Sunday, 28 March 2021

NỘI CHIẾN Ở MIẾN ĐIỆN NGÀY CÀNG CÓ NHIỀU KHẢ NĂNG XẢY RA (David Pfeifer  -  Süddeutsche Zeitung)

 



Nội chiến ở Miến Điện ngày càng có nhiều khả năng xảy ra

David Pfeifer  -  Süddeutsche Zeitung

Dịch giả: Hiếu Bá Linh

28/03/2021

https://baotiengdan.com/2021/03/28/noi-chien-o-mien-dien-ngay-cang-co-nhieu-kha-nang-xay-ra/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/1-68-1024x576.png

Một người biểu tình đang xếp các bao tải trên đường phố Yangon, làm chướng ngại vật. Các cuộc kháng chiến vũ trang cũng đang hình thành trong nước, và một cuộc nội chiến đang đe dọa. Nguồn: DPA

 

“Ngày Giết người” trong “Ngày Quân lực” 27/3: Trong khi quân đội mừng ngày lễ này với các vị khách từ nước ngoài, những người lính trên khắp đất nước đã sát hại hơn 100 thường dân, trong đó có một cậu bé năm tuổi. Nội chiến ngày càng có nhiều khả năng xảy ra.

 

Thứ Bảy 27/3 là ngày tồi tệ nhất kể từ khi quân đội Myanmar đảo chính, chiếm quyền ngày 1/2. Vào “Ngày Quân lực“, quân đội đã ăn mừng bằng cách bắn chết thường dân. Ngày này trước đây được gọi là “Ngày Kháng chiến” vì nó đánh dấu sự khởi đầu của cuộc kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của Nhật Bản năm 1945, do cha của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Bà là người đứng đầu chính phủ, hiện đang bị cầm tù.

 

Hiện vẫn chưa rõ số người chết chính xác hôm thứ Bảy là bao nhiêu, vì cuộc biểu tình ôn hòa của người dân Miến đã lan sang các tỉnh và thành phố nhỏ hơn. Theo tường thuật của cổng thông tin Myanmar Now, có ít nhất 114 người được cho là đã thiệt mạng. Đài truyền hình nhà nước do quân đội kiểm soát đã đưa ra cảnh báo hôm thứ Sáu ngày 26/3 rằng, những người biểu tình sẽ bị bắn “vào đầu và vào lưng“.

 

Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội, đã có một bài phát biểu, trong đó, ông khẳng định rằng, quân đội muốn bảo vệ người dân và nỗ lực cho dân chủ. Trong khi cuộc diễn binh kỷ niệm ‘Ngày Quân lực‘ diễn ra ở thủ đô Naypyidaw, quân đội Tatmadaw (tên gọi quân đội Myanmar) đã tấn công toàn bộ khu dân cư và nhà cửa ở nhiều thành phố. Những người lính không chỉ bắn vào những người biểu tình, mà còn bắn những người mà họ tìm thấy. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là một đứa bé 5 tuổi, ở Mandalay.

 

Trên một đoạn video từ camera giám sát được phổ biến trên mạng xã hội và các dịch vụ nhắn tin hôm thứ Bảy và cũng được gửi đến nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung từ nhiều nguồn khác nhau, cho thấy, người lính trên một chiếc xe bán tải đang lao tới, đã bắn vào ba thanh niên từ phía sau lưng, ba thanh niên này đang cùng đi trên một chiếc xe gắn máy. Họ bắn trúng một người và kéo anh ta đi. Hiện anh ta được cho là đang nằm trong bệnh viện quân y.

 

Xem video clip từ kênh Mizzima TV tại đây:

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/Myanmar.mp4?_=1

 

 

Trung Quốc và Nga ngăn chặn các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn của HĐBA Liên Hiệp Quốc

 

Những vụ việc cho thấy bộ máy quyền lực quân sự đã hoành hành đến mức không chỉ đàn áp người dân, mà sự man rợ của chiến tranh đã trở thành một chuyện thường ngày trong cuộc sống của người dân Myanmar. Như chúng ta đã biết, từ Chiến tranh thế giới thứ hai hay Chiến tranh Việt Nam, nơi có những hành động tàn bạo hết sức tùy tiện với đối phương, nhưng trong trường hợp Myanmar, nạn nhân lại là công dân của đất nước họ.

 

Ming Yu Hah, Giám đốc khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói: “Đây chỉ là ví dụ mới nhất về việc các nhà lãnh đạo quân đội quyết tâm giết dân để dập tắt phong trào phản kháng trên toàn quốc đối với cuộc đảo chính của họ. Những vụ giết người kinh hoàng này, một lần nữa cho thấy, sự ù lì một cách trơ tráo của các tướng lĩnh đối với các biện pháp trừng phạt mà từ trước đến nay vẫn được cộng đồng quốc tế sử dụng”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/1-69-1024x576.png

“Quân đội muốn bảo vệ người dân”, Tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar nói trong bài diễn văn. Nhưng binh lính của ông ta đang giết nhiều người dân. Nguồn: DPA

 

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cố gắng trong nhiều tuần nhằm có được các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn từ Liên Hiệp Quốc, nhưng không thành công, vì sự phủ quyết của các quốc gia như Trung Quốc và Nga. Việc cộng đồng thế giới không thể quyết định trừng phạt cứng rắn chính quyền quân phiệt, đang ngày càng trở thành một vấn đề chính trị. Đặc biệt, Bắc Kinh tiếp tục chống lưng cho chính quyền quân phiệt và chỉ khuyến cáo các tướng lĩnh phải tôn trọng nhân quyền.

 

Cái giá phải trả cho sự không hành động quốc tế này là chúng ta chỉ có thể đếm được những người chết“, Ming Yu Hah nói thêm. Hơn 400 người Myanmar đã bị bắn chết trong các cuộc biểu tình ôn hòa cho đến nay.

 

Ngoài các phái viên từ Trung Quốc và Nga, các tùy viên quân sự từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam, Thái Lan và Lào đã đến thủ đô Naypyidaw dự lễ duyệt binh “Ngày Quân lực“.

 

Hãng tin Reuters hôm thứ Sáu, ngày 26/3, đưa tin, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin đã có cuộc gặp với Tướng Min Aung Hlaing tại thủ đô Myanmar. Theo truyền thông nhà nước Nga, quân đội Nga muốn tăng cường quan hệ với Tatmadav (tên gọi quân đội Myanmar), trong khi hầu hết các quốc gia phương Tây đều đồng lòng lên án vụ sát hại hàng trăm thường dân.

 

Ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Myanmar đã mô tả các hành động của quân đội chính phủ là “giết người hàng loạt“. Cho đến nay, một bộ phận lớn cộng đồng thế giới cảm thấy kinh hoàng, nhưng hầu như không làm gì được, khi thấy người dân thường Myanmar bị quân đội bắt cóc, đe dọa và giết hại.

 

Mặt khác, chính phủ một số nước trong vùng lân cận dường như đã sẵn sàng công nhận sự nắm quyền của chính quyền quân phiệt; trong số đó có cả các quốc gia khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ, mà chính phủ của họ hiện không thống nhất được điều gì khác hơn.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/1-70-1024x683.png

Vào ‘Ngày Quân lực’, các lực lượng vũ trang tổ chức lễ kỷ niệm tại thủ đô Naypyidaw, trong khi thường dân bị bắn chết ở những nơi khác trên cả nước. Nguồn: DPA

 

 

Các cuộc kháng chiến vũ trang cũng đang hình thành

 

Trong khi đó, sự tuyệt vọng cũng đang gia tăng trong “Phong trào Bất tuân dân sự” (CDM), phong trào phối hợp giữa biểu tình ôn hòa và tổng đình công ở Myanmar, kêu gọi một “cuộc đình công im lặng” vào thứ Tư tuần trước, ngày 17/3. Vì thế, các đường phố ở Yangon trở nên vắng vẻ một cách kỳ lạ. Theo tuyên bố của chính họ, họ muốn cho thế giới thấy rằng, họ không thể mãi mãi gửi bia nhắm ra đường phố cho những người lính hăng máu bắn.

 

Cuối tuần qua, CDM đã sử dụng Twitter để xin lỗi những người theo dõi các cuộc biểu tình trên mạng xã hội, vì trên đó tràn ngập hình ảnh và clip về những người đã bị sát hại. Vì những kênh này là kênh duy nhất mà thông tin có thể lọt ra ngoài, nên các bài viết ngày càng trở nên tuyệt vọng hơn và quyết liệt hơn, tương ứng với các cuộc hành quân giết chóc ngày càng nhiều của binh lính.

 

Mặt khác, ở miền Bắc đất nước, cuộc kháng chiến vũ trang cũng đang hình thành. “Ethnic Armed Forces“, đội quân người dân tộc vũ trang ở tỉnh Kachin, nơi họ gọi là quốc gia Kachin, đã tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận ngưng chiến với Tatmadaw, quân đội Myanmar.

 

Trong khi lễ duyệt binh đang được tổ chức tại thủ đô, “Liên minh Quốc gia Karen” (KNU) đã bắt giữ binh lính Tatmadaw và tràn vào một căn cứ quân sự, khiến 10 binh sĩ thiệt mạng. KNU, ​​cũng đang kiểm soát các khu vực phía đông nam, tối thứ Bảy đã tố cáo rằng các phi công máy bay chiến đấu Tatmadaw đã thực hiện một cuộc tấn công vào Day Pu Nom, một ngôi làng ở biên giới với Thái Lan, khoảng 8 giờ tối.

 

Vài tuần qua, người dân Myanmar đã tìm kiếm sự bảo vệ trong lực lượng kháng chiến tại các khu vực do KNU kiểm soát. Và nếu một khi đủ số người trong số họ chạy trốn để tham gia cuộc kháng chiến vũ trang, các cuộc biểu tình ôn hòa mà cộng đồng thế giới theo dõi lâu nay, rất có thể sẽ biến thành một cuộc nội chiến.

 

Tựa đề là do người dịch đặt.

 

==========================================

.

.

Miến Điện: Cả trăm người chết trong Ngày Quân Lực, quốc tế cực lực lên án

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 28/03/2021 - 13:39

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210328-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-c%E1%BA%A3-tr%.....BB%B1c-l%C3%AAn-%C3%A1n

 

Tập đoàn quân sự Miến Điện huy động rầm rộ quân lính, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa để kỷ niệm Ngày Quân Lực 27/03/2021, một ngày lễ quan trọng tại Miến Điện với khách mời danh dự là hai phái đoàn Nga và Trung Quốc. Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân Miến Điện tiếp tục biểu tình. Ít nhất 89 người bị thiệt mạng trong ngày vì bị cảnh sát trấn áp.

 

https://s.rfi.fr/media/display/cbde5e0c-8fb9-11eb-947a-005056bff430/w:1280/p:16x9/AP21087376403809.webp

Những người biểu tình chống đảo chính dựng rào cản trên một con phố để chặn đường cảnh sát ở Rangoon (Miến Điện) ngày 28/03/2021. AP

 

Trong đêm 27 rạng sáng 28/03/2021 tư lệnh 12 quốc gia trên thế giới ra thông cáo chung lên án tập đoàn quân sự Miến Điện sử dụng vũ khí sát thương nhắm vào thường dân. Thông cáo được đưa ra sau vụ gần 100 thường dân Miến Điện bị sát hại vào lúc Naypyidaw kỷ niệm Ngày Quân Lực 27/03.

 

Chỉ vài giờ sau cuộc tắm máu làm hơn 90 người thiệt mạng theo một tổ chức phi chính phủ tại Miến Điện, lãnh đạo quân đội 12 quốc gia trên thế giới gồm Anh, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Canada, Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Đức và Ý đã cùng lên tiếng trong một thông cáo chung, một sự kiện rất hiếm hoi.

 

Trong văn bản được gửi đến giới tướng lĩnh Miến Điện trong đêm qua, rạng sáng ngày hôm nay, lãnh đạo quân đội 12 quốc gia nói trên nhắc nhở về vai trò của một lực lượng quân sự tuân thủ các « chuẩn mực của Liên Hiệp Quốc, đó là trách nhiệm bảo vệ chứ không phải làm phương hại đến thường dân », đồng thời kêu gọi « tập đoàn quân sự Miến Điện chấm dứt bạo hành và tái tạo niềm tin đối với nhân dân ».

 

Quân Đội Miến Điện đã đánh mất uy tín sau những biến cố gần đây. Liên Hiệp Quốc cũng đã lên án đợt đàn áp đẫm máu nhắm vào người biểu tình Miến Điện chống cuộc đảo chính hồi đầu tháng 2/2021.

 

Tổng thư ký Antonio Guterres gọi biến cố trong Ngày Quân Lực Miến Điện 27/03//2021 là một vụ « sát hại » thường dân. Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken tuyên bố « kinh hoàng trước biển máu » mà lực lượng an ninh Miến Điện gây ra. Lãnh đạo ngành ngoại giao Anh Dominic Raab thì cho rằng làn sóng đàn áp tại quốc gia Đông Nam Á này, hôm qua đã « vượt thêm một cấp ».

 

Trở lại với biến cố hôm qua, theo các tổ chức phi chính phủ và nhân viên y tế, được các phương tiện truyền thông phương Tây trích dẫn, hơn 90 người biểu tình thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em và ít nhất 27 nạn nhân tử vong tại thành phố Rangoon. Tất cả diễn ra trong lúc chính quyền Naypyidaw tổ chức lễ duyệt binh mừng Ngày Quân Lực.

Hãng tin Anh Reuters cho biết thứ trưởng Quốc Phòng Nga, Alexander Fomin, cũng như đại diện ngoại giao của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, Lào, Thái Lan, hay Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ … đã có mặt trên khán đài ở Naypyidaw dự lễ duyệt binh bên cạnh các tướng lĩnh Miến Điện.  

 

 

Thực hiện lời cảnh cáo "bắn vào lưng hay vào đầu" người biểu tình

 

Tại chỗ, tình hình càng lúc càng thêm căng thẳng sau cuộc đàn áp thô bạo hôm qua. Thông tín viên đài RFI Juliette Verlin, từ Rangoon tường thuật : 

 

« Khó để biết một cách chính xác về vụ đàn áp hôm qua, do việc quân đội Miến Điện có thói quen chở xác nạn nhân và chở những người bị thương ra khỏi hiện trường để giảm nhẹ mức độ các cuộc xung đột và che giấu vết tích mà vũ khí của quân đội gây nên. Về phía các gia đình nạn nhân cũng vậy, họ cũng phải che giấu xác để tổ chức lễ mai táng thân nhân.

 

Người dân Miến Điện đã kêu gọi tập hợp vào đúng ngày mang ý nghĩa biểu tượng cao đối với quân đội. Tất cả đều chờ đợi là phía tập đoàn quân sự sẽ thẳng tay trấn áp. Một bé gái mới một năm tuổi bị trúng đạn cao su vào mắt, nhiều đứa trẻ khác, trong đó có một em mới 5 tuổi đã bị chết ngay gần nhà.

 

Trên các mạng xã hội tràn ngập video với hình ảnh những người cầm súng bắt bớ vô tội vạ trên đường phố hay bắn vào lưng những người qua đường. Những đoạn video đó phản ảnh thông báo của ngày hôm trước khi tập đoàn quân sự cảnh báo là sẽ bắn vào lưng, vào đầu những người chống đối.

Vào sáng nay tại Rangoon súng vẫn nổ tại nhiều khu vực. Các dịch vụ cấp cứu y tế vẫn thiếu. Trong mắt người biểu tình, ngày hôm qua chỉ là một bằng chứng mới cho thấy, tự vệ bằng vũ khí là giải pháp duy nhất. Ngoài những chai bom xăng, sứng cao su, và khiên đỡ đạn, càng lúc càng có nhiều nhóm vũ trang tìm cách mua súng và đạn thật ». 

 

Theo tin mới nhất được AP trích dẫn, trong ngày hôm qua có tổng cộng 114 người thiệt mạng. Điều đó không làm nản lòng phe chống đảo chính. Chiều Chủ Nhật người dân lại được kêu gọi xuống đường đòi quân đội trao trả quyền lực.

 

                                        ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Miến Điện: Tập đoàn quân sự kỉ niệm Ngày Quân Lực, người dân tiếp tục biểu tình

 

Miến Điện: Trụ sở đảng của bà Aung San Suu Kyi bị ném bom xăng

 

Miến Điện : Thống tướng Min Aung Hlaing bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats