Tuesday, 9 March 2021

ĐẾ QUỐC TRUNG QUỐC TẤN CÔNG VÀO LUẬT BIỂN QUỐC TẾ (Thụy My - RFI / ĐIỂM BÁO)

 



Đế Quốc Trung Quốc tấn công vào Luật Biển Quốc Tế

Thụy My  -  RFI / ĐIỂM BÁO

Đăng ngày: 08/03/2021 - 21:04

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210308-%C4%91%E1%BA%BF-qu%E1%BB%91c-trung-qu%E1%...BB%91c-t%E1%BA%BF

 

Việc quân sự hóa Biển Đông với Tập Cận Bình là « tự vệ hợp pháp », EEZ đối với Bắc Kinh không còn là « vùng đặc quyền kinh tế » mà là « khu vực an ninh », và như vậy tự do hàng hải được Mỹ xúc tiến chỉ dành cho tàu dân sự. Vì sao Trung Quốc có thể ngang ngược như vậy ? Theo chuyên gia Collin Koh, thế giới ngày nay đã phải trả giá đắt vì đã không hành động gì khi Bắc Kinh bắt đầu giở trò xây đảo nhân tạo.

 

https://s.rfi.fr/media/display/9b5b28f6-8022-11eb-bfa3-005056a964fe/w:900/p:16x9/qdtq_01.webp

Ảnh tư liệu : Lính thủy Trung Quốc trên chiến hạm tên lửa dẫn đường type 054A Vu Hồ (Wuhu) ghé cảng Manila, Philippines, ngày 17/01/2019. AP - Bullit Marquez

 

Chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Vatican đến Irak chiếm trang nhất nhiều tờ báo Pháp hôm nay. Le Monde chạy tựa « Đức giáo hoàng Phanxicô thăm Irak, chuyến tông du lịch sử và mang tính chính trị ». Le Figaro nhấn mạnh lời tuyên bố của Đức giáo hoàng với người Công giáo Irak là họ « không đơn độc ». La Croix đăng ảnh ngài thả một con chim bồ câu, với dòng tựa « Người của hòa bình ». Riêng nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến quá trình phục hồi kinh tế ở Hoa Kỳ, còn Libération nói về vụ 10 người đấu tranh cho quyền trợ tử bị điều tra vì buôn bán thuốc cấm.

 

Về châu Á, Le Monde đặc biệt dành bốn trang báo khổ lớn trong mục « Địa chính trị » để nói về « Trung Quốc, một đế quốc tấn công vào Luật Biển ». Bắc Kinh vin vào cái gọi là « quyền lịch sử » để yêu sách chủ quyền Biển Đông.

 

 

Trung Quốc dùng vũ lực buộc các nước khác từ bỏ quyền hợp pháp được Công ước bảo vệ

Một khu trục hạm của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan vào đầu tháng Hai, nhân danh tự do hàng hải. Hai hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đến Biển Đông vài ngày sau đó. Tiếp theo là mười oanh tạc cơ Trung Quốc lao vào nhiệm vụ giả định tấn công các chiến hạm, rồi ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải tập trận đủ kiểu trong tháng Ba…Hai cường quốc cùng giương móng vuốt, như để đánh dấu việc ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng.

 

Hoa Kỳ không ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS ), được thông qua tại Montego Bay (Jamaica) năm 1982, nhưng nay Washington là người bảo vệ quyết liệt nhất. Trung Quốc phê chuẩn Công ước, nhưng mỗi ngày lại vi phạm thô bạo hơn, khẳng định vùng biển bên trong đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) mà họ tự ý vẽ ra năm 1947 là sở hữu của mình, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Philipppines, Malaysia, Indonesia, Brunei.

 

Để khẳng định sức mạnh đang lên, đế quốc của Tập Cận Bình đã trở thành một nhà nước xét lại về Luật Biển quốc tế. Chuyên gia Collin Koh ở Singapore nhận định thái độ của Bắc Kinh « đại diện cho các mưu toan vi phạm trầm trọng gần đây nhất ». Trung Quốc « tìm cách lợi dụng sức mạnh quân sự đang gia tăng để buộc các quốc gia ven Biển Đông phải từ bỏ các quyền hợp pháp của họ được Công ước Liên Hiệp Quốc bảo vệ, là khai thác nguồn lợi trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình ».

 

 

Anh, Pháp, Đức : Trung Quốc không thể đặt quốc tế trước việc đã rồi

Tại Pháp ông Pascal Ausseur, giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược Đại Tây Dương nhận xét, UNLOS đang trong tình trạng nguy hiểm. « Đại dương xưa nay vẫn là tài sản chung, theo nguyên tắc của Grotius hồi thế kỷ 17, trước khi trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của thực dân châu Âu. Công ước UNLOS là thỏa thuận đạt được giữa các nhà nước để sử dụng vùng biển một cách hợp lý. Nhưng hiện nay các cường quốc lục địa – Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga – đòi hỏi nhiều hơn nữa ».

 

Bắc Kinh nhân danh « quyền lịch sử » - không dựa trên cơ sở luật pháp nào - để đòi chủ quyền hai triệu kilomet vuông biển. Trung Quốc bắt đầu xây dựng ở Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) sau khi cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988, và ra sức đào đắp các rạn san hô tranh chấp ở Trường Sa, thiết lập các căn cứ quân sự để đặt trước « việc đã rồi ». Từ đó đến nay, Trung Quốc gây hấn liên tục với những tàu nào đến gần, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 khẳng định « đường lưỡi bò » là bất hợp pháp.

 

Christophe Prazuck, giám đốc Viện Đại dương mới được thành lập của liên minh đại học Sorbonne, cựu tham mưu trưởng Hải quân Pháp giải thích : « Các tuyên bố của Bắc Kinh là nhập nhằng. Họ chưa bao giờ nói về tư cách vùng biển bên trong đường 9 đoạn, về EEZ hay lãnh hải Trung Quốc, vì như vậy sẽ làm các nước trong khu vực liên minh lại. Họ chỉ đơn giản ngồi chờ cơ hội đến để chộp lấy ».

 

Tháng 8/2020, lần đầu tiên Anh, Pháp, Đức đã gởi công hàm chung tố cáo việc Bắc Kinh không tôn trọng UNCLOS ở Biển Đông. Theo ba cường quốc châu Âu, Trung Quốc không thể dựa vào các công trình nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa để thay đổi Luật Biển.

 

 

Thế giới trả giá đắt vì để yên cho Bắc Kinh tung hoành ở Biển Đông

Riêng Pháp chỉ có thể nằm trong số những người bảo vệ UNCLOS nhiệt thành nhất, vì là đế quốc biển thứ nhì thế giới, với EEZ rộng đến 10,2 triệu kilomet vuông, chỉ đứng sau Hoa Kỳ (12,2 triệu kilomet vuông). Paris cũng lợi dụng được các quyền về thềm lục địa, với thêm 730.000 kilomet vuông đã được công nhận và 500.000 kilomet vuông khác đang được Liên Hiệp Quốc xem xét.

 

China Daily hôm 22/02 tức giận viết « Quân đội Pháp không có chỗ tại Biển Đông ». Báo chí nhà nước Hoa lục thi nhau đả kích nữ bộ trưởng Quân Lực Florence Parly vì đã loan báo sự hiện diện của một tàu ngầm tấn công của Hải quân Pháp trong khu vực. Hồi tháng 4/2019, chiến hạm Pháp Vendémiaire khi vào vùng biển quốc tế ở eo biển Đài Loan đã bị Bắc Kinh phản đối vì đi vào « lãnh hải Trung Quốc ». Việc quân sự hóa bị Washington tố cáo, với Tập Cận Bình là « tự vệ hợp pháp », EEZ đối với Bắc Kinh không còn là « vùng đặc quyền kinh tế » mà là « khu vực an ninh », và như vậy tự do hàng hải được Mỹ xúc tiến chỉ dành cho tàu dân sự.

 

Vì sao Trung Quốc có thể ngang ngược như vậy ? Theo chuyên gia Koh, thế giới ngày nay đã phải trả giá đắt vì đã không hành động gì, Obama ngồi yên khi Bắc Kinh bắt đầu giở trò xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Bên cạnh đó còn là cứu vãn đa dạng sinh học : trước sự tham lam của Trung Quốc, việc bảo tồn các nguồn lợi từ biển cả đang mang giá trị địa chính trị ngày càng lớn.

 

 

« Cải cách » bầu cử : Cây đinh cuối cùng đóng vào quan tài dân chủ Hồng Kông

Liên quan đến Hồng Kông, Les Echos nhấn mạnh « Bắc Kinh quyết định khóa miệng mọi tiếng nói đối lập », qua việc sửa đổi toàn bộ hệ thống bầu cử ở đặc khu.

 

Tờ báo nhắc lại hồi tháng 6/1984, khi các nhà đàm phán chuẩn bị đưa ra bản tuyên bố Anh-Trung về việc trao trả Hồng Kông, Đặng Tiểu Bình từng khẳng định : « Chúng tôi không đòi hỏi phải chấp nhận chế độ xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, chỉ cần yêu nước và yêu Hồng Kông ». Ba mươi bảy năm sau, Tập Cận Bình đưa ra một định nghĩa khác hẳn khi tuyên bố « chỉ có những người yêu nước mới được lãnh đạo Hồng Kông », mà yêu nước theo ông Tập là yêu đảng.

 

Les Echos cho rằng « cải cách » thể thức bầu cử là những cây đinh cuối cùng đóng vào chiếc quan tài dân chủ Hồng Kông. Nhà Trung Quốc học Lâm Hòa Lập (Willy Lam) nhận xét như vậy là « tất cả những gì còn lại của phong trào đối lập sẽ bị diệt trừ ». Một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh bình luận : « Những người biểu tình Hồng Kông đã làm hỏng mất đợt kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và nay Bắc Kinh muốn bảo đảm cho dịp 100 năm thành lập đảng Cộng Sản vào tháng Bảy ».

 

 

Tuổi trẻ Miến Điện, những người đến muộn với bàn tiệc dân chủ

Tại Đông Nam Á, Le Figaro phân tích « Phương Tây trước thử thách về cuộc khủng hoảng ở Rangoon ».

 

Trong không khí huyên náo và bụi bặm ở Rangoon, dưới lằn đạn của lực lượng an ninh, người biểu tình Miến Điện giơ cao những biểu ngữ bằng tiếng Anh kêu gọi cộng đồng quốc tế « Hãy cứu chúng tôi ! ». Họ chống đỡ bằng những chiếc khiên tạm bợ như can nhựa, để bảo vệ giấc mơ dân chủ. Những chiếc nón bảo hộ lao động của họ chẳng là gì cả trước một tập đoàn quân sự đã kiểm soát đất nước với bàn tay sắt gần nửa thế kỷ, và đã sát hại trên 50 thường dân kể từ vụ đảo chính ngày 01/02.

 

Nhưng người biểu tình vẫn bám vào hy vọng được phương Tây ủng hộ. Một người trẻ kêu gọi : « Chúng tôi không bạo động, và đang chờ đợi cộng đồng quốc tế hành động ». Từ Rangoon đến Mandalay, nhiều người mong mỏi một sự « can thiệp quân sự » của Liên Hiệp Quốc, thậm chí Hoa Kỳ để tái lập dân chủ.

 

Các nhà ngoại giao tại chỗ lắng nghe những lời kêu gọi này với sự bối rối thấy rõ, không dám nói ra rằng cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn Washington đều không sẵn sàng can dự. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định « Chúng tôi ở bên các bạn », nhưng các tweet không có sức nặng trước vũ lực. Cảnh cáo, trừng phạt những con người cụ thể, đó là những gì mà nước Mỹ và châu Âu có thể làm được trong năm 2021 để ủng hộ nền dân chủ mong manh ở châu Á.

 

Tuổi trẻ Miến Điện có nguy cơ thiệt mạng dưới lằn đạn, hoặc đến lúc nào đó sẽ bị kiệt lực. Cứ như là họ đến quá trễ với bàn tiệc dân chủ trong thế kỷ 21, bị những khách mời phương Tây đã no đủ làm ngơ vì đang chìm đắm trong những vấn đề nội tại, không còn sức bật để bảo vệ các giá trị tại khu vực là lá phổi kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng Miến Điện bộc lộ xu hướng thế giới năm 2021 : một hành tinh không lãnh đạo, bị các chế độ dân chủ phương Tây bỏ rơi trước những vấn nạn nội bộ, hoặc đang xuống dốc.

 

 

Khủng hoảng Miến Điện, thử thách cho các nền dân chủ phương Tây

Đối mặt với phương Tây là các cường quốc độc tài, dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc và Nga, nên họ không thể đóng vai nhà hòa giải hoặc đáp ứng khát vọng tự do của một thế hệ mới ở Đông Nam Á. Bị tê liệt vì đại dịch Covid và chủ nghĩa dân túy, công luận Pháp, châu Âu và Mỹ không còn tâm trí nào trước hình ảnh những thân xác ngã xuống mặt đường Rangoon. Cái chết của một thiếu nữ 19 tuổi đòi hỏi những giá trị Montesquieu trong không khí nóng ẩm Miến Điện chỉ là ngọn lửa rơm trong dòng tin thời sự, giữa những loan báo của chính phủ về phong tỏa.

 

Trung Quốc và Nga vốn bị ám ảnh bởi sự ổn định, không mong muốn có vụ đảo chính, nhưng cũng không phản đối để tránh dấy lên xu hướng dân chủ trong nước. Tập Cận Bình thẳng tay đè bẹp Hồng Kông, Vladimir Putin bỏ tù Alexei Navalny. Còn các láng giềng ASEAN thì bối rối không dám đả kích tập đoàn quân sự vừa chấm dứt một thập niên dân chủ hóa. Một người biểu tình trẻ sáng suốt nhận ra: « Trên thực tế, chúng tôi chỉ có thể trông cậy vào chính mình mà thôi ». Phong trào bất tuân dân sự có được sự hỗ trợ của công nghệ mới và lòng dân, nhưng không tìm ra được chiến lược và một nhà lãnh đạo.

 

Cuộc khủng hoảng Miến Điện là thử nghiệm cho cộng đồng quốc tế đang chia rẽ hơn bao giờ hết, vào lúc xung đột Mỹ-Trung đang lên cao, với chiến trường chính là Châu Á-Thái Bình Dương, với ASEAN ở trung tâm. Theo Le Figaro, các chế độ dân chủ cần chứng tỏ quyết tâm và tính sáng tạo để áp đặt đối thoại chính trị ở Miến Điện. Một sự thất bại sẽ khiến đất nước 54 triệu dân rơi vào cô lập, không còn hy vọng phát triển, quân đội Miến Điện phải đối đầu với Trung Quốc hung hăng đang tìm kiếm lối ra Ấn Độ Dương.

 

Những cây sồi 200 tuổi cho tháp chuông Nhà thờ Đức Bà

 

Tại khu rừng Bercé ở vùng Sarthe, tám cây sồi 200 tuổi đầu tiên đã được chọn để dựng lại tháp nhọn hình mũi tên của Nhà thờ Đức Bà (Notre Dame) ở Paris bị thiêu hủy trong vụ hỏa hoạn lịch sử. La Croix cho biết hôm thứ Sáu 05/03, bộ trưởng Văn Hóa Roselyne Bachelot, bộ trưởng Nông Nghiệp Julien Denormandie, tướng Jean-Louis Georgelin, người phụ trách cơ quan tái thiết Notre Dame cùng với các kiến trúc sư đã đến tận nơi chứng kiến sự kiện này. Trước đó một thiết bị không người lái và mô hình 3D đã được sử dụng để tuyển lựa những cây cổ thụ đúng chuẩn.

 

Rừng Bercé nằm trong số những khu rừng đẹp nhất nước Pháp, đã có 14 thế hệ « tiều phu » thay nhau chăm sóc. Để dựng lại tháp nhọn và các khung sườn, cần phải đốn hạ 1.000 cây sồi trên cả nước từ nay đến cuối tháng Ba, rồi sấy khô 12 đến 18 tháng để sẵn sàng vào cuối 2022. Những cây sồi cổ thụ này được lấy từ các khu rừng do Nhà nước sở hữu lẫn tư nhân. Bertrand Servois, chủ một khu rừng ở vùng Cher lấy làm vinh hạnh được tặng cho Notre Dame năm cây sồi « do ông sơ của tôi trồng từ năm 1880 mà chẳng biết để làm gì ».

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats