Sunday, 28 March 2021

Ừ THÔI NGƯỜI ĐI (Lê Minh Hà)

 



Ừ thôi người đi    

Lê Minh Hà 

27/03/2021

https://www.diendan.org/sang-tac/u-thoi-nguoi-di

 

Không bất ngờ. Nhưng vẫn giật mình: Nguyễn Huy Thiệp đã lên đường. Một mình.

 

Thế là mình sẽ không còn có lúc băn khoăn gần cà phê Nhân cùng ý nghĩ vào hay không vào mỗi lần về Hà Nội.

 

Nhớ một tối trong một căn phòng ở Bảo Khánh, nhà thầy Hoành Khung. Thầy kể có lần ngồi trên tàu đi từ Bắc vào Nam cùng Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải với mấy người nữa không nhớ tên. Khi đó bạn đọc mới biết đến tên Nguyễn Huy Thiệp chưa lâu trên Văn Nghệ dưới quyền Nguyên Ngọc. Nguyễn Khải đã say mê đọc thuộc lòng từng trang viết mới công bố của Nguyễn Huy Thiệp. Nghe, mình ngộ thêm về hai chữ liên tài.

 

Thế là Nguyễn Huy Thiệp đã tự giải phóng được mình khỏi đất KHÔNG CÓ VUA.

 

Thế là đất ấy thiếu đi vĩnh viễn một chứng nhân không có truyền nhân. Anh chàng chị chàng nào mà học mót cái giọng Nguyễn Huy Thiệp thì đảm bảo là đã tìm ra được con đường ngắn nhất để biến mình thành lố bịch. Tài năng nghệ thuật lớn có thể khơi dòng cho một trào lưu sáng tạo. Nguyễn Huy Thiệp lớn, nhưng ông triệt tiêu khả năng hình thành trào lưu vì cái giọng của mình. Khốc liệt. Nhẫn nại. Nghiệt ngã. Lãng mạn. Tàn bạo. Mệt mỏi. Hoang mang... Giọng điệu nào ở chữ của Nguyễn Huy Thiệp cũng dường như đã tận cùng. Và, với nó, chặn đứng trào lưu viết giống mình, Nguyễn Huy Thiệp đồng thời tạo ra hẳn một trào lưu cảm thụ mới trong người đọc. Thế với mình là chân tài. Dở hơi à mà lại đi tu luyện thành bản sao của chân tài.

 

Từng người tài bỏ chúng ta đi!

 

Này hoa ban, có nhớ người đã hỏi câu "một ngàn năm sau mày có trắng thế không?"

 

                                                             *

Nhớ. Hai mươi hai năm trước ông ngồi trong nhà mình, ôm thằng con mình, cõng nó đi lên giáo đường Limburg, rù rì kể về những ngày Hua Tát, những ngày Hoa Ban, những ngày nước Mỹ, những ngày làng Cò, và.

 

Những dòng chân dung về ông mình viết là ngay sau ngày này.

 

"Gương mặt ông nhàu..."

 

Nhà văn có thể không sống, nhưng vẫn tồn tại. Tin rằng ấy là trường hợp của ông.

 

Bài dựng chân dung Nguyễn Huy Thiệp là bài mở đầu loạt bài dựng chân dung nhà văn mà không nhắc tới tên tác giả hay tác phẩm của mình này mình viết đúng 22 năm rồi, in trên Diễn Đàn Paris [xem Phụ lục dưới đây] và từng bị một bạn đọc là người viết Việt kiều ở Đức trong cơn say chê bai Nguyễn Huy Thiệp đã hung hăng phê phán. Khổ, chả mấy khi mình viết về ai.

 

                                                             *

Khi viết chân dung các nhà văn, nếu có thể, mình luôn muốn gửi cho họ đọc trước, chỉ để nói rằng xin lỗi, nếu anh hay chị không bằng lòng, nhưng Lê Minh Hà xin được giữ quyền của bạn đọc. Một nhà văn thật sự, theo nghĩa là tài năng độc bản của trời đất sẽ chấp nhận điều ấy. Không biết Nguyễn Huy Thiệp đã đọc chưa, có đồng ý với mình trong các nhận xét về ông không. Đồ rằng chưa và không. Không phải vì các nhận xét đó chưa đúng hoặc sai. Nó đúng, trong cảm quan của riêng mình về tác giả – cảm quan của một người đọc ít nhiều chuyên nghiệp để tự cho mình có thẩm quyền xét nhận. Mình đoán Nguyễn Huy Thiệp sẽ chỉ cười, ngay cả khi ông nghĩ người viết chả hiểu quái gì mình cả. Ông cười được, thản nhiên, trước cả những nhục mạ nhân danh nọ kia cơ mà. Có lẽ trước lời khen ông cũng thản nhiên y như thế. Những người nổi tiếng ấy mà, họ biết hơn chúng ta rất nhiều về cái giá của sự nổi, nặng lắm, lằng nhằng lắm, im mà không tuột dốc trước con mắt soi mói, có khi còn hả hê của người đời được là bình an lắm rồi, nhất là ở Việt Nam ta.

 

                                                                  *

Thế nên mấy ai biết được mọi khuôn mặt của Nguyễn Huy Thiệp, ngoài chính ông. Mọi ngôn từ màu sắc người đời dùng họa hình ông, chẳng qua chỉ như động tác dùng tay vớt nước. Được bao nhiêu?


Gặp Nguyễn Huy Thiệp không phải một lần, nghĩ lại, mình thấy chỉ duy nhất một lần ông thật sự cởi mở, không có kiểu cười cười giả điếc như nhiều lần sau này khi bên cạnh còn nhiều người khác, cũng thân quen cả thôi. Những lúc ấy ông gần như không nói gì, ở nhà thì chăm chăm phục vụ vợ để tận tình phục vụ khách: bê đĩa đậu phụ rán vừa vớt từ chảo ra, xếp mấy củ khoai vào đĩa, chế nước vào ấm trà, và lặng lẽ, miệng hờm sẵn một nụ cười. Ở quán thì kín đáo gọi người phục vụ. Người hân hoan nhất trong những cuộc đó có lẽ là bạn ông, Bảo Sinh. Nhưng Bảo Sinh không phải là người phát ngôn của Nguyễn Huy Thiệp. Chàng Bát Phố già rậm lời hình như chỉ đóng vai xoá đi những khoảng lặng im người ta không mong đợi khi gặp Nguyễn Huy Thiệp, ông cũng không muốn thế, nhưng không có ý định tự mình náo động, cũng có thể chả biết làm thế nào trước những chất ngất không lời. Có một buổi chiều Hà Nội tôi được Nguyễn Huy Thiệp cho ăn cơm cá kho rau muống ở cà phê Nhân, và không làm sao nối kết được ông chủ bữa ăn có vẻ lành lành ngồi bên với ông nhà văn đã làm cho vợ chồng tôi cười lăn lộn ở nhà mình hai mấy năm về trước tại Đức. Về nhận xét „man dại“ ông dành cho một nhà văn nữ và nụ cười khó tả ông dành cho một nhà văn nam đồng hành – người dường như tìm mọi cách để chặn Nguyễn Huy Thiệp lên tiếng khi ông được tây ta tra vấn. Về chuyện vợ chồng ông lấy nhau vất vả, nhưng rồi cũng „chôn xong“ được sáu cụ thân sinh hai bên. Về sự phải biết „đầu cơ“ các quan hệ cá nhân và phải làm sao để giành để giữ cho được diễn đàn khi còn muốn nói, muốn viết. Điều này - ông kể - đặc biệt quan trọng và khó khăn với Nguyễn Huy Thiệp sau khi nhà ông bị khám, bản thảo bị thu giữ. Bao nhiêu lần mình tự hỏi những bản thảo ấy, mang dấu bàn tay ông, thủ bút của ông, chứa chở những sức nặng chữ nghĩa nghiệt ngã, đau đớn, thơ thới và tan hòa chỉ riêng ông về cuộc đời đã ở đâu, giờ ở đâu, hay tất cả bị biến thành bụi giấy?

 

                                                                *

Câu chuyện với Nguyễn Huy Thiệp, và sau đó với người tổ chức chuyến đi về phía Đức sẽ cho người ta biết rằng con đường ra với thế giới, theo nghĩa „đi“ của ông hồi ấy mới chông gai làm sao. Được mời đích danh, và để mời được ông người ta chấp nhận mời thêm ba người nữa, nhưng chút xíu nữa Nguyễn Huy Thiệp không đi được như mấy năm về trước vì không biết thông tin được mời để mà làm visa. Nhớ câu Trịnh Công Sơn nói khi lần đầu tiên gặp lại Khánh Ly. Tự do – Trịnh Công Sơn định nghĩa - là ĐI.

Với Nguyễn Huy Thiệp, tự do là gì? Im lặng? Hay là viết? Viết gì? Truyện ngắn hay là tiểu thuyết? Nhà văn Thuận có lí giải sự tiếng tăm đến thế mà Nguyễn Huy Thiệp vẫn không được biết tới nhiểu ở phương tây, vì phương tây chuộng tiểu thuyết, còn nhà văn của chúng ta thì, dù rất mê chữ của ông, tôi phải thành thật với mình: tiểu thuyết với ông là sở đoản. Đấy là chưa nói tới những nhọc nhằn trong việc chuyển dịch tác phẩm mà điều kiện tiếng giỏi tiếng dày chỉ là một trong những. Trong status mới viết sau khi Nguyễn Huy Thiệp mất, nhà thơ Hoàng Hưng trên FB của mình kể đã công khai chào ông là thiên tài, và nói về một đặc điểm trong văn của Nguyễn Huy Thiệp: Trong nhân vật của ông có sự chuyển đổi không cách gì cưỡng được của con người ở một thời hết sức đặc biệt tại miền Bắc, từ ““người nhà quê” đổi đời, trí thức hoá, nhà binh hoá, cán bộ hoá, thành thị hoá, sau mấy mươi năm là chủ lực trong cuộc chiến tranh kéo dài, đã trở nên lực lượng áp đảo xã hội”, mà “tổng hợp “hầm bà làng” đủ thứ (có 1 câu thơ Nguyễn Duy nói được ý này), cái chất phác thiện căn xưa vẫn nao nao, nhưng cái lưu manh, tục tằn, thực dụng, cái ác, cái ti tiện, tủn mủn, lắt léo, đểu giả…” là cái chất đặc dị của nó. Rất trúng! Công nhận! Chỉ thế thôi, mình nghĩ Nguyễn Huy Thiệp đã ngang sức với hai nhà văn Việt mình mê lắm, là Nam Cao và Vũ Trọng Phụng. Họ - những bậc chân tài mà cái nhìn về cuộc đời là không thể bắt chước - đã làm được cái việc không thường là mô hình hóa tâm lí con người ở thời mình sống, nhưng…

 

                                                     *

Mình nhớ lần đầu biết Nguyễn Huy Thiệp. Là qua „Huyền thoại phố phường“, hình như in trên Người Hà Nội chứ không phải Văn Nghệ. Không bị chấn động ngay, may quá, vì ở đó còn dấu vết của một ảnh hưởng vô thức làm gợi nghĩ tới „Con đầm Pich“ của cụ „Tôi yêu em“ ở nước Nga. Nhưng mình để ý ngay: vì cung cách nhìn cuộc sống của người viết: huyền thoại đấy, song lột bỏ mọi ma mị sương mù của lối người tốt việc tốt người xấu việc xấu vẫn thường thấy trong chữ nghĩa Việt nhiều năm ròng khi đó.


Nhưng tới „Tướng về hưu“!


Buổi chiều mình đọc truyện ngắn này là một buổi chiều Hà Nội dường như rất bình yên, chí ít là vô cùng yên tĩnh. Cảm giác đầu tiên là những bức tường chữ nghĩa chắc chắn và đẹp nữa mà mình đã chui vào để trú ẩn cho qua tuổi trẻ từ từ rạn, còn nguyên hình trạng nhưng đầy nguy cơ, báo trước một sụp đổ không thể đừng. Choáng quá, vì vợ hoan hỉ hỏi chồng chuyện tính mâm làm cỗ đám hiếu án táng bố chồng có sát không, và anh chồng, trụi thùi lụi đúng một từ: „Sát.“ Giết? Chính xác? Dám đoan quyết với mọi người: không ai có thể dịch được từ này với toàn bộ cộng hưởng từ phía người đọc, kiểu như mình.

 

                                                       *

Từ đó, theo sát Nguyễn Huy Thiệp. Từ đó, phát hiện lại một điều hiển nhiên: Con đường một tài năng nghệ thuật nhất định sẽ đi qua là trước phải khác người, sau phải khác mình, hoặc ngược lại.


Rậm lời về sự Nguyễn Huy Thiệp đi con đường này cũng chẳng để làm gì. Khác người: đã hẳn rồi. Những tài năng cùng thời với ông đồng thanh ca ngợi rồi. Khác mình: thì cứ nhìn các tập hợp tác phẩm của ông trong mỗi mạch cảm hứng, từ truyện ngắn, qua tùy bút phê bình phiếm luận như bổ như chém, qua kịch, qua tiểu thuyết! Nguyễn Huy Thiệp khác người khác mình là ở cái đằng sau tấm lưng hiện thực mà người đọc ông chú mục khen chê: Ấy là sự đào sâu chữ ĐẠO một cách bền bỉ, có hệ thống, là cảm giác về một trật tự tinh thần không hẳn là mới, căn cứ vào một thước đo chính trị xã hội riêng, tự cắt tự khắc, với hi vọng có thể chỉnh lại những xuyệch xoạc của cuộc đời hằng thường. Có phải vì thế mà ông lập ngôn và bắt nhân vật lập ngôn, chẳng cứ xuất thân thế nào, từ ông vua của đoàn quân chân đất thời xưa tới tay ba trợn dẫn dắt đám cùng khổ trong rừng thời nay, từ anh giáo làng tới bà lão trong mắt con cái đã lẩn thẩn. Chữ nghĩa của Nguyễn Huy Thiệp chất chở nhiều quan niệm, quan điểm, nhưng lại không rơi tọt vào văn chương tải đạo nói thực là rất chán, đọc xong, biết đạo rồi, biết cách giải quyết cuộc đời của tác giả rồi là không có nhu cầu đọc lại, vì đời thực đã rời xa lâu rồi. Đạo của Nguyễn Huy Thiệp là những triền miên suy tưởng không ở bên trên, bên ngoài đời thường, mà thổ ra từ đời thường nhiều chiều, hay bậc nhất có khi lại là từ dưới đáy. Cái dân giã trong hành ngôn của nhiều nhân vật lấp lánh tri thức dân gian thuyết phục, thống trị không phải chỉ một đôi người như anh giáo Triệu. Thực lòng, mình khoái kinh khủng cái cách bà cụ già trong bài học nông thôn lẩm bẩm về thượng tầng „các cụ toàn chim to“, bàn về hạnh phúc „có hai hòn dái thì mất rồi còn đâu“, hay về nam quyền „ăn thì họ ngồi mâm trên ngủ thì họ đè lên mình“. Cũng thế, cái lối bàn về văn chương rất hiểu rất hợp nhau của một trí thức nho học trải đời với ông đồ tể vừa ngộ ra „chữ mới cần“ sau khi bố già chết và toàn tâm toàn ý vì tương lai con cháu với thứ văn chương ba rọi để làm quan. Hay bài học dạy đời chua chát của thằng cha Bường tinh đời, ba trợn, lưu manh, đểu giả, thẳng tuột đến mức trung thực và có lúc cũng dịu dàng. Thật là những cái tát tận tình, những cú điểm huyệt lịm người với những kẻ như mình, coi chơi với chữ là một hobby chuyên nghiệp, đấm, tát như thế mà lại đả thông được kinh mạch thì sướng vô chừng.

 

                                                            *

Sẽ thật bất công cho nhà văn theo toàn bộ nghĩa đẹp đẽ nhất của từ này khi bình rằng ông ta bà ta hết thời, chững lại, chậm đi, nhạt hẳn căn cứ vào một hai ba tác phẩm nào đó. Là mình nói bạn đọc ấy, mà mình cũng thuộc về. Xét định một nghệ sĩ, phải căn cứ vào biên độ của sự khác ở họ. Và chớ tưởng rằng…


Là có thể nhận định về sự phát triển tiến lùi ở họ dựa vào thời gian tác phẩm được trình làng. Chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Ngấm, qua mình và qua đôi ba bề trên bè bạn trong nghề, mình biết rằng có rất nhiều tác phẩm được sáng tác sau lại được trình hiện trước, có những tác phẩm dằn vặt, kiểm soát tác giả một thời gian rất dài, không chịu hoàn thành, và trong khoảng thời gian đó, một hai ba tác phẩm khác lần lượt ra đời, thành công vang dội trong sự nhìn nhận của bạn đọc và truyền thông. Ở Nguyễn Huy Thiệp, những tác phẩm vả một phát vào sự vô lương của người đời, làm nên tên tuổi ông buổi đầu, tạo sóng thần trong làng chữ lại không phải là thứ ông ấy viết đầu tiên. Ai cũng biết rồi đấy: Những ngọn gió Hua Tát, năm ông mới ngoài hai mươi tuổi, khéo cũng là năm cái anh con bà nông dân trở thành thầy giáo ở cái xứ chim kêu vượn hót và biết sợ rượu. (Ờ thế, Nguyễn Huy Thiệp từng kể sợ rượu chỉ vì dạy học ở rừng.)

 

                                                           *

Tác phẩm nào sẽ được coi là hay hơn tác phẩm nào, trước hơn sau hay ngược lại, không bàn, nhưng mình biết rằng tài năng nào cũng đa diện. Mỗi mạch nguồn tâm cảm ở họ buộc họ phải đi đến cùng, phải làm cạn kiệt đi thì mới yên thân, và kết quả thường là những tác phẩm nhiều khi cực khác nhau, chỉ giống nhau ở chỗ xem, nghe, hay đọc, là biết kẻ nào làm ra nó. Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc, Giọt máu có khác Chút thoáng Xuân Hương, Trương Chi không; Tướng về hưu, Không có vua, Những người thợ xẻ; Chuyện ông Móng có khác Những bài học nông thônSang sông, Muối của rừng không? Gạ tình lấy điểm hay Tiểu Long Nữ có khác Tuổi hai mươi yêu dấu không? Suối nhỏ êm dịu kịch có khác Trò chuyện với hoa thủy tiên tiểu luận không? Quá khác. Chỉ có điều không ai có thể nhầm được đấy là chữ của người nào. Tôi muốn lấy một ví dụ: Đọc nhiều nhiều rồi, rồi giới hạn lại ở các tác phẩm của mấy tác giả nổi danh cùng thời, gặp trầm tư „Lấy tủ hay không lấy tủ“, đảm bảo chúng ta sẽ nghĩ ngay ra tên người đẻ ra nhân vật là Phạm Thị Hoài, và tới “Ai đồng ý bố chết giơ tay“ thì khó có thể tòi ra tên một ai khác là người viết, ngoài Nguyễn Huy Thiệp. Với câu này, nhân vật Đoài của Nguyễn Huy Thiệp trong „Không có vua“ vượt mặt ông Văn Minh của Vũ Trọng Phụng khi đối diện cùng một hiện thực. Văn Minh mới chỉ cáu tiết vì cụ cố Hồng sống dai là „vô đạo đức“, bất hiếu và vô lương, nhưng chưa đạt tới độ tàn nhẫn tỉnh rụi như Đoài, một sự tàn nhẫn thực ra đầy lí trí và thực tế. Đấy là sự khác biệt trong tính cách của nhân vật hay trong phong cách nghệ thuật của nhà văn, câu hỏi này không xuất hiện trong đầu mình khi đọc. Mà là một câu hỏi khác: Người Việt đang sống qua những thời thế lạ lùng đến nỗi bất thường là bình thường, và đó là đi xuống hay đi lên? Đôi khi mình ghét các tài danh: họ đẩy chúng ta vào một bầu không khí chữ nghĩa riêng đầy bứt rứt, dằn vặt chúng ta, họ không để chúng ta sống cho yên. Lại cũng thương họ: một người dịch có thể tạo cho mình liên tưởng dài ngoẵng từ anh trí thức còi của Việt Nam tới tận hoàng tử Hamlet tận Đan Mạch xa xôi để mà hiểu cái chua chát tồn sinh trong câu „lấy tủ hay không lấy tủ“, nhưng tầm đâu ra một dịch giả có thể dịch được hồn vía đời sống xã hội Việt Nam đằng sau cái câu nhẹ như không của một trí thức xã hội chủ nghĩa:"ai đồng ý bố chết giơ tay".

 

                                                             *

Bạn đọc hôm nay bị bỏ bùa vì hai chữ ĐỔI MỚI, trói luôn mấy chục năm nay mấy ông bà người tài Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập… vào trong vòng ĐỒI MỚI CỞI TRÓI. Ấy chết! Đừng có tin là đổi mới tạo cảm hứng, tạo sinh lực; tháo thừng tháo chạc gì cho ngòi bút của họ. Đổi mới, qua vai trò của báo Văn nghệ, đặc biệt là lúc dưới quyền Nguyên Ngọc chỉ đóng vai trò mở hé cửa cho xuất bản, và nhờ thế bạn đọc có cơ biết tới những tài danh này thôi. Mình ngờ Thiên sứ Phạm Thị Hoài, Những mảnh đời đen trắng Nguyễn Quang Lập, Tướng về hưu hay những Lân những Ánh những Huệ những Vinh Hoa cùng Nguyễn Huy Thiệp, những Kiên những Phương và những xác chết của Bảo Ninh khéo nằm trong ngăn kéo bàn hay cái hòm dưới gậm giường chờ đổi mới chẳng phải một ngày. Phải xác quyết lại một điều: ĐỔI MỚI có thể tiếp sức cho họ trong sáng tạo, nhưng các tác giả này, bằng sự xuất hiện của mình, đã trở thành một phần của nó, tạo nên nó ở trong văn chương, không phải ĐỔI MỚI làm nên họ. Một tài danh thật sự không đi tìm tự do sáng tạo ở bên ngoài, mà là, và chỉ là trong chính mình, một mình bầm dập, lầmlũi, đau khổ, ê chề nhất, vì tự biết.
Nhớ mà xem „Thu có vẻ như cời than thắp lửa – Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu“, câu thơ ma ám ấy ông họa sĩ Chu Hoạch viết có khi là trong lúc móc cống đấy. Giời ơi!

 

                                                              *

Mình không có cái duyên gặp Nguyễn Huy Thiệp nhiều. Mấy lần về Hà Nội vừa rồi cũng không tìm thăm ông. Và cũng không ân hận. Nhà văn cần gì ở bạn đọc? Đọc. Đọc. Và đọc. Và đánh vật với chính bản thân về các giá trị, sau khi bị chữ của nhà văn nung, đập, làm mất ngủ. Thế thì mình là một người đọc chung thủy của ông rồi. Thế là có duyên với nhau rồi.


Nhưng em muốn kể ở đây cho anh nghe về cái duyên buổi đầu với anh cơ anh Thiệp ạ.

Ấy là năm 1989. 

 

Các nhà xuất bản in ào ào, dịch ào ào, bán ào ào, sách cũ sách mới, của ta của tây của tàu. Rồi nhu cầu đọc bão hòa, túi tiền bạn đọc cạn, vốn nhà xuất bản đọng. Và thế là sách được tung ra bán với chiết khấu giảm giá có khi tới một nửa căn cứ vào giá bìa. Mà giá bìa thì mỗi lần in lại chênh lệch đáng kể. Mình mới ti toe đi lấy chồng, dạy chuyên văn ở Hà Nội – Amsterdam, số giờ dạy chỉ bằng 1/3 đồng nghiệp mà lương được thêm hẳn 3%, nhưng thời bù giá vào lương bù da vào xương, hai vợ chồng bốn bàn tay trắng, thế là xui nhau đi bán sách để ăn chênh lệch. Bọn mình đã khuân không biết bao nhiêu tác giả tác phẩm tây tàu ta nằm trong kho của phát hành sách Hà Nội lên đổ đống ở bờ ruộng chỗ Nghĩa Đô, bán chạy như người ta bán dưa lê. Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập, Dương Thu Hương cũng nằm chung ở đó. Sau này, một người làm ở phát hành sách bảo bọn mình bán Nguyễn Huy Thiệp Phạm Thị Hoài Nguyễn Quang Lập còn nhiều hơn mấy cửa hàng của họ nằm ở Tràng Tiền Nguyễn Xí, vợi cả kho.

Sau này thì mình mới nghĩ ra là bán ở bờ ruộng giữa cánh đồng nhưng Nghĩa Đô khi đó là nơi đi về, làm việc, ăn ở của rất nhiều nhân viên cán bộ các viện, các trường đại học – những người mến chữ. Chứ lúc đó, bán cực chạy, vì khách cứ động tay vào cuốn nào là có thể nói cho họ ngay nội dung, bonus thêm vài ba bình luận mọn, nhưng hai vợ chồng lại không biết gì về marketting, và thế là bỏ qua nhiều cơ hội để thành đại gia đầu nậu sách.

Cơ hội đáng nhớ nhất là một buổi trưa đường vắng thì có khách. Khách tự giới thiệu là Nguyễn Văn Lưu, đại diện của nhà xuất bản Văn học, nói rằng ông và đồng nghiệp ở nhà xuất bản Thanh niên và Quân đội có nghe tin về một quán sách giữa đồng, có theo dõi ít lâu nay và ba nhà xuất bản muốn cùng xây một nhà sách to ở Nghĩa Đô, với điều kiện vợ chồng mình là người quản lí. Sẽ. Sẽ. Sẽ. Ngon ăn thế, thế mà lúc đó mình chỉ chăm chăm với một ý nghĩ thú vị bác này là người đang đánh ông mặt nhàu nằm ở bờ ruộng của mình đây, rồi rụt rè trình bày rằng vẫn đang đi dạy, chỉ định bán sách một thời gian để thoát nghèo.


Ối chao ôi, chữ nghĩa hại người đến vậy. Nó không làm mình thông minh mà là u mê, vào đúng lúc ấy. Và chữ của Nguyễn Huy Thiệp hiển nhiên có góp phần vào sự làm mình không thông minh.


Thế nên, giờ mình phải ngồi ở rất xa cái bờ ruộng chắc là lên phố lâu rồi kia để viết về ông mặt nhàu. Như bùn khô. Như ruộng rạ.

 

                                                           *

Em sẽ không nói thương tiếc anh đâu anh Thiệp nhé, vì anh buông được gánh khổ ở cõi nhân gian này, vì anh gặp chị rồi.


Chữ nghĩa độc lắm. Ở cõi ấy có khi anh mở lại nhà hàng đi, đừng dính vào chữ nữa. Ai biết thế nào về thể chế của Diêm Vương.



Lê Minh Hà

Berlin 27. 03. 2021

 

*

Phụ lục

 

CHÂN DUNG NHÀ VĂN, TRONG MỘT THẾ NHÌN (*)

 

Mặt ông nhàu. Tôi biết rằng có thể ông không nhất thiết trải qua toàn bộ những cảnh đời mà nhân vật của ông đã trải. Ông không sống trong một gia cảnh không quân thần phụ tử. Nhưng ông đã đói cái đói của kiếp người, đã phải nhào lộn giữa đời như một giọt máu, như một... Những vết rạn trên gương mặt bùn khô của ông không nói hết được với ta về những cơ cực vò xé tâm hồn ông trước khi cho ông thấu hiểu nỗi đời nhường ấy.

 

                                                         *

Trong văn học đương đại Việt Nam, chưa có một nhà văn nào lại làm thiên hạ tốn bút mực nhiều như ông, ngay trong khi tác giả còn chưa chết. Không có trước những bước dọn đường, tên nhà văn nổ bùng trên báo chí, bằng một loạt truyện ngắn dữ dội và hết sức thơ. Nếu đọc ông bằng một tâm hồn chỉ có phẫn nộ và phẫn nộ, người ta sẽ hả hê bởi cái giọng văn gằn lạnh ấy. Nếu đọc bằng đôi mắt của người yêu văn chương nhưng mới chỉ dừng lòng yêu ấy ở những gì hờm hợp với mình, người ta sẽ khó chịu nổi ông. Thực đơn chữ nghĩa ngày ấy không có món ấy. Và thói quen trong sáng tạo và thưởng thức sáng tạo bao giờ cũng lì lợm hơn bất kỳ thói quen nào.

 

Người ca ngợi ông thì hết lời ca ngợi. Nhưng liệu ông có hài lòng chăng vì những lời khen không hoàn toàn thỏa đáng, không bắt đầu từ trang viết của chính ông mà lạc tuốt ra ngoài qũy đạo văn chương. Người chê ông thì cũng hết lời. Và cái hèo người ta dùng để nện ông thì thật đáng sợ: Là quan niệm đạo đức của cả một thời. Tài có mà tâm thiếu. Tôi nhớ có nhà phê bình đã phán một câu như thế về ông, xanh rờn.

 

Cứ sống đi đã. Ông thường trở lại với bạn đọc nhiều lần trên từng trang sách với ý tưởng này. Và cũng nhiều lần nói thế với cử tọa bằng cái giọng 'cả tẩm', điềm đạm, trầm tĩnh. Tôi nghe như chứa cả một chút chán chường. Có cảm giác rằng ông hiểu rõ những người đang chất vấn ông đến với ông vì lý do gì. Biết ngưỡng mộ một tên tuổi luôn là mốt của nhiều thời. Biết trình bày lòng ngưỡng mộ ấy là một cách trang điểm không phải dở của nhiều người tự tin đến đáng ghen tỵ.

 

Ông ý thức rõ ràng về danh tiếng của mình. Danh tiếng, chứ không phải tăm tiếng. Điều ấy ở ông mạnh đến nỗi ông biết rằng bản thân cái tên ông là một lực cản sáng tạo, và thời của ông thực ra đã qua rồi. Tôi nhớ một nhà thơ đích thực từng khao khát được người ta chôn mình đi. Tài không lớn, tâm bé bé, không thể đạt tới tầm khao khát tự hủy đó. Đời nghệ sỹ sẽ dài hơn đời người trong nghĩa sinh học đơn giản nhất khi người nghệ sỹ được chọn là một cọc mốc, một tiêu chí trên hành trình sáng tạo của những người nghệ sỹ khác của dân tộc mình, và xa rộng hơn.

 

Từng để cho một nhân vật tiên đoán nền chính trị thế giới rồi ra sẽ là một món nộm suồng sã, ông hay nói về thời và thế. Và khái niệm bá đạo, vương đạo cũng hay trở đi trở lại trong tác phẩm của ông, trong câu chuyện của ông. Đọc ông, và nghe ông, tôi nhận ra điều này: Ông biết tìm thời thế để chính danh. Biết rõ mặt trái thường không trong ngọc trắng ngà của chính trị, ông bộc lộ rõ và can đảm sự nhạy cảm chính trị của mình. Nghe ông, trong tương quan với nhiều người viết cùng thời, cùng hoàn cảnh sáng tạo như ông, không sợ nhầm lẫn khi nói rằng đó là một nhân cách. Nhân cách không phải bao giờ cũng trùng khít lên cá tính sáng tạo. Nhưng khi điều đó xảy ra, ở một tầm mức cao, ở độ đậm đặc lớn, thì điều đó là một may mắn cho những người đam mê nghệ thuật và chọn khuất lụy nghệ thuật như một cách sống. Trong trường hợp ông, đó là may mắn cho bạn đọc, cho những người tin vào khả năng biến cải của nghệ thuật và của những người tạo ra thứ báu vật này.

 

Bươn trải trong đời sống để vươn tới trong nghệ thuật, ông đã tự chọn cho mình một con đường khó khăn. Cũng có thể bảo là nhà văn của chúng ta khờ khạo. Hay ngông ngạo? Khi ông là nhà văn Việt Nam, khi ở Việt Nam, nghệ sỹ hoàn toàn sống được nếu biết biến mình thành một thứ công chức. Ông từ bỏ biên chế nhà nước, ông đi buôn, ông mở quán, ông vẽ... Ông tự sống. Và bây giờ, tự sống bằng ngòi bút.

 

Ông nói rằng nhất thiết phải vương đạo trong nghệ thuật. Ở một nơi nào đó, một lúc nào đó, ông đã nói và viết rằng phải vương đạo trong chính trị. Vương đạo thì chỉ có một. Vậy là hai khái niệm này không loại trừ nhau. Liệu có còn nghệ thuật không trong một bối cảnh chính trị vương đạo? Tôi không hỏi, nhưng lắng nghe giọng ông, đục và khàn đi, cảm giác như hơi âm u khi nói về điều ấy, tôi biết rằng ông tin vào khao khát của mình. Và tôi muốn bị thuyết phục. Phải, lịch sử văn minh nhân loại đã cho thấy rằng một nền nghệ thuật có thể thăng hoa từ đói nghèo, mông muội, nhưng để đi xa hơn nữa, ở cái thời con người không được quyền mông muội như mấy ngàn năm về trước, nghệ thuật đòi hỏi nhiều lắm, nơi chủ thể sáng tạo, nơi khách thể thụ hưởng sáng tạo ấy.

 

Ông nói với bạn đọc rằng cần phải để cho mình không được nghèo. Đó là điều kiện để không bị nhục. Ở đâu, bao giờ, cũng phải như thế. Tôi không biết va ly của ông có lèn chặt mì gói như va ly của nhiều nhà văn và cán bộ Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc thời bao cấp còn đắc thắng không? Nhưng tôi tin rằng không, ngay cả khi tâm hồn bao tử của ông khao khát cái món lõm bõm ấy. Ông bày tỏ một cách thoải mái thái độ tôn trọng sự giàu có ở những xứ ông đặt chân tới ngoài Việt Nam. Tôn trọng, không phải là sùng mộ. Ông cũng kể tôi nghe về ý định sẽ mua một ngôi nhà sàn đặt chơi trong vườn nhà. Mang ngàn sâu về thành thị, một cách xuất xử hành tàng thú vị của thời nay. Đấy là thái độ của người từng làm ra và biết giá trị tốt đẹp của vật chất, là thái độ của người tự sống, không bám víu vào bất kỳ một thứ lộc nào ngoài lộc trời dành cho mình: Là tài năng. Chính cái đó tạo ở ông phong thái đường hoàng và giản dị hiếm thấy. Biết mình, và biết tự hào, người ta thường không màu mè. Tôi cười: Đấy là thái độ sống của người gần đất xa trời. Ông không cười: Đấy là đường gặp chân lý.

 

Đã phải là chân lý chưa, khi ông nói, với một chút ngậm ngùi, rằng trí thức Việt Nam hiện đang sống ở hải ngoại được đào tạo tốt hơn trí thức xã hội chủ nghĩa nhà mình. Hình như, chưa có ai, trong giới văn nghệ sỹ Việt Nam hiện nay ra nước ngoài nói thế. Muốn biết bản chất của bất kỳ hiện tượng nào, chấp nhận sự khác biệt, thừa nhận sự hơn của người, đấy là thái độ của kẻ sỹ theo đúng nghĩa. Không ăn gỏi đời sống, không lên giọng phán xét, không tự đồng nhất với dân tộc, tự tách biệt với cơ cấu mà hiến pháp Việt Nam hiện thời đã cho quyền lãnh đạo cả dân tộc, ông nói, kiêu hãnh, giản dị, 'tôi là một nhà văn danh tiếng của một dân tộc nhược tiểu'. một dân tộc nhược tiểu gồm tám mươi triệu. Đấy là một trải nghiệm cay đắng, bình tĩnh, thực tế của một người mà tôi tin rằng lịch sử văn học Việt Nam sẽ ghi nhận như là một trong những nhà văn lớn nhất (ít thôi) của văn học Việt Nam ít nhất trong năm mươi năm đổ lại đây. Trong một nghĩa nào đó, tôi nghĩ rằng ông đã đưa văn học Việt Nam đạt tới tầm nhân loại bằng sáng tạo của mình. Ông cần một Người Dịch. Liệu có ảo tưởng không? Vì thực tế cho thấy một nhà văn càng dân tộc bao nhiêu thì càng mang tới cho dịch giả nhiều gian nan bấy nhiêu trên con đường chuyển dịch ngôn ngữ và: đồng sáng tạo.

 

                                                             *

Một nhà văn hải ngoại từng nói về văn ông: 'Văn chương đến thế thì thôi'. Đấy là sự bùng vỡ của thi pháp, của quan niệm về con người, về không gian lịch sử, về thời gian lịch sử, của quan niệm về biểu hiện... Điều này rất hiếm thấy ở một tác giả, ngay trong những khoảng giao thời của nghệ thuật, khi mà vấn đề hiện đại hóa nghệ thuật trở thành vấn đề sinh tử của nó. Mỗi người, từ vị trí của mình, từ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghệ thuật của mình đã đọc ông một cách. Sự thụ cảm văn ông vì thế về lý thuyết là không thể giới hạn. Người thì đơn giản là không thể chấp nhận. Vì lối tưởng tượng đời sống, lối hiểu đời sống của ông. Vì giọng văn nén chặt, rất cộc, vẻ như triệt tiêu mọi cảm xúc, ngay cả khi sử dụng tính từ. Nhưng vẫn phải đọc. Người khoái cái giọng sát phạt ở một số truyện của ông, hả hê với lối mổ phanh đời sống một cách lạnh và tỉnh. Người thích cái chất thơ bùa ngải ở một số truyện khác. Kẻ lại để mình bị mê hoặc bởi cái lãng đãng khó định hình như sương khói, như lên đồng ở một số sáng tác gần đây hơn... Ông buông bắt người đọc bằng khả năng viết không thể thay một chữ nào, và bằng khả năng ấy, ông đưa tới cho chúng ta một cách nhìn mới về lịch sử, về các cá nhân làm nên lịch sử, về nhân dân. Đừng tưởng ông bê vác khối tâm hồn nông dân lên mặt giấy khi ông xưng 'tôi sinh ra ở nông thôn, mẹ tôi là nông dân'. Ông không giả tảng, không làm duyên bằng lý lịch. Nhân vật của ông là con người trong cái phận vừa lớn lao vừa bé mọn của mình, trong ý thức về sự biết và không biết của mình, trong nỗi buồn trước cái đẹp, cái chua chát của đời sống. Ý thức được tất cả những điều đó, quả thật 'làm người khó lắm'. Tôi mê một nhà văn đã từng làm cho những kiếp sống mòn thành sống mãi, và tôi nhiều năm nay không có ý định so sánh tác gia này với bất kể người viết Việt Nam nào. Nhưng bây giờ thì tôi nói rằng nhân vật của ông, trên một tầm ý nào đó, có thể gọi tên, là nông dân, là trí thức. Nhân vật của nhà văn chúng ta đang nhắc đây, trên chính tầm ý ấy chỉ có thể gọi: Con người.

 

                                                           *

Viết, trước hết là cho mình. Cái hành vi hết sức vị kỷ này, ở thiên tài, sẽ có kết quả là báu vật cho thiên hạ. Báu vật ông trao cho chúng ta, giống như là kiếm sắc, chặt, gọt, lạng đi tất cả những gì màu mè, không buộc người đọc phải đồng ý với ông mà buộc người đọc đối diện với chính mình, một mình náo động. Để cuối cùng, tin ở yêu thương. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ thế về văn ông, ngay cả khi ông phanh phui cái ác, cái không như ý thì cũng không phải là để hể hả, mà là xót xa. Năng lực tưởng tượng kỳ diệu của ông đã buộc mỗi người đọc phải tự nhận diện cái ác một lúc nào đó có thể đã xuất hiện và chế ngự chính mình, và hủy diệt nó. Tận cùng văn ông là khả năng yêu thương và đau đớn.

 

Cái đấy là cái cần có ở mỗi người, và là chính yếu ở một nghệ sỹ. Đọc ông, nghe ông, tôi không nghĩ rằng tất cả đều chính xác, nhưng ẩn chứa trong đó là sự thật đó của tâm hồn ông. Vậy thì có nên băn khoăn nhiều không, vì những điều này khác ông nói hay viết có thể là chưa đúng, theo ý chúng ta. Có thể, được chăng, đọc trong những khẳng định quyết liệt của ông một ý hướng chống lại áp chế, hay là một biểu hiện cái quyền ít nhiều được thất thường trong tính khí của bậc kỳ tài. Nếu ngần ngại trước các khả năng ấy, có thể nói đơn giản: Là nhà văn, sống và sáng tạo ở Việt Nam trong những năm tháng này, ông không phải chịu trách nhiệm vì sự thiếu thông tin của mình.

 

Tôi thấy ông. Ông cô đơn làm sao với hành trang nội tâm của mình. Và, vĩnh viễn đơn độc trên hành trình sáng tạo. Về điều ấy, ông không có lý do gì để than phiền. Đấy là số kiếp của những bậc chân tài. Tôi lắng nghe, và hình dung, qua những khoảng ngừng ngắn giữa lời, khi ông lặp đi lặp lại 'tức là...', như tìm lời giải đáp trước hết cho mình, và, qua âm thanh im lặng của từng con chữ rất ông. Ông đã tạo hẳn một dòng chảy mới cho văn học Việt Nam đương đại, là bóng cả của nhiều người viết hiện nay. Ông không biết ông là một trong những người thầy lớn mà tôi đã chọn để quên đi, để bước ra khỏi bóng của họ. Dù sao thì tôi đã không nói điều đó. Ông và tôi không cần ở nhau sự màu mè.

 

Một bạn viết hơn tuổi có nói rằng nếu tôi không phỏng vấn ông nhân dịp gặp ông ở nơi này thì thật đáng chém bút. Để làm gì? Và tại sao ông? Vì danh tiếng của ông? Những huyền thoại bao giờ cũng đầy dẫy xung quanh những người danh tiếng. Tôi đã đánh rơi mà không tiếc ý thích để huyền thoại bỏ bùa từ rất lâu rồi.

 

Đặt người đối thoại trong một quan hệ hỏi đáp nghiêm cẩn thế, sẽ chắc chắn được nghe nhiều tuyên ngôn, nhiều lời hay ý đẹp. Và khó có gì hơn thế. Nhưng tôi thích tin hơn vào những đối thoại giản dị, giữa CON NGƯỜI.

 

4. 2000

Lê Minh Hà

 

(*) Bài đã đăng Diễn Đàn (báo giấy) số 96, tháng 5.2000

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats