats