Bạo
lực gia tăng ở Myanmar, Trung Quốc có thể mất tất cả
Vũ Sỹ
Hoàng
2021-03-29
Hình minh hoạ. Biểu
tình phản đối đảo chính ở Yangon, Miến Điện hôm 27/3/2021 AFP
Ngày biểu tình đẫm máu
Lực lượng an ninh Myanmar
ngày 27/3 đã giết chết 114 người trên khắp đất nước, khiến ngày này trở thành một
trong những ngày biểu tình đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng
trước. Đặc biệt, chính quyền quân sự đã thực hiện hành động tàn bạo nổ súng nhằm
vào những người biểu tình ôn hòa, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, là đặc trưng của
cuộc đàn áp đang diễn ra và ngày một gia tăng trên cả nước.
Cuộc đàn áp chết chóc diễn
ra trong Lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang. Tại lễ duyệt binh ở thủ đô
Naypyidaw để kỷ niệm sự kiện này, Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh
quân đội Myanmar nói rằng quân đội sẽ “bảo vệ người dân và nền dân chủ”.
Theo Cổng thông tin
Myanmar Now, 91 người đã thiệt mạng dưới tay lực lượng an ninh. Một cậu bé mà
truyền thông địa phương nói là chỉ mới 5 tuổi nằm trong số ít nhất 29 người thiệt
mạng ở Mandalay. Ít nhất 24 người thiệt mạng ở Yangon. Những người thiệt mạng
ngày 27/3 nâng số thường dân được báo cáo thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính lên
hơn 400 người.
ASEAN thất bại trước vấn đề
Myanmar
Trên thực tế, ASEAN đã bị
chia rẽ nhiều hơn bởi cuộc đảo chính của Myanmar. Indonesia, Malaysia và
Singapore đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực do quân đội gây ra đối với
những người biểu tình, trả tự do cho những người bị giam giữ chính trị, đặc biệt
là cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, và khôi phục nền quản trị dân chủ dựa trên
kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020. Các nước ASEAN khác đã chần chừ và tuân
theo nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ”.
Diễu binh kỷ niệm
ngày Lực lượng vũ trang Miến Điện hôm 27/3/2021 ở Naypyitaw. Reuters
Do bị chia rẽ bởi các vấn
đề như lập trường hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực sông Mekong-
và giờ đây là về việc đưa ra một phản ứng mang tính phối hợp với cuộc đảo chính
ở Myanmar, ASEAN sẽ khó được coi trọng. ASEAN đang kẹt giữa tình trạng bạo lực,
vi phạm nhân quyền tại Myanmar và lời hối thúc của quốc tế về việc phải đưa ra
hành động phản ứng cứng rắn hơn. Ngoài việc lên án và đưa ra các biện pháp trừng
phạt có chủ đích chống lại các nhà lãnh đạo đảo chính và các lợi ích của họ, cộng
đồng quốc tế đã nhiều lần đề nghị ASEAN làm trung gian cho một cuộc đối thoại
có thể dẫn đến một kết quả hòa bình. Do vậy, ASEAN không chỉ hoạt động kém hiệu
quả với tư cách là một tổ chức khu vực mà còn đang ngăn cản một phản ứng quốc tế
hiệu quả hơn.
Sự thất vọng về sức ì và
sự rời rạc của ASEAN đã được thể hiện trong các diễn đàn như hội nghị thượng đỉnh
nhóm Bộ Tứ gần đây giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Nếu ASEAN không thể
cùng hành động để ngăn chặn điều mà một số người hiện nay coi là tội ác chống lại
loài người ở Myanmar thì các cường quốc bên ngoài có thể đóng một vai trò lớn
hơn khi các quốc gia thành viên trong khu vực trở nên phân tán và hỗn loạn hơn,
mất đi quyền tự chủ tập thể và không thể thực hiện lời hứa trước đó là duy trì
hòa bình và thúc đẩy thịnh vượng
"Bắt cá hai tay",
Trung Quốc có thể mất tất cả
Nguyên tắc của Bắc Kinh
lâu nay là “không can thiệp vào công việc nội bộ” của nước khác, với Trung Quốc,
đảo chính và khủng hoảng chính trị tại Myanmar chỉ là công việc nội bộ của
Myanmar. Với quan điểm này, Trung Quốc đã ngăn chặn các dự thảo tuyên bố của Hội
đồng Bảo an lên án đảo chính. Tuy nhiên, trước tình hình ngày một trở nên tồi tệ
hơn tại Myanmar, với số người chết do bạo lực quân đội tăng lên hàng ngày,
Trung Quốc không thể giữ nguyên thái độ không can thiệp. Dù sao hành xử của Bắc
Kinh hiện nay là cố gắng duy trì tính hai mặt: một mặt chấp nhận một phần các
lên án quốc tế nhắm vào tập đoàn quân sự Myanmar, mặt khác vẫn duy trì nguyên tắc
không can thiệp.
Sở dĩ Bắc Kinh bảo vệ đến
cùng nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ” của nước khác là do
lo sợ đến lượt mình, Trung Quốc cũng sẽ bị quốc tế gây áp lực mạnh hơn trong
các hồ sơ nhân quyền (như Tân Cương, Tây Tạng hay Hong Kong). Theo một số nguồn
tin rò rỉ từ nội bộ, đầu tháng 3 này, chính quyền Bắc Kinh đã đàm phán bí mật với
tập đoàn quân sự để bảo vệ an toàn cho các đường ống dẫn dầu nối liền Myanmar với
tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tuy nhiên, sự an toàn của các cơ sở kinh tế của
Trung Quốc tại Myanmar có lẽ khó được bảo đảm nếu tình hình tồi tệ hơn. Vấn đề
là thái độ nước đôi của Bắc Kinh, dung túng tập đoàn quân sự, không chỉ khiến lợi
ích kinh tế của Trung Quốc tại Myanmar bị tổn hại mà khiến toàn khu vực có
thể chịu hậu quả dây chuyền.
Việt Nam thì sao?
Việt Nam, Uỷ viên không
thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trước sự đàn áp tàn bạo của
chính quyền quân sự Myanmar, đã chọn cách cùng các quốc gia Nga, Trung Quốc và Ấn
Độ yêu cầu sửa đổi bản thảo tuyên bố do Anh quốc soạn, yêu cầu không đề cập tới
đảo chính, và xoá bỏ lời đe dọa sẽ có biện pháp tiếp theo đối với chính quyền
quân sự Myanmar.
Cách nghĩ và làm của Việt
Nam trước vấn đề Myanmar có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc. Thứ nhất, Việt
Nam cũng lo ngại việc các quốc gia khác có thể “can thiệp vào nội bộ” Việt Nam,
khi các thành tích nhân quyền, dân chủ của Việt Nam cũng đang ở mức “đội sổ”
trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều lợi ích kinh tế nếu giữ quan hệ
với chính quyền quân sự của Myanmar. Hiện đang có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam
đang làm ăn tại Myanmar, trong số này có những tập đoàn lớn như Viettel,
Vietnam Airlines, Hoàng Anh Gia Lai, ngân hàng BIDV… với tổng đầu tư hơn 2,2 tỉ
đô la Mỹ theo các số liệu năm 2019. Công ty viễn thông Viettel là một công ty liên doanh giữa quân đội
Miến Điện và quân đội Việt Nam. Trước thái độ của Việt Nam như vậy, đặc biệt với
sự tiếp tay của Viettel cho các giới chức quân sự mà người dân Myanmar đã tỏ vẻ
bất bình, thậm chí đập phá một số tài sản của công ty này.
Một số nhà nghiên cứu lo
ngại, nếu Việt Nam cứ giữ chính sách hai mặt cho vấn đề Myanmar như vậy, cũng sẽ
dẫn tới kết cục giống như của Trung Quốc. Một mặt, sẽ khiến thế giới lo ngại về
thái độ của Việt Nam trước các nền dân chủ trên thế giới. Mặt khác, sẽ ảnh hưởng
đến thái độ của người dân Myanmar, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các lợi
ích kinh tế của các công ty Việt Nam đang kinh doanh tại đây.
----------------------
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự
Do
No comments:
Post a Comment