An
ninh mạng : Hoa Kỳ trước sức ép từ Nga và Trung Quốc
Anh Vũ - RFI
Đăng ngày: 09/03/2021 - 14:14
Trong lúc Hoa Kỳ còn đang chuẩn bị tìm cách
đáp trả Nga vì vụ tấn công tin học quy mô lớn, ScolarWinds, diễn ra đầu năm
2021, một đợt tấn công mới ồ ạt của các tin tặc được xác định phục vụ cho
chính quyền Trung Quốc lại rộ lên, nhắm vào hệ thống tin học của nước Mỹ, đặt
chính quyền Joe Biden trước những thách thức mới.
Tin
tặc đang trở thành mối lo chung của thế giới. Ảnh minh họa. REUTERS/Kacper
Pempel/Illustration
Từ cuối tuần qua, truyền thông Mỹ liên tiếp
đưa tin về một đợt tấn công tin học được quy cho các tin tặc phục vụ Bắc Kinh,
nhắm vào hàng loạt cơ sở của Mỹ như trường học, công ty, cơ quan chính phủ,
văn phòng luật … Một đợt tấn công « ồ ạt nhắm vào hàng ngàn máy tính mỗi
ngày », một cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ xác nhận với
báo giới như trên.
Các tin tặc lần này nhằm vào lỗ hổng của phần
mềm thư tín Outlook Exchange của Microsoft để tấn công đánh cắp thông tin và kiểm
soát các máy tính. Ít nhất đã có 30 nghìn máy tính tại Mỹ là nạn nhân của đợt tấn
công tin tặc trong những những ngày qua. Nhà Trắng ý thức được tầm mức
nghiêm trọng của đợt tấn công tin tặc này, nên sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn
với các cơ quan chính phủ để bàn biện pháp đối phó, theo báo Mỹ Washingon Post.
Giới quan sát cũng chú ý đây là đợt tấn công
tin tặc thứ 2 trên quy mô lớn nhằm vào Hoa Kỳ từ khi ông Joe Biden đắc cử tổng
thống Mỹ. Trước vụ Outlook Exchange, hồi tháng Giêng 2021, đã nổ ra vụ
SolarWinds, tên gọi nhà cung cấp phần mềm chủ yếu cho phần lớn các cơ quan
chính quyền Mỹ. Đợt tấn công vào phần mềm của SolarWinds bị nghi ngờ có nguồn gốc
từ tin tặc Nga với mục đích đánh cắp thông tin của các cơ quan cấp bộ của Mỹ
trong nhiều tuần. Chuyên gia an ninh mạng Gérôme Billois, thuộc công ty
Wavestone chuyên về các vấn đề an ninh mạng, lưu ý là « lần gần
đây nhất Hoa Kỳ cùng lúc bị tin tặc Nga và Trung Quốc tấn công mạnh là vào đầu
nhiệm kỳ 2 của tổng thống Barack Obama, hồi năm 2012 ».
Điều gì xảy ra với đợt tấn công tin tặc lần
này ? Phải chăng các cường quốc đối thủ của Mỹ đang muốn thử quyết tâm của
tân tổng thống Joe Biden trong lĩnh vực an ninh mạng ? Câu hỏi này
được nhiều chuyên gia về an ninh mạng ở Mỹ đặt ra.
Theo ông Gérôme Billois, rất có thể Nga và
Trung Quốc tìm cách có được tối đa các thông tin về chính quyền mới, để nắm được
đối sách ngoại giao của Hoa Kỳ dưới thời Biden, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng
địa chính trị giữa Washington và hai cường quốc ngày càng lớn. Matxcơva vẫn
nghi ngờ Joe Biden còn « khó chơi » hơn Donald
Trump. Còn với đối thủ cạnh tranh chiến lược Trung Quốc, tân tổng thống Mỹ cho
thấy vẫn sẽ tiếp tục đọ sức với Bắc Kinh trên mọi mặt trận, đặc biệt là thương
mại và công nghệ. Trong xu hướng như vậy thì tấn công mạng có thể được sử dụng
như « những thứ vũ khí ngoại giao và chính trị », như nhận
định của chuyên gia Guillaume Tissier, thuộc công ty an ninh mạng Avisa
Partners, được đài France 24 trích dẫn.
Trong khi chính quyền Mỹ đang dự tính có các
phản ứng đầu tiên đáp trả đợt tin tặc SolarWinds, thì các tin tặc Trung Quốc lại
xuất hiện làm phức tạp thêm tình hình. Chắc hẳn chính quyền Biden sẽ phải
có phản ứng, mặc dù trong lĩnh vực an ninh mạng, bên trong có biết rõ thủ phạm
là ai, thì các biện pháp trả đũa chủ yếu vẫn là mang tính kỹ thuật nhiều hơn.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế hay chính trị không khả thi, vì không thể có
được bằng chứng xác thực cụ thể, hơn nữa việc này còn liên quan đến chính sách
đối ngoại của Mỹ với hai cường quốc đối thủ.
An ninh mạng giờ đây là bộ phận cốt lõi của bất
kỳ một cường quốc quân sự nào. Nước Mỹ vốn tự hào dẫn đầu thế giới về công nghệ
tin học, nhưng hệ thống an ninh mạng vẫn luôn bị tấn công. Các đối thủ đã chứng
tỏ họ có thể tấn công vào các lợi ích của nước Mỹ, biết được điểm yếu của Mỹ và
sẵn sàng đọ sức trên không gian mạng.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Tin
tặc Nga bị nghi tấn công vào các cơ quan của chính phủ Mỹ
Bộ
trưởng Tư pháp chỉ đích danh Nga là thủ phạm tin tặc tấn công Mỹ
Tin
tặc tấn công Mỹ: Donald Trump "nặng tình" với Putin
No comments:
Post a Comment