Thursday, 18 March 2021

CHỈ ĐÍCH DANH TRUNG QUỐC, MỸ - NHẬT CÓ TUYÊN BỐ CHUNG ĐANH THÉP HIẾM THẤY : "SẼ MẠNH TAY NẾU CẦN THIẾT!" (Tất Đạt - SOHA)

 


Chỉ đích danh Trung Quốc, Mỹ-Nhật có tuyên bố chung đanh thép hiếm thấy: "Sẽ mạnh tay nếu cần thiết!"   

Tất Đạt  -  SOHA

17/03/2021 06:26

https://soha.vn/chi-dich-danh-trung-quoc-my-nhat-co-tuyen-bo-chung-danh-thep-hiem-thay-se-manh-tay-neu-can-thiet-2021031622275496.htm

 

https://sohanews.sohacdn.com/thumb_w/660/160588918557773824/2021/3/16/photo1615908170466-1615908170606139870828.jpeg

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP

 

Việc các bộ trưởng Mỹ-Nhật chỉ đích danh Trung Quốc là rất bất thường và do đó có khả năng sẽ khiến Bắc Kinh tức giận.

 

 

 

Tuyên bố đanh thép

 

Ngày 16/3, Mỹ và Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo cho Trung Quốc sau khi các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của hai bên gặp mặt tại Tokyo trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của các thành viên trong nội các của Tổng thống Joe Biden.

 

Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng khẳng định: "Mỹ và Nhật Bản thừa nhận rằng các hành vi của Trung Quốc đã gây ra những thách thức lớn về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ. Mỹ và Nhật Bản cam kết chống lại hành vi ép buộc và gây bất ổn đối với những nước khác trong khu vực".

 

Sau đó tại một cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố: "Trung Quốc đã làm xói mòn quyền tự chủ ở Hồng Kông một cách có hệ thống, làm tổn hại nền dân chủ ở Đài Loan, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng, đưa ra các yêu sách hàng hải ở Biển Đông và vi phạm luật biển quốc tế".

 

https://sohanews.sohacdn.com/thumb_w/660/160588918557773824/2021/3/16/photo-1-16159083274212072357603.jpeg

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: AFP

 

Cuộc gặp giữa bốn bộ trưởng diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tuần trước của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - hay còn được gọi là Liên minh Quad - nhằm chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

 

Cả hai sự kiện đều được các nhà phân tích coi là một phần trong nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm củng cố các liên minh của Washington trong khu vực và có khả năng làm "hâm nóng" tình hình trước cuộc gặp quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Alaska vào 18/3 tới.

 

Tại cuộc họp báo, ông Blinken cho biết Washington và Tokyo đã thống nhất trong tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi các quốc gia tuân thủ các quy tắc và giải quyết các cuộc thảo luận một cách hòa bình.

 

"Đặc biệt, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp mạnh tay nếu cần thiết, đặc biệt khi Trung Quốc có những hành vi ép buộc hoặc gây hấn để đạt được mục đích của họ."

 

 

Vai trò của Mỹ và Nhật Bản

 

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói: "Chúng tôi nhất trí rằng các hành động của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế hiện có, đặt ra nhiều thách thức đối với liên minh Mỹ-Nhật và cộng đồng quốc tế."

 

Cụ thể, các bộ trưởng đã đề cập đến một luật mới của Trung Quốc, trong đó cho phép lực lượng tuần duyên của Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài và phá dỡ các công trình trong vùng biển tranh chấp. Các bộ trưởng cho biết họ đã đối thoại về "cam kết kiên định" của Washington trong việc bảo vệ Nhật Bản ở Biển Hoa Đông - nơi Tokyo có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản hiện đang kiểm soát và gọi là Senkaku.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nhất trí rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và lực lượng Mỹ tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chung trong khu vực - trong khi khu vực này chứng kiến sự hiện diện ngày càng nhiều của Trung Quốc trong những tháng gần đây.

 

Các nhà phân tích cho rằng thông điệp của các bộ trưởng có khả năng khiến cuộc họp ở Alaska - với sự tham dự của ông Blinken, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cùng nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì - trở nên "khó khăn" hơn rất nhiều.

 

Việc các bộ trưởng chỉ đích danh Trung Quốc là rất bất thường và do đó có khả năng sẽ khiến Bắc Kinh tức giận. Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc đã nhiều lần tố cáo Mỹ và đồng minh đang có hành động gây bất ổn trong khu vực và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

 

"Mỹ sẽ tham dự cuộc họp đó với tâm thế họ đã khẳng định sẽ hỗ trợ các đồng minh 100% về các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và quân sự, và rằng hành vi của Trung Quốc là không thể chấp nhận được đối với Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ," Stephen Nagy, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo, cho biết.

 

Ông nói: "Tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh về hành vi của Trung Quốc - đây là điều rất bất thường khi tên quốc gia được nêu lên trong một thông cáo chính thức như thế này".

 

Mỹ và Nhật Bản cũng tận dụng tuyên bố chung để bày tỏ "quan ngại mạnh mẽ" về tình hình bất ổn ngày càng trầm trọng ở Myanmar và tìm cách phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

 

Ông Blinken sẽ đến Seoul cùng ông Austin vào 15/3, nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật - Hàn trong quá trình phản đối vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats