Monday 29 March 2021

PHỤ NỮ GỐC Á CHẾT TRONG CÁC VỤ XẢ SÚNG KHÔNG PHẢI LÀ NGẪU NHIÊN. ĐÓ LÀ HỆ QUẢ CỦA HỆ THỐNG (NDC Giang - Luật Khoa)

 



Phụ nữ gốc Á chết trong các vụ xả súng không phải là ngẫu nhiên. Đó là hệ quả của hệ thống

NDC GIANG  -  LUẬT KHOA

30/03/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/03/phu-nu-goc-a-chet-trong-cac-vu-xa-sung-khong-phai-la-ngau-nhien-do-la-he-qua-cua-he-thong/

 

Sự kỳ thị người gốc Á là hệ quả chồng chéo của phân biệt chủng tộc và phân biệt giới.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/image-39-1024x599.jpeg

Biểu tình kêu gọi chấm dứt thù ghét người gốc châu Á vào ngày 20/3 tại Newton, Mass. Ảnh: Steven Senne/ AP.

 

Trong quyển hồi ký của Carlos Bulosan, “America Is in the Heart”, một tác phẩm văn học được xem là kinh điển của người gốc Á ở Mỹ, có một đoạn tả cảnh Carlos gặp cảnh sát trong bối cảnh những năm 1930. Cảnh sát hỏi ông có phải là người Philippines không. Ông trả lời có, và thế là bị ngay một đấm vào hàm, theo cách mà ông kể lại là “nhanh và gọn” (quick and simple) [1] cứ như thể đó là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi gặp một người Philippines.

 

Cái tàn bạo nhất có lẽ không phải là cú đấm đó, mà là thái độ vui thú của những người cảnh sát trong việc bạo hành một người mà họ cho là “mọi rợ”.

 

Bulosan mới đặt câu hỏi: Sự tàn bạo đó là do đâu?

 

Việc treo cổ hàng loạt người lao động từ Trung Hoa ở Los Angeles năm 1871 là do đâu?

Vincent Chin bị hai người da trắng đánh đến chết năm 1982 là do đâu?

 

Việc xả súng vào ngôi trường tiểu học Cleveland Elementary School ở Stockton, California năm 1989 là do đâu?

 

Rồi vụ xả súng ở tiệm massage ở Atlanta mới đây là do đâu?

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/merlin_185141577_72f7cdf3-3e08-4339-9492-8801351786ee-jumbo.jpg

Một thi thể nạn nhân trong vụ xả súng ở Atlanta hôm 16/3 được đưa ra ngoài. Có 8 người đã chết, trong đó 6 người là người gốc Á. Ảnh: Brynn Anderson/ Associated Press.

 

Không lẽ cứ mãi nói rằng những gì xảy ra là do vài cá nhân xấu làm việc xấu? Không lẽ cứ mãi nói rằng các xung đột này không liên quan gì đến sắc tộc?

 

So sánh việc xả súng ở Stockton năm 1989 và ở Atlanta gần đây, tờ Los Angeles Times chỉ ra rằng trong cả hai lần cảnh sát đều nhanh chóng phủ nhận khả năng yếu tố sắc tộc có vai trò trong các sự kiện này. Trong cả hai lần, người ta đều cho rằng sắc tộc của nạn nhân chỉ là ngẫu nhiên mà thôi.

 

Mọi người hay than phiền là bây giờ sao cái gì cũng phải đem phân biệt chủng tộc vào. Có lẽ nếu như nước Mỹ không có một lịch sử phân biệt chủng tộc xuyên suốt (từ việc đoạt đất của người bản địa, bắt người da đen làm nô lệ, đến kỳ thị đối với người da màu) thì chắc không ai nói đến phân biệt chủng tộc làm gì.

 

Nếu như nước Mỹ không có một lịch sử bài ngoại mà trong đó người Mỹ gốc Á luôn bị xem là ngoại quốc – “forever foreign” hoặc là kẻ thù tiềm ẩn – “possible enemy” [2] thì vụ xả súng ở Atlanta có thể không nói đến sắc tộc.

 

Nếu không có một lịch sử lâu dài của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc tạo nên hình ảnh người phụ nữ ở các nước thuộc địa là đối tượng tình dục; và cụ thể trong trường hợp của Mỹ là các cuộc chiến tranh đế quốc ở châu Á đã góp phần tạo nên hình ảnh phụ nữ châu Á là gái điếm, geisha, gái bar, “cô dâu ảo” [3] thì vụ xả súng ở Atlanta có thể không nói đến sắc tộc.

 

Nhưng nhìn lại lịch sử, ta thấy các đạo luật:

 

– Page Act 1875: dùng để cấm phụ nữ Trung Quốc nhập cảnh vì họ bị xem là gái điếm.

 

– Chinese Exclusion Act 1882: cấm người Trung Quốc nhập cảnh.

 

– Executive Order 1907: cấm người Nhật nhập cư vào Mỹ từ Hawaii.

 

– Gentlemen’s Agreement 1907: ký với Nhật để hạn chế người Nhật nhập cư.

 

– Alien Land Law 1913: hạn chế quyền sở hữu đất cho những người bị cấm nhập tịch (cụm từ “alien ineligible for citizenship” – những người nhập cư không được phép nhập tịch, vào thời điểm đó chỉ những người gốc Á).

 

– Asiatic Barred Zone 1917: trải rộng việc cấm nhập cư từ Trung Đông đến Đông Nam Á.

 

– Cable Act 1922: cắt quốc tịch phụ nữ Mỹ nếu họ lấy những người bị cấm nhập tịch (một lần nữa, cụm từ “alien ineligible for citizenship” lúc đó là nói về người châu Á).

 

– Japanese Internment Camp 1945: bắt toàn bộ người Mỹ gốc Nhật vào trại tập trung (trong khi người Mỹ gốc Đức và Ý chỉ bị điều tra theo cá nhân). [4]

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/image-40.jpeg

Một ngôi nhà ở Hollywood treo bảng xua đuổi người Nhật trong thời gian bang California siết chặt quy định hạn chế quyền sở hữu đất đối với người gốc Á (Alien Land Law 1913). Ảnh: Los Angeles Examiner.

 

                                                              ***

Tôi cho rằng những gì đang xảy ra luôn phản ánh lịch sử. Mặc dù con người có chủ thể, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng chủ thể không thể tách rời lịch sử, văn hóa và diễn ngôn.

 

Cách một người định hình các khái niệm về giới (gender), tình dục (sexuality), chủng tộc/ sắc tộc (race/ ethnicity), và cả thẩm mỹ (aesthetics) đều chịu ảnh hưởng từ môi trường, từ văn hóa, phim ảnh, truyền thông, v.v.. để cuối cùng người ta thấy phụ nữ làm massage là chuyện “bình thường” hay việc phụ nữ hiện thân cho sự cám dỗ tình dục (sexual temptation) là một điều “tự nhiên”. Hậu quả là, để hạn chế cám dỗ thì hung thủ đi bắn vào phụ nữ.

 

Đến đây tôi thấy Foucault thật quá đúng khi nói rằng quyền lực không nằm ở sự đàn áp mà nằm ở khả năng tạo ra cái gọi là hiện thực (ability to produce reality). [5] Có lẽ đã đến lúc ta chống lại sức mạnh của diễn ngôn (power of discourse) bằng cách suy nghĩ lại những thứ mà ta luôn cho rằng đó là bình thường, là tự nhiên.

 

Việc đa số phụ nữ làm nghề massage có phải là điều tự nhiên? Việc đa số phụ nữ làm nghề massage là phụ nữ châu Á có phải là tự nhiên? Có thể nào khi nhìn vào vụ xả súng ở Atlanta, ta chỉ thấy vấn đề giới mà không thấy vấn đề sắc tộc?

 

Phụ nữ gốc Á ở Mỹ hoặc là bị “under-represented” (ít được nhắc đến) hoặc là bị “mis-represented” (được nhắc đến một cách sai lệch) trong văn hóa đại chúng của nước này. Nếu họ không là nhân vật câm lặng, vô hình, chịu đựng thì họ là gái điếm, là Dragon Lady (hình ảnh người phụ nữ hiểm ác, mưu mô, bí hiểm và rất quyến rũ về mặt tình dục) hay China Doll (hình ảnh người phụ nữ mong manh dễ vỡ, không có chính kiến, chịu phục tùng và dĩ nhiên là cũng quyến rũ về mặt tình dục). [6] Chưa kể các cuộc chiến tranh của Mỹ ở châu Á cũng góp phần duy trì tư tưởng xem phụ nữ châu Á là con điếm rẻ tiền (cheap whores). [7]

 

Không phải tự nhiên mà nhà văn Nguyễn Thanh Việt phản đối vở kịch Miss Saigon. Ông nói rằng vở kịch này không chỉ đơn thuần mang tính giải trí mà còn thể hiện cái ảo tưởng của phương Tây về phụ nữ Phương Đông – những người mềm yếu, và cần sự cứu vớt.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/image-41.jpeg

Một cảnh trong vở kịch Miss Saigon. Ảnh: Sara Krulwich/ New York Times

 

Như vậy, đối với phụ nữ da màu nói chung và phụ nữ gốc Á nói riêng, phân biệt giới và phân biệt sắc tộc đi liền với nhau. Không phải tự nhiên mà tiệm massage ở Atlanta có nhiều người phụ nữ châu Á thuộc tầng lớp lao động làm việc. Và người phụ nữ da màu ở tầng lớp lao động luôn chịu thiệt thòi hơn cả, đó cũng không phải chuyện tự nhiên.

 

Trong nền kinh tế toàn cầu này, phụ nữ lao động châu Á vừa là đối tượng bị thèm muốn (desiring subjects), vừa là đối tượng bị bóc lột (working subjects). Thân thể họ bị rao bán trong nền công nghiệp tình dục, sức lao động của họ bị bóc lột trong các công xưởng. [8] Chưa kể các định kiến về giới khiến họ làm việc trong các ngành đòi hỏi sức lao động cao nhưng lương thấp, như làm người giúp việc, lau dọn, chăm sóc sức khỏe, và là người làm trong các tiệm massage. [9]

 

Chính vì vậy mà Lisa Lowe, một học giả nổi tiếng trong ngành nghiên cứu về người Mỹ gốc Á, nói rằng ta phải đặt người phụ nữ da màu ở giao điểm của sự phân biệt sắc tộc, sự bóc lột sức lao động trong chủ nghĩa tư bản, và sự phân biệt giới (intersection of the processes of racial formation, labor exploitation, and gender subordination). [10]

 

                                                          ***

Tôi đã nghe các lập luận đại loại như “khu của tớ người da trắng rất thân thiện, lịch sự, và quý người châu Á lắm nên không có nạn bài Á ở đây; cái đó chỉ xảy ra ở mấy thành phố lớn thôi.” Hoặc “chúng ta đang ở nơi không phải ai muốn đến cũng được nên thiên đường hay địa ngục là do suy nghĩ mà ra.” Hay “hãy chấp nhận sự bất công vì cuộc sống này làm gì có công bằng.”

 

Đối với tôi, điều gì không (hoặc chưa) xảy ra với mình thì chưa chắc là không xảy ra với người khác. Hơn nữa, biểu hiện của phân biệt chủng tộc sẽ khác nhau ở giai cấp và tầng lớp khác nhau. Việc thờ ơ với những gì mà những người ở giai cấp lao động phải hứng chịu là góp phần vào việc duy trì sự thượng đẳng của người da trắng.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/Capture-5-1024x784.jpg

Những người thợ mỏ tại California vào năm 1852. Các công nhân đến từ Trung Quốc (bên phải) làm việc bên cạnh những người da trắng địa phương. Ảnh: Getty Images.

 

Chưa kể, liệu nước Mỹ có được như ngày hôm nay không nếu như ai cũng chấp nhận bất công “vì cuộc sống là thế”? Và đôi khi tôi nghĩ, sự biết ơn đối với nước Mỹ – vì nước Mỹ có tự do và nhân quyền – đáng lẽ ra phải chuyển thành sự biết ơn đối với những người đã đấu tranh vì tự do và nhân quyền ở Mỹ. Không có họ thì làm gì có nước Mỹ ngày nay?

 

Điều quan trọng cuối cùng, khi tôi nói đến sự thượng đẳng của người da trắng (white supremacy), tôi không đang nói đến người da trắng cụ thể nào cả. Vì thế, lập luận kiểu như “người da trắng ở chỗ tớ tốt lắm” là sai vấn đề.

 

“White supremacy” là một hệ thống (structure). Hay nói như nhà sử học nổi tiếng David Roediger, nó là một trật tự xã hội (social order) [11] mà trong đó màu da trắng trở thành một lợi thế, mang lại giá trị về mặt xã hội và kinh tế [12]. Tôi muốn mượn một đoạn trong quyển “Living a Feminist Life” (2017) của Sarah Ahmed để nói về hệ thống:

 

“Tôi học được rằng mình có thể bị hệ thống đánh trúng và bị hệ thống làm cho bầm dập. Một người đàn ông có thể xâm phạm bạn vì nghĩ ông ta được quyền như vậy: đó là hệ thống. Hành động bạo lực của anh ta được lý giải là tự nhiên và tất nhiên: đó là hệ thống. Một cô gái bị bắt phải chịu trách nhiệm cho hành động bạo lực của anh ta: đó là hệ thống. Một người cảnh sát quay lưng đi vì cho rằng đó là chuyện gia đình: đó là hệ thống. Một người thẩm phán nói về việc cô gái đó ăn mặc thế nào: đó là hệ thống.”[13]

 

Một người phụ nữ châu Á đi du lịch ở Paris, ngồi xem bản đồ ở băng ghế sát đường đi bộ, giữa ban ngày và đông đúc khách du lịch, để rồi một người đàn ông da trắng đi đến và hỏi “How much? For sex”: đó là hệ thống.

 

Nếu bạn nào hỏi lúc đó tôi mặc gì, thì câu trả lời là tôi mặc quần dài và áo tay dài do trời se lạnh. Và nếu câu đầu tiên bạn hỏi tôi là lúc đó tôi đang mặc gì: đó chính là hệ thống.

 


 

Chú thích:

 

[1] Carlos Bulosan, “America Is in the Heart: a Personal History”, Washington Paperbacks, Wp-68 (Seattle: University of Washington Press, 1973), 156.

 

[2] Lịch sử bài ngoại này và lịch sử nhập cư của nước Mỹ, theo nhà sử học Erika Lee, tồn tại song song với nhau. Việc ta chỉ nhớ đến nước Mỹ là đất nước của người nhập cư đã tạo nên một lỗ hổng về lịch sử (historical amnesia) và góp phần làm cho sự bài ngoại có điều kiện phát triển (Lee, “America for Americans”, 324). Người Mỹ gốc Á không phải là nhóm duy nhất bị xem là ngoại quốc hay kẻ thủ tiềm ẩn. Tuy nhiên, trải nghiệm của họ trong lịch sử có vai trò đặc biệt quan trọng vì các vụ kiện liên quan đến quyền công dân của người Mỹ gốc Á cho thấy quyền lực của nhà nước trong việc tước quyền công dân dựa trên cơ sở sắc tộc (Ancheta, “Race, Rights and the Asian American Experience”, 63). Hơn nữa, mặc dù người nhập cư từ Đông Âu và Nam Âu trong giai đoạn đầu đến Mỹ đều bị kỳ thị (do họ không được xem là “người da trắng” và bị xem là “in-between people”), nhưng dần dà họ đều được chấp nhận vào nhóm đa số ở Mỹ. Nhà sử học David Roediger lập luận rằng việc phân biệt đối xử đối với người da màu trong xã hội Mỹ thời đó tạo ra một động lực lớn cho những người di dân từ Đông Âu và Nam Âu (mặc dù cũng bị ghét bỏ) cố gắng phân biệt họ với người da màu, và trong quá trình đó họ trở thành “người Mỹ” bằng cách học được ý nghĩa của hệ thống chủng tộc (racial system) ở Mỹ (Roediger, “How Race Survived U.S. History”, 140-142).

 

[3] Esther Ngan-Ling Chow, “The Development of Feminist Consciousness among Asian American Women,” Gender & Society 1, no. 3 (1987).

 

[4] Mae M Ngai, “Impossible Subjects: Illegal Aliens and the Making of Modern American” (Princeton University Press, 2014), 175.

 

[5] Michael Foucault, “The History of Sexuality: An Introduction” (Vintage, 1990), 44.

 

[6] Rachel Leng, “The Need for Asian American Feminism,” The Duke Journal of Gender and Sexuality, no. IV (2013).

 

[7] Chow, “The Development of Feminist Consciousness among Asian American Women,” 288.

 

[8] Linda Trinh Võ and Marian Sciachitano, “Introduction: Moving Beyond ‘Exotics, Whores, and Nimble Fingers’: Asian American Women in a New Era of Globalization and Resistance,” Frontiers: A Journal of Women Studies  (2000): 3.

 

[9] Yen Le Espiritu, “Asian American Women and Men: Labor, Laws, and Love” (Rowman & Littlefield, 2008), 11.

 

[10] Lisa Lowe, “Work, Immigration, Gender: Asian ‘American’ Women,” in “Making More Waves: New Writing by Asian American Women”, ed. Asian Women United of California Staff Asian Women United of California, Beacon Press (Boston)., Elaine H. Kim, Lilia V. Villanueva, Lilia Villanueva (Beacon Press, 1997), 272.

 

[11] David R Roediger, “How Race Survived Us History: From Settlement and Slavery to the Obama Phenomenon” (Verso, 2019).

 

[12] George Lipsitz, “The Possessive Investment in Whiteness: How White People Profit from Identity Politics” (Temple University Press, 2006).

 

[13] Sara Ahmed, “Living a Feminist Life” (Duke University Press, 2016), 30. Nguyên văn: “I learned that you can be hit by a structure; you can be bruised by a structure. An individual man who violates you is given permission: that is structure. His violence is justified as natural and inevitable: that is structure. A girl is made responsible for his violence: that is structure. A policeman who turns away because it is a domestic call: that is structure. A judge who talks about what she was wearing: that is structure.”


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats